Friday, 4 September 2020

LIỆU MỸ CÓ 'NGUY CƠ' BIẾN THÀNH MỘT NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA NHƯ VIỆT NAM HAY KHÔNG? (Anna Thục Quyên)

 


·         Những chính sách thay đổi của đảng Dân Chủ Mỹ mang tính xã hội đã bị đảng Cộng Hòa cáo buộc là đi theo hướng Xã hội Chủ nghĩa  Marxist-Leninist.

·         Nền Dân chủ Xã hội (Social Democracy) là mô hình chính trị kinh tế tại các quốc gia Bắc Âu, nơi người dân có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới. Mô hình này nhân bản và khác xa Xã hội Chủ nghĩa (Socialism) với nền kinh tế mở nhưng do nhà nước độc tài định đoạt, mà cộng sản Việt Nam và Trung Quốc hiện nay là hai chế độ điển hình.

·         Nước Mỹ là cái nôi của mô hình Dân chủ Tư bản, và đang bị áp lực thay đổi hướng về nền Dân chủ Xã hội giống như các quốc gia Bắc Âu.

·         Nước Mỹ cần thay đổi để giảm thiểu bất công và bạo lực; những thay đổi về hướng phục vụ xã hội này không thể biến Mỹ thành một quốc gia giống CSVN. Có ít nhất 6 yếu tố của guồng máy vận hành và 4 yếu tố từ bản chất của người dân Mỹ sẽ giúp bảo vệ nền dân chủ trên đường tiến đến những thay đổi tốt đẹp cần thiết.

 

Chưa bao giờ mà dư luận Mỹ lại rộ lên những bàn thảo về Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) nhiều như bây giờ. Thành phần hữu khuynh – còn gọi là bảo thủ, thì bày tỏ quan tâm, lo ngại về chủ nghĩa này. Trong khi đó thành phần tả khuynh – còn gọi là cấp tiến, nhất là giới trẻ Mỹ, thì vận động cho những thay đổi chính sách để làm giảm bớt sự bất bình đẳng kinh tế và phúc lợi trong xã hội – những thay đổi mà mà các nhà bảo thủ cho là tả khuynh, và báo động là nếu không ngăn chặn thì Mỹ sẽ biến thành xã hội chủ nghĩa, tức độc tài cộng sản. Mối lo ngại này lại càng mạnh mẽ hơn nữa trong cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản, và có lẽ ở cả các cộng đồng tị nạn cộng sản khác như Cuba, Bắc Hàn, Lào, Cam Bốt.

 

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những thay đổi do khuynh hướng cấp tiến (progressive) tại Mỹ chủ trương là gì mà lại tạo ra sự lo lắng tới như vậy? Những thay đổi này liệu có nguy cơ biến nước Mỹ thành một quốc gia theo chế độ độc tài cộng sản hay không?

 

Khuynh hướng xã hội tại Mỹ có giống XHCN ở Việt Nam hay Trung Quốc?

 

Nước Mỹ đang rộ lên quan tâm về XHCN vì năm nay là năm bầu cử lớn. Trong bối cảnh của cuộc tổng tuyển cử 2020, hai chính đảng Cộng Hòa và Dân Chủ – vốn vẫn thay phiên nhau cầm chịch nền chính trị Mỹ trong 244 năm qua – đang ra sức vận động cử tri bằng những chính sách “ích quốc, lợi dân” của đảng mình, đồng thời tấn công đảng đối thủ. Đây là cung cách vận động tranh cử rất bình thường trong một quốc gia dân chủ, miễn là không sử dụng những cách thức gian tà và phi pháp để tác hại lên nhau. Ai nói hay, vận động giỏi là được người dân tín nhiệm bầu vào ghế tổng thống và lưỡng viện Quốc Hội. 

 

Khuynh hướng điều hành đất nước của hai chính đảng này có nhiều điểm khác nhau căn bản, nhưng điều khiến đảng Dân Chủ bị “phiên dịch” là tiến về hướng XNCN trong kỳ tranh cử này là bởi các chính sách cải thiện xã hội như: chăm sóc y tế cho mọi người (healthcare for all), giáo dục miễn phí, kiểm soát súng, tăng cường luật giới hạn khí thải để chống biến đổi khí hậu hầu bảo vệ trái đất, tăng thuế lên người giầu và các đại công ty, tăng lương tối thiểu và các chính sách an sinh xã hội cho người nghèo, gia tăng bình đẳng giới tính/giàu nghèo/chủng tộc, ủng hộ LGBTQ (người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới), mở rộng chính sách di dân … Các chủ trương này không có gì mới lạ, nhưng năm nay gia tăng cường độ trong bối cảnh mà đảng Dân Chủ cho là “nguy cơ” vì các chính sách hiện tại của đảng Cộng Hòa.

