14/04/2020
Vì lợi ích kinh tế và xã
hội, Việt Nam cần bỏ ra một số tiền lớn – có thể tầm cỡ trăm triệu USD – để thiết
lập càng sớm càng tốt một hệ thống xét nghiệm Covid-19 nhanh và rộng. Bài viết
này sẽ lý giải tại sao, dựa vào những khái niệm căn bản của lý thuyết điều khiển
(control theory).
Đợt hai của dịch đang
tràn ngập thế giới, với quy mô gấp mấy chục lần đợt trước (hình). Việt Nam sẽ
không thể là ngoại lệ và không tránh khỏi thiệt hại. Khi chưa có thuốc trị và
vaccine và dịch đã lan tràn vào cộng đồng, biện pháp cách ly từng ca không còn
áp dụng được nữa, thì biện pháp duy nhất để giảm dịch là giảm tiếp xúc, thường
gọi là giãn cách xã hội (social distancing). Tỷ số lây (reproductive
number) R0 của Covid-19 đã được ước lượng từ 2 đến 5 (mỗi bệnh nhân lây cho 2 tới
5 người khác). Nếu giãn cách cho tỷ số lây xuống dưới 1 thì bệnh sẽ tự dập tắt.
Nếu điều này không làm được thì chỉ cần làm giảm tốc độ lây sao cho số người có
triệu chứng nặng đừng vượt quá dung lượng của hệ thống y tế, tức là số người
bình phục (và một số nhỏ tử vong) cân bằng số ca mới. Mà trong tình trạng hiện
nay, hệ thống y tế Việt Nam khó có khả năng dung nạp một số lượng lớn bệnh nhân
nặng.
Tuy nhiên, biện pháp giãn cách có một cái giá rất đắt
là gây suy thoái kinh tế, tăng thất nghiệp, các doanh nghiệp có nguy cơ cao phá
sản, và đời sống tinh thần và vật chất của toàn dân bị đảo lộn. Vì vậy, cần giãn cách ở mức độ cần thiết,
không chặt quá, mà cũng không lỏng quá. Muốn làm được như vậy thì ta phải có một
hệ thống điều khiển (control) tốt, mà điều kiện quan trọng nhất là phải có khả
năng đo lường tình trạng dịch ĐÚNG và NHANH.
Giả thử ta đang tắm hương
sen và điều chỉnh nhiệt độ bằng cách vặn van nước nóng. Điều khiển tốt có nghĩa
là ta vặn van đúng mức để nước ra với nhiệt độ vừa phải lý tưởng. Khi thấy nước
nóng quá thì ta vặn nhỏ lại, lạnh quá thì mở lớn thêm. Đây là một hệ thống điều
khiển vòng kín hay phản hồi (closed loop or feedback control system), gồm một bộ
phận đo lường (sensor) là da, bộ phận tác động (actuator) là cái van nước nóng,
và bộ điều khiển là bộ óc. Bộ phận đo lường gửi tín hiệu đến bộ điều khiển, bộ
điều khiển gửi tín hiệu đến bộ phận tác động để thi hành biện pháp điều chỉnh.
Một ví dụ khác là khi lái
xe đường núi: muốn giữ tốc độ vừa phải, khi đổ dốc ta phải bớt ga và khi lên dốc
ta phải nhấn thêm ga. Trường hợp này hệ thống điều khiển gồm đồng hồ tốc độ (đo
lường), tài xế (bộ điều khiển) và chân ga (tác động).
Nhắc lại, trong một hệ thống
điều khiển, phần quan trọng nhất là bộ phận đo lường. Muốn điều khiển tốt, bộ
phận đo lường phải CHÍNH XÁC và NHANH.
Cần chính xác thì dễ hiểu
rồi, nhưng tại sao phải nhanh? Vì sự chậm trễ (lag) của tín hiệu là trở ngại lớn
nhất cho việc điều khiển. Thử tưởng tượng trường hợp tắm hương sen, khi van
nóng quá xa vòi nên vặn van xong phải đợi 10 giây nhiệt độ của nước mới thay đổi.
Thấy nước lạnh quá, ta mở thêm van một chút, nhưng vẫn không thấy gì, ta bèn tiếp
tục mở thêm, cho đến khi nước bắt đầu nóng lên. Vài giây sau, nhiệt độ hơi nóng
quá, ta bèn đóng bớt lại, nhưng nhiệt độ nước cứ tiếp tục tăng suốt 10 giây nữa
– vậy là bỏng da! Hoặc khi lái xe, thử tưởng tượng nhấn ga hay nhả ga xong 10
giây máy mới bắt đầu phản ứng thì làm sao giữ được tốc độ. (Theo lý thuyết điều
khiển học thì sự chậm trễ ở tín hiệu hay ở tác động có hiệu ứng hoàn toàn giống
nhau.)
Chính vì vấn đề chậm trễ
khi đo lường dịch mà nhiều người đề nghị áp dụng chính sách giãn cách theo kiểu
tắt bật ngắt quãng (on-off). Trong lý thuyết điều khiển thì đây là cách điều
khiển thô sơ và kém cỏi nhất, gây nhiều xáo trộn nhất, chỉ áp dụng nếu không có
cách nào tốt hơn.
