Friday, 21 August 2020

CÓ CẦN ĐÒI HỎI NGƯỜI TA XIN LỖI (Nguyễn Đình Cống)

 


Có cần đòi hỏi người ta xin lỗi?

Nguyễn Đình Cống

21/08/2020

https://baotiengdan.com/2020/08/21/co-can-doi-hoi-nguoi-ta-xin-loi/

 

Mấy lúc nay rộ lên chuyện người này kẻ nọ (A) công khai xúc phạm ông ấy bà kia (B). Thế rồi nhiều người đòi hỏi A phải công khai xin lỗi B, trong lúc hình như B không yêu cầu việc đó. Phải chăng đây là thái độ của những người ngoài “Giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha”. Không biết đòi hỏi thế để làm gì.

 

Xét thấy A xúc phạm B có thể do vô tình hoặc cố ý. Nếu là vô tình thì sau đó A có nhận ra không. Trong trường hợp A không thấy thì B và người ngoài (thấy sự bất bằng) nên và cần vạch rõ ra cho A biết, đó là một sự giúp đỡ chân tình. Việc A xin lỗi hay không, xin lỗi như thế nào là tùy thuộc phẩm chất của họ. Có những lời xin lỗi chân thành và những lời xin lỗi giả tạo. Chân thành sẽ giúp A, còn giả tạo sẽ làm hại.

 

Nghe một lời xin lỗi chân thành chúng ta vui trong chốc lát vì cảm nhận rằng có được một cử chỉ tốt. Nếu A không xin lỗi hoặc xin lỗi giả tạo thì ta cũng biết để có cách đối xử với A. Thế thôi. Sự chân thành là tự trong tâm, không thể áp đặt từ ngoài. Đòi hỏi A phải thành tâm xin lỗi phải chăng ta đã tự tạo ra cho mình một việc khó chịu, một món nợ tinh thần.

 

Khi A cố ý xúc phạm mà nói lời xin lỗi thì phần lớn là giả tạo. Lúc này không phải đòi hỏi A xin lỗi mà phải đòi sửa sai và đền bù thiệt hại (nếu có). Cố ý xúc phạm hoặc gây tai họa cho người khác rồi chỉ nói lời xin lỗi là xảo trá vì định biến một việc xấu xa thành vô tình. Biết được kẻ làm như vậy mà chỉ đòi hỏi xin lỗi là quá nhẹ dạ và nương tay, làm thế chỉ khuyến khích hành động xảo trá.

 

Biết nhận ra lỗi và chân thành xin lỗi là phẩm chất cần có của người lương thiện. Có lỗi mà không nhận ra hoặc nhận ra nhưng lờ đi là loại người ngu đần hoặc đểu cáng. Tuy vậy, có một số người dùng quá nhiều lời xin lỗi, dùng không đúng chỗ (thực ra chẳng có lỗi gì, nhưng cứ xin lỗi vì quen mồm) lại là loại người kém trí tuệ mà cứ tưởng nhầm là lịch sự, là giỏi ngoại giao.

 

Tóm lại, nếu nghĩ rằng người ta phạm lỗi do vô tình thì cho qua hoặc nhắc khéo, còn khi cho rằng họ cố ý thì nên thẳng thắn vạch ra và nếu cần thì đấu tranh buộc họ phải khắc phục hậu quả. Có lẽ nên bớt việc đòi hỏi người ta xin lỗi.

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats