Thursday, 9 April 2020

THỬ GIẢI MÃ "Ý ĐỒ" CỦA VIỆT NAM QUA CÔNG HÀM GỬI LHQ NGÀY 30/03/2020 (Trương Nhân Tuấn)




Trương Nhân Tuấn
09/04/2020

Truyền thông trong ngoài nước “làm lớn chuyện” vụ VN gởi công hàm lên LHQ phản đối TQ. Vậy ý đồ của VN trong việc này là gì?

Theo tôi, VN có hai mục tiêu:

Thứ nhứt, hợp tác với hai quốc gia Phi và Mã lai, sử dụng Hồ sơ “Thềm lục địa mở rộng” đã nộp cho Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa thuộc LHQ để hóa giải các yêu sách của TQ trong khu vực biển Trường Sa. Dụng cụ pháp lý ở đây là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và phán quyết Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye ngày 14-7-2016.

Thứ hai “hâm nóng hồ sơ Hoàng Sa”. Việt Nam có lẽ sẽ sử dụng mô hình của Phi để kiện TQ về việc “giải thích và cách áp dụng Luật Biển” cho những “cấu trúc” nổi, chìm, lúc nổi lúc chìm thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Điều nguy hiểm cho Việt Nam là nếu không khéo léo trong việc thiết lập hồ sơ, VN gián tiếp nhìn nhận chủ quyền Hoàng Sa thuộc Trung Quốc. Nguy hiểm khác, nếu Việt Nam thua kiện, tức Tòa nhìn nhận các đảo Hoàng Sa có hiệu lực “đảo” theo điều 121(1), VN có thể mất “cả chì lẫn chài”.

***

Trên BBC có bài tóm lược ý kiến các học giả VN, liên quan đến sự kiện “Phái đoàn của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ) vừa gửi Công hàm tới Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Báo chí trong nước đồng loạt đăng tin này hôm 7/4/2020.

Điều đầu tiên cần minh bạch. VN gởi công hàm lên Tổng thư ký LHQ nhưng gởi cho cơ quan nào? Đại hội đồng LHQ? Hội đồng Bảo an LHQ? hay gởi Tòa Công lý Quốc tế, cơ quan pháp lý của LHQ?

Nếu gởi cho Đại hội đồng LHQ, tức gởi cho toàn thể các quốc gia hội viên của LHQ, vấn đề sẽ rất trọng đại. Nếu ta nhớ lịch sử thì việc can thiệp của LHQ vào chiến tranh Nam – Bắc Hàn 1950-1953 là đến từ một Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ.

Nếu gởi cho Hội đồng bảo an LHQ vấn đề sẽ nghiêm trọng, vì nội dung sẽ liên quan đến nền hòa bình của toàn cầu. Hầu hết các cuộc can thiệp quân sự của Mỹ và đồng minh vào chiến trường Afghanistan, Irak… đều đến từ một Nghị quyết của hội đồng bảo an LHQ.

Nếu gởi dến Tòa Công lý quốc tế, cơ quan pháp lý của LHQ, ta có thể hình dung một vấn đề quan trọng. VN mở đầu cuộc chiến pháp lý với TQ, bằng cơ quan pháp lý, có uy tín nhứt địa cầu.

Thực tế hoàn toàn không phải vậy! Công hàm mà báo chí đề cập là công hàm ngày 30 tháng 3 năm 2020 của VN gởi Ủy ban ranh giới thềm lục địa thuộc Liên Hiệp Quốc.

Sự hiện hữu của công hàm phản đối này thực chất chỉ là một trình tự “logic” về ngoại giao, bắt buộc phải có của nhà nước VN, nhằm thể hiện thái độ của quốc gia VN đối với các hành vi, thái độ của một, hay những, quốc gia khác, về một vấn đề có liên quan đến VN. Ở đây là các vấn đề liên quan đến yêu sách của TQ, về chủ quyền lãnh thổ và hải phận.

Ý nghĩa của công hàm này vì vậy cần nên hiểu trong vòng “hạn chế”, trong “bối cảnh” ra đời của nó.

Thật vậy, xét nội dung Công hàm ngày 30 tháng ba của VN, như ý kiến tôi viết hôm qua nhằm góp ý với TS Hà Hoàng Hợp trong bài phỏng vấn trên VOA. Đường dẫn ở đây.

Điều mới mẻ, đáng nói (mà không thấy ai nói), trong công hàm của VN là đưa các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa vào đứng chung với Trường Sa. Việc này không liên quan gì đến các quốc gia Mã lai hay Phi.

Ý nghĩa của việc này là, từ nay, quan điểm của VN là các đảo lớn nhỏ, chìm nổi… thuộc Hoàng Sa không có cái nào có hiệu lực biển, đồng thời Hoàng Sa cũng không có đường cơ sở và vùng biển nội hải, theo cách tính của “quốc gia quần đảo”.

Theo tôi, “ý đồ” của VN qua công hàm này là “hâm nóng” vấn đề tranh chấp Hoàng Sa, như tôi nhiều lần nhấn mạnh, về sự cần thiết cũng như đề nghị các phương cách “hâm nóng”.

Để ý đoạn công hàm 30-3-2020 của VN: “Phái đoàn thường trực đề nghị Tổng Thư ký Liên hợp quốc lưu hành Công hàm này đến tất cả các quốc gia thành viên Công ước, cũng như tất cả các thành viên của Liên Hợp quốc”.

Rõ ràng ý đồ của VN, thông qua hồ sơ Thềm lục địa mở rộng của Mã lai, muốn “quốc tế hóa” vấn đề Hoàng Sa.

Theo tôi, qua công hàm này VN sẽ không kiện TQ, vì những tranh chấp với TQ ở Tư chính hay khu vực Trường Sa, với phương cách mà Phi đã làm.

Nhiều lần tôi có ý kiến, kiện TQ bằng con đường này không phải là “thượng sách”. Bởi vì ta biết chắc chắn là TQ sẽ không nhìn nhận thẩm quyền của Tòa, cũng như không nhìn nhận bản án và không chấp hành phán quyết. Như đã xảy ra ở phán quyết PCA tháng 7-2016. Trong khi VN có những phương cách khác, không thông qua quá trình pháp lý, để triệt tiêu các yêu sách phi lý của TQ (ở khu vực Trường Sa).

Dự đoán của tôi, có lẽ VN đang sử dụng phương thức mà tôi đã từng đề nghị, (bài đã đăng ở BBC). Đó là cách sử dụng Luật Biển, thể hiện trong nội dung Phán quyết PCA tháng 7 năm 2016, xuyên qua quyết định của Ủy ban ranh giới Thềm lục địa. VN, Mã lai và Phi nhờ cơ quan này nhìn nhận hồ sơ hợp pháp về ranh giới thềm lục địa mở rộng của quốc gia mình.

Điều này có thể đang xảy ra. VN có thể đang hợp cùng với Phi và Mã lai, qua các Hồ sơ Thềm lục địa mở rộng của quốc gia mình, từ tháng 12 năm 2019.

Điều này thành công thì các yêu sách phi lý của TQ, như “vùng nước tiếp cận các đảo”, “vùng biển lịch sử” thể hiện qua bản đồ chữ U 9 đoạn, vùng phía nam Biển Đông, sẽ bị vô hiệu hóa bởi quyết định của LHQ.

Riêng vùng hải phận phía bắc Biển Đông, thuộc khu vực Hoàng Sa. Có lẽ VN sẽ phải sử dụng mô hình của Phi để kiện TQ. Hoặc ra trước Tòa Trọng tài Thương trực (PCA) hoặc Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Ý kiến này tôi cũng đã từng đề nghị qua các bài viết trước đây.

Điều nguy hiểm là nếu không khéo léo trong việc thiết lập hồ sơ, VN nhìn nhận chủ quyền Hoàng Sa thuộc TQ. Nguy hiểm khác, nếu VN thua kiện, tức Tòa nhìn nhận các đảo Hoàng Sa có hiệu lực “đảo” theo điều 121(1), VN có thể mất “cả chì lẫn chài”.
____

Mời đọc lại bài cùng tác giả: 








No comments:

Post a Comment

View My Stats