NỘI DUNG :
Thụy
My -
RFI
.
Thanh
Phương -
RFI
.
Tú
Anh -
RFI
.
====================================
.
Thụy My - RFI
Đăng ngày: 01/04/2020 - 18:34
Tại
Hoa Kỳ, chỉ trong ba ngày qua số người chết do virus corona đã tăng gấp
ba, lên đến hơn 4.000 người, trong đó một phần tư là tại New York. Mỹ hiện
nay đứng nhất thế giới về số ca nhiễm, với hơn 188.000 trường hợp (tính đến
ngày 01/04/2020), và vượt qua Trung Quốc về con số tử vong mà Bắc Kinh đưa ra
(4.059/3.312). Vì đâu nên
nỗi ?
Các xe động lạnh được sử dụng tạm làm nhà xác trong
đại dich Covid-19 tại bệnh viện Bellevue, New York. Ảnh chụp ngày 31/03/2020. ©
REUTERS/Eduardo Munoz
Nguợc dòng thời gian, Le Figaro cho biết chỉ
mới đây thôi, ngày 28/2, số ca dương tính với Covid-19 trên toàn nước Mỹ
chỉ mới ở con số 15. Trong số những người bị nhiễm, có 12 người vừa mới ở
ổ dịch Vũ Hán về. Người đầu
tiên, một thanh niên khoảng 30 tuổi, được xác nhận dương tính hôm 21/1 tại bang
Washington. Những người thân của anh này được đặt trong vòng giám sát,
cũng như các bệnh nhân dương tính khác. Vào lúc đó, chỉ có ba trường hợp người
tại chỗ bị lây nhiễm.
Nếu so với Ý, đã có đến 900 bệnh nhân và mười mấy
thành phố bị cô lập, tình hình của Hoa Kỳ có vẻ không đáng lo ngại. Nhưng một
nhà vi trùng học cảnh báo : con virus, lây từ người sang người và rất khó
phát hiện nơi những người đã bị nhiễm nhưng không phát sinh triệu chứng, đang
âm thầm tấn công. Diễn biến sau đó cho thấy họ có lý.
Chỉ một tháng sau, với 188.578 ca dương tính, nước
Mỹ đã trở thành tâm dịch virus corona lớn nhất. Theo bác sĩ
Anthony Fauci, giám đốc Viện quốc gia về các bệnh truyền nhiễm và dị ứng, đại dịch
này có thể làm cho từ 100.000 đến 200.000 người chết.
Số lượng lớn hành khách từ Trung Quốc nhập cảnh
vào Mỹ
Nếu nói rằng
nước Mỹ bị bất ngờ thì không đúng. Ngay từ ngày
7/1, Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh (CDC) đã lập ra một bộ phận để theo dõi
sự tiến triển của con virus từ Vũ Hán. Mười ngày sau, các sân bay ở Los
Angeles, New York và San Francisco được tăng cường kiểm soát. Mạng lưới này
đóng góp vào việc phát hiện những trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên từ nước ngoài
nhập vào.
Nhưng hàng ngày có đến 14.000 hành khách đến từ
Trung Quốc, đây là một thử thách rất lớn. Thế nên vài ngày sau khi chế độ Bắc
Kinh phong tỏa thành phố Vũ Hán, tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định cấm các
hành khách từ Vũ Hán đặt chân vào lãnh thổ nước Mỹ. Các công dân và thường trú
nhân Hoa Kỳ từ tâm dịch về vẫn được nhập cảnh, nhưng phải bị cách ly nghiêm ngặt.
Cứ như là có thể chận được con virus ở biên giới.
Trên đất Mỹ, các nỗ lực phát hiện Covid-19 gặp trắc
trở. Nhờ con virus đã được giải Mỹ, CDC đã có thể xét nghiệm từ ngày 20/1,
nhưng bộ kit giao cho các phòng thí nghiệm được chứng nhận bị lỗi. Về phía Cơ
quan quản lý dược phẩm (FDA) phản đối việc thương mại hóa bộ xét nghiệm do các
bệnh viện hay công ty tư nhân đưa ra.
Kết quả là hệ
thống y tế bị quá tải, và cường quốc số một thế giới rốt cuộc cũng cùng số phận
với Ý, Pháp, Tây Ban Nha, không thể theo dõi sát sự lan tràn của con virus độc
hại. Bác sĩ Anthony Fauci sau đó nhìn nhận trước
Quốc Hội : « Hệ thống y tế không thực sự được trang bị cho nhu cầu
hiện nay, đây là một thất bại ».
Tin xấu từ vùng ngoại ô Seattle
Cho đến giữa tháng Hai, chỉ có 460 người được xét
nghiệm. Theo tính toán sau này của các nhà vi trùng học, lúc đó đã có khoảng mấy
trăm người dương tính nhưng không có triệu chứng đang tự do di chuyển tại Hoa Kỳ.
Nhưng phải đợi đến khi xảy ra những trường hợp tử vong đầu tiên, sự thật mới bắt
đầu hiển hiện.
Benjamin
Linas, giáo sư về bệnh truyền nhiễm ở Boston University
School of Medicine tóm lược : « Chúng ta đã mất đi một tháng, và lỡ
mất dịp may quý giá để chận không cho dịch bệnh lan tràn. Khi nghiên cứu về dịch
bệnh sau này, phản ứng của CDC và FDA chỉ có thể mô tả là một trong những thất
bại lớn nhất trong lịch sử y tế cộng đồng ».
Ngày 28/2, tại Kirkland, ngoại ô Seattle, tin xấu đã
xảy ra. Con virus từ Vũ Hán lan đến bang Washington một tháng trước đó, đã tấn
công một phụ nữ 73 tuổi. Bệnh nhân này không hề đi Trung Quốc và cũng không có
tiếp xúc nào với những người dương tính. CDC gởi ngay một ê-kíp chuyên về bệnh
nhiễm đến viện dưỡng lão nơi bà cụ đang trú ngụ.
Hai tuần sau, bản án đã được tuyên. Qua điều tra, đã
phát hiện được 167 ca bị lây nhiễm, trong đó có 101 người là cư dân tại chỗ. Tổng
cộng có 34 người trong số này qua đời vì con virus độc hại. Đối với chính quyền
địa phương, đây là dấu hiệu tỉnh thức. Nhân viên các viện dưỡng lão từ nay phải
khám bệnh toàn diện, và các cuộc thăm viếng tạm thời bị cấm. Những cuộc tụ họp
bị hạn chế, trường học đóng cửa, số ca dương tính bị phát hiện giờ đây lên đến
hàng ngàn.
Sau nhiều tuần lễ trên thực địa, CDC nay có thể thực
hiện việc xét nghiệm ở quy mô lớn. Số lượng người bị phát hiện dương tính cứ mỗi
hai ngày lại tăng gấp đôi, vòng ảnh hưởng của đại dịch nay hiện rõ. Trên bản đồ
được cập nhật sát sao của trường đại học John-Hopkins giờ đây chi chít những điểm
đỏ, người Mỹ nhận ra rằng không tiểu bang nào thoát được con virus từ Vũ Hán. Tổng thống Donald Trump ban đầu
tỏ ra khinh suất, nay phải công nhận tình hình là nghiêm trọng. Nhưng ý thức được
thì đã quá trễ.
Lễ hội Mardi gras ở Louisiana
Cuối tháng Hai, hàng trăm ngàn người vô tư tập trung
tại trung tâm thành phố New Orleans để mừng lễ hội Mardi gras. Với trên 3.300
ca dương tính và 151 người chết trong vòng ba tuần, Louisiana có tiến độ lây
nhiễm kỷ lục.
Tại Florida,
thống đốc Cộng Hòa không muốn cấm các cuộc tụ họp của « spring
breaker » (sinh viên các bãi biển của tiểu bang này trong kỳ
nghỉ mùa xuân), dù con virus đang lan tràn nhanh chóng, và tuổi trung bình của
cư dân khá cao. Carl Bergstrom, giáo sư sinh học của trường đại học
Washington tiếc nuối : « Sự thay đổi ý kiến của Nhà Trắng và thái
độ trống đánh xuôi kèn thổi ngược của nhiều cơ quan y tế đã khiến người dân
nghi ngờ về hiệu quả của các biện pháp được đưa ra, làm ảnh hưởng đến các thống
đốc. Họ do dự không muốn áp đặt các biện pháp hạn chế vì gây mất lòng
dân ».
Theo một cuộc thăm dò vào giữa tháng Ba của đài phát
thanh công NPR, có 76% cử
tri Dân Chủ coi con virus từ Vũ Hán là « mối đe dọa thực sự »,
tỉ lệ này đối với cử tri Cộng Hòa chỉ có 40%. Cũng theo giáo sư
Bergstrom : « Đối với các chuyên gia từ nhiều năm qua đã chuẩn bị
đối phó với một tình hình như thế, rất đáng tiếc là lời nói của các nhà khoa học
không được tin tưởng, mà chỉ dựa vào niềm tin chính trị ».
Do chậm trễ hành động, Washington đã để mặc cho các
tiểu bang tranh nhau mua thiết bị y tế. Cho đến thứ Hai đầu tuần, khoảng 20 thống đốc vẫn từ chối
áp đặt phong tỏa. Giáo sư Carl Bergstrom dự báo : « Đến một
lúc nào đó, chúng ta có thể hy vọng rằng việc phong tỏa ở nhiều nơi có thể làm
phẳng lại đường cong của dịch bệnh. Nhưng tình hình hiện nay rất đáng lo ngại tại
New York, Florida và nhiều tiểu bang nông nghiệp, nơi có cơ sở hạ tầng yếu kém
hơn ».
New York im lặng trước cơn bão
Tại New York, ổ dịch lớn nhất với
76.000 ca dương tính và 1.550 người tử vong, thị trưởng
Dân Chủ đã trễ tràng trong việc buộc đóng cửa trường học và nhà hàng. Ông giải
thích đó là do sợ ảnh hưởng đến những người nghèo. Trong những ngày gần đây,
các bệnh viện New York cật lực đối phó với đỉnh dịch. Rất nhiều giường bệnh đã
được chuẩn bị tại các trung tâm hội nghị và địa điểm công cộng, nhưng cơ quan y
tế lo ngại thiếu thuốc men, khẩu trang và máy thở.
AFP hôm 31/3 ghi nhận những chiếc lều y tế được dựng
lên ở Central Park nổi tiếng. Công binh Mỹ sau tám ngày làm việc đã biến trung
tâm hội nghị Javits Center ở Manhattan thành bệnh viện dã chiến 3.000 giường để
giảm tải, giúp các bệnh viện khác tập trung chữa cho bệnh nhân Covid-19. Cách
đó vài con đường, nổi lên giữa các tòa nhà chọc trời là chiếc bóng màu trắng của
tàu bệnh viện đồ sộ Comfort, vừa đến hôm thứ Hai 30/3, có 1.000 giường bệnh. Một
số địa điểm khác như trung tâm tennis Flushing Meadows ở khu Queens và các
khách sạn dự trù tiếp nhận các bệnh nhân dương tính nhưng chưa đến nỗi trầm trọng.
Sau khi tổng thống Donald Trump cảnh báo sẽ trải qua
« hai tuần lễ đau đớn », thống đốc New York kêu gọi người dân « không
nên kỳ vọng quá nhiều để khỏi phải thất vọng mỗi buổi sáng khi thức dậy ».
Tại đô thị chưa bao giờ vắng vẻ và yên tĩnh đến thế, mỗi tối lại nổ ra những
tràng pháo tay cổ vũ nhân viên y tế, như đang diễn ra tại nhiều thành phố châu
Âu. Khẩu trang hiện diện khắp nơi và các tòa nhà « chưa bao giờ được tẩy
trùng kỹ như thế ».
New York hồi hộp đón bão, trận bão lẽ ra sẽ không
hoành hành được nếu nước Mỹ thức tỉnh sớm hơn.
-------------------------------------------------
Thanh Phương - RFI
Đăng ngày: 01/04/2020 - 12:46
Sau
cuộc chạy đua để sản xuất và nhập khẩu khẩu trang bảo hộ y tế, trước tình hình
dịch Covid-19 ngày càng nghiêm trọng, các chính phủ trên toàn thế giới, đặc biệt
là những nước bị nặng nhất, đang ráo riết đẩy mạnh sản xuất trong nước và gia
tăng nhập khẩu các máy trợ thở, rất cần để điều trị những bệnh nhân nặng, phải
nằm trong phòng hồi sức tại các bệnh viện đã hoặc đang quá tải.
Cuộc chạy đua tìm máy trợ thở cũng giống như cuộc chạy
đua với tử thần, bởi vì khi bệnh nhân Covid-19 bị suy hô hấp nặng, máy trợ thở,
được sử dụng trong nhiều tuần, là cơ may duy nhất để cứu sống bệnh nhân
này.
Do dịch bệnh lây nhanh với tốc độ chóng mặt, đa số
các bệnh viện tại Pháp nay bị thiếu máy trợ thở, khiến cho tại một số nơi, bác
sĩ đã buộc phải chọn lọc bệnh nhân cần cứu sống, thường là chọn bệnh nhân trẻ
hơn, để mặc cho tử thần lấy mạng người lớn tuổi hơn. Để tránh cho các bác sĩ khỏi
đi đến những trường hợp đau lòng này, chính phủ Pháp đề ra mục tiêu
tăng gấp ba số máy trợ thở. Thế nhưng, tại miền đông nước Pháp, các bệnh viện vẫn
chưa nhận được những máy mà chính phủ hứa cấp cho họ.
Khi đến thăm một nhà máy sản xuất khẩu trang y tế
hôm qua, tổng thống Emmanuel Macron đã loan báo là 10 ngàn máy trợ thở sẽ được
giao cho các bệnh viện ở Pháp từ đây đến giữa tháng 5. Tại Pháp, cho tới nay chỉ
có hãng Air Liquide là nhà cung cấp duy nhất, nhưng tập đoàn này đang có sự hỗ
trợ của 3 tập đoàn khác là Schneider Electric ( thiết bị điện tử ), Valeo
( thiết bị xe hơi ) và PSA ( sản xuất xe hơi ). Các máy trợ thở do tổ hợp
này sản xuất sẽ được trang bị cho 5.000 giường bệnh hiện nay, để đạt mục tiêu
mà bộ Y Tế Pháp đề ra là khoảng 14.000 giường.
Tính trên
toàn thế giới, nhu cầu về máy trợ thở hiện nay là hàng trăm ngàn máy. Tại châu Âu, điều đáng mừng là các máy trợ thở còn được sản xuất với số
lượng lớn gần các nước của châu lục này. Tuy nhiên, cho dù các nhà máy vận hành
24 giờ/24, 7 ngày/7, khả năng công nghiệp hiện tại của châu Âu cũng không đáp ứng
nổi nhu cầu.
Tại Đức, Drägerwerk, một những công ty hàng đầu
thế giới trong lĩnh vực này, đã tăng gấp bốn sản lượng và đã phải tuyển dụng
thêm 500 người để đáp ứng các đơn đặt hàng ồ ạt đổ tới. Công ty này có thể giao
10.000 máy cho nước Đức và 10.000 máy mà các chính phủ nước ngoài đặt hàng.
Nhưng giám đốc công ty cho biết họ không thể đáp ứng những yêu cầu khác nữa.
Hoa Kỳ, nay là quốc gia bị dịch nặng
nhất thế giới cả về số ca lây nhiễm lẫn số ca tử vong, cũng có ngành sản xuất
máy trợ thở, nhưng khả năng sản xuất quá thấp, không thể đáp ứng nhu cầu cấp
thiết hiện nay. Chỉ riêng thành phố New York, tâm dịch ở Mỹ, đang cần
đến 30.000 máy trợ thở, còn tính trên toàn nước Mỹ, nhu cầu lên tới 80.000
máy.
Để góp phần đáp ứng nhu cầu khẩn cấp, nhiều ngành
khác, đặc biệt là ngành công nghiệp xe hơi, cũng đã tham gia sản xuất máy trợ
thở. Chính là tại Hoa Kỳ mà các nhà sản xuất xe hơi tham gia tích cực nhất, với
3 hãng Tesla, Ford, et General Motors đang liên kết với các nhà sản
xuất thiết bị y tế để cố gắng sản xuất máy trợ thở ở quy mô lớn.
Vấn đề là tổng thống Trump đã để mất
quá nhiều thời gian, sau nhiều ngày không ý thức về tầm mức kinh khủng của dịch
Covid-19. Mãi đến
ngày 18/03, tổng thống Trump mới kích hoạt Luật Sản xuất Quốc phòng, có từ thời chiến tranh Triều Tiên thập niên 1950, cho phép tổng thống
yêu cầu ngành công nghiệp ở Mỹ tăng cường sản xuất các thiết bị và vật tư y tế
quan trọng để chống dịch. Rồi
đến ngày 27/03, ông Trump mới ký sắc lệnh buộc tập đoàn xe hơi General Motors sản
xuất máy trợ thở, với lời hứa hẹn là nước Mỹ sẽ "sản xuất
100.000 máy trong 100 ngày sắp tới". Nhưng cho dù có thiện chí đến
đâu, phải mất khá nhiều thời gian để huy động phương tiện sản xuất. Theo dự
kiến đến cuối tháng 4 General Motors nhận được nguyên vật liệu để sản xuất máy
trợ thở, khi đó đỉnh dịch ở New York có lẽ đã qua rồi.
-----------------------------------
Tú Anh - RFI
Đăng ngày: 01/04/2020 - 12:30
Hoa
kỳ chuẩn bị tinh thần đối phó với đợt tử vong chưa từng xảy ra trong thời bình.
Trong khi đại dịch Covid-19 chưa lên đến đỉnh, nhưng theo Reuteurs, trong ngày 30/03/2020 có ít nhất
850 người tử vong vì siêu vi Corona, đưa tổng số ca tử vong lên đến 3900 người
chết. Bên cạnh đó, có 187.000
ca lây nhiễm. Không giấu tâm trạng bất lực, tổng thống Donald trump cảnh
báo: hai tuần lễ tới sẽ vô cùng khủng khiếp.
Từ
Washington, thông tín viên Anne Corpet tường thuật:
"Tôi muốn rằng người dân Mỹ chuẩn bị cho những
ngày khó khăn sắp đến. Chúng ta sẽ có hai tuần lễ cực kỳ căng thẳng". Giọng
nói của tổng thống rất nghiêm trọng và cho dù có nói đến tia sáng cuối đường hầm,
Donald Trump nhấn mạnh : Đó là hai tuần rất là, rất là đen tối.
Tiếp lời tổng thống, bác sĩ Deborah Brix trình bày
sơ đồ dự báo của Nhà Trắng : chúng tôi nghĩ rằng sẽ có từ 100.000 đến
200.000 người chết.
Đường biểu đồ cho thấy nếu biện pháp hạn chế đi lại,
tụ tập không được người Mỹ tôn trọng thì số tử vong có thể lên đến 2 triệu.
Tình hình dịch lây lan ở nhiều thành phố như New York, Los Angeles, Chicago,
Detroit, Dallas, Houston sẽ vượt tầm kiểm soát.
Donald Trump tự khen là đã làm tất cả để nước Mỹ
không rơi vào tình thế xấu nhất theo nghĩa lẽ ra số nạn nhân tại Mỹ đã lên đến
2 triệu nếu không có công lao đóng góp của ông. Tuy nhiên, giọng điệu của chủ
nhân Nhà Trắng cũng đã thay đổi triệt để khi báo động : hai hay ba tuần tới sẽ
chẳng khác gì địa ngục."
Kinh
tế chao đảo
Theo thống kê Mỹ, trong ba tuần cuối tháng ba được
đánh dấu bằng một làn sóng thất nghiệp : 3,3 triệu người ghi tên trợ cấp thất
nghiệp, một con số kỷ lục. Xu hướng này sẽ còn tăng thêm nếu dịch vẫn còn.
Hàng
không mẫu hạm bị lây nhiễm
Trong khi đó, hàng không mẫu hạm USS Theodor
Roosevelt, sau những ngày thăm Đà Nẵng , Việt Nam, bị lây nhiễm siêu vi Corona.
Tàu về thả neo ở đảo Guam. Trong bức thư bốn trang, Hạm trưởng Brett
Crozierxin bộ tư lệnh hải quân cho phép di tản một số thủy thủ để cách ly. Tuy
nhiên, lời yêu cầu này đã bị bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ chối với lý do chiến hạm
phải "túc trực đề phòng xung đột quân sự" cho dù đang có đại dịch.
Quân y được phái đến tận nơi chăm sóc, theo lời bộ
trưởng Esper.
No comments:
Post a Comment