11/04/2020
Trước khi có dịch, tôi kiếm mỗi tháng khoảng sáu triệu
đồng đổ lại. Thì mướn cái nhà một triệu rưỡi, còn lại là ăn uống, xoay xở lặt vặt.
Hai tháng nay, không kiếm ra tiền, chẳng dám mướn nhà nữa, dọn ra đây ở tạm đã”
– ông già sửa xe 70 tuổi cười móm mém bên cái lều bạt dựng xiêu vẹo trên vỉa hè
đường Hai Bà Trưng, trung tâm Sài Gòn.
“Ngôi nhà” của ông Nguyễn Văn Hạnh. Ảnh: Phạm Đoan
Trang/Luật Khoa
Ông già tên Nguyễn Văn Hạnh, làm nghề sửa xe hơn 10
năm nay. Nghe nói ông từng là lính ở chế độ cũ, bị tù cải tạo 10 năm, khi ra tù
thì vợ đã bỏ đi, nhà đã mất. Kiện tụng đòi nhà mãi 5-6 năm không được kết quả
gì, ông đành buông. Ông từng làm nhiều nghề để kiếm sống: đóng giày, sửa giày
dép, bán phở, chạy xe ôm, cuối cùng già yếu, mất sức nên đậu lại ở nghề sửa xe.
Bây giờ “nhà” của ông Hạnh là miếng bạt che trên một
diện tích vỉa hè chừng ba mét vuông, một xe máy cũ nát, vài viên gạch làm bếp
và một cái lon (ống bơ) đựng gạo. Tài sản quý nhất của ông là bộ đồ nghề sửa xe
và bầy mèo hoang làm bầu bạn.
Mãi mới có khách ghé, ông già được dịp khề khà: “Bây giờ tạm thời ở đây luôn, chứ chú
không trả được tiền mướn nhà. Hai tháng gần đây chú đâu có làm ra đồng nào đâu
con. Chú nấu cho mèo ăn là chính. Phần chú, cứ mua miếng đậu bắp với giỏ cá nục
về. Một giỏ ba con cá, 10 ngàn đồng, ăn một hộp hai, ba ngày. Chú ăn không có
bao nhiêu đâu, nhưng mấy con mèo này ăn linh tinh một ngày cũng tới cả chục
ngàn đồng đó”.
Mười ngàn đồng, nghĩa là không tới nửa đô-la, nhưng
với ông già 70 tuổi này, như thế đã là nhiều.
Lâu nay ông Hạnh sống nhờ vào tiền sửa xe và tiền mà
các nhà hảo tâm cho. Ông cũng hay được mọi người cho đồ ăn, khi nào đói quá ông
lại tìm đến các quán cơm xã hội (như chuỗi quán cơm Nụ Cười mà ông khen là “đồ
ăn ngon lại vệ sinh”). Nhưng đấy là trước khi dịch nCovid bùng phát. Kể từ khi
có dịch, hai tháng nay, đường phố vắng, ông không còn khách nữa. Đến quán cơm
thì không chở bộ đồ nghề sửa xe theo được, mà để lại “nhà” thì chỉ sợ mùa dịch
trộm cắp nhiều, chúng lại lấy mất của ông.
“Từ sáng qua tới giờ (9h tối) chú mới kiếm được gần
năm chục. Thôi thì kệ, khi nào người ta có thì người ta lại cho mình”.
* * *
Ở một góc phố khác, bên quận Tân Phú, TP. Hồ Chí
Minh, có bà già bán rau cũng bám vỉa hè suốt từ 6-7h tối đến đêm. Bà có cái tên
đẹp là Huỳnh Ngọc Oanh, 69 tuổi. Bà “khá giả” hơn ông Hạnh vì còn có cái nhà để
chui ra chui vào, nhưng lại vất vả hơn ông vì gần như bị tàn tật, chân trái đi
khập khiễng. Năm ngoái bà bị ngã, gãy thêm tay phải, nhưng do không có tiền chữa
trị nên vết thương… tự lành, chỉ lòi xương ra thành một cục lớn ở cổ tay. Chồng
bà mất đã lâu, hai đứa con thì một đứa lấy vợ ở xa, hầu như chẳng giúp gì mẹ,
còn một đứa đang đi cai nghiện.
Mẹt bánh của bà Tư. Ảnh: Đoan Trang/Luật Khoa.
Trước khi có dịch bệnh, mỗi ngày bà Oanh cũng bán được
trung bình 100.000 đồng tiền rau củ. Nhưng hai tháng nay, bà đói, đói thực sự.
Tiền không kiếm ra, bà trông chờ vào đồ ăn mọi người cho. “Có hôm tôi được ba, bốn người cho cơm, có hôm lại chẳng được gì. Thành
ra, kinh nghiệm là mình đừng có ăn hết, mình phải để dành, ngày mai mình ăn nữa.
Rồi đồ ăn có bị nhớt nhớt chút đó, thì mình rửa đi. Cơm có hơi chua thì mình nấu
cháo. Hồi trước, tôi đi bán hàng từ 6-7h, sớm lắm, bây giờ thì đi không nổi nữa,
mà có đi sớm cũng ế. Ở nhà đói bụng thì nhắm mắt ngủ hoài à” – bà cười hơ
hơ.
Và tại một góc phố khác nữa, có bà cụ 84 tuổi – “bà
Tư bánh” – vẫn ngồi thu lu bên mẹt chè kho, bánh đa nướng, mỗi bịch chỉ 30.000-40.000
đồng, và bán mãi tới 2h sáng vẫn chưa hết. Có hôm, công an khu vực đi ngang
qua, trông thấy bà ngồi vỉa hè bán hàng giữa mùa dịch, không nỡ đuổi, bèn mua
luôn chỗ bánh còn lại cho bà về. Bà cụ được về sớm một tối, nhưng hôm sau, bà lại
mang mẹt hàng ra nữa…
* * *
Với những người như ông Hạnh, bà Oanh, bà Tư bánh,
và hàng trăm hàng ngàn người khác đang bám vỉa hè từng ngày, từng đêm để kiếm
ăn, cách ly xã hội không phải một dịp để “sống chậm”, dành thời gian chăm sóc
gia đình, hay trổ tài nấu ăn và chụp hình đăng Facebook. Cách ly xã hội cũng
không phải lúc để họ đọc báo, nghe đài, xem tivi để theo dõi các chính sách của
Nhà nước, phân tích, bình luận, dự đoán để rồi “ngạo nghễ tự hào” hay “hằn học
bất mãn” (hai thái cực tâm lý trái ngược nhau). Họ biết về dịch chỉ qua những
nguồn tin vỉa hè (đúng nghĩa vỉa hè), qua việc lượng khách mua hàng giảm hẳn,
và qua kinh nghiệm hay ký ức của họ về những biến động xã hội khủng khiếp họ từng
nếm trải trong đời.
Từ những kinh nghiệm của mình, ông Hạnh nhận định,
như một nhà quan sát: “Cứ dịch bệnh đến
là thiếu thốn, là đói. Đói thì cướp. Chuyện này sẽ xảy đến thôi, dịch mà. Dịch
càng kéo dài thì tệ nạn cướp giật càng dữ, con người đối với nhau càng ác. Đói
quá, đến đường cùng thì ăn thịt nhau ấy chứ. Nhưng mà chú tính rồi, chú không sống
tới lúc đó được đâu. Dịch kéo dài là chú chết trước đó. Tại sao á? Tại vì
nghèo. Người có tiền thì sống được sáu tháng, ba tháng, người nghèo như chú thì
chỉ ba ngày là chết”.
Sống bám mặt đường. Ảnh: Facebook Nhà xuất bản Tự
Do.
Người nghèo. Dường như có cả một tầng lớp đông đảo
đang sống cùng chúng ta trong xã hội, nhưng hoàn toàn nằm ngoài thế giới của
chúng ta.
Họ sống ngày nào biết ngày đó, không có tiền tiết kiệm
hay bất cứ một khoản dự trữ nào. Họ không làm cho cơ quan nào để mà có trợ cấp
hay bảo hiểm. Thậm chí, họ không có hộ khẩu, không có địa chỉ chính thức để được
nhận hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Khẩu trang, cồn, nước rửa tay… với họ là
những sản phẩm xa xỉ. Chết đói – ngay trong những năm tháng của thập niên thứ
ba của thế kỷ 21 này – là nguy cơ có thật, lơ lửng trên đầu họ.
Quốc gia nào, chế độ nào cũng có những người sống dưới
đáy xã hội. Nhưng ở các nước công nghiệp phát triển, gắn với nền dân chủ vững mạnh,
những công dân dưới đáy không phải đối mặt với rủi ro chết đói, chết khát, chết
rét (ngay cả trong hoàn cảnh khủng hoảng toàn xã hội), và thậm chí, nếu họ đủ nỗ
lực, còn có cơ hội để dịch chuyển “lên” tầng lớp cao hơn.
Ở đây, câu chuyện liên quan đến khái niệm lưu động
xã hội (social mobility) – sự dịch chuyển của cá nhân hay hộ gia đình giữa các
tầng lớp trong xã hội, là sự thay đổi vị thế xã hội của cá nhân hay hộ gia đình
đó (theo chiều đi lên hoặc đi xuống). Có thể thấy ngay là lưu động xã hội là một
khái niệm xa lạ ở Việt Nam, nơi mà sự dịch chuyển theo hướng đi lên là hiếm.
Nói cách khác, với dân Việt Nam, luôn có một tỷ lệ “nghèo bền vững”, một khả
năng rất cao “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Không tồn
tại “giấc mơ Việt Nam” như “giấc mơ Mỹ”, tức là không phải cứ chăm chỉ lao động,
nhiệt tình và có trách nhiệm, là thay đổi được phận nghèo.
An sinh xã hội đâu rồi?
Nhưng ta hãy trở lại với việc “không để người dân
nào chết đói” như một khẩu hiệu được các facebooker ở Sài Gòn lan truyền
trong vài tuần gần đây.
Đúng là ở Mỹ, Canada, Úc, hay châu Âu, đâu cũng có
người nghèo, sống dưới đáy xã hội. Nhưng mức nghèo của họ hẳn là khá giả hơn mức
nghèo ở Việt Nam, không ai trong số họ phải chịu rủi ro chết đói. Điều đó là nhờ
xã hội luôn có một “bộ đệm” tốt, để bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người dân: tồn
tại. “Bộ đệm” ấy là nhà nước phúc lợi và xã hội dân sự.
Xã hội dân sự có sứ mệnh chia sẻ và thúc đẩy lợi ích
chung, còn nhà nước có trách nhiệm cung cấp an sinh xã hội – được hiểu là những
hỗ trợ tài chính của nhà nước dành cho người nghèo (có thu nhập thấp hoặc không
thu nhập) – đặc biệt là khi phải đối phó với những biến cố như khủng hoảng kinh
tế, dịch bệnh, thiên tai, thảm họa.
Ở Việt Nam, khác với những lần khủng hoảng kinh tế
nghiêm trọng trong quá khứ (ví dụ đợt khủng hoảng giá-lương-tiền giữa thập niên
1980), kỳ dịch bệnh này, Chính phủ đã có ý thức hơn hẳn về an sinh xã hội. Chiều
5/4 vừa qua, tại phiên họp Thường trực Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người
dân gặp khó khăn do đại dịch nCovid, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn
mạnh rằng phải thực hiện nhanh các gói hỗ trợ an sinh xã hội “vì cuộc sống
người dân không thể chờ đợi hơn”.
Tuy nhiên, trên thực tế, dân chúng cũng đã có những
trải nghiệm từ việc triển khai gói hỗ trợ trong khủng hoảng kinh tế 2008, rồi
gói 500 triệu USD bồi thường sau thảm họa môi trường biển miền Trung do tập đoàn
Formosa gây ra. Đặc điểm chung là quy trình kéo dài, thủ tục phức tạp, nhiều
trung gian, và đặc biệt, tính công bằng cũng như hiệu quả đều rất đáng ngờ.
Theo ghi nhận của một số nhà hoạt động môi trường trong nhóm xã hội dân sự
Green Trees, đến nay, chưa hề có đánh giá chính thức và trung thực nào về hiệu
quả của những gói hỗ trợ hay bồi thường này. Đa số người dân chỉ biết rằng họ mất
rất nhiều thời gian và công sức để có thể nhận tiền, và sau khi được hỗ trợ, cuộc
sống của họ cũng không thay đổi gì so với trước.
Đây đó, đã có những ý kiến của cư dân mạng cho rằng
chẳng thà nhà nước cung cấp an sinh xã hội bằng cách hỗ trợ trực tiếp vào giá
năng lượng (giảm giá xăng, miễn phí tiền điện…) còn có hiệu quả nhanh, rõ ràng
hơn.
Đại dịch nCovid đã vào Việt Nam từ Tết nguyên đán
(cuối tháng 1), và bùng phát từ cuối tháng 3, khi con số người nhiễm bệnh không
còn dừng ở 16 ca. Cho đến nay, trong khi các hoạt động của xã hội dân sự nở rộ,
nhất là ở Sài Gòn, thì vẫn chưa người dân nào trong hàng ngàn người nghèo đang
sống bám vào vỉa hè, mặt đường nhận được hỗ trợ từ nhà nước. Khái niệm “an sinh
xã hội”, “nhà nước phúc lợi”, đối với những phận nghèo như ông Hạnh sửa xe, bà
Oanh bán rau hay bà Tư bán bánh kia, vẫn còn hoàn toàn xa lạ.
No comments:
Post a Comment