Wednesday, 1 April 2020

THƯ GỬI ÔNG NGUYỄN XUÂN PHÚC   (Đỗ Cao Cường)





Kính thưa ông Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tên tôi là Đỗ Cao Cường, một đạo diễn, phóng viên điều tra độc lập, từng công tác tại nhiều báo đài trong nước, đồng hành với nhiều mảnh đời bất hạnh. Tôi đã nhiều lần gửi tâm thư cho ông, cũng đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo Văn phòng chính phủ, vài vụ án oan sai tại miền nam Việt Nam được giải quyết, một số quan chức, doanh nghiệp, cá nhân lừa đảo bị khởi tố.

Kính thưa ông, tôi được biết trong chỉ thị về phòng chống virus Trung Quốc ban hành ngày hôm qua, ông có yêu cầu cách ly toàn xã hội. Trong lúc nguy nan này, xin không bàn tới khái niệm cách ly – khái niệm dành riêng cho tội phạm, cơ sở pháp lý cũng như chế tài xử phạt… cái mà tôi quan tâm nhất lúc này là nhóm người dễ bị tổn thương.

Được biết, lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có văn bản đề nghị ông cho 8.459 lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, chủ yếu là lao động Trung Quốc và Hàn Quốc, làm việc cho nhiều dự án, trong đó có nhiều dự án đội vốn, chậm tiến độ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân…

Tôi cho rằng, nếu ông chấp nhận thì bao nhiêu nỗ lực của người dân, của các ông đổ xuống sông xuống biển, dù cho thôn này có cách ly được thôn kia, xã này cách ly được xã kia, huyện kia cách ly được huyện này… thì cũng không thể bằng cửa khẩu cách ly với cửa khẩu, sân bay cách ly với sân bay, quốc gia cách ly với quốc gia, đã diệt là phải diệt từ trong trứng nước.

Ngay khi xuất hiện virus Trung Quốc, tôi đã kêu gọi phải đóng cửa biên giới, xét nghiệm tại chỗ, ngay tại khu vực sân bay, cửa khẩu. Còn bây giờ, tôi lại kêu gọi các ông xét nghiệm tại chỗ, thường xuyên cho những người bán xăng dầu, thực phẩm, thuốc men, giao nhận hàng hoá… Những người này tiếp xúc với rất nhiều người, cho dù dân làng có cách ly được nhau, thì tất cả vẫn phải mua hàng, tiếp xúc với những người bán nhu yếu phẩm cần thiết, một người lan cho rất nhiều người. Nên đóng tất cả các cửa khẩu biên giới cho đến khi hết dịch, không chỉ với Lào mà với cả vùng ổ dịch – Trung Quốc.

Trước lệnh tạm dừng xổ số kiến thiết từ hôm nay, nhiều người đã góp sức mua, giúp đỡ những người bán vé số. Nhưng theo tôi, sự giúp đỡ đó là chưa đủ, chưa có số liệu thống kê nhưng tôi tin còn rất nhiều người bán vé số dạo, còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh, đáng thương mà ít người biết tới.

Trong khi chính quyền nhiều quốc gia tung ra những gói cứu trợ kinh tế hàng chục tỷ USD hỗ trợ thị trường lao động, giải cứu doanh nghiệp và người dân nước họ. Trong khi Mỹ bị thiệt hại nặng nề nhất, nhưng họ vẫn viện trợ gần 3 triệu USD cho Việt Nam, còn Việt Nam sẽ làm gì để cứu dân nước mình?

Chiều hôm qua, ông có chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ, các đối tượng như người lao động nghỉ việc, lao động tự do, hộ kinh doanh cá thể tạm dừng hoạt động… dự kiến sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Nhưng cho hỏi dự kiến đến khi nào? Không bây giờ thì bao giờ?

Ông yêu cầu mọi người ở trong nhà, nhưng tiền chi tiêu ở đâu thì ông lại không nói. Chi phí thuê phòng trọ hiện nay ở các thành phố lớn, rẻ nhất thì cũng phải 2-4 triệu đồng/tháng, nhiều người mất việc làm, tay trắng, họ sống kiểu gì đây? Một triệu đồng là không đủ, kiểm soát số tiền đó thế nào đây?

Khi giá dầu, giá than tăng, ngành điện có lý do tăng giá điện, vậy bây giờ giá dầu thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong 17 năm qua, giữa mùa virus Trung Quốc, sao chưa giảm giá điện?

Đề nghị các ông giảm giá điện, nước xuống mức thấp nhất có thể, tìm ra phương án hợp lý, để những người lao động nghèo không nghĩ quẩn. Tôi sợ rằng nếu dịch bệnh kéo dài, nhiều người lao động mất việc làm sẽ tìm đến cái chết.

Sau cơn khủng hoảng, hy vọng các ông có những quyết sách lớn liên quan tới vận mệnh dân tộc, từ thể chế tới đối ngoại. Biết chọn bạn mà chơi, có cơ chế kiểm soát tham nhũng, giữ tiền hộ nhân dân, để một lúc nào đó một con virus Trung Quốc chết người khác xuất hiện, không cần phải lăn tăn, các ông sẽ đóng cửa biên giới ngay từ đầu, và có những khoản trợ cấp hợp lý nhất, dành cho những thân phận yếu thế, đáy cùng trong xã hội.







No comments:

Post a Comment

View My Stats