Thứ năm, 23 Tháng 4 2020
11:08
Nhìn tổng thể, việc lưu
hành Công hàm số 22 là phản ứng ngoại giao bình thường và tất yếu trước các
tuyên bố chính trị và ngoại giao có thể gây phương hại tới quyền lợi chính đáng
của Việt Nam tại Liên hợp quốc, một diễn đàn đa phương quan trọng nhất trên thế
giới. Bài viết này sẽ tập trung vào phân tích nội dung Công hàm 22/HC-2020 của
Việt Nam để hiểu rõ hơn lập trường của Việt Nam về các vấn đề trên Biển Đông.
***
Ngày 30/3/2020, Phái đoàn
thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc đã gửi Công hàm số 22/HC-2020 tới Tổng
thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) để trình bày một cách có hệ thống về lập trường
của Việt Nam đối với các vấn đề pháp lý chính trên Biển Đông. Công hàm này ra đời
trong bối cảnh cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông trở nên căng thẳng hơn khi
Malaysia nộp báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng khu vực phía bắc.
Trên thực địa, tình hình cũng trở nên căng thẳng hơn, đặc biệt sau việc tàu Địa
chất Hải Dương 8 và các tàu cá của Trung Quốc xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế của
nhiều quốc gia ven biển, trong đó có Indonesia, Malaysia và Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Công
hàm số 22/HC-2020 của Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng để làm rõ yêu
sách, lập trường của Việt Nam trong đối đáp với công hàm của các bên yêu sách
khác và thể hiện quan điểm đối với các vấn đề mới phát sinh. Đặc biệt, các công
hàm của Trung Quốc có các nội dung vi phạm nghiêm trọng tới chủ quyền, các quyền
và lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông. Nhìn tổng thể, việc lưu hành
Công hàm số 22 là phản ứng ngoại giao bình thường và tất yếu trước các tuyên bố
chính trị và ngoại giao có thể gây phương hại tới quyền lợi chính đáng của Việt
Nam tại Liên hợp quốc, một diễn đàn đa phương quan trọng nhất trên thế giới.
Công hàm khẳng định lập trường nhất quán về nhiều tranh chấp trên Biển Đông với
rất nhiều điểm tương đồng với Phán quyết năm 2016 của Toà Trọng tài vụ kiện Biển
Đông. Bài viết này sẽ tập trung vào phân tích nội dung Công hàm 22/HC-2020 của
Việt Nam để hiểu rõ hơn lập trường của Việt Nam về các vấn đề trên Biển Đông.
Cuộc chiến công hàm
Đấu tranh pháp lý về Biển
Đông tại Liên hợp quốc bắt nguồn từ việc Malaysia gửi lên Uỷ ban Ranh giới thềm
lục địa (CLCS) Báo cáo ranh giới thềm lục địa mở rộng tại khu vực phía Bắc Biển
Đông ngày 12/12/2019.[1] Ngay trong ngày, Trung Quốc gửi Công hàm số
CML/14/2019 tới TTK LHQ phản bác Báo cáo này của Malaysia. Tại Công hàm này,
Trung Quốc cho rằng: (i) Trung Quốc có chủ quyền đối với bốn nhóm đảo là Hoàng
Sa, Trường Sa (của Việt Nam), Trung Sa, Đông Sa (gọi chung là Nam Hải chư đảo);
(ii) Trung Quốc có các vùng biển (nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa) từ các nhóm thực thể và (iii) Trung Quốc có quyền
lịch sử ở Biển Đông.[2]
Tiếp theo, ngày 6/3/2020,
Philippines gửi lên TTK LHQ: (i) Công hàm số 000191-2020 phản đối Công hàm số
CML/14/2019 của Trung Quốc, Philippines tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc
không phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật
biển năm 1982 (UNCLOS);[3] (ii) Công hàm số 000192-2020 của Philippines
đưa ý kiến về Báo cáo của Malaysia.[4] Ngày 23/3/2020, Trung Quốc gửi Công
hàm CML/11/2020 lên TTK LHQ để phản bác các Công hàm của Philippines. Trong
Công hàm này, Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa (của Việt Nam),
bãi Scarborough (mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) và các vùng biển lân cận; yêu
sách quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan cũng như
vùng đáy biển và vùng đất dưới đáy biển. Trung Quốc cũng tiếp tục nhắc lại yêu
sách quyền lịch sử ở Biển Đông.[5]
Trong bối cảnh đó, ngày
30/3/2020, Việt Nam gửi Công hàm số 22/HC-2020 lên TTK LHQ để phản bác hai Công
hàm CML/14/2019 và CM/11/2020 của Trung Quốc.[6] Ngày 10/4/2020, Việt Nam
gửi hai Công hàm số 24/HC-2020[7] và 25/HC-2020[8] lên TTK LHQ lần lượt
nêu ý kiến về báo cáo của Malaysia và về các công hàm của Philippines. Ngày
17/4/2020, Trung Quốc cũng đã gửi Công hàm số CML/42/2020 phản bác lại công hàm
của Việt Nam.[9] Trong 3 công hàm nói trên, Công hàm số 22/HC-2020 đã
trình bày một cách hệ thống và đầy đủ các quan điểm của Việt Nam về các vấn đề
pháp lý chính ở Biển Đông.
Nội dung Công hàm
số 22/HC-2020 của Việt Nam
Chỉ trong phạm vi một
trang giấy, Công hàm số 22 đã trình bày quan điểm của Việt Nam về ba vấn đề
quan trọng: (i) các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông; (ii) yêu sách của
Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; (iii) việc áp dụng công ước
UNCLOS 1982 ở Biển Đông. Các quan điểm này cần được hiểu đầy đủ và đúng đắn
trong mối liên hệ với các công hàm của các nước và cuộc đấu tranh chính trị-ngoại
giao, pháp lý và quản lý thực tế trên thực địa ở Biển Đông. Cụ thể:
(i) “Việt Nam phản đối yêu sách của Trung Quốc, các yêu sách này
vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam
tại Biển Đông”
Sau khi có Phán quyết của
Toà Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông (12/7/2016), Trung Quốc đã có dấu hiệu
thúc đẩy yêu sách mới, tạm gọi là yêu sách “Tứ Sa” nhằm thay thế yêu sách “đường
chín đoạn” mà Toà đã bác bỏ. Bước điều chỉnh này xuất hiện ngay trong Tuyên bố
của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày Toà đưa ra Phán quyết và Sách trắng
“Trung Quốc kiên trì giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines thông
qua đàm phán” của Quốc Vụ viện Trung Quốc (13/7/2016, một ngày sau Phán quyết),
trong đó lần đầu tiên Trung Quốc đề cập tới lập trường về “Nam Hải Chư Đảo”
(các đảo ở Biển Đông). [10]
Dư luận bắt đầu quan tâm
đến thuật ngữ “Tứ Sa” sau khi báo chí Mỹ cảnh báo về việc ông Mã Tân Dân (Phó vụ
trưởng Vụ Luật pháp quốc tế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc) đề cập tới yêu sách này
trong Đối thoại biển thường niên giữa Mỹ – Trung Quốc tại Boston (Mỹ) vào tháng
8/2017.[11] Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra lập trường mới này trong
một trao đổi đối ngoại. Công hàm CML/14/2019 ngày 12/12/2019 là lần đầu tiên
Trung Quốc đưa công khai và đầy đủ lập trường liên quan đến Nam Hải Chư đảo ở
Liên hợp quốc.
Yêu sách “Tứ Sa”, lập
trường mới sau Phán quyết của Trung Quốc ở Biển Đông có những điểm đáng chú ý
sau: (i) Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với bốn nhóm đảo gồm Đông Sa
(Pratas), Tây Sa (Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam), Nam Sa (Trường Sa thuộc
chủ quyền của Việt Nam) và Trung Sa (bãi ngầm Macclesfields, đây là một bãi ngầm
hoàn toàn nằm dưới nước ngay cả khi triều xuống thấp). Trung Quốc gọi bốn nhóm
quần đảo này là Nam Hải Chư đảo; (ii) Trung Quốc yêu sách đầy đủ các vùng biển:
nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ
các nhóm quần đảo này; (iii) Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử ở Biển Đông.
Bên cạnh lập trường chính
thức nêu trên về “Nam Hải chư đảo”, Trung Quốc còn có yêu sách: (i) với các bãi
ngầm và các cấu trúc lúc chìm lúc nổi ở Trường Sa, Macclefields bank, thậm chí
với những bãi ngầm nằm hoàn toàn trong thềm lục địa phía Nam của Việt Nam như
Bãi Tư Chính;[12] (ii) xác lập đường cơ sở bao quanh các nhóm quần đảo để
từ đó yêu sách đầy đủ các vùng biển, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm
lục địa từ “đường cơ sở quần đảo” như một quốc gia quần đảo. Trung Quốc từng có
“tiền lệ” xác lập đường cơ sở thẳng quanh các nhóm đảo nằm xa lục địa của Trung
Quốc như Hoàng Sa (của Việt Nam) vào năm 1996 hay nhóm đảo Senkaku (mà Nhật Bản
khẳng định chủ quyền) vào năm 2012. Năm 2011, Trung Quốc tuyên bố Trường Sa có
đầy đủ lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.[13]
Yêu sách “Tứ Sa” được
đánh giá là nguy hiểm vì kéo theo nhiều hệ luỵ nghiêm trọng hơn yêu sách đường
chín đoạn. Tuy nhiên, giống như “đường chín đoạn”, “Tứ Sa” cũng không phù hợp với
luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với các bãi ngầm ở Biển
Đông, quy thuộc thành quần đảo, từ đó xác lập đầy đủ các vùng biển bao quanh là
hoàn toàn trái với UNCLOS 1982. Theo quy định, các bãi ngầm hoặc cấu trúc lúc
chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ, không có vùng biển
riêng.
Bên cạnh đó, ý đồ xác lập
đường cơ sở thẳng quanh các nhóm đảo của Trung Quốc cũng hoàn toàn không có cơ
sở. Điều 46 – 47 UNCLOS chỉ được áp dụng với trường hợp quốc gia quần đảo,
trong khi Trung Quốc là một quốc gia lục địa. Hơn nữa, Trung Quốc hoàn toàn
không được phép xác lập hệ thống đường cơ sở đối với các thực thể thuộc chủ quyền
của quốc gia khác. Đây là sự vi phạm chủ quyền của quốc gia ven biển theo quy định
của UNCLOS 1982. Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá “Tứ Sa” là chiến
thuật pháp lý mới của Trung Quốc bằng việc cố gắng sử dụng ngôn ngữ của UNCLOS
1982 để hợp thức hoá các yêu sách trên biển nhưng với cách thức áp dụng lập lờ,
có lựa chọn theo hướng có lợi cho Trung Quốc. “Đường chín đoạn” hay “Tứ Sa” đều
là những yêu sách không có cơ sở pháp lý và thể hiện tham vọng bành trướng trên
Biển Đông của Trung Quốc. Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt
Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán của
Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với quy định của UNCLOS 1982.
(ii) “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử
và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp
với quy định của Luật pháp quốc tế”
Việt Nam một lần nữa khẳng
định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là lập trường nhất quán đã được
Việt Nam khẳng định trong các Sách trắng về Chủ quyền của Việt Nam đối với hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong các năm 1975, 1979, 1981, 1988.[14] Lập
trường này cũng được thể hiện nhiều lần trong các văn bản lưu hành tại Liên hợp
quốc và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan. Việt Nam có đầy
đủ các bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh Việt Nam là quốc gia đầu
tiên làm chủ thực sự, chiếm hữu đầy đủ, hoà bình, liên tục đối với Hoàng Sa và
Trường Sa kể từ khi hai quần đảo này khi chưa quốc gia nào yêu
sách.[15] Bên cạnh đó, nhiều văn kiện lịch sử và địa lý của Trung Quốc
cũng chứng minh cho đến đầu thế kỷ XX, các nhà nước phong kiến Trung Quốc chưa
bao giờ có yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.[16] Nhiều bản
đồ do Phương Tây vẽ đều thể hiện đảo Hải Nam là điểm cực nam của Trung Quốc.
Hơn nữa, cộng đồng quốc tế đã chỉ ra nhiều điểm thiếu thuyết phục và phản bác
các bằng chứng lịch sử mà Trung Quốc đưa ra khi yêu sách chủ quyền đối với hai
quần đảo này.[17]
(iii) “Công ước UNCLOS 1982 là cơ sở pháp
lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển
giữa Việt Nam và Trung Quốc”
Kể từ khi chính thức có
hiệu lực vào năm 1994, UNCLOS 1982 luôn khẳng định vai trò của “Hiến pháp của
biển và đại dương” điều chỉnh mọi vấn đề liên quan đến luật biển. Với 168 thành
viên tham gia, UNCLOS 1982 là điều ước quốc tế phổ cập lớn thứ hai, chỉ xếp sau
Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo
trật tự pháp lý trên biển. Công hàm ngày 30/3/2020 cho thấy Việt Nam đã dựa vào
UNCLOS 1982 để xác lập các vùng biển, đồng thời cho thấy Việt Nam ủng hộ cách
tiếp cận của Toà Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông ở các nội dung quan trọng
sau:
Một, “vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại quần đảo Hoàng Sa và quần
đảo Trường Sa phải được xác định phù hợp với Điều 121(3) của Công ước.” Theo
Điều 121(3), đảo đá không thích hợp cho con người sinh sống hoặc cho một đời sống
kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Toà Trọng
tài trong vụ kiện Biển Đông lần đầu tiên giải thích Điều 121.3 và đi đến kết luận
rằng tất cả các cấu trúc nổi nào ở Trường Sa không có khả năng cho con người
sinh sống hoặc duy trì đời sống kinh tế riêng, do đó, không thể có vùng đặc quyền
kinh tế và thềm lục địa riêng.[18]
Hai, “các nhóm đảo tại Biển Đông (bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa) không
có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc
xa nhất”. Hoàng Sa và Trường Sa không phải là quốc gia quần đảo để được
áp dụng cách vẽ đường cơ sở quần đảo theo UNCLOS, do đó không thể xác lập hệ thống
đường cơ sở quần đảo bằng cách vẽ nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc
xa nhất. Tinh thần này đã từng được Việt Nam khẳng định trong Tuyên bố phản đối
hệ thống đường cơ sở thẳng của Trung Quốc đối với Hoàng Sa năm
1996.[19] Toà Trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông kết luận rằng bất cứ cách
vẽ đường cơ sở thẳng nào ở Trường Sa cũng trái với Công ước
UNCLOS.[20] Trên thực tế, cấu trúc địa lý của Hoàng Sa và Trường Sa có những
điểm tương đồng, do đó, việc Việt Nam áp dụng cách tiếp cận của Toà Trọng tài đối
với các thực thể ở Hoàng Sa là phù hợp.
Ba, “các bãi ngầm hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng
thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng”. Hiện nay, Trung Quốc
yêu sách chủ quyền với một số bãi ngầm hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi ở Biển
Đông. Như đã trình bày ở trên, điều này hoàn toàn không được UNCLOS 1982 cho
phép vì theo quy định, các bãi ngầm hoặc các cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải
là đối tượng thụ đắc lãnh thổ, không có vùng biển riêng. Phán quyết của Toà Trọng
tài 2016 cũng kết luận rằng các thực thể như Vành Khăn (Mischief reef), Cỏ Mây
(Second Thomas Shoal), Xubi (Subi reef), Nam Gaven (Gaven reef/South), Tư Nghĩa
(Hughes reef) là các cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc,
không có vùng biển riêng.[21]
Bốn, “Việt Nam phản đối các yêu sách ở Biển Đông vượt quá những giới hạn
quy định tại Công ước, trong đó có yêu sách quyền lịch sử; các yêu sách này đều
không có giá trị pháp lý.” Việt Nam đã nhiều lần khẳng định lập trường này.
Ngày 12/9/2019, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
“UNCLOS năm 1982 đã xác định rõ phạm vi và là cơ sở pháp lý duy nhất để các
quốc gia xác định quyền hưởng các vùng biển của mình. Điều này đã được các quốc
gia tuân thủ, thừa nhận bởi các thực tế xét xử cũng như sự đồng tình rộng rãi của
các luật sư có uy tín quốc tế. Do đó, không có nước nào có thể đưa ra các yêu
sách về các vùng biển ở khu vực Biển Đông vượt quá những giới hạn về mặt địa lý
và nội dung được quy định trong UNCLOS năm 1982. […] Những yêu
sách bất hợp pháp, không phù hợp với UNCLOS năm 1982 không thể là cơ sở để khẳng
định rằng có tồn tại các vùng biển tranh chấp hay chồng lấn.”[22]
Về điểm này, Công hàm của
Việt Nam đã phản ánh tinh thần của Phán quyết của Toà Trọng tài năm 2016. Theo
kết luận của Toà, yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các tài
nguyên sinh vật và phi sinh vật nằm trong đường chín đoạn là không phù hợp với
quy định của Công ước. Toà cho rằng yêu sách đó vượt quá giới hạn vùng biển của
Trung Quốc mà UNCLOS cho phép.[23] Trên thực tế, yêu sách quyền lịch sử
trong đường chín đoạn của Trung Quốc đã bị cộng đồng quốc tế lên án. Gần đây,
ngày 9/4/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra tuyên bố phản đối các yêu sách trên biển
bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và khẳng định ủng hộ kết luận của Toà
Trọng tài rằng “Đường chín đoạn của Trung Quốc là yêu sách biển bất hợp
pháp.”[24]
Kết luận
Công hàm số 22/HC-2020 của
Việt Nam gửi lên TTK LHQ ngày 30/3/2020 có ý nghĩa quan trọng. Trước hết, Công
hàm phản đối một cách hệ thống các yêu sách không phù hợp với luật pháp quốc tế
của Trung Quốc, bao gồm yêu sách đường chín đoạn và yêu sách “Tứ Sa”. Các yêu
sách đó hoàn toàn trái với quy định của UNCLOS 1982, đồng thời vi phạm nghiêm
trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông. Nội
dung Công hàm được xây dựng dựa trên các quy định của Công ước UNCLOS 1982, đồng
thời phù hợp với kết luận quan trọng của Toà Trọng tài năm 2016 dù theo quy định,
Phán quyết chỉ có giá trị ràng buộc với các bên liên quan. Là quốc gia trực tiếp
liên quan đến tranh chấp Biển Đông, kể từ khi vụ kiện Biển Đông bắt đầu, Việt
Nam luôn theo dõi sát diễn biến vụ kiện, mong muốn Toà Trọng tài sẽ đưa ra phán
quyết công bằng, khách quan, ủng hộ giải quyết tranh chấp hoà bình trên cơ sở
luật pháp quốc tế và ủng hộ việc tuân thủ, thực thi đầy đủ UNCLOS.[25]
Công hàm ngày 30/3/2020
thể hiện lập trường nhất quán, rõ ràng và toàn diện của Việt Nam trong vấn đề
Biển Đông. Việt Nam kiên quyết khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài
phán cùng các quyền lợi chính đáng khác của Việt Nam ở Biển Đông. Với chủ
trương coi UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, Việt Nam một lần nữa chứng
minh trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ luật quốc tế nói chung và UNCLOS
1982 nói riêng, từ đó góp phần vào việc đảm bảo trật tự pháp lý trên Biển
Đông./.
NCS Nguyễn Thị Lan Hương là nghiên cứu viên của Viện
Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
—————-
[1] Công hàm số HA
59/19 của Malaysia:
https://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mys85_2019/2019_12_12_MYS_NV_UN_001.pdf;
Đệ trình một phần ranh giới thềm lục địa mở rộng của Malaysia lên CLCS số
MYS_ES_DOC-01_281117
[2] Công hàm
CML/14/2019 ngày 12/12/2019 của Trung Quốc
[3] Công hàm số
000191-2020 ngày 6/3/2020 của Philippines
[4] Công hàm số
000192-2020 ngày 6/3/2020 của Philippines
[5] Công hàm số
CML/11/2020 ngày 23/3/2020 của Trung Quốc
[6]Công hàm số 22/HC-2020
ngày 30/3/2020 của Việt Nam
[7] Công hàm số
24/HC-2020 ngày 10/4/2020 của Việt Nam
[8] Công hàm số
25/HC-2020 ngày 10/4/2020 của Việt Nam
[9] Công hàm số
42/CML/2020 ngày 17/4/2020 của Trung Quốc:
[10] Tuyên bố ngày
12/7/2016 của Bộ Ngoại giao:
https://www.fmprc.gov.cn/nanhai/eng/snhwtlcwj_1/t1379493.htm và
Sách trắng “Trung Quốc kiến trì giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và
Philippines thông qua đàm phán” ngày 13/7/2016: https://www.fmprc.gov.cn/nanhai/eng/snhwtlcwj_1/t1380615.htm.
[11] Theo Free Bacon
và Lawfare blog, ông Mã Tân Dân đã khẳng định Trung Quốc có chủ quyền với 4
nhóm quần đảo ở Biển Đông, có quyền lịch sử, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục
địa gắn với 4 quần đảo này ở Biển Đông.
Tham khảo Bill Geitz,
Beijing adopts new tactics for South China Sea claims, 9/2017
Julian Ku, Chris
Mirasola, The South China Sea and China’s “Four Sha” Claim: New Legal
Theory, Same Bad Argument, 25/9/2017,
[12] Ngày 18/9/2019,
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu: “Trung Quốc có chủ quyền đối
với Trường Sa và quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển kề cận bãi
Tư Chính (Vạn An Bắc) ở Trường Sa” (Nguyên văn: “China has sovereignty over
Nansha Islands and sovereign rights and jurisdiction over adjacent waters of
Wan’an Tan in the Nansha Islands”). Tham khảo: Foreign Ministry
Spokesperson Geng Shuang’s Regular Press Conference ngày 18/9/2019,
trên trang
[13] Công hàm số
CML/8/2011 ngày 14/4/2011 của Trung Quốc:
Bên cạnh đó, nhiều học giả
Trung Quốc đã cổ suý cho cái gọi là “quần đảo ngoài khơi của quốc gia lục địa”
nhưng trên thực tế, không hề tồn tại một tập quán quốc tế nào điều chỉnh về “quần
đảo ngoài khơi của quốc gia lục địa”.
[14] Thư của Chủ tịch
Hội Luật quốc tế Việt Nam ngày 29/10/2019 trả lời thư của Chủ tịch Hội Luật quốc
tế Trung Quốc:
[15] Nguyen Hong
Thao, “Vietnam’s Position on the Sovereignty over the Paracels & the Spratlys:
Its Marititime Claims”, Journal of East Asia and International
Law, 5(1), pp.165-211.
[16] PGS.TS. Trương
Minh Dục, Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa qua tư liệu Việt Nam và nước ngoài, Hà Nội: NXB. Thông tin và Truyền
thông, 2015.
[17] Bill Hayton,
“Writing the History of the South China Sea Disputes”, in the Enterprises,
Localties, People and Policy in the South China Sea, eds. Spangler, Karalekas,
Lopes de Souza (Palgrave Macmillan, 2018), 3-24.
[18] Toà kết luận rằng
Scarborough, Gạc Ma (Johnson reef), Châu Viên (Cuarteron reef), Chữ Thập (Fiery
Cross reef), Gaven Bắc (Gaven reef/North), Kennan (McKennan reef) là đảo đá
theo quy định của Điều 121.3. Tham khảo Đoạn 626 và Đoạn 646 Phán quyết của Toà
trọng tài năm 2016.
[19] Tham khảo Tuyên
bố của Việt Nam phản đối Tuyên bố của Trung Quốc về Hệ thống đường cơ sở thẳng
quanh Hoàng Sa năm 1996, Law of the Sea Bulletin, số 32 (1996).
[20] Đoạn 575 Phán
quyết của Toà Trọng tài năm 2016.
[21] Đoạn 646 và Đoạn
1040 Phán quyết của Toà Trọng tài năm 2016.
[22] Phát biểu của
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng về việc cập nhật thông tin về
nhóm tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh
tế của Việt Nam ngày 12/9/2019,
[23] Đoạn 261 Phán
quyết của Toà Trọng tài năm 2016.
[24]U.S. Department of
State, PRC’s Reported Sinking of a Vietnamese Fishing Vessel in the South China
Sea, 6/4/2020:
[25] Phát biểu của
Người phát ngôn Lê Hải Bình về Phán quyết của Toà Trọng tài các ngày
1/7/2016
và ngày 12/7/2016:
No comments:
Post a Comment