Thursday 10 September 2020

ĐỒNG TÂM : CARL THAYER NÓI 'ĐẢNG CSVN CẦN XÉT LẠI CHIẾN LƯỢC TRUYỀN THÔNG NHÀ NƯỚC' (Tina Hà Giang - BBC)

 


Đồng Tâm: Carl Thayer nói 'Đảng CSVN cần xét lại chiến lược truyền thông của nhà nước' 

Tina Hà Giang

BBC News Tiếng Việt

10 tháng 9 2020, 13:07 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54098193

 


Từ Úc, GS Carl Thayer nhận định rằng vụ án Đồng Tâm có thể khiến chính phủ Việt Nam phải xem xét lại các tiêu chuẩn về quy trình hoạt động và chiến thuật sử dụng vũ lực của cảnh sát và nhân viên an ninh.

Ông cũng nêu ''quan ngại nghiêm trọng'' là phiên xử đang diễn ra không tự do và công bằng.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/15C52/production/_114307198_carlthayercknh.png

GS Carl Thayer  &  cụ Lê Đình Kình

 

Và quan trọng hơn, GS Carl Thayer cho là đảng CSVN sẽ cần phải xem xét lại chiến lược thông tin và truyền thông của nhà nước, khi người dân biểu tình đòi đất được mô tả trên các phương tiện truyền thông Việt Nam là "những kẻ bạo loạn và khủng bố".

 

GS Carl Thayer: Phiên tòa xét xử Đồng Tâm dự kiến kéo dài mười ngày và quá trình tiến hành cho đến nay đã làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng rằng phiên xử sẽ không tự do và công bằng.

 

Ba bị cáo với khuôn mặt bầm tím đã xuất hiện trên kênh truyền hình quốc gia vào ngày 13/1 để thú nhận rằng họ đã tàng trữ bom xăng và vũ khí tự chế. Các nhóm nhân quyền và xã hội dân sự cho rằng những lời thú tội của họ là do bị ép cung. Các viên chức chính quyền đã xóa khỏi phương tiện truyền thông xã hội các tài liệu như video và bình luận có nội dung chỉ trích cảnh sát liên quan đến cái chết của cụ Lê Đình Kình.

 

Các luật sư bào chữa và thân nhân đều nói rằng họ đã bị cảnh sát ngăn cản không cho gặp bị cáo. Các thành viên trong gia đình không được phép vào tòa án để theo dõi phiên tòa. Ít nhất mười chín bị cáo cho biết họ đã bị cảnh sát đánh đập khi bị giam giữ trước khi xét xử. Các luật sư bào chữa cũng cáo buộc rằng phía công tố đã không cung cấp bằng chứng trước khi xúc tiến thủ tục tố tụng và khúc phim thú tội nói trên đã được đưa ra trước tòa sự bất lợi của thân chủ của họ.

 

Vụ án Đồng Tâm là một trường hợp nổi bật, vì đây là một trong những vụ tranh chấp đất đai gay gắt và kéo dài nhất ở Việt Nam. Tranh chấp đó đã kết thúc khi 3.000 cảnh sát và nhân viên an ninh kết hợp tấn công vào làng Đồng Tâm trong một sáng sớm. Điều này đã gây ra phản ứng dữ dội của dân làng. Tuy nhiên, có vẻ thủ tục tòa án hiện nay sẽ không xét đến việc liệu cảnh sát có sử dụng vũ lực quá mức như một tình tiết giảm nhẹ tội cho bị cáo hay không.

 

.

BBC: Theo giáo sư thì chính quyền Việt Nam nên cân nhắc những gì trong việc kết án các bị cáo trong phiên tòa này? Và bản án tử hình với một số bị cáo sẽ tạo phản ứng gì cho dư luận cả trong và ngoài nước?

 

GS Carl Thayer: Phiên tòa ở Đồng Tâm đặc biệt vì ba cảnh sát và một cụ già đã bị giết trong cuộc đụng độ với dân làng vào ngày 9/1. Ba cảnh sát được cho là đã bị thiệt mạng do một vụ đánh bom xăng. Đây là một cáo buộc hết sức nghiêm trọng. Ngoài ra, cảnh sát cũng buộc tội một số bị cáo đã gây ra cái chết của cụ Kình, trong khi các đồng bị cáo đồng khẳng định mạnh mẽ là cụ Lê Đình Kình đã bị cảnh sát bắn.

 

Ba công an tử nạn đã được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng truy tặng Huân chương Chiến công, và được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự tang lễ.

 

Ngày 25/6, Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội ra cáo trạng với 29 người về vai trò của họ trong vụ đối đầu bạo lực ngày 9/1. Ba bị cáo bị buộc tội giết người, hai mươi hai bị cáo buộc đồng phạm với tội giết người, trong khi bốn người còn lại bị buộc tội cản trở cảnh sát thi hành công vụ.

 

Thường thì trong các vụ án đáng chú ý, hệ thống tư pháp Việt Nam đưa ra mức độ khoan hồng cho những bị cáo nhận tội. Nó cũng đưa ra các bản án nghiêm khắc cho một số cá nhân bị đánh giá là đáng trách nhất, và đưa ra một loạt các mức án nhẹ hơn cho các bị cáo còn lại. Phiên tòa xét xử Đồng Tâm phản ánh khuynh hướng này.

 

Hôm 8/9, 11 bị cáo đã thú nhận trước tòa về việc họ tham gia vào cuộc biểu tình bạo lực. Bốn trong số các bị cáo bị truy tố tội cản trở công an đã nhận tội, tỏ ra ăn năn và xin khoan hồng. Ba bị cáo khác thừa nhận tội ném đá, bom xăng và bắn pháo bông vào cảnh sát, trong khi bốn bị cáo khác thừa nhận có hành vi bạo lực và xin được tha thứ.

Hôm 9/9, ngày thứ ba của phiên tòa, công tố viên đã đề nghị án tử hình cho hai trong số các bị cáo vì tội giết ba cảnh sát và một bị cáo thứ ba bị tuyên án chung thân. Các công tố viên cũng kêu gọi các bị cáo khác phải chịu mức án tù từ mười tám tháng đến mười tám năm.

 

.

BBC: Theo ông thì vụ án này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các cuộc tranh chấp đất trong tương lai, và nó ảnh hưởng thế nào đến cái nhìn của người dân về chính phủ Việt Nam qua cái chết của cụ Lê Đình Kình?

 

GS Carl Thayer: Đảng Cộng sản Việt Nam luôn rất quan tâm đến các cuộc biểu tình đòi đất vì chúng có thể làm suy yếu tính hợp pháp của chính quyền, đặc biệt là ở cấp địa phương. Vụ án Đồng Tâm sẽ dẫn đến việc giám sát và kiểm soát từ trên xuống nhiều hơn khi các cuộc biểu tình về đất đai bắt đầu nổ ra. Vụ án Đồng Tâm cũng có thể khiến chính phủ phải xem xét lại các tiêu chuẩn về quy trình hoạt động và chiến thuật sử dụng vũ lực của cảnh sát và nhân viên an ninh.

 

Ngoài ra, đảng CSVN sẽ cần phải xem xét lại chiến lược thông tin và truyền thông của nhà nước khi nững người dân biểu tình đòi đất được mô tả trên các phương tiện truyền thông Việt Nam là "những kẻ bạo loạn và khủng bố".

 

Cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi, người bị giết, là một cán bộ địa phương nghỉ hưu, đã lãnh đạo các cuộc biểu tình đòi đất vào năm 2017. Vì có địa vị trong làng, nên cụ Kình đã trở thành một người bênh vực nổi tiếng cho những người dân bị khốn khổ cảm thấy bị lừa mất đất mà họ cho là thuộc về mình. Ban đầu, các quan chức địa phương tuyên bố cụ Kình chết trong nhà của mình vào ngày 9/1 với một quả lựu đạn trên tay. Tuy nhiên, một video đang lưu hành được gia đình và bạn bè của cụ Kình cho xem, cho thấy là cụ có các vết đạn trên người. Chính quyền địa phương sau đó buộc tội con trai của cụ Kình và hai cháu trai của cụ tội giết người.

 

Những người Việt Nam thông thạo tin tức đều biết rằng các cuộc biểu tình về đất đai thường do chính quyền địa phương kích động vì lợi ích tài chính của họ. Trừ khi các quan chức địa phương bị khiển trách hoặc trừng phạt vì những hành động này, giới tinh hoa của Việt Nam sẽ ngày càng hoài nghi và chế nhạo tính trung thực của các cơ quan thông tin và truyền thông chính thức của nhà nước trong việc tường trình các diễn biến.

 

                                                      ***

 

Tin liên quan

.

Vụ Đồng Tâm: Đã đến lúc nhà nước VN làm 'cách mạng lại' về đất đai?

8 tháng 9 năm 2020

.

Vụ án Đồng Tâm gây tâm lý 'sợ hãi, bất lực' trong giới trẻ Việt Nam

9 tháng 9 năm 2020

.

Ông Nguyễn Đức Chung là 'mắt xích quan trọng' trong vụ Đồng Tâm?

8 tháng 9 năm 2020

.

Đồng Tâm: VKSND Hà Nội đề nghị tử hình hai ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức

9 tháng 9 năm 2020

.

TRỰC TIẾPXử án Đồng Tâm: Tranh cãi tại tòa và trên mạng xã hội

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats