Minh Anh - RFI
Đăng ngày: 09/04/2020 - 15:29
Không
còn là nơi xa xôi hẻo lánh, bị cô lập, những hòn đảo trên biển đang trở thành
những mảnh ghép chiến lược quan trọng được nhiều cường quốc đua nhau chiếm đoạt
hay tranh giành ảnh hưởng nhằm kiểm soát những vùng lãnh hải bao la. Việc chiếm
đóng và xây dựng các đảo đá ngầm ở Biển Đông là một trong số các ví dụ điển hình
nhất trong cuộc đua giành đảo này.
Ảnh chụp vệ tinh ngày 08/04/2015 cho thấy các hoạt động
bồi đắp một đảo nhỏ và phát triển một cảng nhân tạo tại những bãi rạn san hô của
Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa, Biển Đông. REUTERS/CSIS's Asia Maritime
Transparency
Mỏm đá, đảo nhỏ, đảo?
Thống kê của Liên Hiệp Quốc đưa ra một con số ấn tượng
: 460.000 đảo trên khắp hành tinh. Từ cổ chí kim, nói đến đảo là nhắc đến nhiều
chức năng của đảo : Một vị trí chủ chốt để kiểm soát một eo biển, Điểm giao
thương và giao thoa văn hóa, Chốn thiên đường để quay phim giải trí, Một khu bảo
tồn sinh thái…
Sự giầu có của một hòn đảo giờ không chỉ gắn liền với
mảnh đất hình thành nên nó, và dưới thời thực dân, cho phép cường quốc cai trị
đảo trở nên giầu có, mà còn đi liền với cả vùng biển bao bọc đảo – hay đúng hơn
với cả đáy biển và những gì chúng cất trữ. Vậy trước hết, như thế nào mới được
xem là đảo ? Bà Marie Redon, nhà địa chất học trường đại học Paris 13, tác giả
tập sách « Vị thế địa chính trị của các đảo » (Nhà xuất bản Le Cavalier
Bleu) giải thích trên đài RFI :
« Định nghĩa nghe có vẻ hiển nhiên. Nếu chúng ta
bảo một ai đó « vẽ cho tôi một hòn đảo đi », một cách ngẫu nhiên, chúng ta sẽ
có một mảnh đất chung quanh bao bọc nước và điều này chỉ dừng ở đó. Như vậy, một
mảnh đất xung quanh toàn là nước, đương nhiên rồi, nhưng mảnh đất nào mới được
? Diện tích mảnh đất đó là bao nhiêu ? Liệu đó có là một mỏm đá, một đảo nhỏ ?
Hay đó là một mảnh đất không nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều xuống để được
xem là một hòn đảo ? Phải chăng nước Anh vẫn luôn là đảo bất chấp đường hầm dưới
biển Manche ? Hay như đảo Ré (phía tây nước Pháp) vẫn luôn là một hòn đảo ?
Thật tình, có điều gì đó thoáng nghĩ có vẻ rất rõ
ràng trong định nghĩa về đảo, nhưng đồng thời cũng cực kỳ phức tạp khi chúng ta
đi sâu hơn trong khái niệm này. Do vậy, định nghĩa đơn giản : Đó là một mảnh đất
chung quanh bao bọc nước. Định nghĩa phức tạp hơn, dĩ nhiên chúng ta sẽ đề cập
đến trong suốt chương trình này. Điều quan trọng đối với tôi chính là bản thân
định nghĩa về đảo cũng đang trở thành một thách thức địa chính trị và kinh tế
quan trọng. »
Vùng đặc quyền kinh tế : 200 hay 350 hải lý ?
Thế rồi xuất hiện một ký hiệu rất dễ thương nhưng có
một tầm quan trọng lớn: Đó là EEZ – vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (tương
đương với 370,4 km) được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển UNCLOS lần III
công bố năm 1982. Điều này có nghĩa là từ đường bờ biển, các quốc gia ven biển
được quyền tiến ra khơi xa đến 370,4 km. Việc quốc tế công nhận vùng đặc quyền
kinh tế EEZ đã mở đường cho quyết định công nhận các đảo quốc nhỏ đang phát triển
như là một nhóm quốc gia đặc biệt trong lòng tổ chức quốc tế này 10 năm sau đó.
Nhờ có EEZ mà vai trò những đảo quốc nhỏ này cũng tăng dần cùng với thời gian
trên bàn cờ địa chính trị.
Lợi ích kinh tế và chiến lược từ biển cả mang về
ngày càng lớn do vậy ngày càng có nhiều quốc gia đòi hỏi mở rộng EEZ. Hiện Tòa
Án Công Lý Quốc Tế đang xem xét khả năng mở rộng các vùng đặc quyền kinh tế từ
200 hải lý lên đến 350 hải lý. Nghĩa là các nước duyên hải có thể vươn ra khơi
xa đến 600 km tính từ bờ biển. Câu hỏi đặt ra : Vì sao là 200 và 350 hải lý ?
Bà Marie Redon giải thích tiếp :
« Vì sao là 200 hải lý và 350 hải lý ? Con số 200
hải lý, độ rộng này không phải được chọn một cách ngẫu nhiên. Con số này từng
phù hợp và bây giờ vẫn phù hợp với dòng hải lưu Humboldt, đi dọc theo bờ biển
Thái Bình Dương. Đòi hỏi 200 hải lý này là do các quốc gia duyên hải như Pêru,
Chilê đưa ra nhằm bảo vệ các vùng ngư trường của họ. Bởi vì khi người ta đề cập
đến vùng EEZ này, đây là một thuật ngữ rất quan trọng, những quốc gia đó muốn độc
quyền bảo vệ các nguồn tài nguyên như thủy sản và tài nguyên dưới lòng đáy biển.
Còn 350 hải lý tương đương với việc mở rộng ranh giới
thềm lục địa. Ở đây chúng ta đang bước vào lĩnh vực thuật ngữ hải dương học. Thềm
lục địa chính là việc nối dài về mặt kỹ thuật từ đất liền ra biển cả, và thường
thì chính sâu dưới thềm lục địa chúng ta sẽ tìm thấy các nguồn dầu khí. Đây
chính là nguyên nhân sâu xa của mọi yêu sách. Bởi vì, những quốc gia nào không
có nước láng giềng đối mặt, có thể mở rộng và có một thềm lục địa vượt quá 200
hải lý với nguồn dầu hỏa được tìm thấy hoặc có hy vọng tìm thấy dưới thềm lục địa
thì những nước đó sẽ tìm cách đẩy xa hơn nữa giới hạn này. »
Cuộc đua giành đảo : Hoàng Sa, Trường Sa là ví dụ điển
hình
Đây chính là trường hợp của nhiều cường quốc lớn hiện
nay như Hoa Kỳ, Pháp, vốn dĩ là những quốc gia có EEZ rộng lớn nhất thế giới.
Và đó cũng chính là nguyên nhân của mọi xung đột trong tương lai. Tại Bắc Băng
Dương, dưới tác động của hiện tượng khí hậu ấm dần, băng tuyết tại đây tan
nhanh dẫn đến sự thèm muốn sở hữu những vùng lãnh hải được cho là giầu nguồn
tài nguyên chưa được khai thác và có thể sẽ là những con đường hàng hải chiến
lược trong tương lai.
Hoa Kỳ, Nga, Canada… bắt đầu khởi động cuộc đua
giành quyền kiểm soát nhiều đảo quan trọng. Sự kiện gây chú ý gần đây nhất là ý
định mua đảo Groenland bất thành của tổng thống Mỹ Donald Trump do bị Đan Mạch
bác bỏ. Vụ việc thoáng nghe có vẻ khôi hài nhưng thật chất đó là cả một ý đồ
chiến lược của Mỹ, nhằm bảo vệ sân sau Bắc Cực trước thế mạnh đang lên của Nga
và Trung Quốc.
Nếu như các cường quốc xưa và nay rất « chăm chút
» cho việc mở rộng ảnh hưởng hàng hải của mình, thì những cường quốc mới trỗi dậy
cũng tìm cách chen chân vào cuộc chơi. Trung Quốc, những năm gần đây, một mặt
không ngừng mở rộng quan hệ với các đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương, nhằm triệt
tiêu dần nguồn lực ủng hộ của Đài Loan, hòn đảo « cứng đầu, khó trị »
luôn tìm cách cưỡng lại mọi ý đồ hợp nhất Đài Loan về với Hoa Lục. Mặt khác, Bắc
Kinh liên tục xâm chiếm các bãi đá ngầm ở Hoàng Sa và Trường Sa, rồi tiến hành
cải tạo biến chúng thành đảo, lập các tiền đồn quân sự. Hành động này của Trung
Quốc ở Biển Đông đã bị các nước có tranh chấp chủ quyền tại những bãi đá ngầm
như Việt Nam, Philippines phản đối gay gắt. Năm 2013, chính quyền Manila quyết
định kiện Trung Quốc trước Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye về việc nước
này đơn phương tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn đối với toàn bộ vùng Biển Đông.
Năm 2016, Tòa án quốc tế La Haye ra phán quyết bất lợi,
không công nhận chủ quyền của Bắc Kinh tại những bãi đá ngầm trên. Về điểm này,
bà Marie Redon cho rằng chính hồ sơ này cũng cho thấy rõ có những bất cập và một
số kẽ hở pháp lý về cách định nghĩa như thế nào là đảo.
« Thời gian gần đây, tôi cho là khoảng những năm
2016 - 2017, một phán quyết của tòa án Công lý Quốc tế đã được đưa ra nêu rõ định
nghĩa về đảo khi cho rằng đảo phải là một mảnh đất nổi lên mặt nước khi thủy
triều lên và không phải do nhân tạo, mà phải là tự nhiên. Và yếu tố cuối cùng
chính là đảo phải có thể thích hợp với điều kiện sinh sống của con người.
Thế nhưng, thuật ngữ « thích hợp với điều kiện sinh
sống con người » lại không mấy rõ ràng. Liệu việc « thích hợp cho điều kiện
sinh sống con người » này có được là nhờ vào nguồn cung cấp từ bên ngoài hay là
tự thân, điều này chưa mấy rõ. Dẫu sao thì các luật gia, các chuyên gia về luật
biển cũng đang suy nghĩ về khái niệm này.
Trong trường hợp của Hoàng Sa và Trường Sa, tôi nhớ
là vào năm 2014, chúng tôi có xem những bức ảnh chụp làm cho mọi người phì cười
bởi vì quý vị sẽ thấy những hòn đảo ở đây đang phình to ra, đúng hơn là những đảo
nhỏ, những mỏm đá đang phình to. Bởi vì Trung Quốc hy vọng có thể biến các mỏm
đá thành đảo, những bãi đá không nhô lên khỏi mặt nước lúc thủy triều lên và những
bãi đá này không hề có quy chế đảo.
Biến bãi đá ngầm thành đảo khi cho xây dựng ở đó các
cảng sân bay trực thăng, cảng biển … phán quyết của La Haye đưa ra là « Không
». Đây không phải là những hòn đảo. Đó chỉ là những bãi đá ngầm, do vậy quý vị
không được quyền có vùng đặc quyền kinh tế EEZ cùng với các mục tiêu địa chất.
Quý vị chỉ có quyền một vùng lãnh hải 6 hải lý nhưng không có quyền vùng EEZ. »
Mỗi một siêu cường một « bảo bối »
Không chỉ tại Biển Đông, tham vọng của Trung Quốc
còn mở rộng sang cả vùng Ấn Độ Dương, cạnh tranh với Ấn Độ giành quyền kiểm
soát tuyến lưu thông hàng hải thiết yếu qua việc lập các căn cứ quân sự hay xây
cảng biển tại các nước đối tác trong khu vực với dự án « chuỗi ngọc » nổi
tiếng. Bà Marie Redon tóm lược chính sách chinh phục đảo của Trung Quốc cũng
như một số cường quốc như sau.
« Để tóm tắt, về tình hình Biển Đông, tại Hoàng
Sa và Trường Sa, cũng như tại Ấn Độ Dương, nếu nhìn trên bản đồ, người ta nhận
thấy là không gian hàng hải ở đây thật sự bị khép kín và căng thẳng gia tăng bởi
vì một cuộc đua chiếm hữu không chỉ về mặt lãnh thổ thông qua việc chiếm đảo,
mà nhất là cả « đất biển » như vùng EEZ, những gì mang lại cho Trung Quốc quyền
khai thác đối với các nguồn tài nguyên biển, dầu hỏa và cả với việc kiểm soát lối
đi chiến lược.
Bởi vì, 90% giao thương thế giới đều được thực hiện
bằng con đường hàng hải. Đương nhiên, việc có một hòn đảo nằm ngay giữa một eo
biển giống như trường hợp nước Pháp tại eo biển Mozambic đối với quần đảo
Eparses chẳng hạn, điều đó đồng nghĩa với việc có quyền giám sát những gì đang
xảy ra và ai đi qua eo biển này ! »
Tóm lại, trong cuộc đua giành đảo này, Trung Quốc
không hề đơn thương độc mã. Mỗi một siêu cường đều nhắm một « bảo bối » riêng.
Về việc Trung Quốc chiếm lấy toàn bộ Biển Đông, phương Tây cũng khó mà lên tiếng,
nên chỉ đành chấp nhận ở việc kêu gọi « tự do lưu thông hàng hải » mà
thôi !
No comments:
Post a Comment