RFA
10/04/2020
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đăng tải dự thảo Thông
tư về quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học. Trong đó, ‘yêu nước’ được
đặt ra là một trong những phẩm chất chủ yếu trong việc đánh giá và xếp loại học
sinh trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, theo ý kiến của người dân, 'yêu nước' là một khái niệm mơ hồ.
Khi đề cập về việc đưa
tiêu chí yêu nước vào quy định để đánh giá học sinh bậc tiểu học, thầy giáo
Đỗ Việt Khoa tại Hà Nội cho rằng đây là một chuyện khó hiểu, vì đối với trẻ
em bậc tiểu học ở Việt Nam, khái niệm ‘yêu nước’ còn rất mơ hồ:
“Đối với trẻ em tiểu học, thế nào là yêu nước? Nếu hỏi
thế nào là yêu nước, họ sẽ không nói được đâu. Cái tiêu chí này dành cho các
ông bà người lớn, tốt nhất là dành cho các ông bà lãnh đạo cấp tỉnh, cấp trung
ương. Chứ còn hỏi những đứa trẻ tiêu chí yêu nước nghe nực cười lắm. Tốt nhất
là bỏ nó đi; đó không phải là tiêu chí số một, nên bỏ hẳn.
Tiêu chí yêu nước để trẻ hiểu được rất khó. Người ta
bảo yêu nước là có tinh thần trách nhiệm, phê phán cái xấu; đấu tranh với cái xấu,
cái ác. Người lớn ở Việt Nam mà đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái tham những,
cái làm trái với chính sách sai của chính quyền, thì bị kết tội là phản động.
Thế nào là yêu nước? Đến ngay cả các ông lãnh đạo trung ương ở Việt Nam còn đưa
ra khái niệm cực kỳ sai trái, chứ đừng nói đến trẻ em.”
Đồng tình, tiến sĩ
Nguyễn Quang A cũng cho rằng dùng tiêu chí ‘yêu nước’ để đánh giá học sinh,
nhất là ở bậc tiểu học, sẽ gây tranh cãi vì đây vẫn là một khái niệm mơ hồ,
không thống nhất:
“Đấy là môt tiêu chí sẽ gây tranh cãi, bởi vì đấy là
một khái niệm mà ở Việt Nam là từ yêu làng xóm tới yêu nước và nhiều khi đi
chung với lệnh là yêu đảng…v.v. như Xã hội Chủ nghĩa, thì vấn đề như thế nào là
yêu nước cũng là một vấn đề gây tranh cãi. Có lẽ không nên đặt ra một tiêu chí
như vậy. Nên dạy cho trẻ con biết quý các mối quan hệ gia đình, bạn bè, như là
quê hương, môi trường…v.v. Chứ còn đưa một thứ như tiêu chí, phải đạt được thì
tôi nghĩ nó quá gượng ép.”
Theo ông Nguyễn Quang A,
giáo dục vấn đề yêu nước có thể lồng ghép vào những môn như văn học, lịch sử
thay vì phải gượng ép, đặt ra tiêu chí cho học sinh phải làm sao mới là ‘yêu nước’.
Đối với ông A, việc đưa tiêu chí ‘yêu nước’ vào giáo dục không phải là điều mới.
Tuy nhiên, đây là một khái niệm mềm dẻo, dễ bị bóp méo và sử dụng một cách
không khách quan:
“Thật ra nó không mới, nhưng để làm ra một tiêu chí
là phải đạt được, hoặc đánh giá thành tích của học sinh, tôi nghĩ rằng là không
nên. Cái chuyện mà người ta giáo dục lòng yêu nước, nhưng không cần theo mục
tiêu; để giải thích ra thêm trong những môn như địa lý, lịch sử, cho đến văn học,
đạo đức…v.v, nó phải lồng vào những môn đó chứ không nên đặt một vấn đề mang nặng
hình thức vào cho trẻ em, nhất là ở bậc tiểu học, điều đó sẽ không ổn. Nếu người
ta bóp méo vấn đề yêu nước, vì đây là khái niệm mềm dẻo, họ có thể dùng nó theo
kiểu này, kiểu kia.”
Anh Lộc, hiện ngụ tại TP HCM có con đang trong lứa tuổi tiểu học, cho biết
chính anh cũng không hiểu thế nào mới thật sự là ‘yêu nước’:
“Làm sao biết như thế nào là tiêu chí yêu nước. Phải
có thông tin chứ đứa con nít làm sao mà biết được thế nào là tiêu chí yêu nước
mà đánh giá. Nói theo người ta nói như thế nào chứ bản thân người lớn mình còn
chưa biết như thế nào là yêu nước. Từ xưa đến giờ có ai đánh giá về tiêu chí yêu nước hay không đâu.
Còn nếu bây giờ có thì đương nhiên điều đó là mới rồi đó.”
Theo ý kiến của giáo
sư Nguyễn Đăng Hưng, khi có đề nghị về thay đổi cách đánh giá, xếp hạng học
sinh trong nước, ông có cảm giác Bộ Giáo dục & Đào tạo không có sự nghiên cứu
kỹ lưỡng và sâu sắc:
“Mỗi lần mà Bộ Giáo dục & Đào tạo mà đề nghị một
sự thay đổi về vấn đề đánh giá, kết luận và vấn đề quản lý giáo dục thì thông
thường tôi rất hoang mang. Vì tôi có cảm tưởng là họ không nghiên cứu kỹ lưỡng
và làm theo tư cách đổi mới phong trào, chứ không làm theo cách sâu sắc. Cho
nên làm gì thì làm, tôi nghĩ Bộ Giáo dục & Đào tạo không nên coi trẻ em như
là những vật thử, những con chuột bạch, mà phải nghiên cứu nghiêm túc.”
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng có nhiều quy định khi được đặt ra
trong ngành giáo dục ở Việt Nam thường không phải từ những nhà tâm lý học hoặc
những nghiên cứu từ các chuyên gia đưa ra:
“Tôi nghĩ có rất nhiều thứ ở đây là do người lớn
nghĩ ra thôi, chứ không phải các em học sinh nghĩ ra; cũng không phải những nhà
tâm lý học, những chuyên gia đưa vào. Đây chắc là các ông, bà lãnh đạo; các
ông, bà tư tưởng chính trị mới đưa vào đó. Cái đó thì xã hội chúng ta nghe cũng
nực cười lắm, mọi người cũng nên phê phán cái điều này. Bỏ nó đi! Có lẽ là giáo
viên tiểu học đã nhắm mắt làm ngơ, cho trẻ em nào không yêu nước… thế nào là trẻ
em không yêu nước? Sẽ không có thầy, cô nào tìm ra đâu. Đó là chuyện bất thường
ở Việt Nam.”
Theo thầy Khoa, khi đánh
giá một học sinh, những yếu tố quan trọng là thái độ chăm chỉ học tập, tính tự
giác, cần cù và chất lượng học tập của học sinh. Ngoài ra, thầy Khoa cho biết
hiện có rất nhiều quốc gia trên thế giới không còn xếp loại điểm cho học sinh
tiểu học và ngành giáo dục Việt Nam nên đi theo chiều hướng này:
“Hiện nay, nhiều quốc gia không còn xếp loại điểm
cho học sinh tiểu học nữa, mà đánh giá, nhận xét một cách rất ngắn gọn. Đây có
lẽ là một xu hướng nên làm. Việt Nam ta có truyền thống là đánh giá điểm số đi học,
gây áp lực rất lớn đối với trẻ em cho nên đã có ý kiến bỏ đánh giá rồi.”
No comments:
Post a Comment