Khi kẻ chấp pháp ngồi xổm
lên luật tố tụng
Tô
Văn Trường
11/09/2020
https://baotiengdan.com/2020/09/11/khi-ke-chap-phap-ngoi-xom-len-luat-to-tung/
Nhân dân thấy công lý bị chà đạp công khai, càng
thêm mất lòng tin tưởng vào nhà cầm quyền, dù là lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Để mất lòng tin vào đảng lãnh đạo, nhất là năng lực giải quyết đúng đắn mối
quan hệ với dân. Đó là thất bại lớn, rất lớn của cả hệ thống chính trị, vượt ra
khỏi mọi sự tính toán của những người cầm quyền.
***
Vụ án sơ thẩm Đồng Tâm chưa kết thúc, người ta còn đang nghị tội, chưa
tuyên án. Ngay cả sau ngày tuyên án, vụ án cũng chưa thể kết thúc. Người dân am
hiểu pháp luật, ngạc nhiên là phiên toà quan trọng như vậy mà thiếu 2 nội dung
quan trọng nhất: Nhân chứng và thực nghiệm hiện trường.
Lẽ nào các chiến sỹ trực
tiếp tham gia vụ tấn công làng Hoành lại không ra toà làm nhân chứng, khẳng định
hành vi phạm tội của các bị cáo và chứng minh sự đúng đắn của việc phải nổ súng
tiêu diệt cụ Kình, cũng như tận mắt chứng kiến các đối tượng đổ xăng đốt 3 chiến
sỹ công an ngã hố. Lẽ nào để xác định được nguyên nhân kết tội lại bỏ qua thực
nghiệm hiện trường xem liệu có khớp với lời khai của các bị cáo hay không (phải
trọng chứng hơn trọng cung, đấy là chưa kể bị ép cung hay nhục hình)!
Trong số các bị can nói lời
sau cùng, theo tường thuật của giới luật sư tham dự phiên tòa, có 2 người không
nhận tội như bản cáo trạng, đặc biệt là bà Bùi Thị Nối, một nông dân ít học,
lam lũ, con nuôi ông Lê Đình Kình khi phát biểu rất điềm tĩnh, minh mẫn đến lạ
thường:
“Bà nói: Bố tôi đã 58 tuổi đảng, trong giữa thời
bình này lại phải hy sinh với ba đồng chí khác. Bốn đồng chí hy sinh giữa lúc
thế giới thanh bình, như có chiến tranh và không phải chết bởi kẻ thù. Như tôi
đây, một vết đạn bắn vào ngực, đau lắm, nhưng tôi không chết. Và tôi chỉ mong
chúng ta sẽ có một lựa chọn sáng suốt, một con đường mới, tốt đẹp hơn vv…”.
Nói đến tầng lớp nông dân
Việt Nam, tôi nhớ trước đây có lần đàm đạo riêng với nhà nghiên cứu Việt
Phương, để rồi rút ra kết luận về 10 cái nhất:
“Cống hiến nhiều nhất.
Hy sinh lớn nhất.
Hưởng thụ ít nhất.
Được giúp kém nhất.
Bị đè nén thảm nhất.
Bị tước đoạt nặng nhất.
Cam chịu lâu dài nhất.
Tha thứ cao cả nhất.
Thích nghi tài giỏi nhất.
Năng động cả tin nhất”.
Nói đến chuyện tòa án, ở
nước ngoài, người ta tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng
bình đẳng, công khai giữa các bên. Ở ta thì Chánh tòa chủ trì xét xử có quyền
đuổi luật sư ra khỏi phiên tòa. Ở nước ngoài, quan tòa chỉ là người ngồi xem
bên buộc tội (cơ quan truy tố) và bên gỡ tội (luật sư) tranh luận. Bên thắng là
bên có lý lẽ, có chứng cớ thuyết phục, buộc bên thua phải thừa nhận. Khi đó
quan tòa giở điều luật ra áp dụng.
Bồi thẩm đoàn ở các nước
là những cá nhân lựa chọn ngẫu nhiên trong dân chúng sẽ bỏ phiếu biểu quyết. Bồi
thẩm đoàn, cũng hoàn toàn khác với hai vị hội thẩm nhân dân của ta, họ không ngồi
chung với Chánh án và số lượng thành viên phải đủ lớn, bỏ phiếu kín sau khi
nghe tranh biện để đảm bảo tính khách quan. Bồi thẩm đoàn bỏ phiếu chỉ xác định
có tội hay không có tội. Quan toà chỉ áp mức hình phạt do luật định khi bị cáo
bị phán quyết có tội. Bản chất của những nguyên tắc tố tụng kể trên xuất phát từ
bản chất chân thực: “nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Khi nhân dân (ở đây
là bồi thẩm đoàn) nói một người vô tội là họ vô tội.
Nước ta đã thực hiện cải cách tư pháp hơn 10 năm rồi, một số nguyên tắc
tố tụng tiến bộ của nhân loại đã được tiếp thu và ghi trong pháp luật tố tụng.
Nhưng oan nghiệt thay kẻ chấp pháp đã ngồi xổm lên nó.
Trong đạo làm người, thì
đạo lý và pháp lý là 2 trụ cột căn bản để phân biệt cảnh giới tiến hóa của mỗi
cá nhân. Trớ trêu thay, có không ít kẻ khoác áo quan nhân chỉ lo cho “cái ghế”
của mình, đã cố tình không hiểu pháp lý, mà còn chẳng biết đạo lý là gì khiến
cho tấm gương “phụ mẫu” hoen ố, chính sự phiền hà, lòng dân ly tán.
Nếu những người cầm quyền
(các thẩm phán chỉ là người thực hiện ý chí của họ) tiếp tục phạm sai lầm, cố
tình kết tội bằng được dù không có đủ căn cứ xác đáng để khỏa lấp sai lầm của
mình, thì vụ án sẽ không bao giờ có thể kết thúc được, kể cả sau khi thi hành
án.
Nhân dân thấy công lý bị
chà đạp công khai, càng thêm mất lòng tin tưởng vào nhà cầm quyền, dù là lập
pháp, hành pháp, tư pháp. Để mất lòng tin vào đảng lãnh đạo, nhất là năng lực
giải quyết đúng đắn mối quan hệ với dân. Đó là thất bại lớn, rất lớn của cả hệ
thống chính trị, vượt ra khỏi mọi sự tính toán của những người cầm quyền.
Người dân có quyền nghi
ngờ rằng, có một thế lực nào đó cố tình gây ra vụ xử này để gây chia rẽ sâu sắc
giữa nhân dân và giới cầm quyền, làm giảm sức đề kháng của Việt Nam trước sức
ép bá quyền của Trung Quốc trong một thế giới đang xung đột, phân bố lại ảnh hưởng.
Nếu điều nghi ngờ nay
không đúng thì khách quan vụ này vẫn làm vui lòng những kẻ đang muốn khống chế
Việt Nam vươn lên. Trước mắt, ban lãnh đạo cao nhất của Nhà nước nên nhìn nhận
lại và đánh giá đúng tình hình, cân nhắc “được mất”, không áp đặt những bản án
nặng nề không đủ căn cứ, mở đường cho những bước tiếp theo. Đó chính là đòi hỏi
của cuộc sống để “quốc thái dân an”.
No comments:
Post a Comment