22/04/2020
Các máy chủ của Facebook ở
Việt Nam bị cắt mạng, bóp băng thông hồi đầu năm nay cho tới khi công ty mạng
xã hội lớn nhất của Mỹ đồng ý tăng cường kiểm duyệt các thông tin “chống phá” nhà
nước ở Việt Nam, theo tiết lộ từ hai nguồn tin độc quyền của Reuters.
Các công ty viễn thông của
Việt Nam đã thực hiện sự giới hạn này, theo hai nguồn tin mà Reuters trích dẫn,
làm cho các máy chủ của Facebook mất mạng trong 7 tuần, từ tháng 2 đến tháng 4,
và điều đó có nghĩa là trang mạng xã hội được khoảng 65 triệu người dùng ở Việt
Nam đã có lúc bị tê liệt trong khoảng thời gian đó.
“Chúng tôi tin rằng hành
động này được tiến hành để gây sức ép lớn lên chúng tôi để buộc phải tuân thủ
thêm nữa những yêu cầu về gỡ bỏ các nội dung hiển thị đối với người dùng ở Việt
Nam,” một trong hai nguồn tin từ Facebook nói với Reuters.
Facebook xác nhận trong một
thông cáo gửi tới Reuters qua email rằng họ đã phải miễn cưỡng làm theo yêu cầu
của Việt Nam khi buộc phải “hạn chế sự tiếp cận tới các nội dung mà bị cho là bất
hợp pháp.”
Chính phủ Việt Nam chưa
có bình luận gì về các thông tin mà hai nguồn từ Facebook của Reuters đưa ra.
Nhận định về khả năng
này, một chuyên gia phần mềm và cũng là một nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam, Lã Việt Dũng, nói với
VOA rằng anh thấy việc Facebook chủ động xoá nội dung là có cơ sở và đưa ra một
ví dụ về việc vừa xảy ra với đăng tải của anh trên mạng xã hội này.
"Cách đây khoảng hai
hôm tôi đăng hình ảnh về việc người nhà cụ Kình ở làng Đồng Tâm nhận xác cụ từ
tay công an Cộng sản Việt Nam," anh Dũng nói. "Tôi có viết một số
comments (bình luận) trên clip đó và clip đó được nhiều người chia sẻ. Nhưng đến
hôm nay (22/4) tôi nhận được phản hồi rằng clip đó đã biến mất khỏi
Facebook."
Anh Dũng, người từng viết
thư gửi tổng giám đốc Facebook Mark Zuckerberg về tình trạng nội dung thông tin
bị tháo gỡ và tài khoản bị khoá tại Việt Nam, nói không hề nhận được bất cứ
thông báo nào từ Facebook về việc tại sao video clip đó “lại biến mất.”
Bình luận về ghi nhận của
Reuters, tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế kêu gọi Facebook ngay lập tức
đảo ngược quyết định của mình.
“Việc Facebook tuân thủ những yêu cầu (của Việt Nam)
đặt ra một tiền lệ nguy hiểm. Các chính phủ trên toàn thế giới sẽ xem đây là một
lời mời để ngỏ để đưa Facebook vào danh sách dịch vụ kiểm duyệt nhà nước,” thông cáo của tổ chức này viết hôm 22/4.
Áp lực
Facebook phải đối mặt với
áp lực buộc họ phải gỡ bỏ những nội dung chống phá chính phủ ở nhiều nước,
trong đó có Việt Nam, trong nhiều năm qua.
Facebook và chính phủ Việt
Nam hồi năm 2017 đã đồng ý hợp tác trong việc theo dõi và tháo gỡ thông tin “xấu”
và “độc hại” trên mạng xã hội đang có trên 67% người dân Việt Nam sử dụng.
Năm 2018, các nhà hoạt động
và các tổ chức dân sự Việt Nam đã viết một bức thư ngỏ kêu gọi Facebook không
thoả hiệp với chính quyền Hà Nội trong việc ngăn chặn thông tin nhằm dập tắt những
tiếng nói bất đồng với chính phủ trên mạng xã hội. Sau đó, quản lý Chính sách
công khu vực châu Á của Facebook, Helena Lersch, nói rằng mạng xã hội
này sẽ cam kết bảo vệ quyền lợi của người dùng Facebook tại Việt Nam.
Đầu năm ngoái, Việt Nam
cáo buộc Facebook vi phạm Luật An ninh mạng mới được áp dụng khi cho phép người
dùng đăng tải các bình luận chống phá chính phủ lên trang mạng xã hội này. Sau
đó tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết đã có ít nhất 16 người bị bắt, giam giữ
hoặc kết án vì đăng tải những bình luận như vậy. Tháng 11 năm ngoái, truyền
thông trong nước ghi nhận việc kết án tù 5 người vì hành động tương tự.
Luật An ninh mạng yêu cầu
các công ty nước ngoài như Facebook phải thiết lập các văn phòng ở Việt Nam và
lưu dữ liệu người dùng ở đây – mặc dù Facebook nói họ không làm như vậy.
"Nếu Facebook, vì chuyện chính quyền Việt Nam
ép băng thông mà buộc phải gỡ bài một cách tuỳ tiện, thì tôi nghĩ rằng họ không
nên làm như thế và không cần thiết vì họ hoàn toàn có thể phản đối việc đó một
cách bình thường như họ đã từng nhiều lần làm trước đây rằng họ không cung cấp
thông tin người dùng cho chính quyền Việt Nam thì chính quyền Việt Nam cũng
không có cách nào cả và người dùng Việt Nam vẫn lên Facebook rất là nhiều," anh Dũng nói.
Các nguồn tin từ Facebook
nói với Reuters rằng công ty này thường kháng cự lại những yêu cầu chặn sự tiếp
cận tới các đăng tải của người dùng ở một nước nào đó, nhưng áp lực về việc các
máy chủ bị làm chậm tốc độ buộc họ phải tuân thủ.
“Rõ ràng mà nói, điều đó không có nghĩa là chúng tôi
sẽ tuân thủ mọi yêu cầu của chính phủ gửi đến chúng tôi,” một trong hai nguồn tin nói với Reuters. “Nhưng
chúng tôi đã cam kết tăng cường hạn chế nhiều hơn các nội dung.”
Việt Nam, dù đã có những
cải cách lớn về kinh tế và xã hội, vẫn vận hành dưới sự cầm quyền của Đảng Cộng
sản – chính đảng duy nhất hiện đang kiểm soát chặt chẽ truyền thông trong nước
và không nhân nhượng đối với những người chống đối. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới vừa xếp Việt Nam thứ 175 trên
180 trong danh sách Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới.
Thông cáo của Facebook gửi
cho Reuters nói rằng họ “tin là tự do biểu đạt là một quyền cơ bản” và họ “làm
nhiều việc để bảo vệ sự tự do dân sự quan trọng này trên toàn thế giới.”
“Tuy nhiên, chúng tôi phải
thực hiện hành động này để đảm bảo các dịch vụ của chúng tôi được tiếp tục và
phục vụ tới hàng triệu người Việt Nam hiện đang dựa vào chúng tôi hàng ngày.”
No comments:
Post a Comment