Thursday, 23 April 2020

BAO GIỜ CHÍNH PHỦ VIỆT NAM LẤY LẠI ĐƯỢC "NHÀ CỦA MÌNH"? (Thảo Ngọc)




Thảo Ngọc
23/04/2020

Nói “nhà của mình” có nghĩa là những tài sản này là của dân. Vì nhà nước này được minh định là “Nhà nước của Dân, do Dân và vì Dân”.

Việc đòi lại những căn nhà công vụ mà nhà nước đã cho những cán bộ cấp cao ở trong thời gian tại nhiệm, trên nguyên tắc, sau khi các vị đó không còn tại nhiệm nữa thì đương nhiên phải trả lại cho nhà nước.

Đây không phải là việc khó khăn phức tạp như việc đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa mà giặc Tàu đã cướp của nước ta trước đây. Những kẻ mượn nhà công vụ ở theo chế độ, nay hết chế độ ưu đãi mà cố tình ù lỳ, câu giờ, không chịu trả, mặc dù đã nhiều lần nhận được giấy đòi nhà của cơ quan nhà nước, vẫn muốn chiếm đoạt những tài sản đáng giá hàng ngàn lượng vàng này, từng giữ những chức vụ quan trọng như Bộ trưởng, Thứ trưởng hoặc cấp hàm tương đương.

Nhiều vị từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN, từng là Đại biểu Quốc hội nhiều khóa liền, đã bao nhiêu năm được “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách HCM”. Lẽ ra các vị phải là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo. Thế nhưng…

Đặc điểm chung của các vị này là khi bị đòi nhà, họ đã nại ra rất nhiều lý do buồn cười để kéo dài thêm thời gian ở lại, mong có ngày “để lâu cứt trâu hóa bùn”.

Nào thì là chưa kiếm được nhà mới cho ưng cái bụng. Nào thì là nhà cũ quá chật hẹp mà lại đông người. Nào thì là ngôi nhà mới không được khang trang lộng lẫy như nhà công vụ. Nào thì là ngôi nhà mới ở xa trung tâm, không thuận tiện cho sinh hoạt…

Theo quy định, cán bộ có chức danh thứ trưởng hoặc tương đương, nếu không có nhà ở, có tiêu chuẩn sẽ được thuê căn hộ nhà ở công vụ diện tích 100 – 115m2 và thêm 6m2 nhà ở/1 thành viên gia đình. Ngoài ra, các căn hộ này còn được nhà nước trang bị nội thất gồm bàn ghế, tivi, máy điều hòa, tủ lạnh, tủ bếp, máy hút mùi, giường, bình nóng lạnh… có giá trị từ 120 đến 250 triệu đồng/căn.

Đó là lý do vì sao một số cựu cán bộ cao cấp thích ở “chùa” căn hộ công vụ. Thậm chí có vị còn muốn biến căn hộ công vụ thành “nhà của ông”.

Báo Thanh Niên ra ngày 21/4/2020 có bài: “Bộ Xây dựng đòi nhà công vụ của 12 cựu quan chức”.

Theo đó: “Bộ Xây dựng vừa cho biết đã gửi thông báo đến 12 cựu quan chức yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1 – CT2, khu đô thị Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Theo bộ này, 12 cựu quan chức trên được Chính phủ giao nhà ở công vụ khi đang đương chức, nhưng nay đã về hưu. Bộ Xây dựng nhiều lần gửi văn bản yêu cầu trả nhà, vẫn chưa nhận được động thái tích cực”. (1).

Có thể nói, việc một số quan chức cao cấp sau khi về hưu, muốn chiếm đoạt nhà công vụ đã mang tính hệ thống, không chỉ là một lần với một người, mà rất nhiều lần với rất nhiều người.

Vì khi họ còn đương chức đương quyền, họ được hưởng bao nhiêu là đặc ân của chế độ, bao nhiêu là sự ưu tiên, ưu đãi dành cho họ. Đến khi về hưu thì họ khó chấp nhận cuộc sống đời thường, mặc dù sự đãi ngộ ít đi so với trước.

                                              ***

Ngược dòng thời gian, vào năm 2017, cựu Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, sau khi về hưu cũng chây ì không chịu trả nhà công vụ.

Ông Hà Hùng Cường từng là Ủy viên Trung ương ĐCSVN khoá X, XI, là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII, XIII. Bộ trưởng Tư pháp từ tháng 8/2007 đến 04/2016.