 

Những chủ trương thay đổi của đảng Dân Chủ đã bị đảng Cộng Hòa hay giới bảo thủ lên án là đi ngược với Chủ nghĩa Tư Bản – vốn quan niệm giới hạn sự can dự của chính quyền vào các hoạt động kinh tế của thị trường; tự do kinh doanh có nghĩa là không bị những luật lệ về khí thải ràng buộc; động lực quyền lợi cá nhân chứ không phải tập thể là nền tảng cho mọi hoạt động phát triển xã hội; tự do sở hữu súng, đánh thuế thấp, giới hạn các chính sách an sinh xã hội do chính phủ cấp dưỡng …

 

Đảng Dân Chủ cho rằng chủ nghĩa tư bản dựa trên động lực lợi nhuận cá nhân sẽ đưa đến lòng tham vô đáy và gia tăng các bất công xã hội, như hiện tượng chênh lệch giàu nghèo thái quá hiện nay, và giới giàu có đã dùng tiền để mua chuộc, thao túng guồng máy chính trị cũng như các chính sách hầu làm lợi cho một thiểu số. Do đó cần có sự điều tiết cần thiết qua các chính sách xã hội nhân bản, nâng đỡ những thành phần nghèo và thiệt thòi để đạt tới công bằng xã hội như mô hình chính trị tại các quốc gia Bắc Âu (Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan …) và một số quốc gia Tây phương như Anh, Úc, Pháp, Đức, Canada, New Zealand hiện nay.   

 

Chủ trương đặt trọng tâm phúc lợi chung của xã hội lên hàng đầu trong các chính sách điều hành đất nước là một ý niệm nhân bản và lý tưởng, do đó không phải là ý niệm xã hội chủ nghĩa theo khuynh hướng cộng sản của Marxist-Leninist.

 

Sự khác biệt giữa nền ‘Dân chủ Xã hội’ và ‘Chủ nghĩa Xã hội Độc tài’

(Social Democracy versus Aưtocratic Socialism)

 

Chủ nghĩa xã hội của Karl Marx, Friedrich Engels, Vladimir Lenin, và Josheph Stalin nhắm tới công bằng xã hội qua một thế giới cộng sản không tưởng (utopian society), trong đó mọi phương tiện và thành quả sản xuất đều được chia đều cho mọi người, và hệ thống quản trị nền kinh tế này nằm trong tay một thiểu số thống trị bằng bạo lực không do người dân bầu lên như trong các thể chế dân chủ. Với quan niệm đấu tranh giai cấp và chủ trương cứu cánh biện minh cho phương tiện, chế độ cộng sản đã sử dụng bạo lực để cướp chính quyền bằng những cuộc cách mạng đẫm máu và duy trì quyền lực với bàn tay sắt.

 

Chủ thuyết cộng sản phi lý đã thất bại từ căn bản khi tước đi tính chất đa dạng, đa nguyên của xã hội và xóa bỏ động lực cá nhân để mưu cầu hạnh phúc theo ý thích và khả năng riêng. Với cấu trúc và nguyên tắc điều hành độc tài, độc đảng, bưng bít thông tin, phi nhân bản và dựa trên bạo lực, các chế độ cộng sản đã reo rắc kinh hoàng khắp thế giới trong thế kỷ 20 – không những hoàn toàn đi ngược lại lý tưởng phục vụ xã hội, mà còn hiện nguyên hình là một chế độ khủng bố người dân và tiêu diệt con người. Sách Đen về Chủ Nghĩa Cộng Sản ước tính các chế độ cộng sản đã giết hại tới 100 triệu người trong thế kỷ 20, và còn gây ra biết bao đau khổ, hệ lụy cho đến ngày nay.

 

Hầu hết các nạn nhân cộng sản đều dị ứng và khinh ghét chủ nghĩa xã hội. Ngoài các di dân tị nạn cộng sản tại Mỹ, các thành phần quần chúng khác cũng dị ứng với XHCN vì đơn giản cho rằng chủ thuyết này đi ngược lại chủ nghĩa tư bản – được hiểu nôm na là kinh tế thị trường và là nền tảng phát triển kinh tế của Mỹ. Các cuộc thăm dò cho thấy đa số người dân Mỹ (55%) có ác cảm với CNXH. Một số người trong đảng Cộng Hòa lợi dụng tâm lý ghét CNXH để xuyên tạc đảng Dân Chủ là ủng hộ cho XHCN, và đã tạo được “con ngáo ộp” là “Nước Mỹ đang có nguy cơ bị cộng sản hóa.”

 

Thực ra, chủ trương bình đẳng hóa phúc lợi xã hội trong các thể chế dân chủ nhân bản qua các chính sách xã hội khác xa CNXH kiểu cộng sản như chế độ hiện hành tại Việt Nam. Mô hình dân chủ xã hội (DCXH – social democracy) tại Bắc Âu có một nền kinh tế tự do nhưng coi trọng tinh thần tập thể, do chính phủ dân chủ được người dân bầu ra bằng phương thức bầu cử tự do, công bằng. Thể chế DCXH coi dân làm trọng, tôn trọng nhân quyền, cổ xúy sự bình đẳng, xóa bỏ bất công, và đặt trọng tâm các chính sách vào mục tiêu phục vụ phúc lợi của người dân. Thể chế dân chủ xã hội bác bỏ chủ nghĩa cộng sản kiểu Marxist-Leninist.

 

Do đó chúng ta cần phân định rằng khuynh hướng xã hội trong một nền dân chủ như tại Mỹ khác xa với xã hội chủ nghĩa kiểu Marxist-Leninist. Các chế độ độc tài cộng sản cũng thường hay lợi dụng chữ dân chủ cho mục tiêu tuyên truyền giả trá của họ, mà người Việt Nam đã hiểu quá rõ qua kinh nghiệm xương máu của mình. Các chữ dùng, do đó, cần phải được tìm hiểu kỹ qua việc làm của những người chủ trương, thay vì chỉ do ấn tượng về chữ dùng mà đánh giá, thì mới không bị rơi vào bẫy của các chính trị gia mị dân.  [Mỹ đã từng kinh qua giai đoạn khủng bố của McCarthyism, hay Red Scare, do Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy chủ xướng bằng cách cáo buộc các đối thủ chính trị là cộng sản, và tạo ra một làn sóng nghi ngờ, bắt bớ, điều tra, chia rẽ, sợ hãi, khủng bố bao trùm lên đất nước trong nhiều năm dài (1946 đến 1954) mà dư âm vẫn còn vang đến tận ngày nay].   

 

Các nước Bắc Âu và những nền dân chủ khác theo khuynh hướng dân chủ xã hội đã tạo ra được một xã hội hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế dựa trên động lực lợi nhuận cá nhân, và mục tiêu bình đẳng xã hội qua những chính sách phục vụ lợi ích chung, cùng với một nền dân chủ vững mạnh. Xã hội của họ được ổn định và mức hạnh phúc của người dân được đánh giá cao hơn cả quốc gia giầu có nhất thế giới là Hoa Kỳ. Người dân tại các quốc gia này được chăm sóc, nâng đỡ qua nhiều chương trình xã hội: y tế và giáo dục miễn phí, trợ cấp nuôi dạy con trẻ, được dịp nghỉ lễ nhiều hơn, được quyền theo đuổi ước mơ của mình … Đời sống của họ bình yên, thanh thản và hạnh phúc hơn, tuy không giầu có bằng, nhưng không bị căng thẳng như tại Mỹ.

 

 Do đó, khuynh hướng xã hội tại Mỹ chỉ là một điều chỉnh hợp lý sau quá trình thử nghiệm và phát triển mô hình chủ nghĩa tư bản dân chủ (democratic capitalism). Nhưng với những thay đổi có khuynh hướng cải thiện đời sống xã hội, liệu Mỹ có thể biến dạng thành XHCN theo kiểu cộng sản như một số người Việt Nam tị nạn lo sợ hay không? Những khuynh hướng phục vụ xã hội và bảo vệ môi trường không thể nào biến Mỹ trở thành một quốc gia độc tài cộng sản. Tại sao?  

 

Một nền dân chủ đích thực và vững mạnh như Mỹ có những yếu tố nền tảng sau đây:

 

1.    Tam quyền phân lập: tách rời Hành pháp, Tư pháp và Lập pháp để tránh quyền lực tập trung vào tay một thiểu số, đồng thời các cơ chế này cũng kiểm soát lẫn nhau.

 

2.    Đa đảng và bầu cử tự do định kỳ để chọn người đại diện xứng đáng có nhiệm kỳ giới hạn.

 

3.    Tự do ngôn luận, tự do truyền thông và tự do Internet, tức Đệ Tứ Quyền và Đệ Ngũ Quyền, để cân bằng quyền lực chính phủ.

 

4.    Xã hội dân sự bao gồm các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các cơ quan thiện nguyện – cũng là một lực đối trọng với chính quyền, giữ vai trò vừa đóng góp bổ sung vừa kiểm soát chính quyền.

 

5.    Nền luật pháp nghiêm minh đặt trên nền tảng công bằng và trong sáng.

 

6.    Chính phủ vận hành minh bạch trong phạm vi luật định. Không ai được quyền ngồi trên pháp lu

 

Các chế độ độc tài hoặc cộng sản hoàn toàn thiếu vắng sáu yếu tố căn bản này, do đó dù có theo đuổi kinh tế thị trường (như CSVN và CS Trung Quốc) thì xã hội vẫn đầy rẫy những bất công, tham nhũng, phân cực giàu nghèo, phi nhân quyền, thiếu hạnh phúc, đầy bạo lực, người dân sống trong nơm nớp lo sợ và bất ổn, và đất nước khó phát triển đúng với tiềm năng của dân tộc. 

 

Điều đáng sợ tại Hoa Kỳ hiện nay là sự thao túng quyền lực của một nhóm người cấu kết với nhau vì quyền lực và quyền lợi cá nhân/nhóm/hay tập đoàn, sẵn sàng tấn công vào các định chế và nguyên tắc cơ bản nêu trên khiến nền dân chủ bị xói mòn, tạo sự chia rẽ trầm trọng trong quần chúng, nhiễu loạn sự thật bằng tin giả và thuyết âm mưu, tấn công vào các giá trị nền tảng kể cả các giá trị luân lý lẫn truyền thống (như Hoa Kỳ là một xứ sở của di dân thì nay chống di dân), hủy hoại niềm tin vào các định chế và phương cách vận hành dân chủ, kể cả tấn công vào những cuộc bầu cử và quyền bỏ phiếu của cử tri.

 

Nhưng sức mạnh của Hoa Kỳ để bảo vệ nền dân chủ chính là tinh thần tranh đấu mạnh mẽ của người dân – một di sản của di dân đã từng phải vượt thoát những cảnh ngộ đau thương, khó khăn từ cố quốc của mình; và truyền thống tranh đấu của những người Mỹ da đen cho quyền làm người và quyền bình đẳng với mọi công dân Mỹ. Các yếu tố phóng khoáng, chủ động và linh động thay đổi để thích nghi của một xã hội mở cũng sẽ giúp Hoa Kỳ sửa sai những hiện tượng tiêu cực hiện nay để bảo vệ nền dân chủ và đưa đất nước tiến lên.  

 

Các phong trào tranh đấu gần đây với hàng triệu người tham gia khắp nước (chống xách nhiễu tình dục, chống kỳ thị chủng tộc, chống bạo lực súng đạn – đặc biệt những vụ bắn giết hàng loạt tại các trường học, nhà thờ, nơi công cộng) đã thể hiện bản chất tranh đấu mạnh mẽ của người dân Mỹ và sức mạnh quần chúng (people’s power) rất cần thiết trong các cuộc đấu tranh bất bạo động.  

 

Kết luận:

 

Trên hành trình đi tìm một mô hình phù hợp nhất để điều hành xã hội và chung sống, nhân loại đã trải qua nhiều thử nghiệm, có khi đầy đau thương và đẫm máu. Điều dứt khoát ở giai đoạn hiện nay (2020) là những chế độ độc tài (độc đảng, hoặc cá nhân trị, tập đoàn trị hay gia đình trị) không thể đem đến hạnh phúc cho người dân; và những quốc gia tự do, dân chủ đã phát triển hữu hiệu hơn một cách vượt trội.

 

Trong những nền dân chủ này, nền kinh tế thị trường cần phải được điều chỉnh để nâng đỡ mọi thành phần xã hội trong nhu cầu và mục tiêu phục vụ cho hạnh phúc chung. Giữa hai khuynh hướng cực tả (communism) và cực hữu (capitalism) của các chủ thuyết kinh tế, một quốc gia được tự do điều chỉnh vì phúc lợi của toàn dân sẽ tự động hướng về trung tâm giữa hai cực và tìm ra cho mình một điểm phù hợp nhất cho dân tộc và đất nước.

 

Nước Mỹ đang chuyển mình thay đổi để tốt đẹp hơn, nhất là một khi đã kinh qua thảm họa của đại dịch COVID-19, của chia rẽ trầm trọng, bạo lực (cảnh sát và súng đạn), kỳ thị chủng tộc và giới tính, phân cực giầu nghèo, nhiễu loạn thông tin, nhũng lạm quyền lực,  sa sút uy tín với đồng minh và quốc tế. Tất cả đã và đang là những thử thách lớn cho hành trình đi tìm một mô hình sinh hoạt phù hợp nhất cho quốc gia đa chủng-đa văn hóa đầy phức tạp này, nơi đã từng là mẫu mực phát triển cho thế giới và là vùng đất hứa của hằng trăm triệu di dân trốn thoát từ những vùng đất đau khổ trên trái đất. Sức mạnh đấu tranh của di dân và nạn nhân của các thể chế bạo lực, nô lệ sẽ luôn là sức mạnh quật khởi để bảo vệ mảnh đất hứa này.  

 

Anna Thục Quyên

Tháng 9, 2020

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats