Chủ Nhật, 09/06/2020 -
04:55 — nguyenngocgia
https://www.rfavietnam.com/node/6468
Trong vô số vụ việc tiêu
cực quan trọng cách đây hơn 10 năm, nổi lên vụ Nguyễn Trường Tô - Chủ tịch tỉnh
Hà Giang - không thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về công ty
Sông Lô, dù 11 lần nhận văn bản chỉ đạo từ Chính phủ [1]. Lúc bấy giờ nhiều ông
(bà) đại biểu Quốc hội quyết liệt chất vấn việc điều hành Chính phủ của Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng.
.
Ngỡ rằng đức trị
điều hành...
Đứng trước phiên chất vấn
của Quốc hội, ông Dũng nói [2]: "Tôi nhớ đồng chí Phạm Văn Đồng -
có lẽ làm thủ tướng lâu nhất - có lần nói chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào.
Hơn ba năm nay tôi làm thủ tướng cũng chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào, chắc
là cũng phải học theo đồng chí Phạm Văn Đồng. Trên tinh thần đó, rất mong cả hệ
thống chính trị của chúng ta có trách nhiệm cùng nhau, các đồng chí đứng đầu địa
phương mà nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ thì chúng ta cũng không mong muốn có kỷ
luật, có xử lý”.
Phát ngôn của ông Nguyễn
Tấn Dũng có vẻ mang đặc tính của đức trị.
Song song với việc coi
thường pháp luật vào lúc bấy giờ, vụ án quan chức CSVN tại Hà Giang mua dâm nữ
sinh có Nguyễn Trường Tô tham gia, đài RFA phỏng vấn ông ta [3] với nội dung
xoay quanh việc mua dâm và việc không thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Nguyễn
Trường Tô khinh mạn trả lời với sự cười cợt như biểu hiện tính chất "vua một
cõi".
Ngày 21 tháng Bảy năm
2010, Nguyễn Trường Tô bị đình chỉ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang.
Ngày 25 tháng Bảy năm
2010, Nguyễn Trường Tô bị khai trừ ra khỏi ĐCSVN
Ngày 28 tháng Bảy năm
2010, Nguyễn Trường Tô bị bãi nhiệm Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang và
chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.
Các mốc thời gian và sự
việc nói trên, do Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh Hà Giang và Hội đồng Nhân dân tỉnh
Hà Giang trực tiếp làm. Điều này cho thấy Nguyễn Trường Tô lui về vui thú điền
viên trong khu biệt thự sinh thái to tướng ở Hà Giang, không phải vì không thực
hiện chỉ đạo của đương kim Thủ tướng lúc bấy giờ, mà vì pháp trị hoàn toàn vắng
bóng. Tô thất bại cũng vì người CSVN không muốn để hình ảnh một đảng viên cấp
cao bị hành vi mua dâm trẻ vị thành niên làm hoen ố. Đó lại là chiếc áo đạo đức
giả khoác bên ngoài mang tên đức trị (!).
Ông Nguyễn Tấn Dũng lui về
làm người tử tế như ông ta tự nhận nhưng sự hỗn độn và bát nháo ngay trong nội
bộ của nhà cầm quyền CSVN vẫn vẹn nguyên như đã từng như vậy, với hàng loạt
"tai to mặt lớn" từ Ủy viên Bộ Chính trị đến Ủy viên trung ương đảng
và nhiều tướng tá quân đội - công an đối diện với nhà tù.
Những án tù vẫn không
giúp người dân quên đi hàng chục ngàn tỷ đồng không bao giờ có thể thu hồi và
người dân vẫn dưới góc nhìn, nhiều mũi dùi cố gắng chĩa thẳng vào cá nhân ông
Nguyễn Tấn Dũng - vốn bị coi là nơi xuất phát làm tham nhũng ngập tràn.
Ban Chỉ đạo phòng chống
tham nhũng (BCĐPCTN) thay đổi bằng quyết định số 162-QĐ/TW ban hành ngày 01
tháng Hai năm 2013 do ông Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban, trong khi dưới thời
ông Nguyễn Tấn Dũng, BCĐPCTN do chủ tịch địa phương làm trưởng ban. Sự thay đổi
này cứ ngỡ gieo vào lòng dân cái gọi là "quyết tâm chính trị" để làm
trong sạch đội ngũ đảng viên, cũng như chứng tỏ bản chất người CSVN chỉ duy cống
hiến, hy sinh và hết lòng phụng sự dân tộc, tổ quốc.
Tuy nhiên, hầu hết dư luận
đều nhìn nhận đó vẫn là đòn tranh quyền đoạt bính giữa các phe nhóm trong nội bộ
cấp cao của đảng với việc bắt giữ ông Nguyễn Đức Chung mới đây, cho thấy pháp
trị cũng hoàn toàn biến mất bằng những thủ tục tố tụng hình sự bị vi phạm
nghiêm trọng như: tạm giam người không minh bạch, khám nhà ban đêm và không có
mặt đương sự.
Nguyễn Đức Chung bị bắt
vào ngày 28 tháng Tám năm 2020 thì ngày 26 tháng Tám năm 2020 báo chí cũng cho
hay Nguyễn Thanh Nghị và những người CSVN cấp cao tại tỉnh Kiên Giang bị kiểm
điểm theo kết luận Thanh tra Chính phủ. Trong kết luận này, không có nội dung
chuyển sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Do đó,
pháp trị cũng bị bỏ xó một lần nữa.
Hơn mười năm qua, nhà cầm
quyền CSVN vẫn cố gắng duy trì đức trị, dưới nhiều tên gọi và chương trình hành
động như: "học tập và làm theo tư tưởng-đạo đức-phong cách HCM",
"Những điều đảng viên không được làm", "chống suy thoái tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống", "chống tự diễn biến, tự chuyển
hóa" v.v... hoặc giả người CSVN tự biến bản thân họ trở thành nạn nhân qua
cách đổ lỗi cho mọi hư hỏng đều do "thế lực thù địch" cố tình bôi nhọ,
hãm hại hoặc tạo ra dáng vẻ hiền lương, cả tin và nhẹ dạ để cho "Út Trọc
triệt để lợi dụng quan hệ thân thiết với các lãnh đạo để trục lợi" [4]. Đến
mức đó, không biết ngoài chữ "đểu giả" dành cho người CSVN, còn có chữ
nào nhẹ hàng hơn (?!).
.
Mà rằng pháp trị
cũng đành bỏ đi...
Một khi, không công nhận
mối liên hệ không bao giờ tách rời giữa lý thuyết và thực tiễn, tất cả các học
thuyết đều thất bại. Bởi suy nghĩ luôn dẫn dắt hành động
Mới đây, ngày 03 tháng
Chín năm 2020, khi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Tp.HCM để chuẩn bị cho kỳ
đại hội đảng sắp diễn ra, ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục thắc mắc như báo Lao Động
[5] đưa tin (trích): "... Vừa qua tại sao xảy ra một số hiện tượng tiêu
cực? Tại sao một số cán bộ bị kỷ luật? Chỗ này phải đề cập rõ hơn, chú trọng
làm tốt hơn công tác xây dựng Đảng. Tiềm năng, tiềm lực phong phú đến đâu đi nữa,
nhưng con người không tốt, sự lãnh đạo không đúng thì không có hiệu quả, có khi
đi chệch hướng. Vừa qua rất đau xót là phải thi hành kỷ luật một số cán bộ, cần
nghiêm khắc kiểm điểm vì sao lại xảy ra như vậy. Có những ý kiến sai lệch, cho
rằng do cơ chế, vậy tại sao vẫn cơ chế đó mà chỗ khác người ta làm tốt?..." (hết
trích).
Ông Nguyễn Phú Trọng thắc
mắc như trên, bởi lẽ ông ta không công nhận, bất kỳ một học thuyết hay nghị quyết,
cơ chế nào cũng cần kiểm chứng. Kiểm chứng từ đâu? Thưa, từ thực tế. Thực tế đã
phản bội lại tất cả những "nghị quyết", "cơ chế" do ông Trọng
và các đồng chí của ông ta đặt ra.
Không chỉ chối bỏ tính kiểm
chứng, khi đề cập đến con người, lẽ ra ông Trọng phải hiểu rõ, con người vốn là
sinh vật không hoàn hảo và không bao giờ có thể hoàn hảo. Cho nên, pháp trị trở
thành khế ước với giấy trắng mực đen.
Hiến pháp là khế ước quan
trọng nhất của một quốc gia. Từ khế ước này, con người tạo ra hàng loạt khế ước
trong mọi lãnh vực - được gọi tên là "LUẬT" - từ kinh tế cho đến
chính trị; từ đối nội cho đến đối ngoại; từ dân sự cho đến hình sự v.v...
Pháp trị ra đời để giải
quyết sự việc khách quan và chủ quan. Về khách quan, có thể vì quá nhiều tác động
mỗi ngày, làm con người quên đi những gì đã tạo thành các loại khế ước. Về chủ
quan, tức là con người cố tình quên đi những gì đã cam kết hoặc giả do tuổi già
cũng như các loại bệnh tật làm giảm sút trí nhớ, lúc đó, các khế ước vĩ mô và
vi mô sẽ trở thành bằng chứng để nhắc nhở.
Tất nhiên, con người qua
nhiều thời kỳ tiến hóa, luôn cố gắng trở nên văn minh hơn. Tuy nhiên, điều đó lại
vô nghĩa với những con người không tôn trọng các loại khế ước. Điều đó dẫn đến
tranh chấp trên mọi lãnh vực và nặng hơn, con người buộc phải dùng các biện
pháp chế tài để đòi hỏi những gì đã cam kết phải được hiện thực hóa. Cao nhất,
chiến tranh sẽ diễn ra để giải quyết như là phương cách cuối cùng bất đắc dĩ phải
dùng đến.
Cũng từ pháp trị, các học
thuyết xoay quanh đó ra đời để giải quyết mọi vấn đề sao cho bảo đảm tính độc lập.
Vì thế học thuyết "tam quyền phân lập" ra đời và tồn tại cho đến nay,
bởi tính khoa học.
Không những thế, pháp trị
còn dung chứa cả đức trị trong đó. Biểu hiện này dễ nhận thấy trong Bộ Luật
Hình Sự về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng và kể cả tính chất ân xá ở trong
đó.
Đối với các lĩnh vực: dân
sự, kinh tế, ngoại giao, nhân quyền v.v... pháp trị cũng chứa đựng yếu tố đức
trị thông qua các khái niệm: đàm phán, thương lượng, thưởng phạt, đối thoại, chế
tài...
.
Kết
Đài BBC có bài [6]
"Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng dùng thơ Tố Hữu nhắn nhủ Tp.HCM", trong có
đoạn (trích):
"...Được biết GS
Nguyễn Phú Trọng, người tốt nghiệp Khoa Văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội [...] trích
bài 'Dậy mà đi' của Tố Hữu:
"...Chân có ngã thì đứng lên, lại bước.
Thua ván này, ta đem bầy ván khác,
Có can chi, miễn được cuộc sau cùng
Dậy mà đi, hy vọng sẽ thành công
Rút kinh nghiệm ở bao lần thất bại:
Một lần ngã là một lần bớt dại
Để thêm khôn một chút nữa trong người.
Dậy mà đi, hỡi bạn dân nghèo!"
Bài thơ của Tố Hữu sáng
tác năm 1941, khi đảng Cộng sản Việt Nam chưa nắm quyền, và đối tượng của lời
kêu gọi là dân nghèo..." (hết trích)
Một cử nhân Văn, một giáo
sư - tiến sĩ ngành Xây Dựng Đảng, với sự cần cù và kiên tâm theo đảng suốt cuộc
đời đã giúp ông Nguyễn Phú Trọng lên ngôi cửu ngũ nhưng không đủ để giúp ông ta
minh tuệ, khi "vận dụng sáng tạo" tư tưởng tiền bối CS sao cho đúng
hoàn cảnh!
Có ai đó nhắn giùm 29 người
dân Đồng Tâm - chuẩn bị đối diện với tội danh "giết người" và
"chống người thi hành công vụ" vào ngày 07 tháng Chín năm 2020 - rằng
vị cử nhân Văn chương - giáo sư tiến sĩ Xây dựng đảng - tổng bí thư - Chủ tịch
nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "đất nước ta chưa bao giờ có được
cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay"?!
________________
Chú thích :
[1] https://congly.vn/nhip-cau-cong-ly/ky-an-o-cong-ty-song-lo-ha-giang-hau-...
[2.] https://tuoitre.vn/thu-tuong-nguyen-tan-dung-hon-3-nam-nay-toi-chua-ky-l...
[3] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-decline-of-moral-standards-o...
[4] https://tintuc.io/chu-de/viet-nam/ut-troc-triet-de-loi-dung-quan-he-than...
[5] https://laodong.vn/thoi-su/bo-chinh-tri-lam-viec-voi-ban-thuong-vu-thanh...
[6] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54022906
No comments:
Post a Comment