19/04/2020
Một tháng qua, virus corona (Covid-19) đã làm cho
kinh tế Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới suy sụp.
Với bệnh dịch lan tràn, ở Mỹ đã có 700 nghìn ca bệnh
và 35 nghìn tử vong. Thế giới có hơn 2 triệu ca nhiễm, 144 nghìn tử vong. Ngoài
Hoa Kỳ, châu Âu cũng có số ca nhiễm và tử vong cao.
Từ giữa tháng Ba chính quyền liên bang Mỹ có lệnh cấm
tụ họp trên 10 người. Ngay sau đó nhiều tiểu bang ban hành lệnh cấm túc. Mọi
người ở nhà. Ra đường cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2 mét xa nhau.
Các hãng xưởng, cơ sở thương mại không phục vụ nhu cầu
thiết yếu của dân đều đóng cửa. Chỉ còn siêu thị, trung tâm y tế, bệnh viện và
một số dịch vụ giới hạn mở cửa.
Rất nhiều người đang có việc làm bỗng dưng phải nghỉ.
Mức thất nghiệp tại Hoa Kỳ vào tháng 3/2020 đang ở mức 3.5%, thấp nhất trong
hơn nửa thế kỷ qua, sang giữa tháng 4 lên hơn 10%, với 22 triệu người đã khai
thất nghiệp trong bốn tuần lễ qua.
Khi khủng hoảng bệnh dịch bắt đầu bùng phát, chính
phủ Mỹ, nghĩa là quốc hội làm luật và tổng thống ký ban hành, đã chi ngay hơn 8
tỉ đô la cho việc phòng chống sự lây lan của Covid-19 mà tôi xin gọi theo kiểu
Việt Nam là 'Cô Vi'.
Đầu tháng này
chính phủ Trump ban hành luật cứu nguy kinh tế, tên tắt là CARES (The
Coronavirus Aid, Relief, and Economic Security Act) để chi ra tất cả 2 nghìn
200 tỉ đô la.
Khoảng 175 triệu dân sẽ nhận được tiền trợ giúp của
chính phủ trong thời kỳ khó khăn.
Số tiền dân nhận được, căn bản là 1200 đôla cho một
người có mức thu nhập AGI (Adjusted Gross Income) 75 nghìn đô la một năm hay ít
hơn, tức là số thu nhập sau khi đã trừ đi một số khoản chi tiêu như trả nợ học
phí, tiền bỏ vào quỹ hưu trí IRA hay tiền bỏ vào quỹ y tế HSA.
Theo tôi tìm hiểu, trong một gia đình Mỹ, hay Mỹ gốc
Việt, hai vợ chồng khai thuế chung, với mức dưới 150 nghìn đôla một năm sẽ nhận
được 2400 đôla. Nếu có con dưới 17 tuổi, mỗi trẻ sẽ nhận được 500 đôla.
Nếu mức lương AGI của một người cao hơn 75 nghìn và
thấp hơn 99 nghìn đôla, số tiền nhận được sẽ ít đi 5 đôla cho mỗi 100 đôla thu
nhập cao hơn 75 nghìn.
Thí dụ với thu nhập AGI là 75.100 đôla thì người đó
sẽ nhận được 1195 đôla trợ giúp. Nếu là 75.200 đôla thỉ chỉ nhận 1190 đôla trợ
cấp.
Cho đến mức thu nhập AGI 99 nghìn đô la hay cao hơn
cho một người, 198 nghìn cho hai vợ chồng, thì sẽ không nhận được tiền trợ cấp.
Hơn 60 triệu người đã nhận được số tiền này chuyển
thẳng vào tài khoản cá nhân, nếu đã khai thuế năm 2018 hay 2019 và trong hồ sơ
có để sẵn số tài khoản ngân hàng.
Trong những tuần tới đến lượt những người hưu trí,
mà không khai thuế mỗi năm, sẽ nhận được tiền trợ cấp.
Những ai làm hồ sơ thuế không ghi số tài khoản ngân
hàng thì chính phủ sẽ gửi ngân phiếu đến nhà, nhưng phải chờ ít ngày nữa mới nhận
được.
Đặc biệt lần này chi phiếu từ bộ ngân khố gửi ra sẽ
có chữ ký của Tổng thống Donald Trump bên góc trái. Một sự kiện chưa bao giờ có
trong lịch sử Hoa Kỳ.
Theo kế hoạch,
đến tháng 9 thì tất cả mọi người dân sẽ nhận được trợ cấp của chính phủ từ luật
CARES.
Với 22 triệu người vừa mất việc và đã khai xin trợ cấp
thất nghiệp, ngoài tiền thất nghiệp tính theo thời gian làm việc, mức lương
trung bình và tùy từng tiểu bang thì mỗi người còn nhận được thêm khoản tiền
600 đôla mỗi tuần.
Thí dụ tiền thất nghiệp của một cư dân California
bình thường từ 40 đến tối đa 450 đôla một tuần, nay cộng thêm 600 đôla theo luật
CARES thì một người thất nghiệp sẽ nhận một tuần từ 640 đến 1050 đôla.
Trước khi có khủng hoảng, người mất việc được tiền
thất nghiệp trong 26 tuần, với luật cứu nguy kinh tế sẽ được nhận đến 39 tuần.
Ngân sách cho luật cứu nguy chi nhiều nhất là trợ
giúp trực tiếp đến cho dân, 603 tỉ đôla hay 30% ngân sách CARES.
Các tập đoàn thương mại lớn nhận được 500 tỉ đôla,
25% ngân sách CARES, là tiền các đại công ti được vay, hay giúp các hãng máy
bay tiếp tục trả lương, trả bảo hiểm cho nhân viên.
Giới tiểu thương nhận được 377 tỉ đôla trợ giúp, 19%
của CARES, qua các khoản cho vay dễ dàng, không phải trả món nợ đang có và có
tiền để giúp duy trì cũng như phục hồi cơ sở.
Chính quyền tiểu bang và các cấp địa phương được 340
tỉ đôla, 17% ngân sách cứu nguy, để đối phó với nạn dịch và các chi phí liên
quan đến giáo dục, từ đại học xuống đến lớp mẫu giáo như việc thiết lập các
chương trình học trực tuyến.
Dịch vụ công cộng nhận 9%, khoảng 180 tỉ đôla, chi
cho các bệnh viện công, chi cho việc chăm sóc sức khoẻ cựu chiến binh, lập kho
dự trữ trang thiết bị y tế, cung cấp thực phẩm cho trẻ em.
Với luật CARES, đời sống kinh tế, xã hội của người
dân đã được chính phủ quan tâm giúp đỡ.
Câu hỏi chủ yếu đặt ra là khi đã mở cửa sinh hoạt đời
sống trở lại, từ từ và có kiểm soát để phòng bịnh dịch tái bùng phát, khi đó
người dân có chi tiêu ngay số tiền trợ cấp đã nhận được để giúp phục hồi kinh tế.
Năm 2008-09 cũng vì khủng hoảng kinh tế tài chánh,
chính phủ của Tổng thống George W. Bush (con) rồi sang đến thời Tổng thống
Barack Obama cũng có những gói kích thích kinh tế, nhưng người dân không trực
tiếp nhận được nhiều tiền trợ cấp như hiện nay, mà đa phần qua hình thức giảm
thuế. Dân không có tiền tiêu xài ngay nên kinh tế khi đó đã không phục hồi
nhanh như mong muốn.
Lần này, với ngân sách cho CARES gấp đôi ngân sách
kích thích kinh tế trước đây, không ai ngoài Tổng thống Donald Trump là người
mong cho kinh tế sớm phục hồi để được lòng dân trong ngày bầu cử 3/11 tới đây.
Trong 40 năm qua, với bảy tổng thống Mỹ chỉ có hai
trụ lại ở Tòa Bạch Ốc một nhiệm kỳ. Đó là Tổng thống Jimmy Carter và Tổng thống
George W.H. Bush (cha) không tái đắc cử vì kinh tế năm họ tái tranh cử chỉ có một
màu xám xịt.
Điều đó có xảy ra trong vài tháng tới trong năm
tranh cử lần này hay không thì khó tiên đoán, vì bài học kinh tế căn bản nhập
môn gọi: “Economy is state of mind”, người dân vui có tiền thì mua sắm,
tiêu dùng thì kinh tế sẽ mầu hồng. Còn băn khoăn lo lắng thì kinh tế sẽ ảm đạm.
Trước mắt ta thấy rõ là ngoài việc tung ra các khoản
cứu trợ Tổng thống Trump muốn nới lỏng các giới hạn phòng ngừa Covid-19 bắt đầu
từ ngày 1/5 với mục tiêu đưa nước Mỹ trở lại đời sống bình thường càng sớm càng
tốt.
© 2020 Buivanphu
No comments:
Post a Comment