Võ
Ngọc Ánh
25/04/2020
Các nước phát triển bị hấp dẫn bởi thị trường hơn một
tỷ dân, hậu cần tốt đã ‘nuông chiều’ Trung Quốc quá mức để biến quốc gia này
thành mối đe dọa toàn cầu.
Trong cơn đại dịch Covid-19,
thế giới nhận ra rằng, nhiều nước đang lệ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Sự lệ
thuộc này không chỉ khẩu trang, thiết bị y tế, dược phẩm… mà rất nhiều hàng
hóa, linh kiện cho các dây chuyền sản xuất, tiêu thụ trên khắp thế giới.
Rời khỏi Trung Quốc
Ngay trong lúc người Nhật
phải vật vã chống chọi với đại dịch virus Vũ Hán, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo
Abe, đã kêu gọi doanh nghiệp nước này rời khỏi Trung Quốc, đa dạng nơi sản xuất
cho doanh nghiệp Nhật.
Chính phủ Nhật còn dành
hơn 2 tỷ đô la Mỹ trong gần 1.000 tỷ đô của gói kích thích kinh tế bởi đại dịch
Covid-19 để hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản rút khỏi Trung Quốc.
Liên hiệp châu Âu từng cổ
vũ rất nhiều cho việc đầu tư, làm ăn với Trung Quốc để đi tìm thị trường xuất
khẩu cho các quốc gia trong khối, nay họ đang nhận trái đắng khi nhiều quốc gia
phát triển ở châu lục này quá lệ thuộc vào Trung Quốc.
Ông Bruno Le Maire, Bộ
trưởng Kinh tế – Tài chính Pháp từng nói trên đài phát thanh France
Inter hồi tháng Ba: “Cần phải giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu một số
sản phẩm từ nước ngoài. Đặc biệt là Trung Quốc”. Ông cũng kêu gọi, củng cố
chủ quyền qua các lĩnh vực chiến lược mà Pháp có thế mạnh như xe hơi, hàng
không vũ trụ, y học…
Không như Mỹ, hay Nhật Bản,
châu Âu đang còn kín tiếng trong việc chơi với Trung Quốc trong tương lai. Tuy
nhiên, việc liên minh EU, hay các quốc gia trong khối này công bố kế hoạch giảm
sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong thời gian tới sẽ không lạ. Bởi chiến lược
“Made in China 2025” nếu thành công, không chỉ Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Mỹ, mà
châu Âu sẽ là vùng chịu tổn hại nặng nề.
Con quái vật đang
nuốt thế giới
Việc dung túng cho Trung
Quốc là câu chuyện dài bắt nguồn từ chuyến thăm của Richard Nixon đến Trung Quốc
vào năm 1972. Tất nhiên, quan hệ Mỹ – Trung sau đó, không phải lúc nào cũng nồng
ấm, nhưng phải thừa nhận chính
Mỹ đã ‘mở khóa’, giúp cho Trung Quốc lớn mạnh. Từ mở cửa chính trị, đến
mở cửa về kinh tế. Để giờ đây phải vất vả đối phó với quốc gia tham lam này.
Khi Đặng Tiểu Bình lên
thay Mao Trạch Đông, nền kinh tế Trung Quốc thay đổi và lớn mạnh nhanh chóng. Sức
hấp dẫn ở thị trường đông đúc, cung ứng hậu cần tốt, dễ dãi trong các quy định
về môi trường, an toàn, đãi ngộ… đã thu hút các doanh nghiệp trên khắp thế giới
đến Trung Quốc tận dụng nguồn lao động giá rẻ, khai thác thị trường, tăng lợi
nhuận.
Từ Toyota, BMW,
Mercedes-Benz, đến Microsoft, Apple, Samsung… đều tìm đến ‘vùng đất hứa’. Trung
Quốc từng bước đưa ra điều kiện, muốn tiêu thụ sản phẩm tại quốc gia đông dân
nhất hành tinh, phải cho doanh nghiệp của họ tham gia vào sản phẩm. Gọi nôm na,
tỷ lệ nội địa hóa. Đến việc khuyến khích mở trung tâm nghiên cứu, tuyển người bản
xứ để được giảm thuế. Cuối cùng, Trung Quốc chơi bài ngửa, buộc phải chuyển
giao công nghệ nếu muốn tiếp tục có mặt tại xứ này.
Cách làm có chiến lược, ru ngủ phương Tây bằng thị trường và lợi nhuận
để nuôi Trung Quốc trở thành một cường quốc sản xuất, công nghệ, chinh phục vũ
trụ hàng đầu thế giới. Từ sản xuất chip xử lý
đến điện thoại thông minh, máy tính. Từ linh kiện đến xe hơi. Từ sản xuất máy
bay đến chinh phục vũ trụ… Nhiều lĩnh vực công nghệ Trung Quốc đang ở tốp đầu của
thế giới như trí tuệ nhân tạo, mạng 5G, pin năng lượng mặt trời… “Made in
China”, trở thành câu tiếng Anh phổ biến nhất trên hành tinh, cho thấy sức bành
trướng của hàng hóa từ Trung Quốc.
Trung Quốc trở thành quốc
gia thu tóm không ít ‘đại gia’ thế giới. Năm 2018, tỷ phú Li Shufu của Trung Quốc
đã bỏ ra khoảng 9 tỷ đô la Mỹ để mua cổ phần của Daimler AG (Công ty sở hữu
thương hiệu Mercedes-Benz). Shufu trở thành cổ đông lớn nhất của tập đoàn công
ty này. Trước đó vào năm 2010, tỷ phú Shufu cũng đã mua hang xe Volvo Cars của
Thụy Điển rồi chuyển trung tâm sản xuất từ châu Âu sang Trung Quốc.
Lenovo Trung Quốc đã mua
lại thương hiệu điện thoại di động Motorola từ tay Google trong năm 2014. Trước
đó, năm 2005 hãng này cũng mua phần kinh doanh máy tính thương hiệu IBM. Ngoài
ra, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã mua cảng biển ở Hy Lạp, Hà Lan để đưa hàng
vào châu Âu… Đã có hàng trăm thương hiệu một phần, hoặc toàn bộ về tay người
Trung Quốc.
Từ chỗ trông chờ vào đầu
tư nước ngoài, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư đáng nể trên quy mô toàn cầu.
Liên kết để thắng
Trung Quốc
Điều may mắn trong cơn đại
dịch Covid-19 này là, các quốc gia phát triển đã nhận thức được lệ thuộc vào
Trung Quốc quá nhiều và nhận ra rằng, họ phải giảm sự phụ thuộc này. Cần đưa
doanh nghiệp của họ trở về, hoặc phân tán ra nhiều nước. Đây không chỉ là vấn đề
giải quyết việc làm trong nước, mà trên hết là vấn đề an ninh về tự chủ hàng
hóa, kỹ thuật, công nghệ của các quốc gia.
Tổng thống Mỹ Donald
Trump đã khơi mào một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ông tăng thuế lên
các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, buộc doanh nghiệp tại Trung Quốc muốn
bán hàng sang Mỹ với giá thấp phải đầu tư vào Mỹ hoặc tìm đến quốc gia khác để
đặt nhà máy sản xuất. Trung Quốc không muốn điều này, đã phải chấp nhận thương
lượng, đôi bên cùng có lợi theo kiểu Donald Trump. Cuộc chiến kết thúc. Việc đấu với Trung Quốc chỉ kết
thúc nửa vời. Thế giới vẫn tiếp tục lệ thuộc vào hàng hóa, thiết bị, vật
tư, chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.
Trump chỉ
hướng đến sự công bằng cho mỗi nước Mỹ. Trump gạt bỏ Nhật Bản, Nam Hàn, châu Âu
để đi tìm cái lợi cho riêng nước Mỹ. Ông ấy quên đi sự phối hợp với các đồng
minh truyền thống, chia sẻ cùng các giá trị để cùng thắng Trung Quốc.
Điều dễ thấy, nếu doanh
nghiệp sản xuất ở Mỹ giá thành sản phẩm sẽ tăng, buộc người tiêu dùng phải cân
nhắc khi mua, mất đi tính cạnh tranh. Điều này khiến doanh nghiệp sản xuất ở Mỹ
về lâu dài sẽ bị yếu so với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực đặt nhà máy tại
Trung Quốc. Do đó thế giới cần phải bắt tay cùng nhau để đấu với con quái vật
đang lên này.
Hiệp định TPP (nay là CPTPP) khởi xướng từ thời tổng
thống Barack Obama như cách để ‘xây rào’ vây quanh, hạn chế sức ảnh hưởng của
Trung Quốc, tiếc thay, Donald Trump đã xé bỏ ngay trong những ngày đầu nhậm chức. Nếu Trump bài bản hơn, có thể đàm phán lại
hiệp định này để có lợi hơn cho Mỹ và các nước, cũng như thắng Trung Quốc triệt
để hơn. Nhưng Trump không muốn thế, Trump chỉ thích gây chia rẽ như cái cách của
Nga và Trung Quốc ưa sử dụng.
Thế giới đang nhận thức
rõ sự lệ thuộc và nguy hiểm của Trung Quốc. Điều cần làm tiếp theo là, hãy ngồi
vào bàn cùng làm việc để chiến thắng nền kinh tế đứng nhì thế giới. Rõ ràng
Trung Quốc hôm nay không dễ thắng như Liên Xô trong thời chiến tranh lạnh, bởi
nền kinh tế toàn cầu hiện nay có quá nhiều sự đan xen, lệ thuộc lẫn nhau.
Nêu nhớ, để chiến thắng Liên Xô và cả khối XHCN, khối phương Tây, dân
chủ đã tạo thành một liên minh chặt chẽ. Do đó, muốn chiến thắng Trung Quốc
thì Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, tất cả các nước phát triển phải tạo thành
một mặt trận thống nhất chứ không phải cách làm đầy chia rẽ, ngẫu hứng, chỉ biết
nước Mỹ theo cách Donald Trump đã làm, vì chắc chắn không thể thắng được bá quyền
Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment