Belarus: Biểu tình lớn chống
TT Lukashenko bất chấp cảnh sát dày đặc
BBC
Tiếng Việt
6 tháng 9 năm 2020
https://www.bbc.com/vietnamese/world-54045859
Hàng ngàn người đã xuống đường, tiến về phía trung
tâm thủ đô Minsk của Belarus trong cuộc biểu tình phản đối tổng thống.
Cảnh sát chống bạo động
với vòi rồng và barrier đã phong tỏa các khu vực trong thành phố. Một số vụ bắt
giữ đã diễn ra; tin tức nói đã xảy ra thương tích.
Biểu tình lớn nổ ra
tại Minsk, thủ đô của Belarris, hôm Chủ Nhật 6/9
Những người biểu tình đòi
Tổng thống Alexander Lukashenko phải từ chức.
Họ cáo buộc giới chức đã
gian lận trong kỳ bầu cử hồi tháng trước, sự kiện đã làm dấy lên tình trạng bạo
loạn rộng khắp, gây chết người.
Ít nhất đã có bốn người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương kể
từ đó, trong lúc chính quyền nỗ lực dập tắt làn sóng đối kháng.
Hàng nghìn phụ nữ
đã tham gia một cuộc biểu tình ở Minsk vào thứ Bảy
Trước đó, trong hôm thứ Bảy,
lực lượng an ninh ở thủ đô Minsk đã bắt giữ hàng chục người, chủ yếu là sinh
viên, trong cuộc biểu tình vào dịp cuối tuần lần thứ tư.
Trong một cuộc tuần hành
riêng biệt, hàng nghìn phụ nữ đã hô vang "thả tụi nhỏ ra".
Trong khi đó, một nhà hoạt
động hàng đầu thuộc phe đối lập cho biết bà tị nạn ở Ba Lan sau khi bị lực lượng
an ninh đe dọa.
Những người biểu tình nói
rằng đã có sự gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/8 vừa qua, nhằm duy
trì quyền lực của ông Lukashenko.
Những người biểu tình,
các nhà hoạt động nhân quyền và các nhà quan sát cáo buộc cảnh sát chống bạo động
đã đàn áp dã man các cuộc tuần hành ôn hòa.
Ông Lukashenko, nắm quyền
từ năm 1994, cáo buộc các quốc gia phương Tây can thiệp.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/FF92/production/_114262456_mediaitem114262454.jpg
Người biểu tình đòi
giới chức chấm dứt tình trạng cảnh sát hành xử tàn bạo
Chủ Nhật đã trở thành
ngày then chốt cho các cuộc xuống phố phản đối ở Minsk kể từ khi làn sóng biểu
tình bắt đầu nổ ra cách đây bốn tuần, phóng viên BBC Jonah Fisher tại Minsk tường
thuật.
Cảnh sát chống bạo động
đã tăng cường các nỗ lực hăm dọa và chặn dòng người đổ về trung tâm Minsk, cũng
như bắt giữ người tham gia biểu tình, phóng viên BBC cho biết thêm.
Các cuộc biểu tình ban đầu
được châm ngòi bởi cuộc bầu cử gây tranh cãi, nay càng thêm gay gắt do những vụ
đánh đập bạo lực xảy ra sau đó.
Vào đêm trước các cuộc biểu
tình, lực lượng an ninh đeo mặt nạ đã kéo lê sinh viên ra khỏi đường phố Minsk
và tống họ vào xe cảnh sát trong một cuộc tuần hành. Hàng chục người biểu tình
đã bị giam giữ.
Cũng trong hôm thứ Bảy,
nhà hoạt động hàng đầu thuộc phe đối lập Olga Kovalkova cho biết bà đã tị nạn ở Ba Lan,
nói thêm rằng bà sẽ phải đối mặt với án tù dài hạn nếu không chịu rời Belarus.
Bà nói thêm rằng các lực
lượng an ninh đã chở bà đến một đồn biên phòng, nơi bà lên xe buýt đến Ba Lan
sau khi người lái xe nhận ra bà.
Hôm thứ Sáu, lãnh đạo phe
đối lập đang lưu vong Svetlana
Tikhanovskaya kêu gọi Liên Hợp Quốc giúp
ngăn chặn cuộc đàn áp của chính quyền đối với người biểu tình.
Bà cho biết phe đối lập
đang yêu cầu chấm dứt việc cảnh sát ra tay bạo lực, trả tự do ngay lập tức cho
tất cả các tù nhân chính trị và tiến hành bầu cử tự do và công bằng.
Bà Tikhanovskaya đã bị buộc phải rời Belarus
Tháng trước, giới lãnh đạo
EU đã đồng ý áp đặt các biện pháp trừng phạt - bao gồm cả việc đóng băng tài sản
- đối với các quan chức Belarus chưa được nêu danh tính có liên quan đến cáo buộc
gian lận bầu cử, tàn bạo và bỏ tù những người biểu tình. Hiện EU vẫn đang xem
xét áp dụng các biện pháp trừng phạt cụ thể.
Người soạn thảo bản báo cáo đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tình hình
Belarus, bà Anais Marin, cho biết việc ông Lukashenko tái đắc cử tổng thống là
"hoàn toàn bị thao túng" và "lá phiếu của người dân đã bị đánh cắp".
Bà cáo buộc cảnh sát
Belarus về hành vi tra tấn, và nêu ví dụ trường hợp một thanh niên 16 tuổi
"bị đánh đập dã man đến mức hôn mê".
"Nhà chức trách phải thả tất cả những người bị
bắt giam tùy tiện," bà nói. "Chính
phủ đang phát động một cuộc chiến điên cuồng chống lại chính người dân của
mình."
Ông Lukashenko đổ lỗi cho
một số quốc gia EU, đặc biệt là các nước láng giềng Ba Lan và Lithuania, là
đang tìm cách ép buộc thay đổi thể chế.
Nhà lãnh đạo 66 tuổi, người
nhận được sự ủng hộ chủ yếu từ Nga, hứa hẹn sẽ bảo vệ Belarus. Gần đây người
ta nhìn thấy ông gần nơi ở của mình ở Minsk, mang theo khẩu súng và được lực lượng
an ninh hùng hậu trang bị vũ khí bảo vệ.
-------------------------------------------------------------
Belarus:
Đối lập tiếp tục biểu tình phản kháng Chủ Nhật thứ 5 liên tiếp
Trọng
Thành -
RFI
Hôm nay, 06/09/2020, theo kế hoạch, đối lập Belarus
tiếp tục xuống đường đông đảo, ngày Chủ Nhật thứ 5 liên tiếp, để yêu cầu tổng
thống Loukachenko hủy bỏ kết quả bầu cử, bị tố cáo là gian lận. Hôm qua, khoảng
4.000 người tuần hành tại Minsk.
Rừng người tham
gia cuộc xuống đường tại Minsk (Belarus) ngày 06/09/2020 để phản đối
bạo lực cảnh sát và bác bỏ kết quả cuộc bầu cử tổng
thống. via REUTERS - TUT.BY
Theo AFP, bất chấp mệt mỏi, thái độ khăng khăng cự tuyệt đối thoại của
tổng thống Loukachenko và đàn áp của cảnh sát, đối lập vẫn duy trì cuộc xuống
đường phản kháng đông đảo đều đặn vào mỗi Chủ Nhật hàng tuần, bắt đầu từ 14 giờ,
giờ địa phương. Từ đầu phong trào phản kháng đến nay, mỗi Chủ Nhật, khoảng
100.000 người tham gia tuần hành.
Riêng hôm qua, trong cuộc
tuần hành tại Minsk, 91 người bị cảnh sát câu lưu, theo bộ Nội Vụ Belarus.
Trong số những người bị bắt có khoảng 20 nhà báo Belarus. Chính quyền Minsk
cũng tìm cách để buộc các lãnh đạo phải lưu vong.
Hôm qua, 05/09, một thành
viên Hội Đồng Điều Phối của đối lập tại Belarus, bà Olga Kovalkova, từ
Varsava, cho biết bà đã bị bắt, rồi bị cơ quan an ninh Belarus đưa thẳng từ trại
giam ra cửa khẩu biên giới với Ba Lan. Bà Olga Kovalkova bị bắt từ ngày
25/08/2020.
Litva phê phán
Liên Âu thụ động
Trong một cuộc trả lời phỏng
vấn báo Anh Financial Times, đăng tải hôm nay 06/09/2020, ngoại trưởng Litva,
Linas Linkevicius, chỉ trích việc Liên Hiệp Châu Âu đang thụ động trong cuộc khủng
hoảng Belarus hiện nay. Đây là điều có nguy cơ làm mất đi uy tín của Liên Âu
trong lĩnh vực đối ngoại.
Theo ngoại trưởng Litva,
Liên Hiệp Châu Âu phải có các biện pháp cụ thể để cổ vũ cho nền dân chủ, hỗ trợ
đối lập Belarus, ngăn chặn ảnh hưởng của Nga tại quốc gia này. Lãnh đạo ngoại
giao Litva nhấn mạnh là Liên Âu « không thể để cho người dân Belarus cảm
thấy bị bỏ rơi ».
Một trong các khuyến nghị
của Litva là Liên Âu cần ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào chính tổng
thống Loukachenko, như điều mà ba nước Baltic đã làm kể từ cuối tháng 8.
Trước đó, ngày 04/09, một
số lãnh đạo đối lập Belarus cũng kêu gọi phương Tây trừng phạt trực tiếp tổng
thống Loukachenko. Trong số những người nêu ra biện pháp này, có cựu bộ trưởng
Văn hóa Belarus, Pavel Latoucheko, và ứng cử viên tổng thống, bà Svetlana
Tikhanovskaïa, cả hai hiện đang phải sống lưu vong ở Litva.
Trừng phạt tổng thống Belarus, nhưng duy trì quan hệ tốt với Nga, đồng
thời siết chặt quan hệ với Liên Âu, là quan điểm của nhiều nhà đối lập Belarus.
***
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Tổng
thống Belarus thay thế giám đốc KGB bằng một nhân vật thân Nga
Thủ
tướng Nga đến thăm Belarus vào lúc khủng hoảng chính trị gay gắt
Hoa
Kỳ dự tính trừng phạt các quan chức Belarus
No comments:
Post a Comment