Sunday, 19 April 2020

CHUYỆN MỘT PHỤ NỮ BÁN RAU BỊ TỊCH THU MẤY SỌT RAU (Chau Doan)



.

Đây là lời thiệu từ page Quangninhhotnew:

"Sự việc được cho là xảy ra tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long. Một phụ nữ bán rau đã bị lực lượng chức năng phường Bãi Cháy tịch thu mấy sọt rau. Sau lời qua tiếng lại, chị phụ nữ bán rau đã được đưa lên xe thùng cùng số rau đã bị tịch thu."

Tôi có mấy nhận xét:

1. Phòng chống, ngăn dịch không có nghĩa là chặn đường sống của dân. Người dân đi bán lẻ thế này là phục vụ cho người tiêu dùng đỡ phải ra chợ đông người, như vậy là tốt, phù hợp với việc phòng chống dịch.

Thế phòng chống dịch đồng nghĩa với việc ngồi nhà chết đói sao?

2. Nếu chỗ này quy định không được bán thì có biển báo cấm bán không? Cấm bán có thể là bởi chỗ giao thông đông đúc, để tránh tắc đường nhưng đang mùa dịch thì điều ấy không xảy ra, đường phố rất vắng vẻ.

Vậy các cán bộ này sao có thể nhẫn tâm mà bắt một người lao động khốn khổ như thế?

Vì uất ức quá mà cô ấy phải cầm dao doạ dẫm, nếu là người có lòng nhân, người ta sẽ không chấp vào đấy để buộc tội một con người yếu đuối, thiệt thòi.

Tôi kêu gọi công luận quan tâm để tránh cho việc chính quyền phường Bãi Cháy hành xử vô lý, gây oan ức cho một người dân thấp cổ bé họng.

Đồng lương của mấy anh, mấy chị cán bộ này cũng là từ thuế của dân cả đấy. Đừng nghĩ người lao động là thấp hèn mà gọi người ta là con như trong clip: “con này... mày có bị điên không ..?” Cán bộ không có nghĩa là được làm bố, làm mẹ của dân.

Đề nghị các bạn ở Quảng Ninh cho tên tuổi phụ nữ nói trong clip để công luận được biết và yêu cầu chị ấy hành xử cho có tình có lý, cho giống con người chứ không giống một cái máy.

Đằng sau một người lao động kia là những cái miệng của con trẻ đấy. Theo tôi thì óc của chị này hạn chế và tim của chị cũng tê liệt nên không hiểu thế nào là đúng sai. Công luận cần quan tâm để dạy chị ấy một bài học.

Bộ máy cần quan tâm tới sự việc này để dạy các cán bộ khác của mình biết hành xử sao cho giống con người.

Tạm dừng




--------------------------------------------------------
.

Xem clip sáng nay vụ gô cổ cô bán rau của mấy người quản lý cấp phường ở Hạ Long, Quảng Ninh, nghe đến đoạn, cái cô có vẻ là người đứng đầu nhóm đó nói: “Con này, mày có bị điên không?”, mình đã nghĩ cái bà đó chính là “con điên” rồi (sau mới biết chính là bà Phó Chủ tịch Phường Bãi Cháy).

Cô bán rau bán ở vỉa hè, lòng đường cả cái xe to thế là cũng sai rồi. Và thực sự thì xử lý các trường hợp như thế này là khó. Cứ để cho bán thì không được mà nhắc nhở thì cũng không ăn thua. Nhưng tôi nghĩ không phải không có giải pháp. Cái nhóm kia chỉ cần tạo điều kiện, cho đưa xe vào một vị trí ở trong chợ mà bán thì chắc cũng sắp xếp được thôi. Trong số rau đó nhìn có vẻ khá ngon, tươi, làm gì mà không bán tốt được. Để nếu có các trường hợp tương tự, cũng làm thế thì đâu đến nỗi.

Rau xanh và chợ cóc, chợ tạm vẫn là một thứ rất thiết yếu với đời sống. Không có nó, sẽ có những nơi bị gián đoạn cung cấp thực phẩm. Hơn nữa, ở chợ dân sinh, thường nó cũng có nhiều mặt hàng không giống như trong siêu thị: Kiểu quả bầu, quả bí xanh, mớ trạch chấu, tôm tươi…

Cho nên, trong các giải pháp chống dịch Chính phủ vẫn cho phép chợ dân sinh tồn tại, bởi người ta cũng hiểu rằng, những cái chợ kiểu này là một dạng tất yếu của cuộc sống, không có không được mà không phải các trung tâm thương mại và siêu thị không dễ gì đã thay thế được. Không phải chỗ nào cũng có trung tâm thương mại, siêu thị đâu, dù nhỏ. Không thể đủ xe tải vận chuyển đủ hàng hóa đến tận từng ngõ ngách dân cư.

Cái cô bán hàng rau kia đúng là lẽ ra được vận động, thậm chí ép phải đưa vào chợ để bán thì cơ quan nhà nước vẫn hoàn toàn làm được chứ không phải không (mặc dù cũng không cần phải gô tay, gô cổ). Cứ tạo cho cô ấy một chỗ để bán thậm chí ngay cổng chợ cũng chẳng khó gì.

Nhưng có vẻ cái đội phường, xã này thói quen hành dân, đánh dân nó quen rồi, nên đầu nó không chịu nghĩ ra cái giải pháp khác ngoài việc thu hàng, gô cổ người ta thôi.

Công văn của Thành ủy TP Hạ Long yêu cầu phường Bãi Cháy báo cáo sự việc. Ảnh: internet

Nhìn hành vi gô tay, chửi dân là con điên, ném lên sàn xe, úp mặt vào đống rác rưởi trên đó và xem lại clip, nghe lại các câu đối thoại, quả không thể không chấp nhận được:
(trích từ clip)

– “Cô ơi tha cho cháu đi, con cháu thì bé, không có tiền nong cô đừng lấy của cháu nữa”.
– Về phường xử lý. Đã bảo là không được bán ở đây.
– Xin đừng lấy của cháu.
– Về phường. Không nói nhiều.
– Cô ơi hôm nọ cô đã lấy của cháu rồi.
– Con này mày có bị điên không, thu giữ đưa hết về phường… không nói nhiều nữa!

Quá là chuyện chị Dậu của Ngô Tất Tố thật, quả tay cầm con dao kia, lúc giận lên, cũng chưa biết thế nào.

Chống dịch thì việc vẫn phải làm thôi, nhưng đừng có cực đoan, coi như làm thành tích, bất chấp mọi biện pháp, coi dân như giặc như thế được.


--------------------------------------------
.

“Cô ơi tha cho cháu đi, con cháu thì bé, không có tiền nong cô đừng lấy của cháu nữa”- người dân van xin mong cứu lấy gánh rau của mình.

“Con này, mày có bị điên không, thu giữ đưa hết về phường… không nói nhiều nữa”- cán bộ đanh giọng quyết tâm thu bằng được gánh rau.

Xem clip, nghĩ thật lâu, uống thật chậm một cốc nước và thở dài. Những hình ảnh ở Hạ Long, Quảng Ninh ấy đâu phải lần đầu được biết. Có những hình ảnh thậm chí gai góc hơn, nhói lòng hơn được lưu truyền trên Youbtube, Facebook lâu nay.

Nhìn thật sâu vào đấy để thấy rằng một đất nước còn nghèo, người dân còn nghèo sau mấy chục năm thống nhất. Nhìn thật sâu để thấy điều trịch thượng cao trào của kẻ được gọi là “đầy tớ” và sự yếm thế của những thân phận mang danh “người chủ đất nước”. Nhìn đủ rộng để thấy cả nước dư giả tượng đài, thừa mứa các công trình nợ lỗ, đầy ắp đại án trong cách “tham nhũng ổn định”. Nhìn đủ gần để thấy những giọt nước mắt lăn xuống uất ức, những giọt máu đổ xuống giữ đất, những sinh mệnh chết vì ô nhiễm,…

Chỉ là một người viết, tôi buộc phải đưa một góc nhìn “bình tĩnh hơn” (ảnh 2) để nhắc rằng bất cứ cá nhân quyền lực nào hôm nay cũng có thể gặt quả tương xứng sau này theo cách họ đã gieo nhân. Khi không có công cụ quyền lực trong tay, không còn lực lượng hỗ trợ bên mình thì tin chắc rằng, cuộc “chạm mặt” có chủ ý chỉ có một kết cục.

Ảnh: FB tác giả

Có công cụ hỗ trợ, có lực lượng hỗ trợ bên mình khi đương chức thì đã sao? Có một ví dụ về tô phở úp đầu tham quan về hưu tại Gia Lai, có ví dụ về trùm bao bố đập ác bá hết thời ở Đà Lạt. Khi về hưu rồi, cũng hoá dân, thì nghĩ những hành vi tàn ác với dân năm xưa sẽ không ai nhớ hay sao?

Nhắc lại một câu chuyện cũ. Có ngày càng nhiều những người vẫn “chép sử” theo cách của riêng mình trên giấy chứ không phải smartphone hay máy tính. Cách thủ công ấy thì lực lượng an ninh giỏi nhất thế giới cũng bó tay. Có những bữa cơm mà gia chủ trong căn nhà thuê tồi tàn gằn giọng nhắc các con nhìn về phía tờ giấy liệt kê những cái tên cướp đất tổ tiên, đánh đập gia đình đổ máu; rằng: “Mấy đứa nhỏ phải nhớ cho kỹ…”

Tôi chỉ quan sát và ghi chép trung thực lại những gì đã thấy. Có rất nhiều điều như vậy tại quốc gia cười nhiều nhưng ít vui và lắm đỗi đau lòng này.

Nên bất cứ hành xử nào của hôm nay của mỗi người cũng nên nghĩ lại phần sau này. Đi quá tận bao giờ cũng là tự diệt vong!


-------------------------------------
.

 “Cô ơi tha cho cháu đi, cô ơi. Cháu không có tiền đâu, cô đừng có lấy của cháu nữa, cháu còn con nhỏ…”, lời thỉnh cầu van xin đầy thương cảm trong nước mắt của người phụ nữ bán rau nghèo khổ, được đáp lại cũng bởi người phụ nữ được gọi với cái tên đầy mỹ miều “đầy tớ của nhân dân” – Phó Chủ tịch phường Bãi Cháy Lê Thị Hiền:

“Con này có bị điên không, khoá mồm nó lại…” và liên tục buông lời đe doạ “Chống người thi hành công vụ, chống người thi hành công vụ…”.

Khi được trao chút quyền lực nhưng mị dân bằng từ ngữ hết sức mỹ miều “cán bộ là đầy tớ của nhân dân…” sẽ gây tai hoạ, tai hoạ từ gốc rễ mất rồi!

Trên đời này có đầy tờ nào gọi ông chủ của mình là “điên”, “khoá mồm nó lại”? Có lẽ từ thời kỳ loài người hình thành đến nay không có việc đó nhưng nó đã làm mờ mắt, u muội tâm trí bởi cách thức ngu dân một cách “tinh tế”.

Tôi không biết có ai đã gặp cán bộ nào ứng xử và coi vị thế của mình là “đầy tớ…” không? Tôi, với tư cách là một công dân, đang làm nghề luật sư chưa bao giờ gặp, chỉ mong cán bộ nhẹ nhàng, làm đúng pháp luật là phúc đức.

Tất nhiên, tôi có chút may mắn khi gặp được một số cán bộ nhà nước làm và ứng xử phù hợp, điều đó tôi vô cùng biết ơn.

Và tôi cũng tin tưởng rằng, cán bộ công chức không muốn mình bị coi là “đầy tớ” bởi, con người là bình đẳng nhưng bị đưa vào thế được gọi là “đầy tớ”. Hãy trao cho họ quyền lực nhưng phải làm đúng những gì pháp luật cho phép, phục vụ nhân dân đúng pháp luật quy định.

Chỉ cần được như thế là phúc đức cho nhân dân, và nhân dân không muốn gọi cán bộ là “đầy tớ” để làm gì cả.

Tôi không cổ suý cho hành vi của chị bán rau nhưng qua clip cho thấy sự tàn nhẫn và lạnh lùng trong cách đối xử giữa con người với nhau. Sự vô cảm được song hành và bảo vệ bởi quyền lực.

Thay vì yêu thương và ứng xử văn minh, họ đã độc ác với nhau. Tin đi, điều tôi nói không sai trong xã hội này đâu.

Tôi đặt giả thiết nếu clip đó không đưa lên trang facebook và mọi thứ im đi. Bà ta – Phó Chủ tịch phường, một chức vị nhỏ đã hành động thế mà leo lên cao thì thế nào đây.

KHỦNG KHIẾP, chắc chắn như vậy.

P/S: Nhân dân cần chính quyền và cán bộ thực hiện đúng pháp luật một cách văn minh. Nhân dân không cần và không muốn “mình là ông chủ” nhưng bị đối xử tệ bạc và tàn nhẫn hơn cả “đầy tớ”.

Sài Gòn, 19/4/2020
LS Lê Ngọc Luân











No comments:

Post a Comment

View My Stats