Wednesday, 9 September 2020

ĐỌC LẠI "BẢN KẾT LUẬN ĐIỀU TRA VỤ ÁN HÌNH SỰ, ĐỀ NGHỊ TRUY TỐ" về vụ ĐỒNG TÂM (Mạnh Kim)

 


Đọc lại “Bản kết luận điều tra vụ án hình sự, đề nghị truy tố” (về vụ Đồng Tâm)    

Manh Kim

07/09/2020  lúc 18:07  

https://www.facebook.com/nguyen.manhkim/posts/10159687139224796

 

Biên bản 47 trang này, đề ngày 5-6-2020, có thể được xem là tài liệu “gốc” và “chính thức” liên quan vụ án Đồng Tâm vì nó là “cơ sở” cho cáo trạng cũng như là nguồn cho báo chí. Thực chất các báo chỉ “lấy tin” và “điều tra” vụ việc dựa vào nguồn này, nếu không nói báo chí chỉ đơn giản “xào nấu” và “luộc lại” từ những gì được viết trong đó. “Bản kết luận” dày đặc tình tiết nhưng điều căn bản nhất cho một biên bản điều tra hình sự là chứng nhân thì “bản kết luận” – thuật lại các diễn tiến bằng ngôn ngữ cụ thể hóa như một kịch bản điện ảnh – không hề đưa ra bất kỳ dòng nào liên quan nhân chứng, để giúp cho thấy bản kết luận không phải là một biên bản ngụy dựng với mục đích duy nhất kết tội cho bằng được các "bị cáo”.

 

Toàn bộ “bản kết luận” được viết theo cách quy chụp. Những chi tiết liên quan diễn tiến các sự việc cụ thể, chẳng hạn việc “phá” phiên họp ngày 28-6-2018 tại Hội trường UBND xã Đồng Tâm của nhóm “bị cáo”, được kể tỉ mỉ bằng thứ văn nói, hơn là một biên bản điều tra nghiêm túc, như thể câu chuyện được “tường thuật trực tiếp từ hiện trường”. Trong đó, có những đoạn, “Công chửi ông Hoàng Thanh Hương – chủ tịch UBND xã Đồng Tâm: “Thằng chủ tịch mù chữ, thằng cầy hương”; Tuyển chửi: “Đ. mẹ mày…; Lê Đình Quang dùng mũ cối đập xuống bàn chửi: “Thằng Hương Tơ, đ. mẹ mày…”.

 

Phần thuật lại các sự kiện ngày 15-4-2018 tại nhà văn hóa thôn Hoành; hoặc sự kiện ngày 3-12-2018 tại hội trường UBND xã Đồng Tâm… cũng được miêu tả theo “văn phong” tương tự, trong đó các “đối tượng” luôn hung hăng; và những câu chửi bới của họ được ghi lại như thể chúng được ghi âm và chép lại (“Bản kết luận”, trang 4). Ai chứng kiến những “hành vi” quá khích trên và nhân chứng nào thuật lại từng từ, từng câu như vậy? Với sự “hung hăng” và “quá khích” của nhóm “đối tượng”, thế mà các “đồng chí cán bộ” không quay chụp lại để làm bằng chứng thì thật lạ. Nếu có, tại sao không đưa ra, hay tất cả chỉ trò tưởng tượng của các “đồng chí” “kịch tác gia” khi soạn “bản kết luận”?

 

Phải nói “bản kết luận” rất sặc mùi một kịch bản điện ảnh phim hình sự do “điện ảnh công an” sản xuất. Nhóm “kịch tác gia” soạn những câu “thoại” rất tỉ mỉ cho từng “phân cảnh”. Liên quan vụ nhóm “đối tượng” chuẩn bị mua lựu đạn, “bản kết luận” (trang 8) kể: “Công nói với Tiến “Mạ” và Phượng về việc góp tiền mua lựu đạn. Lúc sau Tiến “Mạ” nói với Kim: “mẹ mày có tiền đưa cho tao mượn 1 triệu, mấy hôm nữa có tiền tao trả”. Kim hỏi: “Mượn để làm gì”, Tiến “mạ” nói: “Đưa cho anh Công để đi mua mìn, lựu đạn”, đồng thời Phượng nói xen vào: “Gái ơi có tiền cho tôi vay 1 triệu đưa cho anh Công mua mìn”. Kim nói: “Tiền tôi có nhưng tôi còn phải đi chợ, lúc nào có nhớ trả cho tôi”. Sau đó, Kim đi vào trong buồng ngủ mở tủ lấy 02 triệu đồng (gồm 4 tờ mệnh giá 500.000 đồng) đưa cho Tiến…”. Đây thật sự là một “đoạn phim” có thể nói là một trong những “cảnh” “hấp dẫn” nhất trong toàn bộ “kịch bản”, và là “bằng chứng” không thể “hùng hồn” hơn trong việc cáo buộc “hành vi cấu thành tội ác” của nhóm “đối tượng”.

 

Liên quan vụ mua lựu đạn, “bản kết luận” cho biết:

 

“Tiến “Mạ” lên mạng internet tìm mua lựu đạn và liên lạc qua điện thoại (Tiến “Mạ” không nhớ được số điện thoại) với một người đàn ông (không xác định được nhân thân lai lịch, không gặp mặt trực tiếp). Người này đồng ý bán cho Tiến “Mạ” 10 quả lựu đạn với giá 30 triệu đồng. Sau khi liên lạc qua điện thoại, Tiến “Mạ” đã nhận được từ một người đàn ông mặc quần áo của hãng xe ôm công nghệ Grab (không xác định được nhân thân lai lịch; Tiến không nhớ đặc điểm, phương tiện cụ thể của người này) 10 quả chia làm 2 lần (lần 1 là 6 quả, lần 2 là 4 quả) đựng trong 1 túi nylon màu đen…” (“Bản kết luận”, trang 8).

 

Với “trình độ nghiệp vụ” và “bề dày phá án” của ngành công an mà “không xác định được nhân thân lai lịch” của người bán lựu đạn cũng như người giao hàng thì chi tiết “mua lựu đạn” có bao nhiêu phần trăm sự thật? Tương tự, ở đoạn kể về việc nhóm “đối tượng” mua pháo, “bản kết luận” (trang 9) cũng ghi: “Tuyển “cụt” đi mua được khoảng 03 hộp pháo và khoảng 06 quả pháo để ở nhà Lê Đình Chức (không xác định được người bán, địa chỉ bán)…”. Một lần nữa, vụ mua pháo có hay không? Lý do gì khiến “cản trở” công an không tìm ra được “người bán pháo”?

 

Không chỉ ngành điều tra công an, ngành giám định dường như cũng có “vấn đề”. Liên quan vết thương của “đối tượng” Bùi Viết Hiếu, “bản kết luận” (trang 46) ghi:

 

“Đối với thương tích của Bùi Viết Hiếu, quá trình bắt quả tang Bùi Viết Hiếu (“bắt quả tang” – nhấn mạnh, MK) bị thương ở vùng bụng và vùng bàn chân phải, Cơ quan điều tra đã đưa Hiếu đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông và Bệnh viện Quân y 103-Bộ Quốc phòng khám, điều trị, phát hiện có 03 dị vật kích thước 0,1-0,5 cm. Bản thân Hiếu khai nhận không bị đạn bắn mà chỉ xác định được lúc ngồi trong phòng ngủ nhà Kình thì phát hiện có máu chảy ở vùng bụng và chân. Quá trình điều tra xác định, các vết thương của Hiếu không phải do đầu đạn bắn gây nên, không xác định cơ chế hình thành đối với 03 dị vật trên nên không có căn cứ xác minh, xử lý tiếp”.

 

“Kết luận” như thế này cho thấy gì? Hoặc trình độ nhân viên giám định kém, hay chỉ có thể là công an tìm cách chạy tội việc bắn Bùi Viết Hiếu? Ngoài ra, trong tất cả chi tiết vô lý được thuật trong “bản kết luận” thì vụ đổ xăng thiêu cháy “ba đồng chí công an” là chi tiết “rùng rợn” nhất cho thấy “tội ác kinh khủng nhất” nhưng được “dựng” kém nhất vì nó hoàn toàn phản khoa học. “Bản kết luận” (trang 14) ghi:

 

“Khi thấy lửa chuẩn bị tắt, Chức cầm can xăng đổ ra chậu và đổ nhiều lần xuống hố làm lửa bùng cháy lớn, vừa đổ vừa nói: “Cho chết mẹ mày đi”. Hải ngồi cạnh Chức nói: “Thơm nhở”… (Đối tượng) Doanh sau khi đẩy chậu xăng xuống hố thì chạy xuống… và nhìn thấy Chức dùng chậu đổ 3-5 lần xuống hố, cứ 3-5 phút thì đổ một lần… Khi thấy Chức đang cầm chậu nhựa đựng xăng để tiếp tục đổ xuống hố… thì 01 thành viên trong Tổ công tác… bắn 02 phát về phía Chức khiến chậu xăng bị hất tung và Chức bị thương ở đầu, lăn vào trong…”.

 

Làm thế nào mà một thứ nhiên liệu bén lửa cực nhanh như xăng lại có thể “để” Chức đổ xăng (nhiều lần) xuống hố thiêu đến chết ba người bên dưới mà bản thân Chức không hề hấn gì? Làm thế nào hai phát đạn bắn Chức “khiến chậu xăng bị hất tung” lại không gây bén lửa thành đám cháy thiêu sống Chức mà chỉ khiến Chức “bị thương ở đầu”?

 

********

 

Tường thuật của tất cả các báo về phiên xử đầu tiên 29 người liên quan “vụ án Đồng Tâm” ngày 7-9-2020 một lần nữa đã nhắc lại vài tình tiết trên để chứng minh các “bị cáo” thật sự gây tội ác và phải bị trừng trị. Phản ứng dư luận về vụ án không cần nhắc lại. Sự phẫn nộ và tức giận không cần nhắc lại. Sự chỉ trích hệ thống tư pháp không cần nhắc lại. Một cách ngắn gọn, những gì cáo buộc và cách thức cáo buộc những người liên quan chỉ có thể được miêu tả bằng hai từ: “Thơm nhở”! Vâng, cực kỳ “thơm nhở”!

 

Xem tài liệu cuối trang : https://www.facebook.com/nguyen.manhkim/posts/10159687139224796

 

89 BÌNH LUẬN  

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats