Bùi
văn Thâm, tấm gương phản chiếu đường lối sai lầm tệ hại của nhà cầm quyền Việt
Nam
Thục
Quyên
21/08/2020
Bùi Văn Thâm là một người
nông dân miền Tây Nam Bộ, nơi phát tích tông phái Phật giáo Hòa Hảo: Chất phác,
hồn hậu, ăn chay trường từ thưở nhỏ và lớn lên trong một gia đình lấy pháp môn
của đức Huỳnh giáo chủ “Học Phật – Tu Nhân” làm căn bản, chủ trương tu
hành tại gia.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/08/1-60.jpg
Bùi Văn Thâm. Ảnh
trên mạng
Nhà cầm quyền ác với
dân
Người nông dân 32 tuổi
“hiền như đất” này đang bị nhốt tại trại giam Xuyên Mộc, án tù 6 năm với cáo buộc
“Gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ”. Đây không phải là
lần đầu tiên. Anh Thâm đã từng bị tù 2 năm rưỡi vì tội “chống người thi hành
công vụ”, được trả tự do vào tháng 1/2015 để rồi ngày 26/6/2017 anh lại bị bắt
vào tù, vẫn với cùng một tội.
“Công vụ” của công
an cả hai lần nói trên là đến chặn xe dọa nạt, phạt vạ, bắt bớ bà con
đến dự đám giỗ của gia đình anh Thâm, cắt điện, bắc loa phát thanh phá buổi tụng
kinh đọc sấm giảng của buổi lễ, ném đồ dơ bẩn vào phòng thờ…. Khi Thâm ra phân
trần, phản đối thì công an xông vào đánh và bắt, vì đó là “chống lại họ đang
thi hành công vụ”.
Đối tượng bắt bớ của nhà
cầm quyền Việt Nam là người dân trong tay không một tấc sắt, đang cúng lễ trong
khuôn viên nhà của mình.
Nhà cầm quyền phá
hoại đạo đức xã hội
Dân tộc Việt Nam từ ngàn
xưa, thế hệ này truyền qua thế hệ sau phải lấy chữ HIẾU làm đầu, vì công ơn cha
mẹ, ông bà, tổ tiên như trời cao, biển rộng, phải lo “sống tết, chết giỗ”
mới trọn đạo.
Riêng về Phật Giáo Hòa Hảo
thì Đức Huỳnh Giáo Chủ đã khẳng định, Hiếu Nghĩa phải đứng đầu trong cuộc sống
con người. Trong quyển thứ Sáu giảng về “Những điều sơ lược cần biết của kẻ tu
hiền”, Đức Thầy viết: “Sách xưa có câu: Thiên kinh vạn điển hiếu nghĩa vi tiên”
(Muôn vạn quyển kinh của Phật Thánh Tiên đều dạy sự hiếu nghĩa làm đầu), và căn
dặn tín đồ “muốn làm xong hiếu nghĩa có bốn điều ân ta cần phải hy sinh gắng
gổ mới mong làm trọn:
1.- Ân Tổ tiên cha mẹ.
2.- Ân Đất nước.
3.- Ân Tam bảo.
4.- Ân Đồng bào và Nhơn
loại”.
Một nhà cầm quyền mà rắp
tâm cấm cản dân tụ họp vài chục người làm đám giỗ ông bà, để trước là giữ tròn
hiếu nghĩa, sau là vun xới tình cảm bà con họ hàng, trong khi chính nhà cầm quyền
đó lại dung túng những trò lố lăng khỏa thân vài ngàn người chạy dong đường phố
mừng một đội banh, hay cuồng nhiệt khóc lóc đón một “siêu sao”, dung túng những
trường học bày ra những trò chơi tục tỉu cho trẻ vị thành niên… thì câu hỏi khẩn
cấp phải được đặt ra là, những người cầm quyền hiện nay có còn là người Việt
Nam nữa không mà đang phá hoại đạo đức cổ truyền dân tộc?
Nhà cầm quyền phạm
tội đàn áp tôn giáo
Việc anh Thâm bị bắt và xử
án tù cùng với cha là ông Bùi Văn Trung và 3 người khác trong gia đình, cộng
thêm 2 đồng đạo của anh (1), nhân một đám giỗ tổ chức trong “Đạo tràng Út
Trung”, cũng là hành động quyết liệt của nhà cầm quyền sau nhiều năm tháng dùng
mọi thủ đoạn để dẹp bỏ đạo tràng của gia đình anh Thâm thành lập. Màn kịch vu
khống rồi xử án “Gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ” của
nhà cầm quyền Việt Nam chẳng qua mắt được quốc tế, điển hình là phát biểu của
Tiến sĩ James Carr , Ủy viên Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế
(USCIRF): “Thật sự tôi không thể tin rằng, Việt Nam yếu kém đến nỗi thấy
bị đe dọa chỉ vì một người không muốn đăng ký đạo tràng của mình”.(2)
Trò hề pháp luật
qua bản án bỏ túi
Phiên toà xử Bùi Văn Thâm
là thí dụ trắng trợn nhất của trò hề công lý tại Việt Nam: Không kể đến những cấm
cản, gây khó khăn, không cho luật sư được thăm gặp bị cáo theo nhu cầu, quyết
định của toà đã được định sẵn không phụ thuộc vào kết quả xét hỏi và tranh luận
tại phiên tòa: Tòa cho rằng ông đánh công an, dù là người công an đã
khai tại tòa là ông không bị ông Thâm đánh (2) cho
thấy, bản án có tính áp đặt từ trước, hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.
Do đó, anh Thâm, người
nông dân chất phác, không ăn học cao, không bằng cấp này nọ, nhưng mạnh mẽ với
đức tin của mình và sự thật, đã cương quyết phủ nhận bản án, không chấp nhận ký
bất cứ một văn bản nào gọi mình là phạm nhân. Điều này đã đưa đến tình trạng
anh bị đàn áp, tra tấn trong tù, và chịu những hình phạt như không được gặp gia
đình, không được nhận tiếp tế đầy đủ.
Nhà cầm quyền vi
phạm Công ước chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc
“Công ước chống tra tấn
và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con
người” đã được Việt Nam ký ngày 7/11/2013 và phê chuẩn ngày 5/2/2015. Do đó nhà
cầm quyền VN sắp phải đối đầu với một cuộc điều tra của LHQ về những vi phạm
sau:
Sau khi bị xử án, anh
Thâm bị giam giữ tại Trại giam Thạnh Hoà. Tại đây, vì từ chối không chấp nhận
lao động cưỡng bức, anh đã bị tra tấn. Từ ngày 16/8/2018 đến ngày
31/8/2018 Thâm bị cán bộ trại giam Thạnh Hòa còng chân, không cho ăn trưa, bắt
tiêu tiểu tại chỗ rồi sau đó đưa đi biệt giam và còng chân 10 ngày.
Thâm đã tuyệt thực để phản
đối sự hành hạ của trại giam, do đó Công an đã chuyển Thâm sang trại Xuyên Mộc
(vào ngày 1/9/2018) để tăng khó khăn cho sự thăm nuôi của gia đình anh.
Thăm nuôi tại trại Thạnh Hòa, gia đình Thâm có thể dùng xe máy đi sáng sớm
và về đêm cùng ngày, thăm tại Xuyên Mộc phải mất 2 đêm một ngày và phải đổi ba
lần xe.
Cách ly người tù (đặc biệt
là tù nghèo) với sự hỗ trợ tâm lý và vật chất cuối cùng từ gia đình họ, là một
hình thức tra tấn trá hình thường được áp dụng hiện nay tại VN.
Qua trại giam Xuyên Mộc
thì trại này đã tự viết và tự ký bản kiểm điểm hàng tháng (bình thường do tù
nhân viết) của Thâm, để xếp hạng xấu và từ đó giới hạn quyền lợi người tù. Từ
tháng 2/2019, khi gia đình anh Thâm làm một loạt đơn tố cáo và khiếu nại về việc
Thâm bị tra tấn trong tù (Thạnh Hòa) thì tình trạng Thâm bị ngược đãi tăng gấp
bội.
Từ tháng
10/2019 Thâm không được thăm nuôi và cũng không được nhận cơm hàng ngày (sống
được nhờ các bạn tù chia cơm). Việc cung cấp 6 kg thức ăn và tiền ký gửi qua
bưu điện mỗi tháng bị gián đoạn trong thời gian COVID-19.
Nhà cầm quyền vi
phạm Hiến pháp
Trong Hiến pháp VN có quy
định rõ:
Khiếu nại, tố cáo là quyền,
đồng thời là nghĩa vụ của công dân được ghi nhận tại Điều 74 Hiến pháp nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với
cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà
nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá
nhân nào”.
…
Khiếu nại, tố cáo và giải
quyết khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường
pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp
của công dân, cơ quan, tổ chức.
Trong thực tế, kể từ
tháng 2 năm 2019 đến nay, gia đình Thâm đã làm tất cả 10 đơn tố cáo, khiếu nại
về việc anh bị tra tấn trong tù và gửi đến Trại giam Thạnh Hòa, C10, Viện Kiểm
sát Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An và Bộ Công An. Lý do
tra tấn là Thâm từ chối không chấp nhận lao động cưỡng bức tại Trại giam Thạnh
Hòa.
Các đơn này bị đùn đẩy vô
trách nhiệm từ C10 đi các cơ quan khác, rồi bị đùn đẩy trở về C10. C10 đã không
trả lời trong suốt gần một năm rưỡi, khiến gia đình anh Thâm cuối cùng phải khiếu
nại hai lần lên Bộ Công an thì mới đây, ngày 22/6/2020, nhận được thư của Cục
Quản lý Trại Giam (C10) từ chối không thụ lý đơn tố cáo và cấm không cho tố
cáo, khiếu nại tiếp.
Nhà cầm quyền Việt
Nam, đừng bỏ lỡ thời cơ
Bức thư ngỏ mới đây của Mạng
lưới Nghị sĩ ASEAN vì Nhân quyền cho thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 13/8/2020
là một thách thức và đồng thời là một cơ hội lớn. (3)
65 nghị sĩ đương nhiệm và
cựu nghị sĩ từ 28 quốc gia đã ký thư yêu cầu ông Nguyễn Xuân Phúc, với tư
cách là đương kim Chủ tịch của ASEAN, hãy thể hiện vai trò lãnh đạo khu
vực gương mẫu bằng cách bảo đảm các quyền tự do cơ bản của người dân và bảo đảm
rằng luật pháp và chính sách phải nhất quán với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế
và tinh thần của ASEAN: Lấy người dân làm trọng điểm, luôn hướng tới người dân.
Một thời cơ lớn để nhà cầm
quyền Việt Nam vươn lên cho kịp vai trò lãnh đạo, đáp ứng lời yêu cầu của ASEAN
xóa bỏ những sai lầm đang khiến đất nước kiệt quệ không còn khả năng, không còn
người tài để tự bảo vệ trước sự xâm chiếm hiển nhiên về mọi mặt của Trung Quốc.
Đây có thể là thời điểm
“ngàn năm một thuở” mà Trung Quốc đang phải đối đầu với sự chống đối gần như
toàn cầu, điều này cho Việt Nam cơ hội và thời gian thay đổi toàn diện cũng như
củng cố sức mạnh, bằng cách nhà cầm quyền gạt bỏ những sợ hãi vô lý, hành xử vô
pháp, và chấp nhận sự đóng góp toàn diện của người dân.
__________
(1) https://www.bbc.com/vietnamese/42999511
(3) https://baotiengdan.com/2020/08/18/thu-ngo-cua-mang-luoi-nghi-si-chau-a-vi-nhan-quyen-aphr/
No comments:
Post a Comment