Hôm qua, nguồn tin từ nội bộ Facebook vừa tiết lộ rằng
Facebook đã đồng ý đẩy mạnh việc kiểm duyệt những bài viết “chống đối nhà nước
Việt Nam”, tin từ Reuters cho hay. [1]
Theo đó, các máy chủ nội
địa của Facebook đặt tại Việt Nam đã bị đánh sập trong vòng khoảng bảy tuần,
nguyên nhân đến từ các công ty viễn thông do nhà nước Việt Nam sở hữu. Điều này
khiến cho tốc độ truy cập Facebook bị trì trệ suốt thời gian qua.
Nguồn tin từ Facebook nói
thêm, “chúng tôi tin rằng hành động này nhằm gây áp lực lớn lên chúng tôi,
buộc chúng tôi ngày càng phải tuân theo các yêu cầu pháp lý (từ phía Việt Nam)
để xóa bỏ những nội dung nhất định mà người dùng ở Việt Nam tiếp cận.”
Thông tin này tuy mới
nhưng không đáng ngạc nhiên.
Ngay sau khi luật An
ninh mạng có hiệu lực vào đầu năm 2019, lãnh đạo Cục Phát tranh Truyền hình
và Thông tin Điện tử đã khẳng định rằng Facebook vi phạm nghiêm trọng pháp luật
Việt Nam, rằng “họ làm rất lâu. Chúng tôi yêu cầu gỡ bỏ các tài khoản nói xấu
lãnh đạo trong vòng 48 tiếng nhưng họ chỉ gỡ sau vài tháng. Mới đây, Facebook
đã gỡ 3.000 status nói xấu, gồm cả tài khoản nhưng sau đúng một năm khi Bộ
Thông tin và Truyền thông yêu cầu.” Vào thời điểm đó, vị này tiết lộ thêm rằng
“Bộ cũng đang tính đến phương án áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết trong
trường hợp Facebook không có động thái tích cực.” [2]
Tuy nhiên, khác với những
gì mà phía Facebook tiết lộ, một số công ty viễn thông Việt Nam lại phủ nhận
trách nhiệm.
Một thông báo vào tháng
Ba của VNPT cho hay “những ngày gần đây, do vấn đề kết nối, một số khách
hàng có thể gặp phải hiện tượng không ổn định khi sử dụng Facebook. Sự cố này ảnh
hưởng đến các nhà mạng tại Việt Nam, VNPT đang tích cực phối hợp cùng các đơn vị
đối tác liên quan kiểm tra, khắc phục triệt để.” [3] Viettel cũng viết trên
Fanpage rằng “trong thời gian vừa qua, do kết nối gặp vấn đề nên khi khách
hàng truy cập vào Facebook chất lượng không ổn định tại một số thời điểm trong
ngày.” [4]
Người dùng nhiều khi không thể truy cập Facebook, lỗi thuộc về ai? Không
có bên nào nhận trách nhiệm về phần mình. Chỉ có người sử dụng vẫn phải đóng tiền hàng tháng đều đặn, chịu đựng
đường truyền chậm chạp, và nhận những lời xin lỗi suông từ phía các nhà mạng.
Song đó chưa phải là vấn
đề quan trọng nhất.
Nguồn tin từ Facebook còn
tiết lộ với Reuters rằng “các máy chủ nội địa của Facebook đặt tại Việt Nam đã
bị tắt, cho đến khi Facebook đồng ý đẩy mạnh kiểm duyệt các bài đăng chống đối
nhà nước.”
Từ bao giờ, Facebook đã đặt các máy chủ tại Việt
Nam?
Rõ ràng, trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng Chín năm
2018, Giám đốc Điều hành của Facebook là bà Sheryl Sandberg đã khẳng định trước
Quốc hội Mỹ rằng “Chúng tôi không có
máy chủ ở Việt Nam. […] Chúng tôi chỉ hoạt động ở những quốc gia mà chúng tôi
có thể gìn giữ được những giá trị của mình.” [5]
Không hẳn Sheryl đã nói dối
trước Quốc hội Mỹ (nên nhớ, nói dối trước Quốc hội bị coi là một hành vi phạm tội
liên bang). Có thể bà Giám đốc đã chơi chữ, rằng Facebook không “sở hữu” các
máy chủ đặt tại Việt Nam. Thay vào đó, Facebook có thể đã… thuê các máy chủ
này.
Thông tin này được tái khẳng định trong một tuyên bố
của Bộ Công an, rằng “Google, Facebook đều đã thuê máy chủ tại nước ta.
Theo thống kê sơ bộ, Google thuê khoảng 1.781 máy chủ, Facebook thuê khoảng 441
máy chủ tại 8 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước.” [6]
Những thông tin trên, tóm lại, nói lên điều gì?
Thứ nhất, không thể phủ nhận rằng, suy cho cùng, Facebook cũng chỉ là một doanh
nghiệp vì lợi nhuận, bất chấp những tuyên bố đẹp đẽ như “chỉ hoạt động ở những
quốc gia mà chúng tôi có thể gìn giữ được những giá trị của mình” và rằng
“chúng tôi sẽ không bao giờ cung cấp thông tin cho chính quyền Việt Nam”. [7]
Là một người sử dụng Facebook, chúng ta cần thận trọng hơn với những thông tin
mà mình cho phép Facebook nắm bắt, nhất là khi chúng ta không biết Facebook
đang thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam ở mức độ nào.
Thứ hai, người dùng Facebook nói riêng và người dùng mạng nói chung cần theo
dõi sát sao hơn các thay đổi về luật pháp để biết được bản thân có thể bị ảnh
hưởng như thế nào, từ đó có những biện pháp ứng phó phù hợp. Thực tế, luật an
ninh mạng chưa được đưa ra áp dụng một cách cụ thể (từ tháng Một năm 2019 đến
nay, chưa có trường hợp nào được ghi nhận là bị bắt giữ hoặc xử phạt do luật an
ninh mạng). Tuy nhiên, dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành luật này đang còn
treo lơ lửng với rất nhiều điều khoản vi phạm quyền của người dân. [8] Nếu được
thông qua, cùng với thói thỏa hiệp của Facebook, nghị định này sẽ gây hại không
ít đến cả thông tin cá nhân lẫn không gian tự do của người dùng mạng.
Và sau cùng, người dùng mạng không nhất thiết phải tự kiểm duyệt mình bằng cách
tránh né các vấn đề chính trị xã hội bị coi là “nhạy cảm”, “chống đối”. Khi
Facebook bắt đầu gia tăng kiểm duyệt các bài đăng bị coi là “chống đối nhà nước
Việt Nam”, chúng ta cần tìm kiếm những cách thức hoạt động sáng tạo trên chính
nền tảng Facebook để bày tỏ quan điểm của mình đối với các vấn đề chính trị xã
hội. Thông thường, để gỡ bỏ hoặc hạn chế bài viết, Facebook vẫn có khuynh hướng
tìm cách biện minh cho hành động của nó bằng chính các nguyên tắc mà nó đã đề
ra, như các “tiêu chuẩn cộng đồng”. Hiểu rõ các tiêu chuẩn cộng đồng của
Facebook, cũng như viết bài hay đăng ảnh lên Facebook một cách sáng tạo nhằm
tránh vi phạm các tiêu chuẩn này, chính là cách để “lách kiểm duyệt” hiệu quả.
_____
Chú thích:
---------------------------------
22/04/2020
.
Văn Khiêm
- Luật Khoa
22/04/2020
No comments:
Post a Comment