Trở lại dịch Covid-19, ta
có thể đo lường dịch bằng số người nhập viện. Tuy nhiên, thời gian từ lúc nhiễm
đến lúc bệnh nặng cần nhập viện có thể khoảng 15 ngày, đây chính là khoảng chậm
trễ (lag time) của tín hiệu. Trong 15 ngày đó, dịch có thể bùng lên gấp 10-15 lần.
Vì vậy, nếu dùng số nhập viện để đo lường tình trạng dịch, số người nhập viện sẽ
tiếp tục tăng gấp 10-15 dù áp dụng bất cứ biện pháp nào, và thảm họa quá tải
khó tránh được.
Muốn có tín hiệu đo lường
nhanh thì phải xét nghiệm rộng rãi trong cộng đồng, dù không có yếu tố dịch tễ.
Nết xét nghiệm tất cả những ai có triệu chứng đáng nghi, ta có thể giảm khoảng
chậm trễ xuống còn chừng 5 ngày (thời gian trung bình từ khi nhiễm đến khi có
triệu chứng). Trong thời gian đó số nhiễm có thể tăng 2-3 lần. Đỡ hơn là tăng gấp
10, nhưng vẫn chưa phải là tốt.
Cho nên, tốt nhất là xét
nghiệm cả những người không có triệu chứng theo kiểu thăm dò ngẫu nhiên (random
sampling). Làm được vậy thì có thể theo dõi dịch bệnh từng ngày, không chậm trễ.
Điều này cũng cho thấy rằng
xét nghiệm kháng thể không phải là giải pháp tốt: nó có một thời gian chậm trễ
từ một tuần trở lên, vì đó là thời gian cần thiết cho cơ thể sản xuất kháng thể.
(Tìm kháng thể là một trong hai cách xét nghiệm covid, cách tốt hơn là tìm gene
của virus, thường bằng phương pháp RT-PCR.)
Khi đo lường được nhanh đến
độ hầu như không có chậm trễ, tức là biết kết quả trong vòng một ngày trên toàn
quốc, ta sẽ có thể điều khiển biện pháp giãn cách một cách kịp thời, vừa phải,
tránh gây hại không cần thiết cho kinh tế và xã hội. Lúc đó hãy nên nới lỏng
các biện pháp giãn cách để cho kinh tế xã hội trở lại bình thường hơn.
Nếu mục đích của các biện
pháp kiểm soát là tránh quá tải giường bệnh, thì giảm thời gian chậm trễ đo lường
chừng 3-4 ngày cũng có hiệu lực bằng tăng số giường bệnh gấp đôi, vì trong 3-4
ngày đó nếu ta không làm gì thì số người nhiễm sẽ tăng gấp đôi.
Ở thời điểm này
(11/4/2020), tuy xếp hạng khá ở Đông Nam Á, Việt Nam mới chỉ xét nghiệm khoảng
1200 lượt cho mỗi triệu dân, và hầu hết là chỉ xét nghiệm khi có yếu tố dịch tễ.
Các ca ngầm trong cộng đồng hầu như không thể phát hiện. Các nước Tây Âu,
Canada, Úc, New Zealand, Hàn quốc, Singapore đã xét nghiệm khoảng 5 ngàn tới 20
ngàn lần mỗi triệu dân (xem bảng dưới đây từ https://www.worldometers.info/coronavirus/). Chỉ khi nào số
lượng xét nghiệm đạt tới mức hàng trăm người mỗi triệu dân mỗi ngày trở lên (tức
là chừng 10 ngàn xét nghiệm mỗi ngày trở lên cho cả nước), không kể những trường
hợp xét nghiệm theo đường dây dịch tễ, thì may ra mới theo dõi được tình hình một
cách chính xác và kịp thời.
Xét nghiệm rộng rãi, do
đó, không phải là một thứ xa xỉ của các nước giàu mà là một điều tối cần để có
thể vừa kiểm soát được dịch, vừa vực kinh tế và xã hội lên trở lại, tránh lãng
phí. Theo ngân hàng phát triển Á Châu, thiệt hại kinh tế của VN có thể lên tới
gần 4 tỷ USD (https://www.thesaigontimes.vn/302110/viet-nam-co-the-thiet-hai-37-ti-do-la-vi-covid-19.html).
Nếu giãn cách quá đà khiến kinh tế thiệt hại một tỷ USD một cách vô ích, thì rất
nên bỏ ra 10% khoản đó, tức là 100 triệu USD, để có một hệ thống xét nghiệm tối
tân và đầy đủ nhất có thể được, và làm chuyện đó càng sớm càng hay. Vì số
chuyên viên xét nghiệm có hạn, cần phải tìm mua các thiết bị xét nghiệm tự động
nhanh nhất và dễ dùng nhất.
.
Chính phủ Ấn ước lượng một
cái PCR test khoảng 3000 Rs (40 USD). Nếu làm 10 ngàn test /1 ngày thì tốn 400
ngàn USD / ngày. Tuy nhiên, kỹ thuật xét nghiệm covid-19 đang phát triển nhanh
chóng và giá sẽ rẻ dần.
https://economictimes.indiatimes.com/.../art.../74753826.cms
https://economictimes.indiatimes.com/.../art.../74753826.cms
ECONOMICTIMES.INDIATIMES.COM
No comments:
Post a Comment