Bầu cử 2020: Giải thích đơn giản về hệ thống chính trị Mỹ
GS
Carl Thayer
Gửi đến BBC từ Canberra, Úc
24 tháng 8 2020
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53736930
Bầu cử tổng thống Mỹ đang ngày càng đến hồi căng thẳng,
với kết quả gây ảnh hưởng quốc tế. Bài viết này giải thích hệ thống chính trị
và bầu cử tổng thống nước này.
Hệ thống chính trị Hoa Kỳ
Hệ thống chính trị liên
bang Hoa Kỳ gồm ba nhánh ngang hàng: Hành pháp (Tổng thống), Lập pháp (Quốc hội)
và Tư pháp (Tòa án Tối cao, còn được gọi là Tối cao Pháp viện).
Quốc hội Hoa Kỳ bao gồm
hai viện: Hạ viện và Thượng viện. Hạ viện gồm 435 thành viên và Thượng viện gồm
100 người (hai người từ mỗi bang trong số 50 tiểu bang).
Nhiệm kỳ
Thành viên của Hạ viện
(Dân biểu) được bầu với nhiệm kỳ hai năm. Không giới hạn về số lần được bầu lại.
Thành viên của Thượng viện
(Thượng nghị sĩ) được bầu với nhiệm kỳ sáu năm, và các cuộc bầu cử vào Thượng
viện được diễn ra so le. Một phần ba Thượng viện được bầu hai năm một lần.
Không có giới hạn về số lần được bầu lại.
Tổng thống được bầu với
nhiệm kỳ bốn năm, tối đa là hai nhiệm kỳ.
Bầu cử liên bang Hoa Kỳ
Cuộc bầu cử tổng thống được
tổ chức mỗi bốn năm vào ngày thứ Ba đầu tiên của tháng Mười Một.
Năm nay, ba cuộc bầu cử
liên bang sẽ được tổ chức vào ngày 3/11 gồm bầu cử Hạ viện, Thượng viện và Tổng
thống.
Mỗi thành viên của Hạ viện
đại diện cho một khu vực. Số dân biểu của mỗi tiểu bang được xác định tỷ lệ thuận
với dân số của tiểu bang.
Mỗi thành viên của Hạ viện
được bầu trực tiếp và người có số phiếu cao nhất sẽ đắc cử.
Mỗi tiểu bang và
Washington DC được phân bổ số đại cử tri dựa trên số dân biểu trong Quốc hội cộng
với hai Thượng nghị sĩ
Đại cử tri đoàn
Tổng thống được bầu gián
tiếp. Mỗi tiểu bang trong số năm mươi tiểu bang và Washington DC được phân bổ số
đại cử tri dựa trên số dân biểu trong Quốc hội cộng với hai Thượng nghị sĩ.
Cơ quan lập pháp của mỗi
tiểu bang xác định cách chọn đại cử tri. Phương pháp phổ biến nhất là sự đề cử
của phân bộ mỗi đảng ở từng tiểu bang, và những người được đề cử sẽ do cơ quan
lập pháp tiểu bang phê chuẩn. Hầu hết các tiểu bang có luật yêu cầu đại cử tri
phải cam kết bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống mà đảng đã đề cử.
Để đơn giản hóa vấn đề, một
cử tri muốn bỏ phiếu cho Donald Trump sẽ thực sự bỏ phiếu cho nhóm đại cử tri
do chi nhánh của Đảng Cộng hòa tại tiểu bang đề cử (và được cơ quan lập pháp tiểu
bang phê chuẩn).
Ngoại trừ hai tiểu bang
Nebraska và Maine, ứng cử viên nào giành được đa số phiếu ở một tiểu bang hoặc
Washington DC sẽ thắng tất cả các đại cử tri. Ở Nebraska và Maine, các đại cử
tri được chọn dựa trên tỷ lệ phiếu mà ứng cử viên của họ nhận được.
Có tổng số 535 đại cử tri
(đại diện cho 435 dân biểu và 100 thượng nghị sĩ).
Đại cử tri mỗi người bỏ một
phiếu duy nhất trong cơ quan lập pháp tiểu bang của họ vào giữa tháng 12. Tổng
thống được bầu nếu nhận được hơn một nửa số phiếu đại cử tri hoặc 270 phiếu.
Có thể xảy ra trường hợp
một tổng thống đắc cử chiếm đa số phiếu đại cử tri nhưng không giành được đa số
phiếu phổ thông. Cuộc bầu cử năm 2016 là một ví dụ. Số người bỏ phiếu cho
Hillary Clinton nhiều hơn Donald Trump là 3 triệu người. Ông Trump đã chiến thắng
sít sao tại vừa đủ các tiểu bang để giành được nhiều phiếu đại cử tri hơn
Clinton.
Sau kỳ bầu cử năm nay, tổng
thống sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 2021.
Khuynh hướng bỏ phiếu
Ở Mỹ, việc bỏ phiếu không
mang tính chất bắt buộc.
Dựa vào xu hướng bỏ phiếu
trong quá khứ, giới bình luận Mỹ gọi các tiểu bang có truyền thống bỏ phiếu cho
đảng Cộng hòa là tiểu bang đỏ. Các tiểu bang có truyền thống bỏ phiếu cho đảng
Dân chủ được gọi là tiểu bang xanh.
Các tiểu bang khác được gọi
là tiểu bang nghiêng ngửa vì tính chất cạnh tranh cao và có thể ngả về đảng này
hoặc đảng kia. Các tiểu bang này sẽ là chiến trường mà mỗi phe cố gắng xây dựng
một liên minh để thắng.
Việc bỏ phiếu phụ thuộc
vào nhiều biến số, bao gồm nhưng không giới hạn ở những yếu tố sau:
• Đảng phái - nhiều người
Mỹ ghi danh là đảng viên Dân chủ hơn đảng viên Cộng hòa nhưng tỷ lệ đảng viên đảng
Cộng hòa đi bỏ phiếu nhiều hơn đảng viên đảng Dân chủ
• Cử tri thành thị (đảng
Dân chủ), ngoại ô (cử tri có khả năng đổi chiều) và nông thôn (đảng Cộng hòa)
• Da trắng (chia đều giữa
hai đảng), người Mỹ gốc Phi (đảng Dân chủ), người Mỹ gốc các quốc gia nói tiếng
Tây Ban Nha (phân tán nhưng nghiêng về đảng Cộng hòa) và người Mỹ bản địa
• Nam - nữ (nhiều nam giới
ủng hộ Trump hơn, trong khi nhiều phụ nữ ủng hộ Biden hơn)
• Trình độ Cao đẳng/Đại học
(đảng Dân chủ) - những người có trình độ trung học hoặc ít học (đảng Cộng hòa)
• Người lao động tay chân
(phân tán giữa các đảng nhưng đa phần ủng hộ Trump vào năm 2016) - nhân viên
văn phòng - người lao động có chuyên môn, giáo viên (đảng Dân chủ)
• Tôn giáo - những người
theo đạo Tin Lành bỏ phiếu cho Trump, những người Công giáo phản đối việc phá
thai bỏ phiếu cho Trump, những người theo đạo Do Thái có xu hướng bỏ phiếu cấp
tiến, do đó họ bầu cho đảng Dân chủ
Những yếu tố về nhân khẩu
học trên đây thay đổi theo từng tiểu bang.
Kết quả bầu cử sẽ phụ thuộc
nhiều vào động cơ thúc đẩy người dân đi bỏ phiếu. Theo truyền thống thì tỷ lệ cử
tri đi bầu cao có lợi cho phe Dân chủ. Yếu tố về thời tiết như vào mùa đông, thời
tiết xấu cũng làm giảm lượng cử tri đi bỏ phiếu, gây bất lợi cho đảng Dân chủ.
Năm nay, đại dịch virus
cororna đã tạo thêm một sự không chắc chắn mới. Ở một số tiểu bang, việc bỏ phiếu
qua đường bưu điện đang bị Tổng thống Trump và những người ủng hộ ông lên án
gay gắt. Có hai mối lo ngại chính trong hình thức này: sự gian lận cử tri và sự
chậm trễ trong việc gửi và nhận phiếu bầu do sự vận hành thiếu hiệu quả của Bưu
điện Hoa Kỳ.
Thăm dò dư luận
Các cuộc thăm dò dư luận
là sự tổng hợp nhanh về cảm giác của cử tri vào một ngày cụ thể.
Tất cả các cuộc thăm dò
dư luận đều có sai số.
Các cuộc thăm dò dư luận ở
cấp quốc gia có thể dẫn đến việc hiểu sai. Cũng có xu hướng lấy trung bình kết
quả của các cuộc thăm dò quốc gia từ các tổ chức khác nhau để xác định xu hướng
chính. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò quốc gia và mức trung bình của các cuộc thăm
dò quốc gia không tính đến sự khác biệt ở từng tiểu bang. Điều này đã diễn ra
vào năm 2016 khi các cuộc thăm dò cho thấy Hillary Clinton dẫn đầu.
Các cuộc thăm dò cấp tiểu
bang tập trung ở các tiểu bang có khả năng thay đổi đưa ra những chỉ số tốt hơn
so với các cuộc thăm dò quốc gia.
Hiện tại, các cuộc thăm
dò quốc gia đang chỉ ra rằng Biden thắng với tỷ lệ chênh lệch lớn, bao gồm cả ở
một số tiểu bang được xem là đấu trường. Tuy nhiên, cần phải nhìn vào biên độ
sai số.
Ông Trump đang mất dần sự
ủng hộ của phụ nữ da trắng vùng ngoại ô và người Mỹ lớn tuổi đã về hưu vốn ủng
hộ ông vào năm 2016.
Ông Biden phải giành được
sự ủng hộ của nhóm người trẻ cấp tiến của Bernie Sanders và Elizabeth Warren và
khuyến khích họ đi bỏ phiếu. Biden phải thể hiện được việc đứng ở thế cân bằng
vì nếu tiến quá xa về cánh tả sẽ khiến các đảng viên đảng Dân chủ không quá cực
đoan sẽ né tránh ông. Một thế trung dung của Biden có thể thu hút các cử tri đảng
Cộng hòa, những người không có thiện cảm với Trump.
Biden thắng Trump về vấn
đề xử lý dịch bệnh virus corona, nhưng việc điều hành nền kinh tế giúp Trump vẫn
giữ được sự ủng hộ từ nhóm ủng hộ viên nòng cốt - đó là những người Mỹ thuộc tầng
lớp lao động ít học, những người cảm thấy bị gạt ra bên lề bởi giới thượng lưu
Washington (Hillary Clinton).
Bắt đầu chiến dịch tranh cử
Chiến dịch tranh cử tổng
thống đã chính thức bắt đầu với các đại hội đảng. Đảng Dân chủ tổ chức đại hội
từ ngày 17-20/8, tiếp theo là đại hội của đảng Cộng hòa vào ngày 24-27/8. Do đại
dịch virus corona, những sự kiện này sẽ được thực hiện trực tuyến. Mỗi đại hội
sẽ chính thức đề cử các ứng cử viên cho chức vụ tổng thống và phó tổng thống. Đảng
Dân chủ đề cử Joe Biden và đảng Cộng hòa sẽ đề cử Donald Trump.
Joe Biden đã chọn Thượng
nghị sĩ Kamala Harris làm ứng cử viên Phó Tổng thống cùng chạy đua vào Nhà Trắng.
Mike Pence là bạn đồng hành tranh cử của Trump.
Có thể có từ ba đến bốn
cuộc tranh luận tổng thống được chiếu trên truyền hình quốc gia; nhưng thường
những cuộc tranh luận này không có khả năng thay đổi suy nghĩ của các cử tri,
trừ những người đang lưỡng lự. Điều này sẽ xảy ra khi có ứng cử viên mắc lỗi khủng
khiếp hoặc thua cuộc tranh luận.
Hai ứng cử viên cho vị
trí Phó Tổng thống cũng sẽ lên lịch để tranh luận với nhau.
Trump rất xuất sắc trong
việc tổ chức các cuộc mít tinh lớn trong nhà nhưng điều này không còn chắc chắn
do COVID-19.
Bấm vào để đọc thêm về
bầu cử Mỹ 2020
https://www.bbc.com/vietnamese/topics/c235xz1qze6t
***
Tin liên quan
Bầu cử 2020: Harris có thể
giúp hay gây bất lợi cho Biden ra sao?
13 tháng 8 năm 2020
.
Bầu cử 2020: Nhược điểm của
Trump làm đối thủ yếu Biden trông mạnh
3 tháng 8 năm 2020
.
Bầu cử 2020: Biden chọn
Harris là ứng cử viên phó tổng thống
12 tháng 8 năm 2020
.
Bầu cử 2020: Cuộc tranh cử
tổng thống lần thứ ba của Joe Biden
6 tháng 3 năm 2020
.
Bầu cử 2020: Đảng Dân chủ
muốn điều tra những thay đổi của Bưu điện
11 tháng 8 năm 2020
.
Bầu cử 2020: Cập nhật kết
quả thăm dò của Trump và Biden
7 tháng 9 năm 2020
No comments:
Post a Comment