Thursday, 9 April 2020

MỘT SỰ HIỂU LẦM về CÔNG HÀM CỦA VIỆT NAM gửi LIÊN HIỆP QUỐC bác bỏ YÊU SÁCH CỦA TRUNG QUỐC (Dự Án Đại Sự Ký Biển Đông)





Nhiều học giả, nhà báo và bạn đọc đã hiểu lầm ý nghĩa bản công hàm của Việt Nam gửi Liên Hợp Quốc ngày 30/3/2020.

Bản công hàm này không nhắm tới sự kiện tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam vào ngày 2/4/2020.

Như chúng tôi đã đưa tin trước đó, ngày 12/12/2019, Malaysia đã đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên Hợp Quốc yêu sách đơn phương về một thềm lục địa mở rộng dựa trên điều 76 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982).

Theo trình tự thủ tục của Uỷ ban, bản đệ trình của Malaysia đã được gửi tới các thành viên của Liên Hợp Quốc cũng như các quốc gia thành viên UNCLOS. Những quốc gia có quyền lợi liên quan hay bị ảnh hưởng bởi yêu sách của Malaysia bởi vậy có nghĩa vụ phải lên tiếng.

Trung Quốc là quốc gia lên tiếng đầu tiên, cùng ngày 12/12, khi yêu sách thềm lục địa của Malaysia bác bỏ một phần yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc.

Trong công hàm phản đối đệ trình của Malaysia, Trung Quốc một lần nữa yêu sách chủ quyền đối với các quần đảo ở Biển Đông, cũng như một vùng biển rộng lớn trong phạm vi đường chín đoạn, và nhắc lại một trong căn cứ mà Trung Quốc dựa trên là quyền lịch sử - quyền mà đã bị Phán quyết Vụ kiện trọng tài Biển Đông bác bỏ do không phù hợp với UNCLOS.

Những yêu sách của Trung Quốc không chỉ mâu thuẫn với yêu sách thềm lục địa của Malaysia mà còn xâm phạm quyền lợi của Philippines và Việt Nam ở Biển Đông. Bởi vậy theo luật quốc tế, Philippines và Việt Nam có nghĩa vụ phải lên tiếng bày tỏ lập trường.

Các công hàm tiếp theo đó của Philippines và Việt Nam, bởi vậy chỉ là trình tự thủ tục bình thường không thể không làm để bảo vệ quyền lợi của mình ở Biển Đông.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách chủ quyền và yêu sách biển của Trung Quốc. Một bộ sưu tập chưa đầy đủ đã được đăng tải ở đây:

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông sẽ đăng tải bộ sưu tập các giao tiếp của Việt Nam ở Liên Hợp Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông từ những năm 80s tới nay khi có nhân lực sắp xếp tư liệu.

Tuy nhiên, trong bản công hàm của Việt Nam ngày 30/3/2020 này có những điểm đáng chú ý, như chúng tôi đã đề cập trong Bản tin Biển Đông Số 16:
 (trang 31)

1. Việt Nam khẳng định UNCLOS là cơ sở pháp lý duy nhất để giải quyết tranh chấp biển giữa Việt Nam và Trung Quốc (các yếu tố về lịch sử, về sự công bằng nào đó không dựa trên UNCLOS đều không phải là căn cứ để xác lập yêu sách biển).

2. Việt Nam đưa ra quan điểm của mình về các thực thể nổi ở triều cao ở cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các thực thể chìm và nửa chìm nửa nổi. Quan điểm của Việt Nam phù hợp với Phán quyết vụ kiện Biển Đông, dù Việt Nam không trực tiếp nhắc tới Phán quyết.

Những lập trường rõ ràng hơn, cụ thể hơn của Việt Nam về các vấn đề này xác lập cơ sở rõ ràng hơn để Việt Nam có thể sử dụng các công cụ pháp lý trong tương lai.

Cộng tác viên của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông vẫn thường xuyên kiểm tra lưu trữ của Liên Hợp Quốc và sẽ cập nhật nếu Việt Nam có công hàm mới liên quan đến vụ tàu cá Việt Nam bị đâm chìm ở quần đảo Hoàng Sa.






No comments:

Post a Comment

View My Stats