Thạch Đạt Lang
April 20, 2020
Còn hơn bảy tháng nữa mới đến ngày bẩu cử tổng thống
Mỹ (03.11.2020) nhưng một câu hỏi đang bắt đầu nổi lên: “Liệu ông Trump có chịu bàn giao chức vụ một cách
bình thường khi thất cử nhiệm kỳ hai không?”.
Trong lịch sử nước Mỹ từ ngày thành lập đến nay gần
244 năm, chưa bao giờ xẩy ra một cuộc bàn giao chức vụ tổng thống một cách bất
bình thường hay hỗn loạn, tất cả đều diễn ra êm đẹp. Tuy nhiên, với tính khí thất
thường của ông Donald Trump, việc đặt ra câu hỏi rất đáng cho chúng ta suy
nghĩ. Trong lần tranh cử
trước (08.11.2016), ông Donald Trump từng tuyên bố không công nhận kết quả bầu
cử nếu ông thua. Rất may là ông thắng nên không có chuyện tranh cãi, khiếu
nại, phủ nhận kết quả. Nhưng lần này nếu ông thua
thì sao, chuyện gì sẽ xẩy ra?
Cơn đại dịch Sars-CoV-2 đang tàn phá cả thế giới
không chừa bất cứ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào, Mỹ lại là nước chịu đựng số
người lây nhiễm nhiều nhất và số người chết cao nhất. Những thiệt hại về kinh tế
do cơn đại dịch gây ra khiến ông Trump như đang ngồi trên lò lửa khi cả nước phải
ngăn chận sự lây lan của cơn dịch bằng biện pháp giãn cách giao tiếp xã hội
(social distancing). Kinh tế thế giới gần như ngưng hoạt động toàn bộ, chỉ số
chứng khoán DJI của Mỹ trong tháng tư có ngày tụt xuống dưới 19.000 điểm, nay
được phục hồi phần nào nhờ những gói cứu trợ hàng ngàn tỉ cùng biện pháp giảm
tiền lời xuống 0% của Ngân Hàng Trung Ương FED (Federal Reserve Bank). Tuy
nhiên, kinh tế chỉ thoi thóp thở ở những ngành nghề không thể thiếu hay ngừng
hoạt động. Giá sinh hoạt gia tăng, số người thất nghiệp tăng hàng ngày, tỉ lệ
thuận với số ca nhiễm. Tình trạng này kéo dài thêm chừng vài tháng, không chỉ Mỹ
mà nhiều nước khác trên thế giới sẽ lâm vào khủng hoảng.
Trước viễn ảnh đáng sợ khi kinh tế sụp đổ, ảnh hưởng
đến khả năng thắng cử nhiệm kỳ hai, ông Trump đã phản ứng dữ dội bằng những
dòng tweet liên tục vào ngày thứ sáu 17.04.2020, kêu gọi những người ủng hộ ông
ở ba tiểu bang Minnesota, Michigan, Virginia hãy tự giải phóng, quyết định cuộc
sống của mình, không tuân theo lệnh cách giãn giao tiếp xã hội do chính quyền tiểu
bang ban hành.
Phản đối
“stay-at-home” tại Maryland
Hình ảnh những nhóm người trang bị tác chiến, cầm
súng tự động như M4, M16, AK47 shotgun… với đạn dược đầy đủ, biểu tình trước
tòa thị chính, quốc hội ở một số tiểu bang cho thấy lời kêu gọi đã được người
dân ủng hộ ông Trump hưởng ứng dù chưa nhiều. Thành phần này vốn đã tồn tại
trong nước Mỹ qua nhiều đời, đa số là thành viên hoặc cảm tình viên của các tổ
chức paramilitary như Ku Klux Klan, Hell´s Angels,… Ở Texas, North Carolina…,
có những nhóm liên kết chặt chẽ với nhau để trao đổi huấn luyện sử dụng vũ khí,
chiến thuật, hỗ trợ nhau khi cần thiết.
Một cuộc biểu tình
yêu cầu “mở cửa” tại Texas
Đây chính là điều dấy lên lo ngại rằng, nếu bị thất
cử nhiệm kỳ hai, ông Donald Trump kêu gọi các bang có thống đốc là đảng Cộng
Hòa tẩy chay kết quả bầu cử, chuyện gì sẽ xẩy ra? Nếu đám cực hữu nổi loạn, liệu
quân đội có can thiệp hay không? Hiến pháp quy định rằng nhiệm kỳ của Tổng thống
Donald Trump chấm dứt vào lúc 12:00 PM ngày 20.01.2021. Nếu ông thất cử nhiệm kỳ
hai, ông sẽ phải bàn giao quyền hành cho người kế vị vào thời điểm này.
Tình hình hiện nay cho thấy khả năng xẩy
ra cuộc nổi loạn của người da trắng cực hữu, thành phần ủng hộ ông Trump cuồng
nhiệt nhất ở các tiểu bang miền Trung Tây nước Mỹ rất cao. Khi được kích hỏa đúng chỗ và đúng thời điểm, cuộc nổi loạn sẽ bùng lên.
Cuối tuần qua, chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ sau những dòng tweet của Trump
vào ngày thứ sáu 17.04.2020, thuật ngữ mới là Boogaloo đã được lan rộng khắp
nơi. Nguyên thủy Boogaloo chỉ là một điệu múa dân gian với tiếng nhạc pop kích
động của các sắc dân Châu Mỹ La Tinh ở Nữu Ước vào thập niên 1960. Theo Urban
Dictionary, Boogaloo là hành động phản kháng chống chính quyền tiểu bang hoặc
liên bang hay xung đột có vũ trang vì kinh tế, chủng tộc…
Cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng nên chuẩn bị tinh thần
trước nguy cơ một cuộc nổi loạn của người da trắng cực hữu thượng tôn chủng tộc,
mà súng ống đạn dược luôn sẵn sàng và quá nhiều trong tay họ.
-----------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
No comments:
Post a Comment