Friday, 21 August 2020

SỰ KIỆN BELARUS (Nguyễn Thọ)

 


Sự kiện Belarus

Nguyễn Thọ

21/08/2020

https://baotiengdan.com/2020/08/21/su-kien-belarus/

 

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/08/Belarus-1024x683.jpg

Người biểu tình không cần có chỉ đạọ, không có kế hoạch vẫn tự động để hoa thành ngôi mộ tưởng niệm một thanh niên bị chết vì bạo lực cảnh sát. Ảnh: internet

 

Trong một thế giới tràn ngập những tin buồn: Covid-19 đặt loài người trước những thử thách chưa từng có, Trung Quốc vô hiệu hóa nền dân chủ Hồng Kông trước một thế giới bất lực, Việt Nam lại lùi bước tại một dự án dầu mỏ Biển Đông, Lebanon, Paris của Trung Đông hỗn loạn vì vụ nổ ở Beirut… thì tuần qua có một tin đáng khích lệ: Kể từ cuộc bầu cử Tổng thống hôm 9.8 vừa qua, người Belarus (Bạch Nga) đã không còn chấp nhận sống mà ngậm miệng!

 

Belarus vốn là một nước Cộng hòa XHCN trong Liên bang Xô Viết từ 1918-1991. Dân ở đây chủ yếu là người Bạch Nga, khoảng 7% người Nga, 10% còn lại là các cộng đồng Ba-Lan, Ucraina, Litva, Do Thái v.v… Tuy gọi là Nga (trắng), nhưng người Belarus chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Châu Âu. Từ Minsk đi Vilnus, thủ đô Latvia chỉ hơn 200km, đến Warzava 500km, nhưng tới Moskva hơn 700km.

 

Trong lịch sử Belarus từng là thành viên của vương quốc Ba Lan-Latvia. Vì vậy mà Belarus luôn có trình độ phát triển trên trung bình trong liên bang Xô-Viết (Phát triển nhất là ba nước vùng Baltic, chậm phát triển nhất là các nước Trung Á hồi giáo). Nhiều sinh viên Việt Nam từng học ở Minsk thời “Xô-Việt đuề huề” đã chứng kiến cuộc sống khá dễ chịu ở đây.

 

Khi Liên Xô tan rã cuối năm 1991, Belarus thành một nước cộng hòa độc lập với thể chế dân chủ. Nhưng nền dân chủ này chỉ tồn tại trên giấy tờ, vì từ người dân đến lãnh đạo, từ anh công an đến anh thu thuế vẫn là con người cũ, quen sống trong nền độc tài, quen cách hành xử không minh bạch. Trong bối cảnh đó, việc giải thể nền kinh tế Liên Xô tạo ra “một cuộc hôi của” vĩ đại nhất trong lịch sử. Nhiều kẻ lãnh đạo lưu manh của chế độ cũ cũng giành giật được những khúc xương, miếng thịt khá béo bở.

 

Ông bộ đội phục viên, cán bộ đảng cấp huyên Aljaksandr Lukashenko không chấp nhận “Trâu chậm uống nước đục”. Vốn quen ăn nói bỗ bã, “đ* mẹ, đ* cha” thoải mái, chơi bóng đá, khúc côn cầu cấp nghiệp dư rất hăng nên ông được quần chúng hâm mộ. Ông phát động phong trào chống tham nhũng và đi đâu cũng hô hào “hốt hết”.

 

Năm 1994, dựa vào sự ủng hộ của số đông nhân dân bị trắng tay bởi nạn hôi của sau XHCN, phong trào chống tham nhũng của Lukashenko thắng lớn. Tổng thống Suskevich, người từng cùng Jelzin (Tổng thống Nga) và Kravshuk (Tổng thống Ucraina) đứng ra giải thể Liên Xô, bị hạ bệ cùng 70 quan chức cao cấp khác. Tất cả vì tội tham nhũng.

 

Như vậy mới thấy tay này hơn hẳn Bá Thanh ở Đà Nẵng. Cùng giống nhau ở xuất phát điểm và cá tính, nhưng gã “hốt” được hết vào tay mình. Tôi gọi gã là “Ba Luk”.

 

Từ 1994 đến nay, Ba Luk trở thành tổng thống Belarus gần như suốt đời. Tuy Hiến pháp 1991 quy định chỉ cho phép tối đa 2 nhiệm kỳ Tổng thống. “Độc tài” tức là có tài thay đổi hiến pháp để độc quyền. Thế là năm 2006, Ba Luk cho đổi hiến pháp với “đa số nhân dân tuyệt đối hưởng ứng”.

 

Dân Belarus có cuộc sống khá dễ chịu, vì thừa hưởng nền tảng công nghiệp tốt nhất của Liên-Xô cũ. Nga coi Belarus như phên dậu chống phương tây nên có những ưu đãi quan trọng. Dầu khí cấp cho Belarus rẻ hơn hẳn cho Ucraina cứng đầu. Belarus cũng ngoan ngoãn nấp dưới cái ô hạt nhân và quốc phòng của Nga. Vì thế hơn 9 triệu người Belarus có thu nhập bình quân theo sức mua hơn 20.000 USD/năm. Họ được đi lại, giao lưu thoải mái với Ba-Lan và các nước vùng Baltic.

 

Tuy báo chí bị kiểm duyệt, nhưng ví dụ vẫn được phê phán ông bạn Putin 4 tốt, 16 chữ vàng, chỉ cấm không được chê Ba Luk. Người dân Belarus cảm thấy ách thống trị và bộ máy cảnh sát, tuyên truyền của Ba Luk không đến nỗi phải đổ máu để gạt bỏ.

 

Nền độc tài Lukashenko trôi qua một cách không ồn ào lắm 26 năm qua giữa châu Âu.

Lần này Ba Luk cũng tưởng làm tiếp được nữa. Nhưng gã đã già néo đứt dây. Lần già néo thứ nhất là gã cho bắt hết mấy ông ứng cử viên đối lập. Tội trạng thì đã có cơ quan “Công an điều tra” lo. Không ngờ cô Zichanouskaja, vợ của ứng cử viên Zichanouski vừa vị bắt, nhảy ra ứng cử thay chồng. Để tránh sự trừng phạt của chế độ, cô gửi các con ra nước ngoài rồi mới tuyên bố ứng cử. Lập tức có hai bà vợ của các ứng cử viên bị bắt khác là Weranika Zapkala và Maria Kalesnikawa cùng đứng ra ủng hộ cô Zichanouskaja. Lòng dũng cảm của ba người phụ nữ này đã làm xúc động hàng triệu người dân Belarus vốn sợ thay đổi xưa nay.

 

Luồng gió cách mạng đó tạo ra những điều chưa từng xảy ra trong một nhà nước mà cảnh sát đông như quân nguyên. Chỉ trong vòng 2 tuần trước ngày bầu cử, các cuộc mít-tinh vận động tranh cử của ba người phụ nữ trẻ luôn có hàng ngàn đến hàng chục ngàn người tham dự, rất ôn hòa. Cảnh sát tuy đông nhưng lúng túng trước đám đông ôn hòa, bất bạo động và… rất xinh gái.

 

Ba Luk lại già néo đứt dây lần nữa trong ngày bầu cử 09.08. Để chắc ăn, gã cho công bố kết quả bầu cử với 80% số phiếu cho mình, còn ứng cử viên được đông đảo người dân mến mộ nhất là Zichanouskaja chỉ có 6,9%. Người ta mến mộ cô, vì cô chỉ nhận làm tổng thống để chuẩn bị cho một cuộc bầu cử dân chủ, rồi sẽ về nhà nuôi con, chăm chồng. Chỉ nhìn quanh gia đình và bè bạn, ai cũng nghĩ là Zichanouskaja sẽ đạt 70% phiếu trở lên. Giờ nghe kết quả đó, mọi người đều cảm thấy bị Ba Luk coi là đàn lừa. Sự giận dữ bùng nổ ngay sau khi công bố kết quả. Các cuộc biểu tình đầy bạo động đã nổ ra trong toàn quốc, khác hẳn trước ngày bầu cử.

 

Điều đáng nói là cho đến lúc này, phong trào phản kháng không hề có tổ chức, không hề có lãnh đạo. Ngay trong hai ngày sau khi bầu cử, hai cô Zichanouskaja và Zapkala đều biến khỏi Belarus một cách bí hiểm. Chỉ còn nhân vật thứ ba là cô Maria Kalesnikava ở lại và kiên trì lên tiếng. Nhưng cô cũng không nhận mình là lãnh đạo phong trào.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/08/3-11-1024x512.jpg

Ba người vợ của các ứng cử viên bị bắt đã tạo ra cuộc cách mạng Belarus. Từ trái sang: Weranika Zapkala, Swjetlana Zichanouskaja và Maria Kalesnikawa. Hiện nay hai cô Weranika Zapkala, Swjetlana Zichanouskaja đang phải sống ở nước ngoài. Chỉ còn cô Maria Kalesnikawa ở lại trong nước. Ảnh: internet

 

Cuối tuần rồi, Ba Luk cho phản công bằng cách lấy xe chở những người ủng hộ ông ta về Minsk để biểu tình chống bọn “phản động”. Tại cuộc biểu tình 4.000 người đó, vẫn có một ông công nhân lên phát biểu ngược dòng, đề nghị Ba Luk từ chức. Cùng lúc đó một cuộc biểu tình 100.000 người không do ai chỉ đạo, nổ ra ở khu phố khác, đòi xóa bỏ chế độ độc tài. Hôm đó, cảnh sát hầu như bị vô hiệu hóa vì các cô gái tóc vàng xinh đẹp và các bà mẹ đôn hậu. Cái loa phường của Ba Luk là đài truyền hình trung ương cũng bị tê liệt, vì các biên tập viên, mới trước đó 1 tuần còn dám đưa tin láo về bầu cử, nay đứng ra phản đối gian lận bầu cử.

 

Điều khó xử của Ba Luk là không biết bắt ai để dập tắt sự chống đối của nhân dân. Khác với Ucraina, người Belarus không đòi tách khỏi liên minh với Nga, không đòi theo EU, không ủng hộ EU trừng phạt nước mình. Họ chỉ muốn không bị coi là ngu. Putin, bố già của các nước thuộc Liên Xô cũ cũng đang bí. Đưa quân vào Belarus có thể sẽ biến nước Nga từ bạn thành thù. Liệu có đáng để cứu một kẻ bất tài như Ba Luk?

 

Belarus đang là một hiện tượng đặc biệt mà tôi gọi là “Xã hội dân sự 4.0”. Không cần chuẩn bị lâu dài, không có lãnh đạo, một dân tộc không chịu nhục, không chịu ngậm miệng vẫn có thể thay đổi được số phận của mình. Mạng xã hội đương nhiên thành môi trường kết nối và phát triển cho xã hội dân sự, chỉ cần có những con người tự trọng.

Tuy nhiên với một Putin mưu lược và một nước Nga đang muốn khôi phục lại sức mạnh đã mất, nhiều điều chưa thể lường được.

 

Cùng với Belarus, những cuộc đấu tranh đòi quyền dân chủ, tự do ở Thái Lan và Lebanon cũng đang gây chú ý cho dự luận. Hai nước này khác hẳn Belarus vì lâu nay đã từng được hưởng nền dân chủ khiếm khuyết [1]. Sự xói mòn dân chủ bởi chính quyền quân sự Thái Lan và chính phủ tham nhũng Lebanon đã khiến người dân tức giận.

 

Bảng xếp hạng dân chủ có nhiều mức độ, nhưng có thể nói nôm na như sau: Nếu như dân các nước phương Tây được bay nhảy thì dân các nước độc tài coi như nằm một chỗ. Còn dân các xứ có nền dân chủ khiếm khuyết thì coi như được đi bộ. Đang đi bộ mà bắt nhảy lò cò như dân Thái Lan thì mỏi chân. Lâu, tức quá bỏ cả hai chân xuống để đi.

 

Dân Belarus đang nằm một chỗ, thấy nó bảo mình ngu, tức điên, không những ngồi dậy mà đứng lên đi luôn. Nằm lâu, chân tê, đi còn cà nhắc, nhưng chớ nằm xuống lại liệt trở lại. Cố, rồi sẽ đi được.

_____

 

[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Democracy_Index

 

 

35 BÌNH LUẬN

 

 

==========================

.

Khủng hoảng Belarus : Châu Âu kêu gọi tinh thần trách nhiệm của Nga

Tú Anh  -  RFI

Đăng ngày: 20/08/2020 - 14:32

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200820-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-belarus-ch%C3%A2u-%C3%A2u-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-tinh-th%E1%BA%A7n-tr%C3%A1ch-nhi%E1%BB%87m-c%E1%BB%A7a-nga

 

Cứng rắn đối với Minks nhưng cởi mở với Matxcơva với hy vọng tổng thống Putin hợp tác trong tinh thần xây dựng giải quyết khủng hoảng chính trị tại Belarus : đó là kế hoạch cương nhu của châu Âu hầu tránh tái diễn kịch bản Ukraina gây tổn hại cho mọi phía.

 

https://s.rfi.fr/media/display/d4c265ea-e2d5-11ea-a480-005056a964fe/w:980/p:16x9/2020-08-19T152113Z_1070663204_RC23HI9MR1ZH_RTRMADP_3_BELARUS-ELECTION-PROTESTS.webp

Ngay trước trụ sở bộ Nội Vụ Belarus, tại Minsk, một người giương áo phông in hình lãnh đạo đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya, với hàng chữ : « Tổng thống của chúng tôi », để phản đối kết quả cuộc bầu cử tổng thống. Ảnh chụp ngày 19/08/2020. REUTERS - VASILY FEDOSENKO

 

Châu Âu tay thép tay mời

 

Trong bối cảnh phong trào phản đối tổng thống Lukachenko đã kéo dài gần hai tuần lễ, Liên Hiệp Châu Âu quyết định đứng về phía đối lập, không công nhận tính hợp pháp của chính quyền Belarus và chuẩn bị trừng phạt một loạt quan chức cao cấp, qua cuộc họp thượng đỉnh ngày 19/08/2020.

 

Song song với thái độ cứng rắn đối với Minsk, châu Âu nỗ lực vận động Nga đóng vai trò tích cực giải quyết khủng hoảng mà cuộc bầu cử gian lận là giọt nước làm tràn ly nước bất mãn đã đầy tại Belarus.

 

Theo thông tin riêng của báo Le Monde, ngày 20/08/2020, một ngày trước thượng đỉnh 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu, trong cuộc điện đàm với lãnh đạo Nga Vladimir Putin, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị để cho Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu (OSCE) đứng ra làm trung gian hòa giải. OSCE đang đóng vai trò quan trọng duy trì hòa bình ở miền đông Ukraina. Cơ quan châu Âu này, được xem là mái nhà chung, vì có Nga và Belarus là thành viên.

 

Được biết, Putin không khước từ đề nghị của Macron nhưng yêu cầu có thêm thời gian để « suy nghĩ ». Tổng thống Nga cũng không ủng hộ tỷ lệ 80% của Lukachenko và cũng không công kích phong trào phản kháng đang lan rộng. Trái lại, chủ nhân điện Kremlin cho biết quân đội Nga đồn trú ở biên giới với Belarus sẵn sàng can thiệp nếu tình hình an ninh tồi tệ.

 

Nga ở thế chủ động

 

Thái độ thận trọng hay câu giờ của Nga không khỏi làm châu Âu lo ngại kịch bản xấu nhất là âm mưu của  chính quyền Belarus gây bạo động để đánh phá uy tín của đối lập và tạo cớ đàn áp trong nước và cho Nga có lý do can thiệp quân sự, như theo yêu cầu của Lukachenko.

 

Tuy nhiên, cũng theo phân tích của Le Monde, phản ứng để ngỏ các đối sách của Putin cho phép Paris hy vọng vào một giải pháp đàm phán, với sự trợ giúp của Matxcơva. Với điều kiện là không để cho Nga hiểu lầm rằng Belarus đã được NATO hay Liên Hiệp Châu Âu cam kết cho gia nhập .

 

Hồ sơ Belarus là một thử thách mới trong cuộc đối thoại chiến lược với Nga được chính thức hóa cách nay đúng một năm khi tổng thống Macron tiếp đồng nhiệm Putin tại pháo đài Brégançon, nơi nghỉ mát của các vị tổng thống Pháp khi tại chức. Nhưng 12 tháng qua, các hồ sơ nóng, từ Donbass cho đến tị nạn Syria và tin tặc đều không tiến triển mấy.

 

Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, người được xem là kiến trúc sư của chính sách đối ngoại Nga, cảnh báo : « Ai cũng biết cuộc cờ hiện nay là địa chiến lược, là cuộc chiến đấu vì không gian hậu Xô viết từ khi Liên Xô tan rã. Bằng chứng cụ thể là Ukraina ».

Paris xem tuyên bố « răn đe » trên đây của ngoại trưởng Nga là phản ứng tự nhiên trong bối cảnh khủng hoảng, theo một nhà ngoại giao Pháp « cao cấp » được Le Monde trích dẫn.

 

Nhưng giải pháp nào cũng bất toàn

 

Chắc chắn một điều là Putin không bao giờ để cho Belarus, lệ thuộc vào Nga từ năng lượng, kinh tế cho đến chính trị, ra khỏi quỹ đạo của Matxcơva. Vấn đề là sử dụng phương án nào có lợi nhất trong bối cảnh Nga đang gồng gánh nhiều cuộc xung đột trên lưng ?

 

Không như Ukraina, người dân Belarus gần gũi với văn hóa Nga, nói tiếng Nga, không ghét Nga. Putin có nên dùng vũ lực ?

 

Nhưng thay thế Lukachenko bị dân tẩy chay, đối lập thành lập một chế độ dân chủ sát nách nước Nga, thì cũng không phải là giải pháp tối ưu đối với một người muốn làm  tổng thống Nga đến mãn đời.

 

======================

 

CẬP NHẬT TÌNH HÌNH BELARUS

.

.

Belarus : TT Loukachenko hình sự hóa hoạt động của phe đối lập

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 21/08/2020 - 11:20

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200821-belarus-tt-loukachenko-h%C3%ACnh-s%E1%BB%B1-h%C3%B3a-ho%E1%BA%A1t-%C4%91%E1%BB%99ng-c%E1%BB%A7a-phe-%C4%91%E1%BB%91i-l%E1%BA%ADp

 

Tại Belarus, cuộc khủng hoảng vẫn chưa có lối thoát : Người dân vẫn tiếp tục phong trào biểu tình. Hôm qua 20/08/2020, chính quyền Minks thông báo khởi động thủ tục tố tụng hình sự về tội vi pham an ninh quốc gia nhắm vào “Hội đồng điều phối” về chuyển giao quyền lực do phe đối lập thành lập.

 

https://s.rfi.fr/media/display/8478ddda-e311-11ea-8dfa-005056bf87d6/w:980/p:16x9/2020-08-16T145329Z_122075832_RC22FI98VPO6_RTRMADP_3_BELARUS-ELECTION-PROTESTS.webp

Nguời dân biểu tình phản đối kết quả bầu cử tổng thống và đòi thả tù chính trị, Minsk, Belarus, ngày 16/08/2020. REUTERS - VASILY FEDOSENKO

 

Luật sư của nhà đối lập Svetlana Tikhanovskaïa, sáng hôm nay 21/08 phải đến gặp các nhà điều tra. Nếu bị kết tội, các thành viên của “Hội đồng điều phối” có thể phải lãnh tới 5 năm tù giam.

 

Còn bà Svetlana Tikhanovskaïa, từng là ứng viên trong kỳ bầu cử tổng thống Belarrus vừa qua, hiện đang phải sống tị nạn tại nước láng giềng Litva.

 

Theo Elena, một nhà hoạt động ở Minsk, việc chính quyền hình sự hóa các hoạt động của phe đối lập là nhằm làm suy giảm uy tín của phe này. Còn đối với giảng viên, nhà nghiên cứu Anna Colin Lebedev tại Đại học Nanterre, Pháp, tổng thống Loukachenko muốn làm mất tính hợp pháp của các nhà đối lập; làm mất uy tín của "Hội đồng điều phối" để tổ chức này không trở thành một diễn đàn đối thoại. Tình hình càng thêm căng thẳng khi bộ trưởng Quốc Phòng Belarus hôm qua tuyên bố với các sỹ quan : “Chúng ta có thể có một cuộc nội chiến”.

 

Tối hôm qua, nhiều người dân vẫn tập hợp biểu tình trước trụ sở Nghị Viện tại thủ đô Minks, cũng như ở nhiều thành phố khác đòi có sự thay đổi từ phía chính quyền. Cho đến nay, tổng cộng đã có 3 người biểu tình thiệt mạng, hàng chục, hàng trăm người bị thương, hơn 6.700 người bị bắt, nhiều người bị đánh đập, tra tấn khi bị tạm giam và hiện giờ vẫn còn khoảng 70 người mất tích.

 

Theo hãng tin Reuters, nhà đối lập Svetlana Tikhanovskaïa kêu gọi người ủng hộ duy trì và mở rộng phong trào đình công tại các nhà máy xí nghiệp để buộc tổng thống Alexandre Loukachenko tổ chức lại cuộc bầu cử tổng thống.

 

Hoa Kỳ ủng hộ nguyện vọng của người dân Belarus

 

Về phản ứng của Hoa Kỳ, hôm qua Washington bày tỏ thái độ ủng hộ đối với "nguyện vọng của người dân Belarus" trong việc lựa chọn các nhà lãnh đạo đất nước và con đường phát triển riêng mà không có sự can thiệp của nước ngoài. Trong một thông cáo, ngoại trưởng Mike Pompeo tái khẳng định cam kết ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Belarus nhưng đề nghị chính phủ Belarus đối thoại với Hội đồng điều phối quốc gia do phe đối lập thành lập để thúc đẩy một tiến trình chuyển tiếp chính trị.

 

Washington còn cứng rắn chỉ trích những hành vi bạo lực nhắm vào người biểu tình ôn hòa và giới nhà báo. Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi chính phủ Belarus trả tự do ngay lập tức cho những người bị bắt giữ phi pháp, lên danh sách những người bị coi là mất tích và để Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE làm trung gian hòa giải giữa tổng thống Loukachenko và người dân.

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats