Thu Hằng - RFI
Đăng ngày: 19/04/2020 - 11:14
Phòng
nghiên cứu P4 Vũ Hán được nhắc đến thường xuyên trong những ngày gần đây sau
khi có nghi vấn virus corona có thể đã lây nhiễm cho một nhân viên của phòng
thí nghiệm. Theo thông tin của Bộ phận Điều tra của Đài phát thanh Pháp (Radio
France), một loại vắc-xin chống Covid-19 mới đã được thử nghiệm ở phòng thí
nghiệm P4 Vũ Hán.
Viện Virus học Vũ Hán, Trung Quốc. AFP
RFI Tiếng Việt lược dịch bài điều tra của nhà báo
Philippe Reltien và Bộ phận Điều tra của Đài phát thanh Pháp (Radio France) về
phòng thí nghiệm P4, được xây dựng trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu khoa học
với Pháp, được đăng trên trang France Culture ngày 17/04/2020.
Sự hợp tác đầy hứa hẹn
Vũ Hán là thành phố được cho là có nhiều nét Pháp nhất
trong tất cả các thành phố của Trung Quốc. Trong những năm 2000, hợp tác
Pháp-Trung ở Vũ Hán được mở rộng sang lĩnh vực y tế. Năm 2003, dịch viêm phổi cấp
SARS ập vào Trung Quốc và nước này cần trợ giúp. Chủ tịch Giang Trạch Dân, sắp
mãn nhiệm, là bạn của giáo sư Trần Trúc (Chen Zhu). Vị giáo sư Thượng Hải này
là một người yêu nước Pháp, từng được đào tạo ở bệnh viện Saint-Louis, trong bộ
phận của giáo sư Degos, một người thân của Jacques Chirac. Khi ông Hồ Cẩm Đào
lên thay ông Giang Trạch Dân, thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin đến gặp bác
sĩ Trần Trúc.
Sau chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 10/2004 của tổng
thống Jacques Chirac, hai nước quyết định hợp tác chống các bệnh truyền
nhiễm mới xuất hiện. Quan hệ đối tác này còn mang ý nghĩa quan trọng hơn khi mà
virus cúm gà H5N1 vừa xuất hiện ở Trung Quốc.
Ý tưởng P4 hình hành
Từ đó, hình thành ý tưởng xây một viện nghiên cứu kiểu
P4 tại Vũ Hán hợp tác với Pháp. Đây là kiểu phòng thí nghiệm có độ an toàn sinh
học rất cao để nghiên cứu các loại virus gây bệnh chưa được biết và chưa có vắc-xin
phòng ngừa. Có khoảng 30 phòng thí nghiệm như vậy trên thế giới, trong đó một số
viện được Tổ Chức Y Tế Thế Giới cấp chứng nhận.
Nhưng dự án đã vấp nhiều phản đối. Trước tiên, giới
chuyên giá Pháp về chiến tranh sinh học tỏ ra do dự, trong bối cảnh vừa xảy ra
vụ khủng bố 11/09 tại Mỹ, nên Ban tổng thư ký Quốc phòng và An ninh Quốc gia
(SGDSN) lo rằng P4 có thể trở thành kho vũ khí sinh học.
Tiếp theo là khiếu nại từ phía Pháp. Trung Quốc từ
chối nói cho Paris số phận những phòng thí nghiệm sinh học di động P3 được
chính phủ của thủ tướng Raffarin tài trợ sau dịch SARS. Ông Antoine Izambard,
tác giả cuốn sách Những mối quan hệ nguy hiểm (Les liaisons
dangereuses), giải thích : “Pháp đã bớt nhiệt tình vì Trung Quốc
thiếu minh bạch. Trung Quốc đưa ra những giải thích mù mờ về việc họ sử dụng những
phòng thí nghiệm P3 vào mục đích gì. Một số người trong chính quyền Pháp cho rằng
chắc chắn Trung Quốc đã sử dụng chúng như phòng thí nghiệm kiểu P4. Điều này
khiến mọi người vô cùng lo lắng”.
Công trình khởi công
Nhưng dần dần, những lo lắng đó được giải tỏa. Vào
năm 2004, một thỏa thuận đã được bộ trưởng Y Tế Michel Barnier ký kết và khởi
công dự án P4. Thượng Hải quá đông dân, nên phòng thí nghiệm được đặt ở ngoại
vi Vũ Hán. Ủy ban điều phối được thành lập năm 2008, do Alain Mérieux (thuộc viện
P4 Lyon) và giáo sư Trần Trúc điều hành. Năm 2010, chính quyền của tổng thống
Nicolas Sarkozy thông báo với Tổ Chức Y Tế Thế Giới là công trình được khởi công.
Khoảng 15 công ty vừa và nhỏ của Pháp, chuyên về
lĩnh vực này, tham gia xây dựng phòng thí nghiệm. “Những phòng thí nghiệm kiểu
P4 thực sự thuộc về công nghệ đỉnh cao, có thể so sánh với công nghệ tầu ngầm hạt
nhân của Pháp”, theo giải thích của Antoine Izambard. Nhưng phần lớn công
việc xây dựng là do các doanh nghiệp Trung Quốc đảm nhiệm. Và phía Pháp không
hoàn toàn hài lòng về điểm này. Ví dụ, tập đoàn Technip của Pháp đã từ chối xác
nhận tòa nhà.
Ngày 31/01/2015, công trình được hoàn thiện. Trong cuốn
sách, Antoine Izambard miêu tả một nơi khô khan : “Phía đầu đường số 6
là một tòa nhà lớn bằng gạch đỏ đang được xây dựng (để có thể đón 250 nhà
nghiên cứu đến sống), một tòa nhà khác, an ninh nghiêm ngặt, mà người ta cứ ngỡ
là một nhà tù (một bunker 4 tầng với 4 phòng thí nghiệm không thấm nước), và một
tòa nhà cuối cùng mầu trắng, hình chữ nhật, phía trên viết “Wuhan Institute of
Virology” (Viện Virus học Vũ Hán)”.
Trung Quốc kiểm soát Viện Virus học Vũ Hán
Năm 2015, ông Alain Mérieux từ chức vụ đồng chủ tịch
của Ủy ban hỗn hợp giám sát dự án. Lúc đó, trả lời Đài Phát thanh Pháp (Radio
France), thường trú ở Bắc Kinh, ông giải thích : “Tôi rời chức đồng chủ
tịch P4 vì đó là một công cụ rất Trung Quốc. P4 thuộc về họ, dù công trình được
phát triển với sự trợ giúp kỹ thuật của Pháp”.
Nhưng không có nghĩa là cắt đứt mọi mối quan hệ. “Giữa
phòng thí nghiệm P4 Lyon (Pháp) với P4 Vũ Hán, chúng tôi muốn
lập chương trình hợp tác chặt chẽ. Tại Trung Quốc, có rất nhiều động vật, gia cầm,
những vấn đề liên quan đến lợn, chúng đều là những loài mang virus. Khó có thể
nghĩ rằng Trung Quốc lại không có một phòng thí nghiệm có độ an toàn cao để
phân tách những mầm mống mới trong đó có rất nhiều loại không rõ nguyên nhân”.
Ngày 23/02/2017, cựu thủ tướng Bernard Cazeneuve và
bộ trưởng Y Tế Marisol Tourraine thông báo 50 nhà nghiên cứu Pháp sẽ đến làm việc
ở P4 Vũ Hán trong vòng 5 năm. Pháp cam kết giúp đỡ P4 Vũ Hán về chuyên môn kỹ
thuật, cũng như tổ chức đào tạo để cải thiện mức độ an toàn sinh học, và tiến
hành chương trình nghiên cứu chung. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Pháp chưa hề
tới Vũ Hán.
Dù sao thì phòng nghiên cứu cũng được khai thác vào
tháng 01/2018. Sự kiện này trùng với thời điểm chuyến công du Bắc Kinh đầu tiên
của tổng thống Emmanuel Macron.
Nhưng ngay từ đầu đã xuất hiện nghi ngờ về độ tin cậy
của phòng nghiên cứu. Theo Washington Post, vào tháng 01/2018, một số thành
viên của đại sứ quán Mỹ đã thăm cơ sở và cảnh báo Washington về tình trạng thiếu
các biện pháp an toàn tại khu vực nghiên cứu virus corona có nguồn gốc từ dơi.
Một thất vọng khác : Sự hợp tác Pháp-Trung giữa P4
thuộc viện Inserm Lyon Bron và P4 Vũ Hán mà ông Jean Mérieux, từng là đồng
chủ tịch Ủy ban hợp tác Pháp-Trung xây P4 Vũ Hán, chưa bao giờ thực sự được khởi
động. Ông Alain Mérieux cho Bộ phận Điều tra của Đài phát thanh Pháp biết
: “Có thể nói, mà không sợ lộ bí mật Nhà nước, rằng từ năm 2016, chưa hề
có một cuộc họp nào với Ủy ban Pháp-Trung về các bệnh truyền nhiễm”. Trái với
những lời hứa ban đầu, phía Trung Quốc làm việc mà không cần các nhà nghiên cứu
Pháp.
Vẫn Antoine Izambard, tác giả cuốn Những mối
quan hệ nguy hiểm, viết tiếp : “Viện thí nghiệm còn lâu mới hoạt động
hết công suất. Một tòa nhà khổng lồ được xây để đón 250 nhà nghiên cứu, nhưng họ
vẫn chưa có mặt ở đó. Vào lúc bình thường, chỉ có vài nhà nghiên cứu Trung Quốc
của Viện Virus học Vũ Hán tiến hành nghiên cứu tên động vật liên quan đến ba bệnh,
Ebola, sốt xuất huyết Congo Crimée và NIPAH (một loại virus do lợn và dơi
mang)”.
Một cơ hội mới bị bỏ lỡ
Trước khủng hoảng Covid-19, một dự án hợp tác khác
như sắp được hình thành. Năm 2019, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu một
trong các phó chủ tịch của Ủy ban thường vụ Quốc Hội xem xét về dự án biện pháp
dịch tễ cho tỉnh Vân Nam, nơi mà người dân vẫn tiếp xúc với động vật hoang dã
và như vậy có nguy cơ xuất hiện những loại virus mới có thể lây sang người.
Thành lập một trung tâm kiểm soát cho cả một vùng rộng
lớn sẽ giúp cảnh báo sự phát triển của những loại virus mới, ví dụ kiểu virus
corona. Một lần nữa, lại chính bác sĩ Trần Trúc nắm dự án này. Ông lại bàn
với người bạn Alain Mérieux. Chuyên gia người Pháp nêu vấn đề với ông Philippe
Etienne, cố vấn ngoại giao của tổng thống Macron. Theo trang China-info.com, một
dự án được thành hình, bước đầu là lập ra một mạng lưới tiền trạm, tập hợp các
Viện Pasteur của Pháp, các chi nhánh của Quỹ Mérieux ở Lào, Cam Bốt và
Bangladesh.
Nhưng lại một lần nữa, nhiệt huyết lại bị cắt ngang.
Ngày 24/03/2019, chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Macron cùng với hai phu
nhân ăn tối ở Villa Kérylos, bên bờ Địa Trung Hải. Hôm sau, thông cáo chính thức
không nhắc đến dự án này. Dự án cũng không được nêu trong chuyến thăm Trung Quốc
của tổng thống Macron vào tháng 11/2019. Vì vào lúc đó, một chủ đề nhạy cảm
khác thu hút hết mọi chú ý : Dịch tả lợn đến Pháp và các nhà chăn nuôi gây sức
ép để có thể tiếp tục xuất thịt sang Trung Quốc.
Thử vac-xin trên người
Tuy nhiên, P4 Vũ Hán không hề ngồi im từ khi dịch
Covid-19 xuất hiện. Theo hai nguồn tin đáng tin cậy, dù không được chính quyền
Trung Quốc xác nhận, vào cuối tháng 12/2019, giáo sư Thạch Chính Lệ (Shi
Zhengli) đã xác định được loại virus corona mới từ mẫu phẩm lấy từ 5 người bệnh
ở các bệnh viện thành phố Vũ Hán. Ngày 03/01/2020, việc xác định trình tự hoàn
chỉnh của bộ gen được bắt đầu trong một phòng thí nghiệm khác, P3 của Bệnh viện
y tế công Trung ương ở Thượng Hải và bệnh viện này sau đó đã chia sẻ với nhiều
nước khác trên thế giới.
Cùng lúc, P4 Vũ Hán nghiên cứu trên một con khỉ thí
nghiệm nhiễm virus nhằm thu huyết thanh. Về điểm này, ông Gilles Salvat, tổng
giám đốc nghiên cứu của Cơ quan an toàn dịch tễ về thực phẩm, môi trường và lao
động (ANSES) của Pháp, nhận định : “Người Trung Quốc là những ứng viên
ưu tú để sản xuất vac-xin. Họ có sinh viên trên khắp thế giới. Họ có 40 nhà
nghiên cứu về một chủ đề khi mà chúng ta chỉ có hai. Họ có hỏa lực đáng sợ về mặt
sáng tạo và sinh học”.
Về mặt chính thức, P4 Vũ Hán đóng cửa ngày 23/01,
khi lệnh phong tỏa được áp dụng ở thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc. Nhưng rất nhiều nguồn
tin Pháp và Trung Quốc, được Bộ phận điều tra của Đài Phát thanh Pháp liên lạc,
cho biết vào giữa tháng Ba, một cuộc thử nghiệm vac-xin đã được tiến hành kết hợp
với một công ty công nghệ sinh học Trung Quốc. Trước tiên, một loại virus đã được
tiêm vào nhiều con khỉ, trước khi được bất hoạt và tiêm vào những người tình
nguyện của Viện mà phòng thí nghiệm trực thuộc.
Tiến sĩ Zhao Yan, đồng điều hành Bệnh viện Chung Nam
(Zhongnan) ở Vũ Hán, xác nhận với ban điều tra của Đài phát thanh Pháp : “Những
người đầu tiên được tiêm là những người tình nguyện và mọi chuyện diễn ra suôn
sẻ. Có một số bác sĩ tham gia. Tôi biết là một đợt thử thứ hai đang được tiến
hành trên khá nhiều người”. Tuy nhiên, theo Frédéric Tangy, thuộc Viện
Pasteur, đối với loại vac-xin virus bất hoạt này, “có nguy cơ làm trầm
trọng bệnh thêm. Đó là một thảm họa. Đó là điều tồi tệ nhất”.
P4 trong cuộc đua thế giới
Như vậy, P4 Vũ Hán tham gia cuộc đua tìm vắc-xin chống
Covid-19, giống như nhiều nước khác. Ngày 16/03, công ty Mỹ Moderna ở
Cambridge, do Stéphane Bancel, người Pháp, điều hành, thông báo cũng bắt đầu thử
lâm sàng tại Seattle trên 45 bệnh nhân khỏe mạnh. Sanofi cũng nghiên cứu với một
nhóm quân đội Mỹ. Trong khi đó, vào tháng 07, Viện Pasteur sẽ khởi động thử lâm
sàng trên những người tình nguyện với một loại vac-xin biến thể từ vac-xin chống
bệnh sởi.
Để một vac-xin được công nhận, phải trải qua ba giai
đoạn thử, với tỉ lệ khỏi bệnh hơn 60-70% số bệnh nhân gốc và độ tuổi khác nhau.
-----------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
No comments:
Post a Comment