Thursday, 10 September 2020

NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN VÀ QUỐC GIA THƯỢNG ĐẲNG (Trần Văn Thọ)

 


NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN VÀ QUỐC GIA THƯỢNG ĐẲNG    

Trần Văn Thọ

05:02  10/09/2020    

https://www.facebook.com/tran.vantho.90226/posts/364339324951769

 

“Quốc gia thượng đẳng” là một cụm từ mà các sĩ phu và lãnh đạo chính trị thời Minh Trị Duy tân thường dùng để làm mục tiêu đưa Nhật Bản trở thành một đất nước văn minh. Nhiều người thường nghĩ Nhật Bản từ cuối thế kỷ 19 đưa khẩu hiệu “theo kịp và vượt các nước tiên tiến phương Tây” bằng nỗ lực “phú quốc cường binh”, bằng phát triển kinh tế. Nhưng không phải chỉ có vậy mà hơn thế nữa. Họ luôn ý thức những tiêu chí về văn hóa, luật pháp và những giá trị phổ quát của một nước văn minh và cố gắng đạt cho được để được thế giới công nhận là một quốc gia thượng đẳng.

 

Dưới đây tôi sẽ kể hai câu chuyện. Chuyện thứ nhất cho thấy lãnh đạo thời Minh Trị đã quyết bảo vệ luật pháp mà họ đã ban hành, quyết theo tinh thần thượng tôn pháp luật để thế giới kinh nể. Chuyện thứ hai liên quan đến thái độ đổi xử với tù binh, tôn trọng các giá trị phổ quát được quy định trong Hiệp ước Hague.

 

Câu chuyện thượng tôn pháp luật:

 

Cách mạng tháng 10 năm 1917 đã lật đổ đế chế Nga và Nicholas Đệ nhị (Tsar Nicholas II, 1868-1918) , ông vua cuối cùng của đế chế, bị tử hình. Đây là sự kiện lịch sử nổi tiếng. Nhưng Nicholas Đệ nhị khi còn là hoàng thái tử đã đi thăm Nhật Bản và bị ám sát hụt tại đây đã trở thành sự kiện ngoại giao quan trọng đe doạ tiền đồ của một nước Nhật mới ở giai đoạn đầu của quá trình cận đại hoá là câu chuyện ít người biết đến.

 

Trong chuyến thăm chơi Nhật Bản, hoàng thái tử Nga đã bị ám sát hụt ngày 11/5/1891. Phạm nhân bị bắt. Rất may là hoàng thái tử chỉ bị thương nhẹ. Tuy nhiên đây là một sự xúc phạm nghiêm trọng đến một nước lớn và hùng mạnh vào thời đó. Dĩ nhiên là Nga rất tức giận và yêu cầu Nhật xử tử hình phạm nhân. Nhưng đối chiếu với lụật pháp của Nhật lúc đó (Điều 116 trong bộ luật hình pháp vừa mới ban hành năm 1882, mới 9 năm trước đó) thì tội phạm nầy mới bị tù chung thân chứ chưa đến mức phải tử hình.

 

Lãnh đạo Nhật phải đứng trước một sự lựa chọn khó khăn: Phải làm theo đòi hỏi của Nga hay là giữ vững tinh thần thượng tôn pháp luật, cương quyết bảo vệ uy quyền của cơ quan lập pháp. Làm theo yêu cầu của Nga là để giữ hoà hiếu với một nước Tây phương hùng mạnh (lúc đó Nga rất mạnh về quân sự, không ai trong và ngoài nước Nhật có thể tưởng tượng được rằng 13 năm sau đó một nước châu Á có thể chiến thắng một nước Tây phương lớn mạnh trong chiến tranh Nhật Nga), vì không khéo vấn đề nầy sẽ dẫn đến một cuộc xung đột quân sự trong thời đại mà nước lớn nào cũng tìm mọi cớ để xâm lấn nước yếu hơn, trong đó khả năng chiến thắng của Nhật là rất nhỏ. Nhưng theo chọn lựa đó thì Nhật sẽ phải hy sinh uy quyền của pháp luật nhà nước.