Gia đình ông từng có nhà riêng tại số 10 dãy D, Khu 142 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội. Ông Hà Hùng Cường đã được Bộ Xây dựng bố trí cho nhà ở công vụ tại căn hộ số 1203, tầng 12, tháp B, nhà chung cư CT1 – CT2, khu đô thị mới Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Nhưng cho đến khi không còn làm Bộ trưởng Tư pháp nữa, Bộ Xây dựng đã có Thông báo số 582/TB-BXD về việc trả lại nhà ở công vụ đối với ông Hà Hùng Cường do hết tiêu chuẩn nhà ở công vụ. Tuy nhiên, ông Hà Hùng Cường lại có đơn đề nghị được mua lại căn hộ công vụ nói trên, nhưng không được giải quyết. Và ông vẫn “quyết tâm” ở lại ngôi nhà này, đến nỗi báo chí phải lên tiếng rằng: Ông Hà Hùng Cường nên trả lại nhà công vụ để giữ thể diện cho mình. Mãi đến cuối tháng 6 năm 2017, ông Hà Hùng Cường mới chịu trả nhà.

Trường hợp cựu Chủ tịch Hà Nội Hoàng Văn Nghiên lại phức tạp hơn nhiều. Ông Hoàng Văn Nghiên từng là Ủy viên BCHTƯ khóa VII, VIII, IX, làm Chủ tịch Hà Nội từ tháng 12/1994 đến tháng 5/2004.

Trước khi về ở căn biệt thự tại 12 Nguyễn Chế Nghĩa theo tiêu chuẩn của Chủ tịch Hà Nội, ông Hoàng Văn Nghiên đã có một căn nhà thuộc phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng).

Sau khi thôi chức Chủ tịch Hà Nội, ông Hoàng Văn Nghiên đã chuyển sang ở tại một căn biệt thự tại Khu Đô thị Ciputra hạng sang nhất ở Hà Nội. Còn căn biệt thự số 12 đường Nguyễn Chế Nghĩa, ông Nghiên lại cho người thân của ông đến ở. Chính quyền Hà Nội đã phải vất vả vật lộn trong 8 năm trời, báo chí đã lên tiếng và dùng từ chây ì đối với ông, thậm chí nhiều vị ĐBQH đã gay gắt lên tiếng đòi xử lý kỷ luật đảng, thì ông Nghiên mới chịu nhả ra, Hà Nội mới lấy lại được căn biệt thự này.

Đó là việc cán bộ cao cấp ở nhà công vụ. Còn việc nhà nước mượn nhà của dân cũng lắm chuyện bi hài không kém. Trong số những ngôi nhà mà nhà nước viết giấy mượn dân đàng hàng nhưng sau đó chiếm luôn thì nhiều vô kể. Trong đó nổi bật nhất là căn nhà số 34 phố Hoàng Diệu, khu Ba Đình của gia đình cụ Trịnh Văn Bô.

Trong Tuần Lễ Vàng năm 1945, gia đình cụ Trịnh Văn Bô đã hiến cho nhà nước 5.147 lượng vàng. Ngoài ra, gia đình cụ đã hiến ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang cho nhà nước, và chăm sóc nuôi nấng toàn bộ cán bộ Trung ương đảng trong những ngày đầu cách mạng.

Về giá trị của ngôi nhà 48 Hàng Ngang, ngôi nhà hai mặt tiền nơi Phố Cổ này, có vị trí thuận lợi, nằm tại khu trung tâm buôn bán sầm uất và thông ra mặt phố Hàng Cân và phố Hàng Ngang, với tổng diện tích lô đất là 420 m2. Ngôi nhà có 4 tầng lầu này có giá tương đương 13.175 lượng vàng SJC vào năm 2017. Nghĩa là giá trị căn nhà 48 Hàng Ngang mà gia đình cụ Trịnh Văn Bô hiến, có giá trị hơn 2.5 lần số vàng gia đình cụ hiến trong Tuần Lễ Vàng.

Về ngôi nhà 34 phố Hoàng Diệu, ngôi nhà và lô đất này có diện tích 3000m2. Đây là khu trung tâm của quận Ba Đình, là “đầu não” của Thủ đô “Ngàn năm văn hiến”. Ngôi nhà này là một trong những biệt thự đẹp nhất, sang trọng nhất và lớn nhất, trên con phố đẹp nhất thủ đô. Ngôi nhà kiến trúc kiểu Pháp có ba tầng. Mỗi tầng diện tích 300 m2, sàn nhà được lát bằng gỗ lim đen nhánh, đến nay còn nguyên vẹn.

Năm 1954, sau khi Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (Bắc Việt) về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, lúc ấy Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN có viết giấy mượn ngôi nhà 34 phố Hoàng Diệu của cụ Trịnh Văn Bô, hẹn thời hạn 2 năm sẽ trả.

Sau này khi gia đình tướng Hoàng Văn Thái chuyển sang nhà khác, ngôi nhà này lại tiếp tục để cho con gái của tướng Hoàng Văn Thái, có chồng là Võ Điện Biên, con trai tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục ở.

Nhưng phải đến 50 năm miệt mài đi đòi, gia đình ông bà mới giành lại được ngôi nhà của chính mình, với một quyết định “Tặng”, do đã “có công lao to lớn đối với đất nước trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”.

Theo nhà báo Quốc Phong: “Hàng chục chữ ký của các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Chính phủ qua các thời kỳ đều ủng hộ việc trả nhà cho hai cụ. Nếu tính ra thì có đến hơn chục chữ ký ủng hộ trả nhà là của các uỷ viên Bộ Chính trị lão thành và đương chức qua các thời kỳ. Từ Chủ tịch nước Trường Chinh đến Thủ tướng Phạm Văn Đồng,… rồi sau này, phải đến thời kỳ ông Đỗ Mười làm Tổng bí thư, ông Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước, ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng, thì mới hoá giải được câu chuyện dài kỳ nói trên”. (2)

Vào tối ngày 9/10/2003, khi Bộ Quốc phòng bàn giao ngôi nhà này cho Bộ Tài chính quản lý, nhân lúc đêm tối, con cái cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (vợ cụ Trinh Văn Bô), mới đưa cụ bà “nhảy dù” vào chiếm lại ngôi nhà của mình. Và cụ bà cũng không quên mang theo can xăng để khi cần thì “nói chuyện” với quân kẻ cướp (lúc này cụ ông Trịnh Văn Bô đã mất).

Trở lại vụ 12 nhà công vụ nói trên, những người không chịu trả nhà công vụ cho chính phủ là những ai? Xin thưa đó là:

1.- Cựu Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Trần Văn Lý

2.- Cựu Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Nguyễn Văn Ngàng

3.- Cựu Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bà Nguyễn Thị Thu Hồng

4.- Cựu Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, bà Nguyễn Hồng Lý

5.- Cựu Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông Lều Vũ Điều

6.- Cựu Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bà Bùi Thị Thanh

7.- Cựu thứ trưởng, phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, ông Đinh Quế Hải.

8.- Cựu thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Huỳnh Vĩnh Ái.

9.- Cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, ông Hoàng Sỹ Thành.

10.- Cựu tổng biên tập Báo Điện tử Đảng cộng sản, ông Đào Ngọc Dũng.

11.- Cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Đặng Văn Chiến.

12.- Cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, ông Phạm Văn Vọng.

Tạm bỏ qua các vị thuộc khối Dân vận như Mặt trận, Liên đoàn Lao động, Hội nông dân, Ủy ban Dân tộc… vì thực chất các tổ chức mà họ lãnh đạo chỉ làm màu, làm cho có vẻ… dân chủ. Số còn lại từng một thời đại diện quyền lực cho pháp quyền và đạo đức của thể chế.

Như Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Huỳnh Vĩnh Ái; Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Hoàng Sỹ Thành; Tổng biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Đào Ngọc Dũng; Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, Phạm Văn Vọng; Phó Chủ nhiệm VPQH Đặng Văn Chiến… thì quả là đẹp mặt cho các quan quá.

Có người đề nghị thủ tướng ra quyết định buộc những ai còn chiếm dụng nhà của Dân phải trả tiền thuê nhà theo giá thị trường và nộp phạt. Dù lạm dụng một xu của Dân cũng là ăn cắp.

Cũng có người đề nghị đăng luôn cả ảnh chân dung 12 vị này lên báo nhà nước để dân biết mà tránh tiếp xúc vì rất dễ … nhiễm độc.

Cũng có người đề nghi loại mặt dày như này không nên cho trẻ tiếp xúc gần. Vì đã mặt dày, dĩ nhiên chúng sẽ bệnh hoạn về tâm hồn, sẽ ảnh hưởng đến trẻ nếu tiếp xúc gần.

Xem ra câu chuyện đòi lại nhà công vụ của các cựu quan chức sau khi đã về hưu mà không chịu trả, là câu chuyện dài nhiều tập, mà trong đó chứa rất nhiều uẩn khúc, có bi, có hài.

Không phải ngẫu nhiêm mà họ không chịu trả. Vì trước đây cũng đã có mấy vị “biến nhà công thành nhà ông” một cách trót lọt và êm thấm. Nay nhà nước vì những lý do tế nhị nào đó mà cho qua luôn và không nói ra. Còn những vị chưa trả lại nhà cũng chỉ nói bóng, nói gió mà không dám nêu thẳng thừng đích danh ra làm dẫn chứng.

Hãy chờ xem đến bao giờ thì chính phủ Việt Nam đòi lại được những căn nhà này.

------------
Chú thích:










No comments:

Post a Comment

View My Stats