Wednesday, 22 April 2020

CƠ HỘI TÁI ĐẮC CỬ của DONALD TRUMP … (Phạm Thanh Giao)





Nhìn về quá khứ 40 năm gần đây, ta có thể thấy ngay cái bài học thất bại trong cuộc tái tranh cử của George H. Bush (Bush cha) dưới tay Bill Clinton. Ông Bush thua, không phải là do cuộc chiến ở Iraq. Trên thực tế, cuộc chiến ở Iraq còn tăng thêm sự ủng hộ cho ông ta. Ông Bush thua, cũng không phải là do sự chia phiếu với ông Ross Perot. Ông Bush thua, không có gì khác lạ ngoài cái nền Kinh Tế vào cuối nhiệm kỳ của ông ta … tuột dốc đi xuống, do sự sụp đổ của hệ thống Tiết Kiệm và Cho Vay (Savings and Loan Industry) và nạn thất nghiệp gia tăng. Vào thời điểm 1991-1992 ngay trước thời gian bầu cử, thất nghiệp ở Mỹ tăng lên khoảng gần 8% dẫn đến sự thất bại cho lần tái tranh cử, để ông Bush trở thành Tổng Thống Một Nhiệm Kỳ Duy Nhất trong suốt 40 năm qua.

Đại đa số dân Mỹ, cũng chẳng khác đại đa số dân Việt Nam là mấy, kinh tế chỉ cần đi lên một chút, cứ có công ăn việc làm ổn định một tí và nhất là có để dư ra được chút đỉnh, là dễ dàng cho các ông tổng thống đương nhiệm dụ dỗ kiếm phiếu để tái đắc cử. Cũng thế, kinh tế tuột dốc, thất nghiệp gia tăng, thì việc thất cử cũng rất dễ dàng xảy ra không thể nào tránh khỏi. Donald Trump cũng không ngoại lệ.

Trong suốt thời gian nắm chức tổng thống, Donald Trump lấy được sự ủng hộ của dân chúng, chủ yếu dựa trên nền kinh tế phát triển cộng với những lời hứa trên trời, không thể thực hiện. Dân chúng có thể bỏ qua những lời hứa hết sức phi lý kia, miễn sao kinh tế vẫn phát triển và công ăn việc làm vẫn đều đặn. Tuy nhiên, Donald Trump và đảng Cộng Hòa dưới tay Paul Ryan chủ tịch hạ Viện ngay từ ngày đầu, đã tính toán một nước cờ hết sức sai lầm, là cho ra đời cái Tax Cut do lòng tham mà ra. Nhưng vẫn chưa sao cho gần 2 năm sau đó, ngoại trừ Nạn Thâm Thủng Chi Tiêu của chính phủ, dẫn đến nợ công ngất ngưởng. Nhưng vẫn chưa sao, vì người dân thường, không đủ kiến thức để thấy được cái tai hại của Nợ Công về lâu về dài, và nhất là khi kinh tế vẫn còn lết đều, cho dù nó được xây trên cát, không biết sẽ bị bão táp cuốn đi lúc nào. Bên cạnh đó, Thị Trường Chứng Khoán được các xí nghiệp, các công ty dùng tiền thặng dư nhờ Tax Cut, cứ thế mà đổ tiền vào đều đều, để bơm nó lên một cách hết sức phổng phao ... như silicon.

Chẳng những thế, ông ta và đảng Cộng Hòa vẫn còn có thể che đậy và phỉnh gạt người dân qua nền Kinh Tế và Thị Trường Chứng Khoán ảo với các chiêu trò như, giảm tiền lời liên tục xuống đến zero và bơm tiền ngàn tỷ vào REPO để tạm cứu những khủng hoảng trong việc vay tiền ngắn hạn giữa các ngân hàng qua Cục Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve). Ngoài miệng ông Trump và chính quyền của ông ta luôn quảng cáo về nền kinh tế và Thị Trường Chứng Khoán đi lên, nhưng có bao nhiêu phương sách để cứu vãn kinh tế khi nó tuột dốc, thì trong 2 năm vừa qua, họ đã đem ra xử dụng đến cạn láng, để cố trám vào những đường nứt ngày một lớn, để rồi cuối cùng, chính quyền của ông Trump thực sự không còn bất kỳ thứ vũ khí nào để cứu viện khi nền kinh tế thực sự đâm đầu xuống dốc cần tới như hiện nay, ngoài việc in tiền xả láng, nhưng việc in tiền xả láng đó, cũng có giới hạn cứu viện hạn hẹp của nó.

Đến khi Covid-19 xuất hiện, thì cả hai thứ Kinh Tế và Thị Trường Chứng Khoán mà ông Trump cùng bộ sậu của ông ta xây trên cát kia, bể toang, cuốn trôi sạch, không có gì giữ lại được. Nó kéo toàn bộ một loạt tất cả mọi thứ liên quan trong lãnh vực kinh tế đi bương với nhau, từ việc làm đến thu nhập, từ sản xuất đến phục vụ, từ khách sạn đến du lịch, từ xây dựng đến hàng không, từ nhà hàng sang trọng đến tiệm ăn nhanh rẻ tiền, nói chung TẤT CẢ ĐỀU CÙNG MỘT LÚC, THẮNG LẠI TẠI CHỖ. Không như những cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, thường mất ít là 18 tháng, từ từ chạy cho tới khi chậm lại. Lần này, kinh tế thắng đứng lại ngay tại chỗ và ngay lập tức. Lần này vô cùng khác biệt vì CHƯA TỪNG BAO GIỜ XẢY RA TRONG LỊCH SỬ …

Nếu dựa trên chỉ số Real GDP của cả nước vào năm 2019 thì tổng sản lượng sản xuất của Hoa Kỳ là hơn 19 ngàn tỷ một chút, nhưng có tới 70% tổng sản lượng sản xuất này là cho người dân trong nước tiêu dùng, tương đương với 13.3 ngàn tỷ. Mặc dù chưa có con số GDP của quý 1 trong năm 2020 này, nhưng đã có nhiều dữ liệu cho thấy con số sẽ là 0% tăng trưởng và con số GDP của quý 2 trong năm 2020 này, được dự đoán là -5%. Quý 3 và 4 thì chưa ai dám tiên đoán. Tuy vậy, những con số đó chưa đáng sợ bằng chỉ số sản xuất của các xí nghiệp ở Mỹ, được báo cáo vào cuối tháng 3 vừa qua, hiện nằm ở mức THẤP NHẤT, TÍNH TỪ NĂM 1946 đến nay. Ngành xây cất nhà cửa, đươc báo cáo là chậm nhất trong suốt hơn 40 năm qua. Nghĩa là, TẤT CẢ MỌI THỨ LIÊN QUAN ĐẾN KINH TẾ ĐỀU ĐỨNG LẠI TẠI CHỖ VÀO THỜI ĐIỂM NÀY.

Bên cạnh Đai Khủng Hoảng Kinh Tế đang diễn ra do Covid-19 mang lại, thì không thể không nói đến Đại Thất Nghiệp, chỉ trong 4 tuần lễ, tính đến ngày 13 tháng 4 đã có hơn 23.2 triệu người nộp đơn xin tiền thất nghiệp trên toàn nước Mỹ, nằm ở mức 17%. Các chuyên gia kinh tế tiên đoán, tỷ lệ thất nghiệp chắc chắn sẽ còn tăng lên thêm nữa trong mấy tuần tới, khi tỷ lệ người nhiễm bệnh và tỷ lệ tử vong vẫn tiếp tục gia tăng, dẫn đến việc tiếp tục Cấm Đi Lại trên khắp nước Mỹ. Đây cũng là con số thất nghiệp lớn nhất kể từ Trận Đại Nạn Khủng Hoảng của năm 1929 hơn 91 năm trước nắm ở mức 24.9%.

Đối mặt với một cuộc Đại Khủng Hoảng hoàn toàn mới mẻ và xa lạ này, chính quyền ông Trump và Quốc Hội Mỹ, không biết làm gì khác hơn, ngoài việc bắt chước những Cú Kích Cầu và những Gói Hỗ Trợ đã được thực hiện trước đây, đó là nhắm vào các công ty, các hãng xưởng và các cơ sở thương mại kinh doanh lớn nhỏ trên toàn nước Mỹ. Trong Cái Bọc Hỗ Trợ Stimulus 2.2 ngàn tỷ kia của Donald Trump, chỉ có chưa tới 350 tỷ chạy vào túi của người dân Mỹ. Chưa tới 375 tỷ được chia cho các cơ sở thương mại nhỏ lẻ có dưới 500 nhân viên. Phần còn lại, chạy cả vào túi của các Đại Công Ty trong đó có các hãng hàng không là được béo hơn cả.

Có bao nhiêu người dân Mỹ biết được điều này: Các hãng hàng không chở khách ở Mỹ được hưởng gói kích cầu 50 tỷ lần này, trong khi 4 năm qua, cũng chính những hãng hàng không này, bỏ ra 45 tỷ để mua lại cổ phiếu của họ? Ai nói nước đục mà lại chẳng béo cò?

Chính quyền Donald Trump và Quốc Hội Mỹ đang dùng đất sét nhão, cố trám lại cái đường nứt nhỏ trên mặt của cái đập nhưng lại quên đi rằng ở dưới chân đê, cái đường nứt khổng lồ đã toang hoác, sẵn sàng bể toang, xả ra lượng nước khổng lồ của cái đập Kinh Tế Mỹ.

Trợ cấp thêm tiền cho các công ty làm gì, trong khi dân chúng Mỹ vẫn còn nơm nớp lo sợ về đại dịch lây lan?

Bơm tiền thêm vào Thị Trường Chứng Khoán làm gì, khi các công ty vẫn phải đứng dậm chân tại chỗ, có mau thì cũng phải từ đây tới cuối năm?

Đổ tiền vào cho các xí nghiệp ở Mỹ làm gì, trong khi tất cả đều ngưng hoạt động và tiếp tục sa thải nhân viên?

Kinh Tế của Mỹ chỉ phát triển khi người dân vững tin vào tương lai và mạnh tay tiêu xài, kể cả vay mượn để tiêu xài vì họ nghĩ rằng việc làm của họ vững vàng, thu nhập của họ ổn định, nợ cũng sẽ trả được … sau này.

Cho dù các khoa học gia có tìm ra được vaccines cho Covid-19 trong vòng 2 năm tới, thì với 1 ngàn 2 trăm đô cho mỗi đầu người lớn một lần, cộng thêm 600 đô gia tăng cho tiền thất nghiệp mỗi tuần và sẽ chấm dứt vào cuối tháng 7 này, thì liệu hai nguồn trợ cấp đó, có đủ để họ tăng lòng tin tưởng vào một tương lai sáng lạng, để tiếp tục tiêu xài xả láng như trước đây không?

Tới bao giờ thì người dân Mỹ mới ung dung tự tin vào tương lai, để tha hồ tiêu xài, để thúc đẩy gia tăng kinh tế?

Tới khi nào thì các công ty, các xí nghiệp ở Mỹ bắt đầu ngưng sa thải nhân viên và bắt đầu mướn người làm trở lại?

Tới bao giờ thì các công ty, các xí nghiệp ở Mỹ bắt đầu sản xuất để có lợi nhuận chi trả cho cổ đông của họ mỗi quý và mỗi năm?

Nếu không có lợi nhuận, thì ai sẽ tiếp tục đổ tiền vào để bơm cho cổ phiếu tiếp tục đi lên?

Nếu 70% các công ty, các xí nghiệp ở Mỹ ngưng sản xuất như hiện nay, thì khi nào Thị Trường Chứng Khoán ở Mỹ sẽ vỡ toang? Và cái bong bóng Thị Trường Chứng Khoán đó xì hơi đến cỡ nào thì mới dừng lại?

Nợ công đã nhảy vọt lên 3.8 ngàn tỷ tính luôn Gói Hỗ Trợ mà tài khóa của năm nay (9/2019 tới 10/2020) mới đi được nửa đường, vậy thì 6 tháng còn lại nợ công sẽ vọt lên bao nhiêu nữa?

Chính quyền Trump sẽ in ra thêm bao nhiêu tiền nữa từ nay cho đến ngày bầu cử vào tháng 11 sắp tới?

Mỗi trận Khủng Hoảng Kinh Tế ở Mỹ, thường kéo dài khoảng 18 tháng từ khi bắt đầu suy xụp cho tới khi xuống tới đáy. Và sẽ mất từ 2 tới 4 năm để khôi phục lại. Ông Trump chỉ còn khoảng 6 tháng để tái hồi phục nền Kinh Tế và Nạn Thất Nghiệp chưa chạm đáy như hiện nay ... có lẽ, chỉ có trời mới cứu nổi.

NHỮNG ĐIỀU ĐÓ sẽ ĐÓNG GÓP cho CÁI CƠ HỘI TÁI ĐẮC CỬ của DONALD TRUMP vào tháng 11 tới đây …

Lịch sử rồi sẽ được viết thêm câu này: Tính từ năm 1980 đến nay, George H. Bush KHÔNG PHẢI LÀ TỔNG THỐNG MỘT NHIỆM KỲ DUY NHẤT Ở MỸ.







No comments:

Post a Comment

View My Stats