Thùy Dương - RFI
Đăng ngày: 08/04/2020 - 10:21
Kể
từ khi được thành lập vào ngày 07/04/1948, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), với
194 thành viên, chưa bao giờ phải đối mặt với đại dịch xảy ra đồng thời trên tất
cả các châu lục như hiện nay.
Chưa bao giờ Tổ Chức Y Tế Thế Giới có cơ hội khẳng định
vai trò lãnh đạo về vấn đề sức khỏe của người dân toàn cầu như hiện nay. Thế
nhưng, dường như các ý kiến chỉ đạo của WHO không được các quốc gia lắng
nghe và tổ chức này còn gặp khó khăn hơn nữa khi muốn thuyết phục các nước.
Lý do : Quan điểm ích kỷ của các quốc gia, kiểu « nước nào lo cho
nước đó ». Trên đây là nhận định của Libération, trong bài viết đăng
ngày 31/03/2020.
Điều đầu tiên khiến Tổ Chức Y Tế Thế Giới bị chỉ
trích là sự phản ứng chậm chạp. WHO đã phản ứng chậm trễ khi virus Ebola bùng
phát ở Tây Phi (Liberia, Sierra Leone, Guinea) vào năm 2014, mặc dù các thành
viên của tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới khi đó đã báo động về tình trạng khẩn cấp.
Lần này cũng vậy, WHO không kịp thời phản ứng khi virus corona hoành hành tại
thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, trong khoảng thời gian từ tháng 12/2019 đến tháng
01/2020. Phải đến ngày 11/03, khi virus corona làm chết biết bao người trên khắp
thế giới, Covid-19 mới được gọi là « đại dịch » và những nước
vốn xem nhẹ dịch bệnh, như Vương quốc Anh hoặc Hoa Kỳ, mới bắt đầu có biện pháp
đối phó.
Sự
chậm trễ này có thể là do WHO không muốn làm giảm uy tín của Trung Quốc. Khi được báo Libération hỏi về vấn đề này, tổng giám đốc WHO Tedros
Adhanom Ghebreyesus nói : « Chúng tôi chưa và cũng không chịu áp lực từ
các quốc gia thành viên. Chúng tôi đề ra nguyên tắc và đưa ra các lời khuyên,
và chúng tôi tôn trọng cách thức các quốc gia áp dụng để chống lại virus, dù đó
là nước giàu hay nghèo ».
Publicité
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là mối liên hệ gần gũi giữa
tổng giám đốc WHO với chính quyền Bắc Kinh, quốc gia đóng góp tài chính nhiều
thứ hai cho định chế này, sau Hoa Kỳ. Thực ra, trước khi được bầu lên làm
lãnh đạo định chế y tế của Liên Hiệp Quốc, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus từng
là ngoại trưởng của Ethiopia, một trong những « thành trì »
Trung Quốc tại châu Phi. Hồi cuối tháng Giêng 2020, trong một cuộc họp với
chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng giám đốc WHO không tiếc lời ca ngợi Bắc
Kinh, trong khi chính Trung Quốc trước đó đã để virus lây lan nhanh chóng.
Vấn
đề thứ hai là sự yếu kém của WHO trước thái độ ích kỷ của các quốc gia trong thời
kỳ khủng hoảng dịch bệnh chưa từng có. Antoine Flahault,
giám đốc Viện Sức Khỏe Toàn Cầu thuộc đại học Genève, Thụy Sĩ, nhấn mạnh :
« Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã không đưa ra chỉ dẫn rõ ràng cho các quốc
gia, nhất là về việc triển khai biện pháp đóng cửa trường học, hạn chế tụ tập
đông người … Về biên giới giữa các nước, WHO đề nghị các nước không đóng cửa khẩu,
nhưng khi các nước như Đức, Ý, Áo phong tỏa biên giới thì tổ chức Y Tế Thế Giới
lại không có phản ứng. Thực ra, biện pháp của các nước nói trên hoàn toàn vi phạm
các quy định quốc tế về y tế mà chính các nước đã ký và có tính bắt buộc ».
Máy bay không người lái ?
WHO có nguồn tài chính rất khiêm tốn. Ngân sách dành
cho WHO chỉ là 4,4 tỷ đô la (4 tỷ euro), chỉ gần gấp đôi so với ngân sách dành
cho hoạt động của Bệnh viện đại học Genève, Thụy Sỹ. Chi phí đóng góp của 194
quốc gia thành viên hiếm khi được thanh toán đúng hạn. Và số tiền đóng góp đó
cũng chỉ chiếm 1/5 tổng số ngân sách của WHO. 80% còn lại là từ các nguồn đóng
góp tự nguyện từ các nước và các tổ chức tư nhân như vợ chồng tỉ phú Bill Gates
và Melinda Gates hoặc các tỉ phú Jack Ma của Trung Quốc hay Aliko Dangote của
Nigeria. Đây là những tỉ phú được cho là rất hào phóng với Tổ Chức Y Tế Thế Giới.
Đổi lại, các nhà hảo tâm này có quyền đòi hỏi tiền của họ được đầu tư vào đâu.
Vấn đề là lựa chọn của họ không phải lúc nào cũng phù hợp với các ưu tiên của
WHO.
Rõ ràng là, lẽ ra cuộc chiến chống virus corona phải
mang lại cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới khả năng lãnh đạo thế giới, nhưng trên thực
tế, WHO lại hài lòng với việc chỉ đồng hành cùng quyết định mà chính phủ các nước
đưa ra. Chuyện này tương tự như tình trạng trong buồng lái máy bay không có ai
điều khiển. Chúng ta hiện giờ không có bất cứ kế hoạch toàn cầu nào với những
đường hướng rõ ràng để áp dụng cho toàn bộ thế giới.
Hàng ngày, vào một giờ cố định, từ phòng họp báo trống
trải, đại diện Tổ Chức Y Tế Thế Giới chỉ nhắc lại là bằng mọi giá phải «
làm gián đoạn chuỗi truyền bệnh ». Trong khi đó, lãnh đạo các Nhà nước
và chính phủ chỉ quan tâm đến dư luận trong nước, thông báo với dân chúng rằng
họ đang nỗ lực tối đa để phòng chống dịch bệnh. Bác sĩ người Anh, David
Nabarro, giám đốc Viện sáng kiến sức khỏe toàn cầu, Đại học Hoàng gia Luân Đôn,
một chuyên gia trong cuộc chiến chống dịch Ebola, đặc phái viên của Tổ Chức Y Tế
Thế Giới về dịch Covid-19 từ cuối tháng 02, nhấn mạnh một thực tế là hiện giờ
thế giới không có một giải pháp nào với sự phối hợp liên chính phủ.
Vào năm 2005, hai năm sau khi dịch SARS bùng phát ở
các nước châu Á, WHO đã sửa đổi hoàn toàn các tiêu chuẩn để có khả năng phản ứng
nhanh nhạy trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng dịch bệnh mới. Điều này
phát huy hiệu quả khi xảy ra dịch cúm A (H1N1) năm 2009. Tuy nhiên, Tổ Chức
Y Tế Thế Giới khi đó ngay lập tức bị tố cáo hành động thái quá.
Điều cơ bản trong quy định mới về y tế của quốc tế
khi đó là các Nhà nước thành viên trước hết phải báo cáo trực tiếp lên trụ sở của
định chế WHO ở Genève, Thụy Sỹ, báo cáo ngay khi bùng phát dịch bệnh, và nhất
là khẩn trương chia sẻ thông tin để cộng đồng khoa học quốc tế có thể nhanh
chóng nắm bắt tình hình. Sau đó, Tổ Chức Y Tế Thế Giới đảm nhiệm việc điều
phối hoạt động kiểm dịch, đưa ra các báo động và kiến nghị.
Nước nào lo cho nước đó
Các nguyên tắc mới này đã được tất cả các quốc gia
phê chuẩn và có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, một nhà ngoại giao
châu Phi ở Genève nhận định : « Không mấy nước tôn trọng những quy
định đó. Kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng virus corona, các nước chỉ hành động
vì nước đó mà thôi. Tất cả mọi quốc gia đều quên mất các chỉ thị mà chúng tôi
đã phải vất vả đàm phán và có được, bởi vì không nước nào muốn từ bỏ một phần
chủ quyền của mình cho một « bộ máy quốc tế ». Luôn luôn là như vậy ».
Tổ Chức Y Tế Thế Giới không thể trừng phạt những nước làm sai, cũng không buộc
các quốc gia phải thực hiện biện pháp này hay hủy bỏ biện pháp khác, ngay cả
khi rõ ràng là biện pháp đó không tốt.
Hồi tháng 02, giám đốc WHO Tedros Adhanom
Ghebreyesus đã gửi 2 lá thư riêng cho các quốc gia thành viên để nhắc nhở họ về
nghĩa vụ. Thế nhưng, định chế y tế thế giới lại không chịu nêu đích danh các nước
không tuân thủ quy định. Ông Michael Ryan, quan chức số 2 của tổ chức này nhắc
lại : « WHO không can thiệp vào cuộc tranh luận công khai và không
chỉ trích quyết định của các quốc gia thành viên ».
Trong khi chờ đợi, từ phòng họp lớn vắng vẻ, các
quan chức của WHO hàng ngày vẫn kiên nhẫn trả lời những câu hỏi ẩn chưa nỗi lo
từ khắp các châu lục. Câu trả lời của các đại diện Tổ Chức Y Tế Thế Giới mang
tính hướng dẫn chứ không mang lại kết quả, bởi vì các quyết định hiện nay vẫn
do chính phủ từng nước đưa ra từ thủ đô mỗi quốc gia. Báo Libération kết luận
Tổ Chức Y Tế Thế Giới và cơ quan mẹ là Liên Hợp Quốc, xét đến cùng thì giống
nhau ở chỗ đều bị chia rẽ.
No comments:
Post a Comment