Wednesday 2 September 2020

ASEAN CÓ ĐỨNG VỮNG TRƯỚC SỰ "MUA CHUỘC" CỦA TRUNG QUỐC? (Nguyễn Trường)

 


ASEAN có đứng vững trước sự “mua chuộc” của Trung Quốc?

Nguyễn Trường
2020-08-31

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/can-asean-stand-firm-before-china-s-blacating-tricks-08312020123759.html

 

Trung Quốc tích cực hoạt động “lấy lòng” toàn thế giới

 

Trong bối cảnh sự căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng gia tăng. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã liên tục tung các đòn “tấn công” Trung Quốc. Một mặt, Bắc Kinh “lặng yên chịu trận”, mặt khác, đội ngũ ngoại giao của Trung Quốc tích cực các chuyến công du để “lấy lòng” các đối tác.

 

Đầu tiên là Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương, cơ quan ra quyết sách ngoại giao cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ ngày 19-22/8, ông Dương Khiết Trì đã lần lượt tới thăm Singapore và Hàn Quốc. Đây không chỉ là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao trong Đảng Cộng sản Trung Quốc ra nước ngoài sau “kỳ nghỉ Bắc Đới Hà”, mà còn là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao Trung Quốc sau khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) hoành hành trên khắp thế giới, ngoại trừ chuyến thăm Hawaii của ông Dương Khiết Trì hồi tháng 6/2020.

 

Theo hãng tin Tân Hoa Xã, năm 2020 là kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Singapore, do đó, ông Dương Khiết Trì và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cùng nhắc lại “mối quan hệ đối tác hợp tác toàn diện cùng phát triển” đã được lãnh đạo hai nước xác định năm 2015. Đồng thời, trong cuộc đối thoại, ông Dương Khiết Trì cũng bày tỏ mong muốn ổn định chuỗi cung ứng, tăng cường cuộc chiến chống COVID-19, thúc đẩy hợp tác trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Ông đã nhận được sự hồi đáp tích cực từ phía Singapore.

 

Singapore luôn được coi là thành viên quan trọng của ASEAN, từng là cầu nối giữa Trung Quốc và phương Tây, có quan hệ sâu sắc với các nhà lãnh đạo chính trị cấp cao trước đây của Trung Quốc. Tuy nhiên, Singapore cũng đóng vai trò phức tạp trong việc làm xấu đi quan hệ Trung-Mỹ hiện nay. Việc Bắc Kinh cử ông Dương Khiết Trì tới thăm Singapore và chọn nước này là điểm dừng chân đầu tiên trong tiến trình khôi phục các mối quan hệ ngoại giao của Trung Quốc truyền tải một thông điệp rõ ràng là Trung Quốc rất coi trọng và đặt kỳ vọng tương đối cao vào Singapore.

 

Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết Singapore sẵn sàng tăng cường trao đổi cấp cao với Trung Quốc, tận dụng tốt cơ chế hợp tác song phương, thúc đẩy phát triển quan hệ ASEAN-Trung Quốc, cùng đẩy mạnh việc phục hồi kinh tế khu vực và thế giới. Đây có lẽ là câu trả lời mà Bắc Kinh mong đợi.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/can-asean-stand-firm-before-china-s-blacating-tricks-08312020123759.html/2020-08-22T061748Z_1272203935_RC2UII9G0W2W_RTRMADP_3_SOUTHKOREA-CHINA.JPG/@@images/31a79447-1251-4b09-962e-2048f0706a5a.jpeg

Hình minh hoạ. Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương (trái) và ông Suh Hoon - Giám đốc mới được bổ nhiệm của Văn phòng An ninh Quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc tại Busan, Hàn Quốc hôm 22/8/2020 Reuters

 

Điểm dừng chân thứ hai của ông Dương Khiết Trì cũng quan trọng không kém, đó là Hàn Quốc. Là một đồng minh truyền thống của Mỹ ở Đông Á và là một nền kinh tế quan trọng ở khu vực, thái độ của Hàn Quốc luôn phức tạp và hay dao động. Thời kỳ bà Park Geun-hye nắm quyền, mối quan hệ vốn rất thân thiết Trung-Hàn đã bị rạn nứt do Hàn Quốc đồng ý cho Mỹ triển khai hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở nước này. Tuy nhiên, trên thực tế, mối quan hệ Mỹ-Hàn ngày càng bị xem xét lại. Theo giới quan sát, chuyến công du Hàn Quốc của ông Dương Khiết Trì có thể là một chuyến thăm mang tính sự vụ. Việc ông Dương Khiết Trì nhận lời mời gặp ông Suh Hoon - Giám đốc mới được bổ nhiệm của Văn phòng An ninh Quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc -  là để xác nhận rằng ngay sau khi dịch bệnh lắng dịu, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tới thăm Hàn Quốc. Tuy nhiên, vấn đề mà hai bên trao đổi rõ ràng là vấn đề mà 2 bên quan tâm hơn nhiều. Điều mà phía Hàn Quốc rất quan tâm là vấn đề bán đảo Triều Tiên. Ông Dương Khiết Trì đã cam kết sẽ tiếp tục duy trì liên lạc chặt chẽ với Hàn Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc rất quan tâm đến lập trường của Seoul trong bối cảnh quan hệ Trung-Mỹ xấu đi. Tuy nhiên, ông Suh Hoon lại không đưa ra quan điểm rõ ràng, chỉ nói rằng việc Trung Quốc và Mỹ thiết lập mối quan hệ cùng thắng là rất quan trọng để mang lại hòa bình và sự phồn vinh ở Đông Bắc Á cũng như trên thế giới. Không rõ tuyên bố này có đủ để trấn an Bắc Kinh hay không.

 

Điều đáng chú ý nữa là hai bên khẳng định sự cần thiết của việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn trong năm nay cũng như đẩy nhanh cuộc đàm phán giai đoạn 2 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm nay, khai thác các dự án mẫu kết nối chính sách hướng Nam mới và hướng Bắc mới của Hàn Quốc với sáng kiến BRI của Trung Quốc. Nhất thể hóa kinh tế khu vực Trung-Nhật-Hàn luôn là mong đợi của Trung Quốc (và cả Nhật Bản và Hàn Quốc). Sự kết hợp giữa 3 nền kinh tế khổng lồ không chỉ là về số lượng, mà quan trọng hơn, nó trở thành lực lượng lớn ảnh hưởng và chi phối cấu trúc kinh tế toàn cầu.

 

 

Ngoài ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, cũng hoạt động khá tích cực. Ngày 20/8, ông Vương Nghị đã hội đàm với Ngoại trưởng Indonesia Retno Lestari Priansari tại Bảo Đình thuộc tỉnh Hải Nam khi bà này thăm Trung Quốc; tiến hành Đối thoại chiến lược Trung Quốc-Pakistan lần thứ hai với Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi ngày 21/8. Điểm nhấn tiếp theo là hoạt động kỷ niệm 20 năm ký Hiệp ước biên giới đất liền và 10 năm triển khai 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt-Trung tại Đông Hưng, Quảng Tây ngày 23/8.

 

Trong khi đó, ngày 24/8, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ ba được tổ chức theo hình thức trực tuyến, đồng thời “chìa cành ô liu” với cam kết sẽ ưu tiên cung cấp vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc cho các nước khu vực Mekong.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/can-asean-stand-firm-before-china-s-blacating-tricks-08312020123759.html/2020-08-27T190126Z_1390865638_RC2JMI9EGX8A_RTRMADP_3_CHINA-NORWAY.JPG/@@images/fa3ab207-8f34-44d1-af58-f427b36a1261.jpeg

Hình minh hoạ. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng nhiệm Na Uy Ine Eriksen Soreide tại cuộc gặp ngắn ở Oslo, Na Uy hôm 27/8/2020 Reuters

 

Từ Singapore, Hàn Quốc đến Indonesia, Pakistan và Việt Nam, các hoạt động ngoại giao láng giềng dày đặc của các nhà lãnh đạo ngoại giao cấp cao Trung Quốc trong thời điểm khó khăn hiện nay đã cho thấy tính linh hoạt và chiến lược của Bắc Kinh. Chuyến thăm chính thức của ông Vương Nghị tới 5 nước châu Âu (Italy, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức) trong tuần này được cho là thời điểm quan trọng để Trung Quốc tận dụng đi sâu vào “sân sau” truyền thống của Mỹ, trong bối cảnh Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang bận rộn ứng phó với dịch bệnh và cuộc bầu cử trong nước. Trong bối cảnh quan hệ Trung-Mỹ ngày càng xấu đi và các doanh nghiệp Trung Quốc liên tục chịu sự chèn ép của Mỹ, Bắc Kinh luôn tìm mọi cách để phá vỡ “vòng phong tỏa”, ngăn chặn và loại bỏ những tác động bất lợi, và đương nhiên là “làm tan rã” sự bao vây kinh tế và phong tỏa công nghệ của Mỹ cùng các đồng minh. Việc Bắc Kinh vội vã mở cửa quan hệ với châu Âu và các nước láng giềng bắt nguồn từ việc này.

 

ASEAN và vấn đề biển Đông

 

Chiến lược của Trung Quốc là ngăn mọi bất đồng trên Biển Đông trở thành đa phương về bản chất, và thúc đẩy việc giải quyết căng thẳng thông qua đàm phán song phương. Bắc Kinh không muốn để một bên thứ ba có ảnh hưởng ở khu vực như Mỹ, Nhật Bản hay Australia, có cơ hội can thiệp.

 

Giới quan sát nhận định ASEAN đang gặp khó khăn trong việc đạt đồng thuận về những vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Dù đã kết nối với Bắc Kinh trong nhiều vấn đề khác nhau, từ hàng loạt khuôn khổ cho đến các cuộc tham vấn, các nước thành viên ASEAN vẫn chưa tìm thấy hướng giải quyết cho những khúc mắc liên quan tới các tuyên bố chủ quyền chồng lấn.

 

Trung Quốc là một trong số những đối tác thương mại hàng đầu của các nước ASEAN. Khu vực này cần cả Mỹ lẫn Trung Quốc, và không muốn bị đặt vào tình thế phải lựa chọn giữa một bên nào đó. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có muốn Đông Nam Á và ASEAN cùng siết chặt vòng vây Trung Quốc?

 

Giới phân tích và nhiều nhà quan sát cho rằng ASEAN phải bắt đầu tham gia cuộc chơi và cùng chống lại Trung Quốc như một khối thống nhất. Khu vực cần ngăn Trung Quốc đạt được lợi ích chiến lược và dành nhiều nguồn lực hơn để tăng cường năng lực bảo vệ không gian biển. Nhưng liệu điều này có khả thi?

 

Một thay đổi lớn gần đây, ban đầu do Nhật Bản đưa ra ý tưởng nhưng dần dần được các nước khác chấp nhận, là xác định lại khái niệm khu vực “Châu Á-Thái Bình Dương” có nghĩa là khu vực “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” rộng hơn bao gồm cả Australia, Ấn Độ và Mỹ với tư cách là các cường quốc trong khu vực. Trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng hơn này, các quốc gia thành viên ASEAN lo sợ rằng sự hiện diện của họ sẽ giảm sút khi các cường quốc lớn tự xác định họ là quốc gia bản địa chứ không phải người ngoài, như cách hiểu truyền thống về “Đông Á”.

 

Tuy nhiên, mọi thay đổi đều mang lại những cơ hội mới. Về mặt địa lý, ASEAN nằm ở trục giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, và đặc điểm này không bị mất đi đối với những ai coi trọng vị trí trung tâm của ASEAN. Nhưng vấn đề không đơn giản như bạn thấy. Trong khoa học chính trị, “tác nhân chủ chốt” được định nghĩa là tác nhân đẩy cơ quan lập pháp vượt qua ngưỡng cần thiết để thông qua luật. Hãy ghi nhớ rằng các quy tắc của lĩnh vực này - như đa số là bắt buộc hoặc hình thức bỏ phiếu - ảnh hưởng đến định nghĩa “tác nhân chủ chốt”. Với sự ủng hộ của tác nhân chủ chốt, các quyền ưu tiên của phần còn lại trong cơ quan lập pháp bị chia rẽ không thành vấn đề vì thành công đã được đảm bảo. Ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vị trí chiến lược của ASEAN giữa các cường quốc lớn cũng như vị trí trung tâm địa lý của ASEAN mang lại cho ASEAN vai trò then chốt đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - nếu khối này có thể nhận ra sức mạnh của chính họ cũng như những cạm bẫy tiềm ẩn.

 

Các quốc gia ASEAN hiện thấy mình là những chủ thể mà sự ủng hộ của họ là cần thiết đối với các cường quốc bên ngoài để đảm bảo đạt các nước này đạt được những mục tiêu của mình. Trung Quốc không thể tuyên bố rằng Sáng kiến "Vành đai và Con đường” sẽ mang lại lợi ích cho khu vực nếu khu vực này không công nhận và phê duyệt các dự án.

Mặc dù sự thay đổi trong chính sách của Mỹ về lâu dài sẽ có tác động khiến Trung Quốc phải trả giá và thu hút sự ủng hộ của các đồng minh và đối tác, nhưng trước mắt cần lưu ý đến 3 khía cạnh:

 

Thứ nhất, trong tương lai, có thể mong đợi một phản ứng ngoại giao mạnh mẽ hơn từ Mỹ lên án các hành vi xâm phạm trái phép của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hoặc quấy rối hoạt động khoan dầu và đánh bắt cá của nước khác.

 

Thứ hai, Mỹ giờ đây sẽ đưa các hành vi bất hợp pháp ra trước các diễn đàn quốc tế, không còn giới hạn ở Hội nghị cấp cao Đông Á nữa, mà sẽ nêu vấn đề tại các hội nghị LHQ, G7 và G20…

 

Thứ ba, Mỹ cũng có thể thực hiện nhiều bước đi hơn nữa để gây thiệt hại kinh tế cho Trung Quốc. Bằng cách tuyên bố một số hoạt động của Trung Quốc là bất hợp pháp, Mỹ đã tự trang bị cho mình lời biện minh cho việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số công ty và tổ chức Trung Quốc thực hiện các hoạt động trên. Mục tiêu của Washington là thay đổi hành vi của Bắc Kinh và vì điều này, họ cần các nước khác ủng hộ. Trong ngắn hạn, căng thẳng có thể leo thang do thực tế là Trung Quốc, nước phải làm hài lòng người dân trong nước vốn khó chịu trước sự bất bình đẳng và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, sẽ sử dụng chính sách ngoại giao chiến lang. Điều này được thể hiện trong bối cảnh của tiến trình giảm leo thang căng thẳng ở biên giới Ấn Độ-Tây Tạng. Các nhà ngoại giao Trung Quốc tự mãn cho rằng Bắc Kinh chỉ đang bảo vệ chủ quyền, còn Ấn Độ mới là bên gây hấn.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/can-asean-stand-firm-before-china-s-blacating-tricks-08312020123759.html/000_1U41UW.jpg/@@images/f47ff4cd-cd5a-45d6-b814-a0c99d1f9946.jpeg

Hình minh hoạ. Thủ tướng VN Nguyên Xuân Phúc phát biểu tại Thượng đỉnh ASEAN ở Hà Nội hôm 26/6/2020 AFP

 

Trong khi tình hình trên mở ra cơ hội cho ASEAN và Chủ tịch của ASEAN là Việt Nam để đưa ra các động thái phù hợp nhằm bảo vệ lợi ích của mình, thì điều đó cũng đặt ra cho họ một trách nhiệm nặng nề. Trước tiên, ASEAN cần đưa ra trước các cơ quan quốc tế như LHQ, EU… những hành động và yêu sách phi lý của Trung Quốc một cách mạnh mẽ hơn và điều chỉnh các động thái chiến lược của mình. Cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, điều này tạo cơ hội gây sức ép buộc Trung Quốc sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có ràng buộc về mặt pháp lý và tuân thủ phán quyết của PCA. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đưa ra tiến trình các cuộc họp giữa LHQ và ASEAN, và cơ chế này nên được thực hiện lâu dài. Các cơ chế tương tự cũng nên được thiết lập với các tổ chức quốc tế khác.

 

Thứ hai, Cộng đồng Quốc tế giờ đây sẽ sẵn lòng giúp đỡ các nước ASEAN xây dựng năng lực quân sự. Đây là cơ hội cho các quốc gia ven biển để tăng cường năng lực quân sự bằng cách mua vũ khí và công nghệ hiện đại. Việt Nam có thể xúc tiến mua lại công nghệ quốc phòng và tên lửa như Brahmos từ Ấn Độ vì cả hai đều là đối tác chiến lược. Ngoài ra, các nước ASEAN có thể được khuyến khích tham gia tập trận hải quân với Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Hoạt động của Nhóm Bộ Tứ Mở rộng, có thể bao gồm cả ASEAN và Hàn Quốc, sẽ giúp kiềm chế Trung Quốc và củng cố nỗ lực duy trì khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên luật pháp và chuẩn mực quốc tế.

 

Thứ ba, Chủ tịch ASEAN không nên để bất kỳ thành viên nào bị Trung Quốc ép buộc. Đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn khi Trung Quốc đang sử dụng mọi thủ đoạn để lôi kéo những người có ảnh hưởng ở các nước yếu kém về kinh tế. Tuy nhiên, khi các nước thành viên ASEAN nhận ra cái giá phải trả cho việc đi theo và rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc, người ra hy vọng rằng tình hình tương tự mà Trung Quốc tạo ra trong năm 2012 sẽ không lặp lại.

 

Thứ tư, cần đập tan nỗ lực của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách lịch sử của “Đường 9 đoạn”. Đây chỉ là những lập luận tùy tiện mà Trung Quốc đưa ra với hy vọng ngày nào đó sẽ được cộng đồng quốc tế chấp nhận. ASEAN cần đạt được một thỏa thuận rằng các quốc gia thành viên phải thể hiện Biển Đông như một khu vực chung trên bản đồ chính thức của mỗi nước. Nếu các thành viên ASEAN có thể đồng thuận về một danh từ chung phù hợp cho Biển Đông, chẳng hạn như Biển Đông Nam Á, thì điều đó sẽ tốt hơn nhiều.

 

Thứ năm, ASEAN cũng có thể áp đặt chi phí kinh tế lên Trung Quốc bằng cách giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc. Một số doanh nghiệp đang rời khỏi Trung Quốc, khiến chuỗi cung ứng của Trung Quốc đại lục và Hong Kong bị gián đoạn. Điều này đem lại cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam, nước đã làm tốt hơn Trung Quốc về kinh tế trong năm nay. Những công ty này nên được cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết để chuyển khỏi Trung Quốc và đảm bảo việc nới lỏng các quy định nếu được yêu cầu. Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á. Trong hoạt động kinh tế, Ấn Độ và Việt Nam có thể làm việc như những đối tác để tăng cường chuỗi cung ứng. Trong khi các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ bao gồm điện thoại di động và linh kiện, máy móc, máy tính và phần cứng điện tử, cao su tự nhiên, hóa chất và cà phê; các mặt hàng xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam bao gồm thịt và các sản phẩm thủy sản, ngô, thép, dược phẩm, bông và máy móc. Việt Nam cũng đang xuất khẩu gạo chất lượng cao sang các nước khác. Vì những mặt hàng này có nhu cầu lớn ở châu Phi, Tây Á và châu Âu, một sự kết nối được cải thiện có thể thúc đẩy đáng kể giao thương của Việt Nam với các thị trường nói trên.

 

----------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats