Saturday, 22 August 2020

LIỆU CÓ HY VỌNG GÌ Ở DIỄN ĐÀN AN NINH KHU VỰC SẮP TỚI (Đinh Kim Thành)

 


Liệu có thể hy vọng gì ở Diễn đàn An ninh Khu vực sắp tới

Đinh Kim Thành
2020-08-19

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-hope-in-upcoming-arf-08192020175952.html

 

Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9 tới đây tại Hà Nội được hy vọng là một cơ hội cho các nước ASEAN và Mỹ gây sức ép lên Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, dù vẫn còn những dè dặt từ các nước trong khu vực.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-hope-in-upcoming-arf-08192020175952.html/2019-08-02T084448Z_938403936_RC18C762A130_RTRMADP_3_ASEAN-THAILAND-ARF.JPG/@@images/cb6a71f8-0d9a-4629-9558-89b13b502ce2.jpeg

Hình minh hoạ. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và Ngoại trưởng TQ Vương Nghị cùng các nhà ngoại giao các nước tại ARF ở Bangkok, Thái Lan hôm 2/8/2019

 

Diễn đàn Khu vực ASEAN là nơi nhóm họp của ngoại trưởng 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đối tác toàn cầu then chốt, là sự kiện đặc biệt quan trọng tới mức những nhà ngoại giao hàng đầu của các cường quốc khó có thể bỏ lỡ sự kiện này, bất chấp các cuộc khủng hoảng trong nước đang nghiêm trọng thế nào.

 

Bên cạnh Ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, đại diện từ 17 nước ngoài ASEAN đã tham dự ARF 2019 tại Thái Lan. Rất nhiều lần tại ARF, người ta chứng kiến không ít tranh cãi ngoại giao gay gắt. ARF 2020 dự kiến diễn ra vào tuần trước, song buộc phải hoãn lại tới tháng 9 vì dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) lại bất ngờ bùng lên ở nước đăng cai tổ chức là Việt Nam.

 

Nếu ARF có thể diễn ra như kế hoạch mới vào tháng 9, những sự kiện kịch tính có thể sẽ không chỉ diễn ra trong cuộc gặp giữa Mike Pompeo và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, mà còn có thể xuất hiện tại các cuộc thảo luận của ASEAN về tầm quan trọng của UNCLOS cũng như phán quyết mà Toà Trọng tài đưa ra vào năm 2016. Và đó cũng là cơ hội để các nước ASEAN có thể thúc đẩy việc đàm phán để có một bản COC thực chất, hiệu quả để có thể góp phần kiềm chế các hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông.

 

Bất chấp đại dịch COVID-19, Trung Quốc thời gian qua đã đẩy mạnh những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình nhằm củng cố các yêu sách và sự kiểm soát khu vực Biển Đông. Trong số những hành vi quá đáng của Bắc Kinh phải kể đến việc Trung Quốc xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước Indonesia, Việt Nam và Malaysia, vi phạm một cách trắng trợn quy định của UNCLOS 1982.

 

Bị lấn át về quân sự, và mong muốn duy trì quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh, các nước này đã chống đối những sự xâm phạm này của Trung Quốc nhưng vẫn còn rất hạn chế. Cuộc khủng hoảng COVID-19 lại càng củng cố tư tưởng này. Indonesia, Malaysia và Philippines đang hợp tác với Trung Quốc để ứng phó với đại dịch. Các mối quan hệ đang được củng cố khi các nước tìm cách khôi phục nền kinh tế của mình. Tuy nhiên, một sự tiến triển liên quan đến vấn đề Biển Đông đã xuất hiện từ cuối năm ngoái với một tư tưởng rõ ràng rằng ngoài Trung Quốc, các nhân tố quan trọng khác cũng đang hành động theo một sự nhận thức chung về luật pháp quốc tế.

 

Philippines và, trong nửa cuối năm ngoái, là Việt Nam, Indonesia và Malaysia, đã thông qua hàng loạt công hàm ngoại giao đệ trình lên Liên hợp quốc (LHQ) để bày tỏ rõ ràng rằng phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực của LHQ chống lại Trung Quốc là một lời diễn giải chính thức của luật pháp và rằng các quyền hàng hải mà Trung Quốc đòi hỏi ở Biển Đông đi ngược lại Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).

 

Tương tự, Mỹ cũng đệ trình một công hàm lên LHQ hồi đầu tháng 6 vừa qua để phản đối các yêu sách hàng hải của Trung Quốc, mặc dù vẫn giữ im lặng trong vấn đề là liệu Trung Quốc có thể có quyền tuyên bố một EEZ từ các đảo nhỏ ở Biển Đông. Điều này đã thay đổi vào tháng trước khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra một tuyên bố công khai, trong đó khẳng định lập trường của Mỹ đối với các yêu sách biển của Trung Quốc tại Biển Đông là đồng nhất với phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-hope-in-upcoming-arf-08192020175952.html/2020-05-06T000000Z_214169442_RC2XIG9THII5_RTRMADP_3_USA-CHINA-MISSILES.JPG/@@images/e0e09bbf-5968-466b-92e4-a40cf9ee7228.jpeg

Hình minh hoạ. Tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Úc HMAS Parramatta và tàu chiến Hải quân Mỹ ở Biển Đông hôm 18/4/2020 Reuters

 

Việc Pompeo chính thức công nhận phán quyết này mang tính tích cực đối với các nước Đông Nam Á vì một số lý do sau:

 

Thứ nhất, sự công nhận này giúp các quốc gia Đông Nam Á yên lòng rằng Mỹ vẫn còn quan tâm đến các quyền về kinh tế của họ, dù tất cả họ đều biết rằng những tuyên bố của Pompeo này xuất phát từ chính sự leo thang thù địch trong quan hệ Mỹ-Trung.

 

Thứ hai, những hành động phù hợp với sự phán xử của Tòa Trọng tài năm 2016 luôn có tính hợp pháp lớn hơn, và sẽ củng cố sự ủng hộ dành cho các nỗ lực song phương và đa phương nhằm bảo vệ một trật tự dựa trên các quy tắc của luật quốc tế.

 

Thứ ba, các tuyên bố mới đây của Mỹ hỗ trợ việc phản bác lại những câu chuyện bịa đặt của Trung Quốc.

 

Cuối cùng, những diễn biến gần đây đã mở đường cho những hành động mạnh mẽ hơn chống lại Trung Quốc, trong đó có thể bao gồm các lệnh trừng phạt. Một ngày sau tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo, Thứ trưởng phụ trách Văn phòng các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell đã nhắm vào các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, nhấn mạnh rằng Công ty Xây dựng Thông Tin Liên lạc Trung Quốc (CCCC), vốn chỉ đạo việc nạo vét để xây dựng các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, và Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), vốn đang xâm phạm các quyền chủ quyền tại các vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven biển với hàng loạt hoạt động khảo sát trái phép của mình.

 

Khi được hỏi rằng liệu Mỹ có tính đến các lệnh trừng phạt với các quan chức hoặc các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có liên quan đến các hành vi áp bức ở Biển Đông hay không, ông Stilwell trả lời rằng “không có điều gì là chưa được đưa ra thảo luận cả”.

 

Mặc dù ngầm ủng hộ, nhưng phản ứng của Đông Nam Á với các tuyên bố mới đây của Mỹ vẫn khá dè dặt. Việt Nam và Malaysia ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp trong hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Philippines thì kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết 2016 của Tòa Trọng tài.

 

Một tuần sau tuyên bố của ông Pompeo, Việt Nam đã ký một bản ghi nhớ với Mỹ nhằm tăng cường năng lực quản lý các ngư trường và áp đặt thực thi luật của Việt Nam. Cho đến nay, Philippines và Indonesia là những quốc gia Đông Nam Á duy nhất viện dẫn phán quyết của tòa đối với các quyền khai thác tài nguyên.

 

Từ ngày 3-6/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo liên tục điện đàm với người đồng cấp 6 nước ASEAN. Trong tất cả các cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Pompeo đều đề cập tới vấn đề Biển Đông và khẳng định lập trường của Mỹ là các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông hoàn toàn vô giá trị về mặt luật pháp, đồng thời yêu cầu các nước ASEAN đồng tình với quan điểm này của Washington.

 

Ngày 4/8, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á- Thái Bình Dương David Stilwell đã tiến hành phiên họp trực tuyến với các quan chức cấp cao của một số nước thành viên ASEAN. Ông Stilwell cho biết có khả năng Mỹ sẽ trừng phạt Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông. Sau phiên họp này, Mỹ tiếp tục nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 bác bỏ yêu sách “quyền lịch sử” của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời cho biết các nước tham gia phiên họp đều xác nhận tầm quan trọng của việc giải quyết các xung đột dựa trên luật pháp quốc tế.

 

Thế nhưng, truyền thông nhà nước Việt Nam, nước Chủ tịch ASEAN, chỉ đưa tin rằng chủ đề chính của cuộc họp Mỹ- ASEAN là nhằm đối phó với dịch COVID-19 mà không đả động gì đến phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016. Một nguồn tin ngoại giao lý giải cho hành động này là vì “khó có thể dùng những lời lẽ có thể dẫn đến kích động quá độ Trung Quốc”.

 

Một số nguồn tin ngoại giao ASEAN cho biết mặc dù một số nước ASEAN bất mãn với các hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông, tuy nhiên ASEAN vẫn phải giữ thái độ trung lập vì muốn ưu tiên hồi phục xã hội và nền kinh tế đang chịu nhiều khó khăn do dịch COVID-19.

 

Với những gì đang diễn ra ở Biển Đông, ARF sắp tới, vì vậy, có thể coi là một cơ hội nữa để các nước ASEAN vốn bị Trung Quốc cưỡng bức và đe doạ trên biển Đông.

 

------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats