Friday, 25 September 2020

McCONNELL ĐANG Ở PHE THẤT THẾ TRONG LỊCH SỬ - VÀ ÔNG BIẾT ĐIỀU ĐÓ (John F. Harris - Politico)

 


McConnell đang ở phe thất thế trong lịch sử - và ông biết điều đó

John F. Harris  -  Politico

Người dịch: Tom Nguyen  (Người Thông Dịch)  

25/09/2020

https://www.the-interpreter.org/post/mcconnell-dang-o-phe-that-the-trong-lich-su-va-ong-biet-dieu-do

 

Translated from Politico article McConnell Is on the Losing Side of History — And He Knows It

John F. Harris, ngày 23 tháng 9, 2020

 

Sự coi thường của ông với cử tri, với thành viên Thượng viện và với các quy tắc đang biến ông trở thành biểu tượng của một trường phái chính trị đang mất dần vị thế.

 

                                                      ***

 

https://static.wixstatic.com/media/322f9a_4e3ecaec62f54c588c39729867200d55~mv2.jpg/v1/fill/w_740,h_493,al_c,q_90,usm_0.66_1.00_0.01/322f9a_4e3ecaec62f54c588c39729867200d55~mv2.webp

Senate Majority Leader Mitch McConell answers questions following a weekly Republican policy luncheon. | Win McNamee/Getty Images

 

Mitch McConnell dường như đang đẩy chính trị Hoa Kỳ đến ngưỡng điên rồ, nhưng hãy cứ cho rằng vị lãnh đạo khối đa số trong Thượng viện này vẫn hoàn toàn tỉnh táo.

 

Có hai cách lập luận hợp lý cho động thái của ông đối với vị trí còn trống trên băng ghế Tối cao Pháp viện, cho dù động thái này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự của Thượng viện, và tỏ rõ sự coi thường với nửa kia của Thượng viện và với cử tri Hoa Kỳ.

 

Có thể xem xét điều này ở hai mặt, lý do đầu tiên đó chính là ông tin rằng đảng Cộng Hòa sẽ còn tiếp tục nắm quyền trong khoảng thời gian rất dài. Sao phải lo Đảng đối lập nghĩ gì khi mà bây giờ họ đã chẳng mấy quan trọng và tương lai cũng chả khác gì như bây giờ? Lý do thứ hai chính là ông tin rằng mình sẽ không còn có thể nắm quyền được lâu nữa, hoặc ít nhất có khả năng cao là như vậy, và một khi quyền lực đã mất đi thì sẽ không bao giờ có thể trở lại như ban đầu. Trong tình huống này, việc chiếm giữ càng nhiều lợi thế càng nhanh, và nắm giữ nó trong một thời gian càng dài thì càng tốt. Thế nên, sự phỉ báng liên miên của đối phương là một cái giá chấp nhận được khi cuộc tranh đấu dài hơi về cơ bản đã an bài.

 

Hiểu theo cách nào sẽ hợp lý hơn để giải mã cái lý trí tàn nhẫn của McConnell?

 

Cuộc chạy đua năm nay của Đảng Cộng hòa trong việc bổ nhiệm thẩm phán mới cho cả một thế hệ, dù là vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống hay trong thời gian chuyển giao quyền lực sau đó, tương tự như một cơn hấp hối của một phong trào chính trị ra đời từ năm thập kỷ trước.

 

McConnell biết chuyện sẽ đi đến đâu, và đang lo liệu cho phong trào này với những hành động lạnh lùng. Công việc quan trọng nhất sau cùng là đưa vào tòa án những cá nhân có thể kìm hãm tham vọng của cánh tả trong dài hạn, kể cả sau khi McConnell về vườn. Việc theo đuổi mục tiêu này ngay sát Ngày Bầu cử là một sự mâu thuẫn đối với cái gọi là nguyên tắc mà vị lãnh đạo khối đa số đề ra năm 2016, đó là vị trí còn trống trong Tối cao Pháp viện không nên được bổ nhiệm cùng năm với bầu cử tổng thống. Thế nhưng điều này lại đi liền với nguyên tắc thực sự của ông: Khai thác mọi lợi thế quyền lực khi đảng còn nắm quyền. Vị Thượng Nghị sĩ Đảng Cộng hòa bang Kentucky, trong quan hệ đồng minh lạnh lùng với Donald Trump, là một chuyên gia cho kiểu chính trị đang thất thế, nhất là với trào lưu bảo thủ vốn đang trong giai đoạn hấp hối.

 

Đây không phải là dự đoán cho cuộc bầu cử tháng Mười Một. Rất có thể Trump và phe Cộng hòa trong Thượng viện sẽ cố gắng giành được chút lợi thế nào đó (nhưng không thể quá đáng kể bởi vì tư duy của các cử tri đã phần nào được định hình) từ việc tăng cường tập trung vào Pháp viện và giảm bớt sự chú ý với đại dịch coronavirus.

 

Tuy nhiên, những trào lưu chính trị đang phát triển này không hành động theo cách mà phe Cộng hòa trong Thượng viện đang hành động dưới sự lãnh đạo của McConnell. Họ không coi những lời lẽ và tiền lệ trước đây là vô nghĩa. Họ không theo đuổi kiểu chính trị đả kích khiến cho phe Dân chủ tự viết ra những điều luật đối phó và đối xử hung hăng với phe Cộng hòa bất cứ khi nào họ giành vị thế đa số. Tuy nhiên, đây chính là cách hành xử xuất hiện trong một trào lưu yếu đuối ở cuối vòng đời chính trị. Một trào lưu có khởi đầu đầy tính lý tưởng thiên dần về hướng thực dụng, rồi sau đó là hoài nghi, và cuối cùng là tư tưởng buông bỏ cho số phận.

 

Điều thú vị là điểm kết thúc, cũng như điểm khởi đầu, đều liên quan đến việc kiểm soát tòa án. Lối tư tưởng bảo thủ McConnell và đa số đảng viên Cộng hòa thế hệ ông đã tận dụng để thâu tóm quyền lực chính là bày tỏ sự đối lập đến một mức độ nhất định đối với Tối cao Pháp viện. Trong mắt các nhà hoạt động, những vị thẩm phán nắm quyền không thông qua bầu chọn này đang hủy hoại nền dân chủ bằng việc áp đặt chính sách đi ngược với phần đông tư tưởng dân chúng lên những vấn đề nổi cộm như quyền nạo phá thai hay việc quy định các chuyến xe buýt đa sắc tộc cho trường học. Giới cánh tả không ưa gì việc này, nhưng phong trào chính trị bảo thủ mới này bấy giờ vẫn cứ lên như diều gặp gió, nổi trội nhất với sự kiện Ronald Reagan đắc cử tổng thống năm 1980 và lần tái đắc cử sau đó, với 59 phần trăm số phiếu bầu và tại 49 tiểu bang.

 

Một điều khác nữa mà phe cánh tả không hề ưa: Những thắng lợi này thể hiện rõ tư tưởng thực sự của dân chúng về vai trò của nhà nước mà Reagan đã lôi kéo đầy thuyết phục với sự trợ giúp từ nội các của mình. McConnell, được bầu vào Thượng viện lần đầu vào năm 1984 ở tuổi 42, rõ ràng cũng đã coi mình là một trong số đó.

 

Giờ đây, ở tuổi 78, McConnell đang dẫn đầu một đảng phái sống chết dựa vào việc bảo tồn quyền lực của mình cho dù phải đi ngược lại phần đông tư tưởng quần chúng. Kể từ năm 1992, sau bảy cuộc bầu cử tổng thống, Đảng Cộng hòa giành chiến thắng số phiếu bầu đa số chỉ duy nhất một lần.

 

Cấu trúc cử tri toàn quốc ngày nay trẻ trung hơn, đa dạng hơn, ít truyền thống hơn, và có xu hướng ủng hộ vai trò của nhà nước hơn. Đảng Cộng hòa, từ đầu thế kỷ đến nay, chủ yếu lôi kéo những người lớn tuổi, da trắng và bảo thủ về các vấn đề xã hội. Trong vài năm trở lại đây, cử tri ở trình độ đại học đang dần chạy khỏi đảng Cộng hòa.

 

Phe Cộng hòa đã giành quyền lực đáng kể thông qua những tổ chức có thể ngăn cản tầm ảnh hưởng của số đông dân chúng toàn quốc: Đại đoàn Cử tri, Thượng viện, và trên hết là Tối cao Pháp viện.

 

Một trào lưu bảo thủ khởi đầu với việc bảo vệ quyền của không thông qua bầu cử của Tối cao Pháp viện nhân danh nền dân chủ, nay đang nỗ lực sử dụng chính quyền lực ấy của Tối cao Pháp viện để che chở sự già cỗi của mình trước nền dân chủ ấy.

 

Những tổ chức này có thể làm chậm lại ảnh hưởng của những xu hướng thay đổi cấu trúc dân số và tư tưởng chính trị, nhưng khó mà có thể ngăn lại hoàn toàn. Điều này đồng nghĩa với việc, đến một lúc nào đó - trong năm nay hay trong tương lai - chúng ta sẽ được thấy rõ xem phe Dân chủ đã nghiên cứu McConnell kỹ càng đến đâu, và liệu rằng họ có lựa chọn học theo cách làm đó.

 

Người dịch: Tom Nguyen

Biên tập: Khanh Doan

 

--------------------------------------------------------

 

Recent Posts

 

Kế hoạch Giáo dục Ái quốc của Trump sẽ làm cho Đảng Cộng sản Trung Quốc “mỉm cười”

 

EXCLUSIVE: RBG muôn năm!

Quan điểm: Lời tuyên bố “12 năm nữa” của Trump cho thấy ông chẳng khác gì các nhà lãnh đạo độc tài

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats