Tuesday, 1 September 2020

NHÀ VĂN HÓA VIỆT NAM Ở POMONA ĐÓNG CỬA, BÀ CHỦ TỊCH AO ƯỚC ĐƯA CỔ VẬT VỀ ORANGE COUNTY (Thiện Lê / Người Việt)

 


Sep 1, 2020

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/cong-dong/nha-van-hoa-viet-nam-o-pomona-dong-cua-ba-chu-tich-ao-uoc-dua-co-vat-ve-orange-county/

 

POMONA, California (NV) – Sau nhiều năm gìn giữ nhiều di tích lịch sử của quê hương, Nhà Văn Hóa Việt Nam ở Pomona phải đóng cửa vì bà chủ tịch không thể tiếp tục công việc được nữa, nhưng ao ước được đưa các cổ vật xuống Orange County để gần cộng đồng Việt Nam hơn.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/08/DP-Nha-Van-Hoa-Viet-Nam-1-1536x905.jpg

Nhà Văn Hóa Việt Nam triển lãm thuyền tị nạn ở San Jose, California. (Hình: Empire Printing cung cấp)

 

Theo bà Madalena Lài, chủ tịch Nhà Văn Hóa Việt Nam, nơi này được thành lập vào năm 1995, có nhiều đồ cổ, kỷ vật rất quý giá như Chùa Một Cột, chiếc thuyền của người Việt Nam tị nạn và khoảng 200 tấm hình của các thuyền nhân, cũng như hình tại các trại tị nạn. Một số đồ cổ bà Lài phải xin từ Việt Nam mang qua Mỹ.

 

“Tôi muốn giữ lại thứ gì có giá trị cho cộng đồng Việt Nam và muốn thế hệ mai sau hiểu biết tại sao đất nước mình lại ra như vậy, lại khiến nhiều người bỏ quê hương ra đi,” bà Lài nói về lý do mở nhà văn hóa.

 

Nói với nhật báo Người Việt về lý do đóng cửa nhà văn hóa, bà Lài cho hay: “Năm nay tôi 80 tuổi rồi, nên đau yếu, hay đi nhà thương, không có khả năng làm việc nữa. Đây là nhà văn hóa rộng 4,000 sq ft nên tiền bạc tôi cũng không lo nổi nữa. Tôi hy vọng có người thay thế, nhưng đến giờ thì không ai lo nữa nên tôi quyết định đóng cửa.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/08/DP-Nha-Van-Hoa-Viet-Nam-2-1536x1039.jpg

Cảnh đưa Chùa Một Cột đến Nhà Văn Hóa Việt Nam hồi năm 1998. (Hình: Empire Printing cung cấp)

 

Bà kể, ban đầu chưa có ý định đóng nhà văn hóa hoàn toàn, nên đưa đồ về nhà kho để tìm chỗ làm tiếp và đang có ý định dời nhà văn hóa xuống Orange County, nơi có Little Saigon.

 

Sau đó, vì các lý do sức khỏe và tiền bạc nói trên, bà không làm được nữa, quyết định đóng nhà văn hóa và đang liên lạc với nhiều hội đoàn của cộng đồng Việt Nam hải ngoại để tặng các đồ quý trong nhà văn hóa.

 

Vì đã hoạt động 25 năm, Nhà Văn Hóa Việt Nam để lại cho bà Lài nhiều kỷ niệm.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/08/DP-Nha-Van-Hoa-Viet-Nam-3-1536x1034.jpg

Nhà Văn Hóa Việt Nam triển lãm thuyền tị nạn ở New York. (Hình: Empire Printing cung cấp)

 

Bà chia sẻ một số kỷ niệm: “Từ năm 2000 đến 2015, tôi đưa thuyền tị nạn đi triển lãm khắp 50 tiểu bang của Hoa Kỳ. Đi đến tiểu bang nào thì đều có thống đốc ra đón. Ngoài ra, tôi rất mừng vì các buổi triển lãm của mình có giá trị vì ít nhất là cũng có khoảng 1,500 người đến xem. Những buổi triển lãm đông người thì có khoảng 30,000 người đến xem. Có bao giờ mà người đến xem các triển lãm Việt Nam đông như vậy?”

 

Không chỉ đi khắp Hoa Kỳ thôi, bà Lài còn đưa thuyền tị nạn đi triển lãm khắp Canada. Tại các buổi triển lãm ở cả hai nước, bà rất xúc động vì thấy có một số người không cầm được nước mắt khi đi quanh chiếc thuyền.

 

Trong những năm làm chủ tịch Nhà Văn Hóa Việt Nam, bà cũng gặp nhiều khó khăn.

Theo bà, một trong những khó khăn lớn nhất là giải thích cho những người nước ngoài đến xem về lịch sử Việt Nam, để họ biết được giá trị lịch sử và văn hóa cũng những thứ được trưng bày.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/08/DP-Nha-Van-Hoa-Viet-Nam-4-1536x972.jpg

Xe hoa hình dáng chim Lạc Việt và trống đồng ở Rose Parade, California, năm 2002. (Hình: Empire Printing cung cấp)

 

“Một khó khăn nữa là chúng tôi hay bị Việt Cộng quậy phá. Đi đến tiểu bang nào cũng đều bị quậy phá hết. Tôi nhớ từng gặp một anh chàng kia khoảng 30 tuổi. Anh ta làm dữ lắm, còn hỏi tại sao lại để hình ở đây và nói người ta đâu có làm gì sai đâu. Ngoài vụ đó, chúng tôi cũng bị quậy phá nhiều lần nữa, nhưng quậy chỗ này thì mình mướn chỗ khác thôi,” bà kể.

 

Sau khi quyết định đóng cửa Nhà Văn Hóa Việt Nam, bà Lài đang hy vọng các hội đoàn Việt Nam sẽ liên lạc với bà về việc muốn xin lại các cổ vật.

 

“Tôi không biết người nào có lòng để tặng, nhưng tôi sẵn sàng tặng lại cho những người có điều kiện chưng các món đồ này,” bà nói.

 

Một điều đang làm bà Lài lo ngại là không biết các hội đoàn có đủ chỗ để trưng bày các cổ vật của Nhà Văn Hóa Việt Nam không. Bà cho hay nơi này có diện tích 4,000 sq ft mới đủ chỗ để hết.

 

Thêm một điều đang làm bà lo ngại nữa là chưa có hội đoàn nào trong cộng đồng Việt Nam liên lạc với mình về chuyện xin các cổ vật. Bà cũng cho biết từng liên lạc với một số dân cử gốc Việt để nhờ họ giúp đỡ, nhưng không thành công.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/08/DP-Nha-Van-Hoa-Viet-Nam-5-1536x1021.jpg

Bà Madalena Lài (thứ ba, từ phải) và trống đồng tại Nhà Văn Hóa Việt Nam. (Hình: Empire Printing cung cấp)

 

Bà cho biết: “Cộng đồng lớn như vậy, nhưng chưa để lại được gì lớn cho quê hương hay cho dân tộc. Họ nghĩ chỉ chụp vài tấm hình để lại là xong. Tôi muốn mở Nhà Văn Hóa Việt Nam và triển lãm nhiều như vậy để cho thế giới biết đến lịch sử Việt Nam. Vì vậy, tôi nghĩ mở nhà văn hóa ở Orange County sẽ có ích cho cộng đồng hơn.”

 

Vì vậy, bà nhắc lại đang ao ước được trưng bày các cổ vật này cho cộng đồng Việt Nam thấy được lịch sử, cho thế hệ mai sau biết được quá khứ của đất nước, biết được điều gì làm nhiều người bỏ quê nhà ra đi. [kn]

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats