Wednesday, 15 April 2020

CORONA  & GRETA   (Nguyễn Thọ & Cao Vĩnh Thịnh)





Cô bé Thụy Điển 17 tuổi Greta Thunberg đã tạo ra cơn bão môi trường trong giới trẻ. Nhưng cô cũng có nhiều kẻ thù. Người ta mắng cô bé là đồ kiêu ngạo, vắt mũi chưa sạch. Có người chửi chỉ vì cô dám thách thức các hệ thống chính trị hiện hành. Có người chỉ vì muốn bênh Tổng thống Trump là người luôn phê phán Greta. Có người vì sợ phải từ bỏ cuộc sống đầy tiện nghi. Đó là quyền của mọi người, tôi không có ý kiến.

Nhưng cô bé đã gây ấn tượng cho tôi. Đọc tin Greta bị ốm hồi cuối tháng 2 năm nay (có thể do Covid-19) tôi thấy một sự liên hệ kỳ quặc giữa Greta và Corona.

Khi Greta nói: Ngôi nhà của chúng ta đang cháy, chúng ta chỉ còn ít hơn 12 năm nữa để không còn làm gì được nữa [1], nhiều người nhạo báng cô bé.

Đại dịch Covid-19 ập đến, cả thế giới, bao gồm những người từng chống Greta, nay bỗng hành động “theo” cô ta. Nhân loại chẳng cần chờ 12 năm, mà ngay trong vòng 12 tuần đã làm mọi việc để hạ nhiệt nền kinh tế thế giới, hạ mức tiêu thụ toàn cầu xuống mức đáng sợ. Ở Đức, quá trình này chỉ cần 12 ngày. Câu chuyện y như một đoạn phim chạy nhanh (timelapse).

Những gì Greta yêu cầu và bị cười nhạo, nay răm rắp thành hiện thực. Khí thải giảm đi trông thấy ở Trung Quốc trong tháng 2, bắt đầu tụt xuống ở châu Âu, Bắc Mỹ trong tháng 3. Số lượng phi cơ bay trên trời giảm đi 90%. Riêng hãng Lufthansa của Đức chỉ còn 50 máy bay hoạt động. Ban lãnh đạo Lufthansa đang tính nếu có xả cản lockdown trở lại thì vẫn phải bán đi cả trăm chiếc trong số 765 máy bay của hãng. Bán cho ai? Từ Bắc Mỹ đến Á châu đều không còn bãi để xếp máy bay. Các ngành công nghiệp xe hơi, may mặc, chế tạo máy… hiện gần như đóng cửa toàn cầu, tới đây sẽ chỉ khôi phục được một phần công suất trước Corona.

Đó là những kịch bản phim ghê rợn (Horrorfilm) về kinh tế, nhưng chúng chính là “hiệu ứng Corona” mà thiên nhiên đang chụp lên nhân loại. Cách đây 4 tháng, phong trào Friday for Future của Greta chưa hề biết đến Covid-19 và cũng không biết là mình nói sẽ có ai nghe. Giờ đây tiếng nói của “Đám oắt con” tự nhiên thành trọng lượng.

Các nước châu Âu và nhiều nước mới công nghiệp ở châu Á giờ đây đã cảm thấy quả đấm Covid-19 chỉ là cú cảnh cáo dạo đầu của thiên nhiên giận dữ. Trung Quốc thì vẫn nhừ đòn từ nhiều năm qua bởi nạn sa mạc hóa, bão cát và các loại dịch, từ lợn, gà đến người. Nước Nga xưa nay sống bằng nguồn dầu khí tưởng như bất tận. Nay những đám cháy ngầm và nổi ở Xiberia đang đe dọa huyền thoại đó. Nước Mỹ của Trump và Brazil của Bolsonaro sau đại dịch này hy vọng cũng sẽ tỉnh vì quá no đòn.

Tôi không tin vào thuyết âm mưu, chừng nào chưa có bằng chứng. Tôi cũng không muốn khiêu khích bất cứ nhóm nào. Chửi ai đó cuồng nọ, cuồng kia không phải là sở trường của tôi. Tôi tin là thái độ đối xử với thiên nhiên của con người (trong đó có tôi) là nguyên nhân cho thảm họa hiện nay.

Phong trào môi trường xuất hiện ở Châu Âu và Mỹ đầu những năm 1980, khi nguy cơ chiến tranh hạt nhân bùng nổ. Từ đó đến nay, phong trào này đã tìm mọi cách đánh thức con người đang nỗ lực tận diệt thiên nhiên. Nhưng chỉ đến thế hệ Greta phong trào này mới bùng nổ.

“Fridays for Future” không có tham vọng chính trị. Mục tiêu của phong trào không phải là các ghế nghị viện, mà là để cùng nhau sống sót (Survive).

Greta đã bị chê cười khi muốn loài người sống sót. Chê cười vì đó không phải sấm của bà Vanga hay của Trạng Trình, mà chỉ là hiểu biết của một học sinh cấp 3. Nay nhân loại cũng nói về “Survive”.

Ở Việt Nam, tôi có cảm giác đề tài môi trường rất xa lạ trong giới trẻ. Thực ra phần lớn thanh niên Việt Nam sinh ra ở nông thôn, gắn bó với thiên nhiên nhiều hơn giới trẻ tây phương. Cuộc sống của người Việt cũng gắn bó nhiều hơn với lúa gạo, hoa trái, sông suối. Sao lại có thể lãnh đạm?

Tôi đã gặp Cao Vĩnh Thịnh, một cô gái dũng cảm trong các phong trào bảo vệ môi trường. Thịnh là một cô gái lớn lên với núi rừng và nông nghiệp, là một nhà báo tài năng trong ban biên tập “Thời Báo Kinh tế Việt Nam”, là một doanh nhân thành đạt. Cô gái nhỏ nhắn đó có đủ điều kiện sống trong no đủ và tiện nghi. Nhưng Thịnh không có đủ ích kỷ để nấp trong cái lô cốt đó. Cô đã lên tiếng và hành động chống lại các thủ phạm môi sinh ở biển miền Trung hay trong vụ cây xanh Hà Nội.

Từ đó cô bị câu lưu, bị cô lập, bị nói xấu. Hôn nhân tan vỡ kèm biết bao thiệt thòi khác. Nhưng Thịnh tin những điều cô đang làm chính là nghĩa vụ của công dân.

Người Việt Nam sẽ ít phải than phiền hơn về không khí nhiễm thủy ngân, về nước bẩn, về thực phẩm độc, sẽ không phải nằm ba người một giường trong các bệnh viện ung thư…, nếu những công dân như Thịnh không bị cô đơn, nếu những lời con trẻ của Greta Thunberg được lắng nghe hơn.

Köln 15.04.2020

Hình cuối bài
_____








No comments:

Post a Comment

View My Stats