 

Đã có sự tranh luận sôi nổi trong chính phủ Nhật về sự chọn lựa giữa hai con đường. Phải nói thêm ở đây là các thành viên chính phủ thời đó ai cũng yêu nước, có tinh thần trách nhiệm trước dân tộc, sự chọn lựa nào cũng đứng trên lợi ích của dân tộc. Ito Hirobumi, Thủ tướng đầu tiên của Nhật, lúc đó là người đứng đầu Khu mật viện (cơ quan tư vấn tối cao của Thiên hoàng và chính phủ) và nhiều lãnh đạo khác chủ trương là Nhật nên làm theo yêu cầu của Nga. Người chủ trương sự lựa chọn ngược lại là Kojima Iken, Viện trưởng Đại thẩm viện (tương đương Bộ trưởng Tư pháp bây giờ). Kojima cho rằng Nhật phải cương quyết bảo vệ luật pháp của mình, nếu không thì còn ai sẽ xem Nhật là nước có chủ quyền và tinh thần thượng tôn pháp luật sẽ không bén rễ trong dân chúng, người Nhật sẽ dễ coi thường kỷ cương phép nước.

 

Cuối cùng giới lãnh đạo thấy ý kiến của Kojima là đúng, đã quyết định tuân thủ pháp luật hiện hành là không xử tử hình phạm nhân. Thay vào đó họ đã làm bằng lòng Nga bằng cách yêu cầu Minh Trị thiên hoàng tự mình đến Kyoto, nơi nghỉ của hoàng thái tử Nga, để trực tiếp xin lỗi, đồng thời Bộ trưởng Nội vụ và Bộ truởng Ngoại giao đã từ chức để lãnh chịu trách nhiệm về sự kiện đáng tiếc đã xảy ra.

 

Như vậy Nhật đã chọn một giải pháp khôn ngoan nhất để vừa giữ vững luật pháp vừa tránh được xung đột với một nước đương hùng mạnh. Sự chọn lựa đó đã làm cho thể giới nể trọng một đất nước mới ở trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển nhưng rất văn minh, biết tôn trọng những giá trị phổ biến của một xã hội hiện đại.

 

Cũng nhờ thái độ của Nhật trong sự kiện nầy mà các nước phương Tây đã phải đồng ý bãi bỏ hiệp ước bất bình đẳng mà họ ép Nhật phải ký trong các thập niên 1850 và 1860. Trong hiệp ước đó, Nhật mất chủ quyền trong nhiều lãnh vực như không có quyền tự trị về chính sách thuế quan, về việc xử người nước ngoài phạm tội tại đất nước mình, v.v.... Nhiều lần Nhật đã cố gắng thương lượng với phương Tây để bãi bỏ hiệp ước bất bình đẳng nầy nhưng lúc nào cũng bị Tây phương cho rằng Nhật còn quá non trẻ, chưa đủ khả năng của một nhà nước pháp trị. Thái độ của Nhật trong sự kiện trên đã làm cho Tây phương kính nể và chứng minh là Nhật hoàn toàn có tư cách của một nước có chủ quyền. Từ năm 1894 đến 1911, những hiệp ước bất bình đẳng với các nước phương Tây dần dần được bãi bỏ.

 

Đối xử tử tế với tù binh:

 

Sáng 11/5/2020 khi đọc báo tôi chú ý một chi tiết trên nhật báo Nhật Bản Kinh tế (Nikkei). Trong chiến tranh Nhật Nga (1904-1905), Nhật thắng trận, bắt 72.000 lính Nga làm tù binh. Số tù binh bị giữ tại 29 nơi trên khắp nước Nhật trước khi trao trả về nước họ. Gần đây tại Ivanovo, một địa phương ở phía tây nước Nga, Viện bảo tàng hương thôn cho biết họ nhận được 72 tấm ảnh từ cháu nội của một cựu tù binh trở về từ Nhật. Trong 72 tấm hình có 22 tấm chụp tại trại tù Hamadera gần Osaka. Những tấm ảnh nầy chụp chỗ ở trong trại tù, cảnh các y tá chắm sóc tù, có cả ảnh của tấm bia đá dựng gần khuôn viên trại tù để truy điệu những tù binh chết vì bị thương nặng. Hình ảnh Nhật Bản đối đãi tử tế với tù binh được giới nghiên cứu lịch sử cận đại chú ý. Sự kiện nầy được giải thích là Nhật đã tôn trọng Hiệp ước Hague, một hiệp ước quốc tế được ký kết năm 1899, trong đó các nước tham gia không được ngược đãi tù binh. Nhật Bản sau 40 năm Minh Trị Duy tân đã từng bước xây dựng một đất nước văn minh, tham gia bảo vệ các giá trị phổ quát của nhân loại.

 

Thượng tôn pháp luật và tôn trọng các giá trị phổ quát của nhân loại là điều kiện để trở thành một quốc gia thượng đẳng, một đất nước văn minh./.

 

96 BÌNH LUẬN  

 



 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats