Thursday, 16 April 2020

HÀNG TỶ CON CHÂU CHẤU XÂM CHIẾM CHÂU PHI GIỮA DỊCH COVID-19 (SOHA)




An An | SOHA
13/04/2020 12:16

Châu Phi đang đối mặt dồn dập với hai làn sóng châu chấu mà làn sóng sau còn lớn gấp 20 lần làn sóng trước.

Nạn châu chấu sa mạc hoành hành ở châu Phi. Ảnh: AP

Vài tuần trước khi Covid-19 lan rộng khắp thế giới, một phần của châu Phi đã bị đe dọa bởi một nạn dịch khác - dịch châu chấu lớn nhất trong 70 năm qua. Và mới đây, các quốc gia Đông Phi như Ethiopia và Uganda lại tiếp tục đối mặt với làn sóng châu chấu thứ hai.

Họa vô đơn chí là dịch bệnh Covid-19 đã khiến công tác chống dịch châu chấu của người dân địa phương, trong đó có việc nhập khẩu các lô hàng vật tư như thuốc trừ sâu của các nước Đông Phi gặp khó khăn. Các quan chức Liên Hợp Quốc cho biết, quy mô của nạn châu chấu đợt hai lớn gấp "20 lần" của đợt một, đẩy 50 triệu người sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực.

Hàng tỷ ấu trùng châu chấu sinh sôi nảy nở, bay từ các khu vực sinh sản ở Somalia để đi tìm kiếm thảm thực vật phong phú trong mùa mưa, khiến cuộc sống của hàng chục triệu người nghèo đói ở châu Phi càng trở nên khó khăn. Sắn là loại lương thực chính của địa phương. Nếu châu chấu xâm chiếm tàn phá những cây con đang trưởng thành trong vụ xuân này, điều đó có nghĩa là nạn đói sẽ xảy ra.

Đàn châu chấu sa mạc hoành hành ở Kenya vào ngày 31/3/2020. Ảnh: AP

Trung tâm Ứng dụng và Dự báo Thời tiết ở Nairobi, Kenya cho biết, châu chấu đang xâm chiếm Đông Phi với số lượng lớn chưa từng có.

Nhà phân tích thông tin vệ tinh Kenneth Mwangi đánh giá, quần thể châu chấu này bao gồm những cá thể châu trưởng thành đang trong thời kỳ sinh sản, "có sức ăn lớn hơn những cá thể châu chấu trưởng thành khác".

Anh Yoweri Aboket, nông dân ở Uganda, nói: "Mọi người đều thảo luận về nạn châu chấu. Một khi chúng hạ cánh xuống khu vườn của bạn, chúng sẽ phá hủy mọi thứ. Một số người thậm chí còn nói rằng nạn châu chấu có sức tàn phá hơn cả dịch bệnh Covid-19. Một số người thậm chí còn không tin virus sẽ lây lan đến đây".

Aboket sống trong một ngôi làng ở biên giới Uganda-Kenya. Trước đây, dân làng thường dùng những biện pháp như đập nồi, huýt sáo hoặc ném đá để xua đuổi châu chấu. Tuy nhiên, vì dịch Covid-19, họ bị cấm ra ngoài nên không thể xua đuổi châu chấu.

Cách hiệu quả nhất để kiểm soát nạn châu chấu là phun thuốc trừ sâu từ trên cao nhưng số lượng máy bay nông nghiệp ở Đông Phi còn hạn chế. Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, chính phủ Uganda đã huy động hơn 2.000 binh sĩ phun thuốc bằng máy phun để diệt châu chấu, nhưng việc diệt châu chấu thủ công này không đạt hiệu quả cao.

Ngoài các biện pháp tiêu diệt hạn chế, dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành đã dẫn đến sự gián đoạn hậu cần quốc tế, tạo thêm gánh nặng cho các nỗ lực kiểm soát nạn châu chấu của các nước trong khu vực. Bộ Nông nghiệp Uganda cho biết, vận chuyển hàng hóa toàn cầu gần đây đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh Covid-19 nên không thể nhập khẩu thuốc trừ sâu từ Nhật Bản. Được biết, chính phủ Uganda đã bổ sung 4 triệu USD vào các quỹ kiểm soát dịch châu chấu.

Đại đa số các quốc gia Đông Phi, bao gồm cả người dân Kenya, Ethiopia và Nam Sudan, đều có cùng mối lo lắng như Aboket. Bầy châu chấu cũng đã xuất hiện ở Djibouti, Eritrea, Tanzania và Congo.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, dịch châu chấu bùng phát, một phần là do biến đổi khí hậu, gây ra "mối đe dọa chưa từng có" đối với an ninh lương thực thế giới. FAO đã ban hành một tuyên bố: "Tình hình hiện tại ở Đông Phi rất đáng báo động. Bầy châu chấu mới đang hình thành ở Kenya, miền nam Ethiopia và Somalia, với số lượng đang tăng lên".

Đàn châu chấu sa mạc hoành hành ở Kenya vào ngày 31/3/2020. Ảnh: AP

Ngoài khu vực châu Phi, FAO cũng liệt kê các quốc gia, khu vực khác phải đối mặt với dịch châu chấu, bao gồm Yemen, Ả Rập Saudi và Ô-man ở Bán đảo Ả Rập; Iran và Pakistan ở Tây Nam Á. Có những bầy đang phát triển ở phía bắc Aden ở Yemen và bờ biển của Ô-man. Một đàn châu chấu vừa lột xác và đang phát triển xuất hiện gần Vịnh Ba Tư.

Hiện tại, một số quốc gia đã bắt đầu công tác phòng chống nạn châu chấu. ​​Iran đang vào vụ xuân, số lượng châu chấu tiếp tục gia tăng ở bờ biển phía nam nước này. Pakistan tiếp tục chống dịch châu chấu ở các tỉnh Balochistan, Punjab và Khyber Pakhtunkhwa.

FAO chỉ ra rằng, làn sóng châu chấu đầu tiên bắt nguồn từ Bán đảo Ả Rập và lan sang Đông Phi đã phá hủy 30% đồng cỏ của Kenya. Nếu dịch châu chấu không thể kiềm soát một cách hiệu quả, đến tháng 6, toàn bộ dân số Đông Phi phải đối mặt với các vấn đề an ninh lương thực.

Để chung tay với các nước ngăn chặn nạn châu chấu, FAO đã gây quỹ, kêu gọi được số tiền lên tới 153 triệu USD. Cho đến hiện tại, tổ chức này đã nhận được 111 triệu USD tiền mặt hoặc cam kết.

---------------------

Trần Trang | 22/03/2020 09:22 AM





No comments:

Post a Comment

View My Stats