Friday, 25 September 2020

ĐÂY LÀ CÁCH MÀ TIỀN THUẾ CỦA DÂN ĐƯỢC XÀI . . . (Mạnh Kim)

 


 

 

Đây là cách mà tiền thuế của dân được xài…    

Manh Kim

23/09/2020 lúc 19:39  

https://www.facebook.com/nguyen.manhkim/posts/10159735738044796

 

“Tiền thuế của dân “chạy” đi đâu?” là một trong những câu hỏi bí mật nhất Việt Nam. Chẳng người dân nào có thể biết chính xác “ngân sách nhà nước”, tức tiền thuế của người dân, được dùng như thế nào và dùng vào việc gì cho “ích nước, lợi nhà”…

 

Đã có hàng ngàn, thậm chí hơn, bài báo nói về “lạm chi ngân sách”, “thất thoát tài sản công”, cần “thắt chặt chi tiêu trong tình hình khó khăn”… Dĩ nhiên “nói” thì chẳng cần “tiết kiệm” lời. Vấn đề là xài thì cứ mặc sức xài. Thiếu thốn cỡ nào cũng có thể “linh động” tìm cách xài. Càng khó khăn, càng “sáng tạo” trong cách xài. Chẳng hạn vụ tỉnh ủy Quảng Bình thông báo chi hơn 2,2 tỷ đồng để mua cặp đựng tài liệu cho khách mời và đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh.

 

Tình hình chung là ngân sách năm nay tiếp tục “bội chi”. Sau bảy tháng đầu năm, ngân sách nhà nước đã bội chi khoảng 101,1 nghìn tỷ đồng. Báo cáo Tổng cục Thống kê cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 15-7-2020 ước tính đạt 697,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,1% dự toán năm. Truy cập trang web Cổng công khai ngân sách nhà nước (ckns.mof.gov.vn) thuộc Bộ Tài chính ngày 23-9-2020, cho thấy dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 có thể “đạt” bội chi 234.000 tỷ đồng; tổng thu sáu tháng đầu năm đạt 668.675 tỷ đồng; trong khi tổng chi là 729.440 tỷ đồng.

 

Muốn biết phần nào tiền thuế người dân dùng vào việc gì, hãy thử vào trang “Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia” của Bộ Kế hoạch Đầu tư (muasamcong.mpi.gov.vn). Ở đó, bạn sẽ thấy chi tiết những kế hoạch chi xài “rùng rợn” vô tội vạ như thế nào.

 

Hãy nhập “20200870966” vào ô “Số KHLCNT” (Số kế hoạch lựa chọn nhà thầu), bạn sẽ thấy người ta sẵn sàng chi 414.739.000 đồng cho việc “Xuất bản cuốn sách Dưới cờ Đảng, tuổi trẻ Quảng Ninh xung kích, đổi mới, sáng tạo xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh”. Hãy nhập “20200964677” theo cùng cách, để thấy người ta chi 151.293.000.000 đồng cho việc “Đầu tư xây dựng Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy thời kỳ chống Mỹ cứu nước (1954-1975) tại huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang”. Chủ đầu tư là Văn phòng Tỉnh ủy Kiên Giang. Hãy nhập “20200963606”, để thấy một số tiền lớn 8.031.200.000 được dùng để “Mua sắm thiết bị giảng dạy nghiệp vụ năm 2020” của Trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân I… Chỉ riêng việc “Biên soạn, xuất bản và in ấn cuốn sách “Quận-Huyện-Thị xã Thành phố Hà Nội Xưa và Nay” của Ban Tuyên Giáo Thành ủy Hà Nội đã ngốn 396.740.000 đồng! Toàn đơn vị hàng trăm triệu đến hàng (trăm) tỷ!

 

Trang “Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia” (Bộ Kế hoạch Đầu tư) liệt kê các dự án lớn nhỏ, của từng địa phương lớn nhỏ, giúp cho thấy ở đâu đang muốn “ăn” gì, cơ quan nào “ăn” như thế nào – một cách có hệ thống và… “đúng luật”. Công an tỉnh Bắc Ninh chẳng hạn. Với “dự án” đơn giản là “Cung cấp dịch vụ in băng rôn, tờ rơi phục vụ tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong các Khu, Cụm” (số 20200963645), cơ quan này nêu “giá dự toán” là 1.161.932.000 đồng. Ngay một tỉnh nghèo “có hạng” như Lai Châu, nơi học sinh có thể nói thuộc một trong những thành phần đáng thương nhất nước, các “thầy” ở Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đòi “Mua sắm xe ôtô” (số KHLCNT 20200962923) với 998.000.000 đồng!

 

“Ăn” bạo nhất, công khai nhất, hoành tráng nhất, và thậm chí có thể được “khen” khi “ăn” là “ăn theo” Đại hội Đảng. Tìm kiếm thông tin về “Đại hội Đảng bộ các cấp” những ngày này, sẽ dễ dàng thấy vô số bài viết tuyên truyền về “tiến tới Đại hội Đảng”. “Tiến tới” ở đây cũng có nghĩa là “tiến tới” những cuộc rút rỉa rầm rộ. Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, với “dự án số “20200964629” mang nội dung “Trang trí sắp đặt một số cụm mô hình, tác phẩm nghệ thuật xung quanh hồ Hoàn Kiếm chào mừng Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, ngày phê duyệt 22-9-2020, đã ghi “giá dự toán” là 727.375.000 đồng.

 

Đó chỉ mới là “Ban quản lý Phố cổ”, cơ quan to hơn dĩ nhiên phải “xơi” mâm to hơn. Văn phòng Thành ủy Hà Nội có một “kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII” một cách rất hoành tráng (số KHLCNT 20200958849), với phần “chi tiết nguồn vốn” được ghi là “Ngân sách Nhà nước”, và khoản dự kiến là 9.369.720.000 đồng! Cụ thể, phí tư vấn thuê hội trường phục vụ Đại hội là 1.200.000.000 đồng; phí tư vấn “Đưa đón đại biểu từ nơi nghỉ đến nơi tổ chức đại hội” là 842.820.000 đồng; “Mua cặp da đựng tài liệu” 960.000.000 đồng; phí tư vấn “In, gia công sổ phục vụ Đại hội” 95.000.000 đồng; phí tư vấn “In phù hiệu Đại hội” 55.000.000 đồng…

 

Ngày 22-9-2020, tại hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát Đảng bộ thành phố Hà Nội, bí thư thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã nhắc nhở các “đồng chí” của mình rằng, để “tiến tới” Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội ngày 11 đến ngày 13-10-2020, các “đồng chí” phải “tập trung tiết kiệm”, rằng đại hội không cần tặng hoa và tổ chức ca múa. Quả là cần phải “tiết kiệm”, vì chỉ riêng “Thuê cốc chén, trang thiết bị phục vụ giải khát giữa giờ” đã là 95.000.000 đồng; và bút dùng cho Đại hội đã là 50.000.000 đồng!

 

Cho đến ngày Đại hội Đảng toàn quốc (dự kiến đầu năm 2021), hàng loạt đại hội đảng bộ địa phương đã và sẽ được tổ chức. Ai có thể tính được chính xác chi phí cho toàn bộ cuộc chè chén linh đình này? Và nó “góp phần” như thế nào cho cuộc khủng hoảng “bội chi” không có điểm dừng, làm liên tục thâm hụt túi tiền người dân mà người ta gọi là “ngân sách nhà nước”? Điều mỉa mai là niềm tin “Đảng trong sạch” và niềm tin vào “cuộc chiến chống tham nhũng” của ông Trọng vẫn còn phổ biến hoặc được cố tình làm cho phổ biến.

 

Nó cho thấy một trớ trêu: nếu tin ông Trọng “thực tâm” trong chiến dịch đốt lò "chống tham nhũng" hơn là thanh trừng nội bộ, rằng Đảng đang “cải tổ”, và đường lối cai trị nói chung vẫn đúng thì xem như mặc nhiên thừa nhận bộ máy cai trị này có quyền rút rỉa mồ hôi nước mắt người dân; mặc nhiên chứng kiến những mâm cỗ hoành tráng của những kẻ đang ở thế có thẩm quyền đốt lò; thậm chí xem như là “bình thường” khi người dân phải nộp thuế để “cán bộ” có tiền gửi con du học.

 

267 BÌNH LUẬN

 

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats