23/04/2020
Người Việt thường dùng
thành ngữ “phúc bảy đời” để diễn đạt về những may mắn hiếm có, vượt xa cả mong
đợi lẫn khả năng tưởng tượng. Đại dịch do COVID-19 tạo ra là dịp để người Việt
có thể thấy rằng, chỉ cần hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam hành
xử như thiên hạ, “phúc” cho xứ sở và cho cả dân tộc có lẽ sẽ tăng đến… 70 đời!
Sở dĩ nên tăng “phúc” lên
mười lần so với cảm nhận phổ quát về những may mắn hiếm có, ít ai dám mơ khi Việt
Nam hành xử như thiên hạ, vì cơ hội hưởng an lành đã giảm rất sâu khi hệ thống
chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tiếp tục được dẫn dắt bởi những người
như ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH TƯ đảng, Phó Ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng,
Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông, nung nấu tham vọng: Việt Nam có thể
làm được những thứ mà thế giới chưa từng làm (1)!
***
Tuần trước, mạng xã hội rồi
hệ thống truyền thông chính thức cùng rưng rưng trước những tấm ảnh chụp Sùng
Mí Sò, 12 tuổi, ngụ ở xã Sùng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cõng gạch thuê
để nuôi thân và giúp ông bà nội nuôi hai đứa em. Cõng gạch trở thành dịch vụ, tạo
ra sinh kế cho nhiều đứa trẻ, có đứa chỉ sáu, bảy tuổi ở huyện Đồng Văn, tỉnh
Hà Giang vì địa hình vùng này hiểm trở, đường đã hẹp độ dốc lại lớn, các phương
tiện vận chuyển thông thường không thể đưa gạch đến nơi có nhu cầu xây dựng.
Chưa rõ tại sao dân chúng
Đồng Văn (Hà Giang) gọi những viên gạch đúc, lõi đặc là gạch “cay”. Tuy nhiên
thù lao cõng một viên gạch nặng tới 12 ký, vượt dốc cao, đèo sâu chỉ có 2.000 đồng/viên,
dù mỗi chuyến, những đứa trẻ như Sò ráng cõng ba viên nhưng cõng suốt ngày cũng
chỉ được chín viên, kiếm được 18.000 đồng thì rõ ràng là “cay”! Trò chuyện với
tờ Tiền Phong, Mua Thị Chở - Sinh viên ĐH Khoa học Thái Nguyên, cùng quê với Sò
– bảo rằng, cô cũng đã từng cõng gạch như thế sang cả Trung Quốc (2)…
***
Tháng trước, ông Nguyễn
Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam chính thức thừa nhận: Mấy tháng nay, nhiều
người khổ lắm rồi, nhiều gia đình khó lắm rồi (3) – song đến giờ này,
trợ cấp từ gói hỗ trợ trị giá 61.580 tỉ đồng (4) dành cho những cá nhân, doanh
nghiệp đang chật vật xoay sở với đủ thứ khó khăn khi COVID-19 bùng phát (tùy
trường hợp mà một cá nhân, một gia đình, những cơ sở kinh doanh nhỏ sẽ được hỗ
trợ một lần 500.000 đồng hay từ 1 triệu đến 1,8 triệu đồng/tháng) vẫn chưa được
phát.
Hôm thứ hai vừa rồi, tờ
Tiền Phong cho rằng “Không thể đợi thêm” (5). Theo đó, từ người già đến
trẻ con như Sùng Mí Sò vẫn chờ đợi trong mỏi mòn vì Bộ Lao động – Thương binh –
Xã hội chưa soạn xong hướng dẫn thực hiện cứu giúp đối tượng “khổ lắm rồi,
khó lắm rồi”. Thậm chí khi đã có hướng dẫn thực hiện chắc chắn cũng không
thể trao tiền hỗ trợ ngay vì toàn bộ hệ thống công quyền sẽ còn phải thực hiện
thêm nhiều bước, xác định, xác minh đối tượng nào đủ… tiêu chuẩn.
Vào lúc này, ngay cả những
người đã từng nộp thuế thu nhập, bảo hiểm xã hội,… nếu bị thất nghiệp, cần trợ
cấp cũng vẫn phải làm đủ thứ thủ tục và phải chờ đến 25 ngày mới nhận được một
triệu đồng! Sau khi dân kêu như bọng, một số nơi đã “cải tiến”, giảm thời gian
chờ đợi xuống còn mười ngày! Vì sao hệ thống công quyền Việt Nam không thể khai
thác hệ thống dữ liệu hiện có để kiểm tra dữ kiện cá nhân của những người xin
trợ cấp thất nghiệp rồi chuyển trợ cấp vào tài khoản cá nhân như… thiên hạ?
Chẳng riêng Việt Nam,
hàng trăm quốc gia đã cũng như đang tiến hành đủ loại biện pháp nhằm tiếp sức
cho những công dân đang gặp khó khăn vì kinh tế, xã hội tê liệt do buộc phải áp
dụng những biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn COVID-19 lây lan rộng hơn. Sự
khác biệt trong hỗ trợ công dân giữa những quốc gia ấy với Việt Nam chỉ nằm ở
chỗ, họ quyết định rất nhanh và việc thực thi các giải pháp hỗ trợ diễn ra ngay
lập tức, kể cả khi dân số gấp vài lần Việt Nam như Mỹ.
Vì sao hệ thống dữ liệu
hiện có của nhiều quốc gia có thể phân tích dữ kiện cá nhân và chuyển tiền,
phát đủ loại phiếu như phiếu trợ cấp thực phẩm đến tận nhà những công dân cần
trợ giúp trong vòng năm, bảy ngày mà không buộc ai làm “đơn”, không khiến ai phải
tất bật xác minh, phê duyệt từng trường hợp như Việt Nam? Câu trả lời nằm ở chỗ
những quốc gia ấy không có… Bộ Chính trị nên việc ứng dụng công nghệ thông tin,
viễn thông vào quản trị, điều hành không phải theo… nghị quyết về “cách mạng
công nghệ 4.0” (6).
Những quốc gia ấy cũng
không có thành viên nào trong nội các tìm đủ cách để đánh bóng hình ảnh đảng của
mình, tên tuổi của mình, bằng những tuyên bố kiểu như: Việt Nam có thể
làm được những thứ mà thế giới chưa từng làm – giống ông Nguyễn Mạnh
Hùng và được từ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đến hệ thống truyền
thông chính thức tận tình tán thưởng! Rõ ràng tham vọng Việt Nam có thể
làm được những thứ mà thế giới chưa từng làm – khiến người Việt trở
thành “phúc mỏng, phận bạc”!
***
Chẳng riêng người Việt,
thiên hạ cũng sững sờ khi Reuters phát giác, hai doanh nghiệp khổng lồ của nhà
nước chuyên cung cấp dịch vụ Internet và viễn thông tại Việt Nam là VNPT và
Viettel đã tắt các máy chủ mà Facebook đặt ở Việt Nam trong suốt bảy tuần, từ
giữa tháng 2 đến đầu tháng này (7). Trước thắc mắc của nhiều triệu khách hàng
vì gặp khó khăn khi truy cập vào facebook, cả hai cùng nói dối khi cam kết sẽ
phối hợp với các đối tác để kiểm tra nhằm khắc phục triệt để hiện tượng này.
Vì sao VNPT và Viettel
dám làm như thế và dám dối trá một cách thản nhiên như vậy? Chắc chắn là
vì Việt Nam có thể làm được những thứ mà thế giới chưa từng làm! Nếu
không nuôi cuồng vọng làm được những thứ mà thế giới chưa từng làm
– chắc chắn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không
khăng khăng đòi Facebook phải kiểm duyệt nội dung chống mình trên mạng xã hội
này! Tắt những máy chủ mà Facebook đặt tại Việt Nam không chỉ khiến việc truy cập
vào Facebook gặp trở ngại…
Dương Ngọc Thái – Chuyên
gia về công nghệ thông tin, viễn thông của Google – nhận định: Từ nay về
sau, có còn công ty Internet quốc tế nào muốn mở văn phòng hay đầu tư lâu dài ở
Việt Nam? Nếu họ không mở văn phòng, không đầu tư, xây dựng hạ tầng ở Việt Nam,
ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại này? Bao nhiêu người đang kiếm sống
nhờ Facebook? Việc tắt máy chủ Facebook cũng đặt dấu chấm hết cho hy vọng thuyết
phục các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây như Amazon đem công nghệ vào Việt
Nam. Không ai ngu đến mức đầu tư vài trăm triệu USD để người khác muốn tắt là tắt.
Thiếu hạ tầng điện toán đám mây hiện đại những nghị quyết về 4.0 sẽ nằm mãi
trên giấy.
Theo Thái: Ở Việt
Nam, Facebook không chỉ là nơi người ta gặp gỡ, trao đổi, kinh doanh, mua bán
mà còn là nơi tìm kiếm tự do và bình đẳng. Ở đâu và thời nào thì người có tiền,
có quyền và có quan hệ cũng muốn thay đổi luật chơi theo hướng có lợi cho họ
nhưng một xã hội thông minh sẽ thiết lập các cơ chế để phát hiện, ngăn chặn và
xử lý bọn chơi gian. Họ sẽ có tam quyền phân lập. Họ sẽ đặt chính phủ dưới sự
kiểm soát của các đảng đối lập. Họ sẽ có những những tổ chức dân sự, những tờ
báo độc lập để kiểm soát chính quyền và những kẻ muốn chơi xấu. Việt Nam thiếu
những cơ chế như vậy và mọi chuyện chỉ thay đổi cho đến khi Internet và
Facebook, YouTube xuất hiện.
Thái ngậm ngùi: Sau
nhiều thập niên, người Việt có một sân chơi mà trí tuệ là tiêu chí hàng đầu. Ai
có tài năng hay ý kiến mới, người đó có sân khấu và vài chục triệu khán giả.
Nói không ngoa, đó là thay đổi tích cực nhất về tự do dân chủ, công bằng xã hội
ở Việt Nam kể từ sau đổi mới. Tắt máy chủ Facebook là cách nhanh nhất triệt
tiêu những thay đổi tích cực ấy… Khi Luật An ninh mạng còn là dự thảo, tôi đã dự
đoán Facebook sẽ không bị chặn hẳn nhưng sẽ bị làm chậm nhưng thú thật từ lúc
nghe tin này đến giờ tôi vẫn còn choáng váng, vì không ngờ cá mập ở biển Đông lại
làm việc cho chính phủ Việt Nam. Trump có Space Force thì Việt Nam cũng ngạo
nghễ, có kém gì với Shark Force.
Những hi vọng của Dương
Ngọc Thái: Chính phủ sẽ giải thích tại sao người Việt phải hy sinh lợi
ích kinh tế và tự do cá nhân để chính phủ kiểm duyệt các nội dung “chống chính
phủ” trên Facebook... Sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kiểm duyệt
Facebook, chính phủ sẽ điều động đội quân cá mập ra cắn bớt tàu chiến và dàn
khoan của nước lạ đang ra vô biển Đông như đi chợ (8) - dù chính đáng
và được nhiều người đồng tình chắc chắn sẽ bị cuồng vọng Việt Nam có thể làm được
những thứ mà thế giới chưa từng làm -biến thành ảo vọng. Bây giờ có lẽ bạn đã
hiểu tại sao Việt Nam chỉ cần chịu làm những điều như thế giới đã làm lại giống
như phúc… 70 đời!
----------------------------
Chú thích
(4) https://www.thesaigontimes.vn/302244/cac-goi-ho-tro-giam-soc-cho-doanh-nghiep-trong-dich-benh.html
No comments:
Post a Comment