Ngày 30.4.1975 làm thay đổi cuộc đời của hàng chục
triệu người, đẩy hàng triệu người Việt ra khỏi đất nước. Họ xây dựng cuộc sống
mới ở nước ngoài, nhiều nhất ở Mỹ. Nhưng hậu quả của biến động tháng 4.75 không
dừng lại ở đó. Sau hơn 40 năm, ngay cả trong thành phần những người Việt từng sống
chung với nhau dưới vĩ tuyến 17 trước năm 1975, cùng mang danh là “bên thua cuộc”,
đã có thêm sự phân ly, không chỉ về mặt địa lý, mà cả về mặt tinh thần.
Họ nhận định lệch lạc về nhau, phần lớn là từ cái
nhìn của người ngoài nước đối với người còn ở lại trong nước. Những cái nhìn đó
chứa đựng khá nhiều ngộ nhận, một phần từ ký ức của họ đối với những năm tháng
tù ngục đã qua, phần khác từ sự thiếu hiểu biết thực trạng của xã hội Việt Nam
mà họ xa cách đã lâu. Họ nhìn những người từng là bạn bè, thân nhân của họ đang
sống dưới chính quyền của người Cộng sản bằng con mắt soi mói, hoài nghi, đặc
biệt với những ai có đủ điều kiện xuất cảnh ra nước ngoài sinh sống nhưng lại
chọn con đường ở lại.
Có điều lạ là phần lớn những người Việt sống tha
hương ấy không biết một chút gì, hoặc biết rất ít về sinh hoạt Facebook tại Việt
Nam. Họ không ý thức được rằng trên mạng xã hội ngày nay, mọi khác biệt giữa đại
đa số những con người (ngoài chính quyền) từng sống trên và dưới vĩ tuyến 17
trước 1975 đã trở nên nhạt nhòa, do nhiều biến chuyển của đời sống.
Trong sinh hoạt
ảo mà thật ấy, chỉ còn có sự phân biệt rõ ràng giữa một bên là những người
có lương tri, biết nhận thức trên nền tảng đạo lý và luôn đứng về phía những
người đấu tranh cho công bằng xã hội, cho sự tiến bộ của đất nước và một bên
là những kẻ vì quyền lợi của cá nhân, của bè phái mà đi ngược lại quyền lợi
chung của dân tộc.
Nếu có một ngày nào đó bạn sang Mỹ, nhận lời mời một
bữa cà phê với một ai đó, và nếu chẳng may người này đang tại chức hay là cựu
viên chức của chính quyền XHCN hiện nay, bạn sẽ dễ dàng trở thành đề tài của những
cuộc bàn tán, suy diễn mà óc tưởng tượng của nhà văn Kim Dung cũng không theo kịp.
Không chỉ là bàn tán, bạn còn bị lên án nữa. Những
năm 1990, bạn có đủ điều kiện xuất cảnh theo diện HO mà bạn không đi ư? Dù bạn
không đi vì thương cha mẹ, không thể bỏ con bạn ở lại Sài Gòn, hay vì bất cứ lý
do gì khác, họ cũng chỉ kết luận chắc nịch là bạn đã “theo CS”.
Nếu một ngày nào đó, để kiếm sống cho gia đình, bạn
quay sang nghề viết báo ư? Họ sẽ suy diễn với nhau rằng bạn phải viết theo chỉ
thị của chính quyền, bài của bạn mới được chọn đăng! Còn nếu bạn đã xuất bản chừng
5-10 quyển sách ư? Họ sẽ dứt khoát cho rằng bạn phải là hội viên Hội nhà văn và
phải viết bưng bô đảng CS thì sách của bạn mới được phát hành!
Chưa hết đâu! Họ còn đi xa hơn nữa. Nếu như trước
năm 1975, có một thời khoảng nào đó bạn ra Côn Đảo làm việc, và đối xử với những
người tù chính trị CS bằng lòng trắc ẩn của kẻ đương quyền dành cho người ngã
ngựa, họ sẽ dễ dàng suy diễn rằng bạn đã mưu cầu một quyền lợi chính trị về
sau. Khốn nỗi, vào những năm 1971-1972 chẳng hạn, liệu bạn biết chăng sẽ có
ngày 30.4.1975 và đời của bạn sẽ ra sao mà mưu cầu với mưu lợi!
Từ sự cách biệt về địa lý, sự thiếu cập nhật về thực
trạng xã hội Việt Nam và những con người đang sống trong xã hội đó, một số người
Việt tha hương thường có những cái nhìn một chiều, phiến diện và rất chủ quan.
Họ từng trải qua những năm tháng cải tạo đói khổ về vật chất và nặng nề về tinh
thần, những chuyến vượt biển kinh hoàng mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau một
gang tấc, nên họ luôn nung nấu trong lòng một ẩn ức khôn nguôi. Chỉ cần những
biểu hiện nào đó mà họ không đủ bình tĩnh và sáng suốt để nhận định một cách
đúng đắn, họ dễ dàng trút lên đầu thân nhân hay bạn bè họ đang sống ở Việt Nam
những phán xét đầy ác ý, như một sự bù trừ vào nỗi căm hận mà họ không biết đổ
trút vào đâu.
Bạn có thấy những điều oái oăm như thế của người Việt
trong nước với người Việt ngoài nước có đáng buồn không? Nhất là khi bạn đang
ăn cơm của chính gia đình bạn, không ngửa tay đón lấy đồng xu cắc bạc của một
ai!
Từ lâu nay, mình vẫn nghĩ rằng trong xã hội nào cũng
vậy, dù là xã hội Tư bản hay xã hội Cộng sản, bạn phải cọ xát với nó để sống. Vấn
đề là trong những cọ xát đó, bạn ngẩng cao đầu lên hay cúi gằm mặt xuống. Nếu
ta bán rẻ lương tâm, chà đạp lên lẽ công bằng, thì dù sống trong xã hội nào, ta
cũng chỉ đáng xếp ngang loài cầm thú. Mình biết có một số người, tuy không nhiều,
sống phè phỡn ở Mỹ, cha mẹ già, anh em ruột nghèo đói ở quê nhà, họ không thèm
đếm xỉa, nhưng mở miệng ra là nói điều thánh tướng và lớn tiếng phán xét người
khác như những quan tòa.
Dù đã sau 45 năm, nhưng hàng năm, những ngày tháng 4
vẫn còn trĩu nặng ưu tư đối với nhiều người Việt đã trải qua những biến động to
lớn của đất nước. Những tham nhũng, nghèo đói, bất công trong xã hội vẫn tiếp
diễn, bên cạnh đó, sự phân hóa cùng cực giữa những người Việt tha hương với
nhau, giữa người Việt trong và ngoài nước, đã làm cho bức tranh cuộc sống loang
lổ thêm những gam màu xám xịt. Người ta nhân danh lý tưởng này, mục tiêu nọ để
vạch trần, nói xấu, xuyên tạc lẫn nhau, và rốt cuộc, sau khi vạch áo nhau ra,
chỉ để lộ những tấm lưng trần lấm lem cát bụi! Hàng ngày, chỉ cần mở trang
YouTube ra, chúng ta dễ dàng nhìn thấy cảnh hoạt náo trong cộng đồng những người
Việt sinh sống ở nước ngoài, để tìm thấy viên đá quý trong đống cát sỏi vỡ vụn ấy
không dễ tí nào!
Chúng ta bất lực trước những bức tranh đời hoạt náo
đó, và những ngày tháng Tư tiếp tục là những ngày nặng nề nhất!
Lê Nguyễn
14.4.2020
14.4.2020
(Bài này chỉ nhằm trình bày một quan điểm cá nhân, đọc
cho vui là chính, xin không hoan nghênh bất cứ một sự tranh luận nào. Tác giả
chỉ nêu lên một trong hàng trăm thực trạng khác nhau của người Việt tha hương ở
Mỹ, không nhằm “vơ đũa cả nắm”)
No comments:
Post a Comment