Sunday, 22 March 2020

VIRUS CORONA : MẠNG XÃ HỘI TRANH CÃI VỀ 'VIỆT KIỀU' & 'NƯỚC NÀO GIỎI HƠN' (BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt
22/03/2020

BBC News Tiếng Việt điểm qua một số chủ đề mạng Facebook tiếng Việt tranh luận sôi nổi mấy ngày qua, liên quan đến dịch virus corona.

Ai là 'Việt Kiều' và tờ giấy chứng nhận 'không mắc Covid-19'

Việc một số trang mạng gọi dòng công dân Việt Nam, mà phần đông là du sinh về nước "tránh dịch" là "Việt Kiều" đã gây phản ứng trong nhiều cộng đồng người gốc Việt gồm những người chỉ có quốc tịch nước khác, song tịch, hoặc quốc tịch Việt Nam nhưng định cư ở nước khác.
Theo họ, danh xưng Việt Kiều chỉ những công dân Việt Nam hoàn toàn đó là sai.
Có người cho rằng không nên gọi "con em của chế độ" ở Việt Nam là "Việt Kiều" vốn là các cựu thuyền nhân, tỵ nạn.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến khái niệm "Việt Kiều" nay không còn như trước, gồm cả Việt Kiều Đông Âu, Việt Kiều ở Đông Nam Á, và báo chí Việt Nam cũng chỉ gọi dòng người trở về là "người Việt ở nước ngoài".

Mặt khác, một số người hỏi về "giấy chứng nhận không có virus corona" để có thể nhập cảnh trong trường hợp người về từ các nước có dịch.
Hiện gần như chưa có nước nào cấp hàng loạt kết quả xét nghiệm cho thấy ai đó đã miễn dịch Covid-19 nên việc Việt Nam đòi giấy này là điều bất khả thi, theo nhiều ý kiến.
Đào Diệu Nhật viết trên Facebook cá nhân từ Úc:
"Thôi rồi. Dân Úc khỏi về VN nhé. Ở Úc dù có đủ triệu chứng nhiễm mà không trong diện - vừa ở ngoại quốc về trong 14 ngày, - có tiếp xúc với người nhiễm thì không có cơ hội được xét nghiệm đâu. Lấy đâu cho được cái "giấy xác nhận không dương tính với virut" để trình cho đủ tiêu chuẩn nhập cảnh mà về.

Trong khi đó Hồng Sen viết trên Facebook của BBC News Tiếng Việt:
"VN nghèo nhưng tình nghĩa thương dân nên các bạn đừng nên quay lưng nhé!"

Mạng xã hội cũng chia sẻ mạnh ý kiến nói là của bạn Thanh Hường ở Ý.
Sau khi nêu bốn lý do "Vì sao tôi chưa về VN?" Facebooker này viết:
Điều tôi muốn nói ở đây là, các bạn kiều bào, các du học sinh, nếu thành phố của các bạn vẫn an toàn, bản thân các bạn đang khỏe mạnh, đừng ồ ạt kéo nhau ra sân bay, đó có thể chính là nơi nguy cơ lây bệnh cho các bạn.
Hơn nữa, bản thân tôi thấy cách truyền thông của báo chí Việt Nam đang gây ra một làn sóng di cư từ Châu Âu, Mỹ và các nước trở về VN của người VN ở nước ngoài. Chúng ta cần nhớ lại rằng cuộc chạy loạn của người Vũ Hán, người miền bắc nước Ý trước giờ phong tỏa chính là nguyên nhân lây lan dịch bệnh khắp nơi, và làn sóng trở về VN sẽ mang bao nhiêu nguồn bệnh trở về?
Nước Ý đã thông qua ngân sách hơn 660 nghìn tỷ để đối phó với dịch Covid-19, Nước ta còn nghèo, đồng bằng sông Cửu Long đang hạn hán nặng, nhân dân miền tây đứng trước nguy cơ đói và khát, chúng ta mỗi người nên bình tĩnh và suy nghĩ cho đại cuộc chung. Chính phủ và báo chí cũng nên có những đối sách hợp lý hơn cho "cuộc chiến chống Covid-19" còn kéo dài."

Mạng xã hội VN còn chia sẻ tin, bài, hình ảnh từ một số khu cách ly tập trung đón người từ nước ngoài về.
Có nhiều ý kiến khác nhau về ăn ở bên trong các khu này, nhưng cũng có lo ngại con số người chung phòng đông, gây ra vấn đề vệ sinh, và lây nhiễm Covid-19.

Nước nào đang chống dịch hiệu quả hơn?

Một số người chia sẻ bản dịch một bài trên báo South China Morning Post, Hong Kong khen cách làm của Hàn Quốc:
"Trong khi Trung Quốc, nơi có nguồn gốc của virus và gần đây là Italia đã cách ly hàng triệu công dân, Hàn Quốc đã không cách ly dân chúng - thậm chí cả ở Daegu, thành phố phía đông nam của quốc gia, trung tâm bùng phát dịch.
Thay vào đó, các nhà chức trách đã tập trung kiểm dịch bắt buộc đối với các bệnh nhân bị nhiễm bệnh và những người mà họ đã tiếp xúc gần gũi, đồng thời khuyên công chúng ở trong nhà, tránh các sự kiện công cộng, đeo khẩu trang và thực hành vệ sinh tốt."

Hiện có không ít ý kiến trên Facebook ở Việt Nam đổ lỗi cho cách chống dịch thiếu chặt chẽ của Anh Quốc, và cho là vì thế mà Việt Nam "bị thiệt hại". Họ cũng chú ý đến các biện pháp kinh tế - xã hội mới nhất là chính phủ Anh đưa ra.

Đỗ Thành Long viết trên Facebook của BBC:
"Các ca mắc mới ở VN Việt kiều ở Anh về chiếm khá nhiều, vậy nên chứng tỏ số người nhiễm và vùng bị nhiễm bệnh bên đó khá lớn. Dịch bệnh vs Anh bây giờ là chuyện rất đáng nói."

Trần Như Vân viết:
"Dịch xảy ra ở Vũ Hán khá lâu sau mới lan đến Âu Mỹ. Thực tế cho thấy lãnh đạo ở Âu Mỹ cũng chỉ là những anh mù rờ voi thôi. Điều tốt nhứt là những người mang bịnh sùng bái Âu Mỹ nên nhìn nhận sự thật."

Trước tin chính phủ Anh trả lương 80% cho mọi người lao động không có việc làm vì dịch virus H.M. Đức viết:
"Vậy mà có ai đó ở đây mù thông tin về BBC và thế giới, chỉ chui ra từ truyền thông ao làng bị rào 3 lớp đã tung hô chỉ có CNXH mới chữa bệnh miễn phí và trợ cấp cho người phải bị cách ly."

Huong Liz Nguyen thì viết:
"Người Anh vẫn luôn là một dân tộc đáng kính trọng vì sự tử tế, thông minh và bản lĩnh. Thế nên cả thế giới họ mới ngưỡng mộ. Còn nhiều người Việt chỉ biết tự sướng với nhau vì có chung tầm nhìn là cái miệng giếng."

Facebooker Phạm Đoan Trang nêu ra hiện tượng 'dịch chửi' trên Facebook.
Theo bà, có một cách lý giải phản ánh nhận thức khác, thậm chí trái ngược nhau của nhiều người Việt Nam:
"Chứng kiến "dịch chửi" này, tôi nghĩ rằng có lẽ nó xuất phát từ một nguyên nhân rất sâu xa là tâm lý ghen tị của một số (có thể rất đông) người Việt trong nước. Xin gọi là "chúng ta", bởi vì có tôi trong đó. Thẳm sâu trong lòng, chúng ta thèm được sống trong sự đầy đủ về vật chất và bình an về tinh thần, được hưởng phúc lợi xã hội tốt, được tôn trọng nhân quyền nhân phẩm, được chính quyền đối xử tốt thông qua một bộ máy hành chính, công an… lịch thiệp, trân trọng công dân.
Nhìn thấy chính quyền Nhật Bản trả lương cho người lao động nghỉ việc ở nhà tránh dịch, nhìn thấy chính quyền Mỹ cho tiền mỗi đầu dân cả ngàn đô-la, chúng ta… thèm quá đi chứ. Nhưng thèm thế thôi, cũng biết là không bao giờ có được điều đó ở Việt Nam, từ trước đến nay. Nên từ đó, sinh ra một tâm lý ghen tị, đố kỵ, và thù ghét những người cũng gốc gác, thân phận Việt Nam như mình mà lại được nhà nước của họ chăm lo, được thảnh thơi, vui vẻ trong dịch bệnh. Cảm xúc ghen ghét ấy diễn ra ngấm ngầm trong mỗi chúng ta, mà chính chúng ta cũng không nhận ra, vì nó gần như vô thức."

Viết trên trang Viet Intellect, nhà giáo Ly Phạm lại có cái nhìn tổng quát hơn, cả về sau khi dịch Covid-19 qua đi:
"Mỗi quốc gia có cách phản ứng khác nhau, vì mỗi nước có thể chế và điều kiện kinh tế- văn hóa khác nhau, chưa nói giới cầm quyền các nước có những mục tiêu khác nhau. Quan sát và phân tích phản ứng của chính phủ các nước trong đại dịch chắc chắn sẽ là đề tài thú vị cho nhiều bài nghiên cứu chính sách sau này."

Lo ngại trong các cộng đồng VN ở nước ngoài

Có nhiều ý kiến khác nhau trong cộng đồng mạng tiếng Việt.
Một số cho rằng họ chỉ mua đủ cho gia đình, một số khác nói cần tích trữ ít nhiều vì không rõ thời gian phong tỏa, cách ly sẽ kéo dài bao lâu.

Trên Facebook của BBC News Tiếng Việt:

Minh Khoa Lê nêu ra giải thích về nạn mua tích trữ hàng:
"Không tin chính quyền minh bạch. 2. Sợ lên giá 3. Sợ những biến cố cực đoạn diễn ra tiếp theo (đã là thảm họa thì nó sẽ kéo theo hai ba cái khác) 4. Giải tỏa tâm lý bất an khi người ta có mình cũng phải có. 5. Kinh nghiệm và thực tế cho thấy, trữ là cần thiết, như vụ khẩu trang, ai dám bảo mấy người mua trữ là thiển cận."

Trước tin nghề nail của người Việt ở Anh ế ẩm vì không có khách, Minh Thanh viết trên Facebook của BBC News Tiếng Việt:
"Nếu người Việt ở nước ngoài có khó khăn thì về nước có đảng nhà nước lo, hiện đảng đã gửi tin nhắn quyên góp ủng hộ rồi."

Hoai Nguyen Dinh chia sẻ:
"Nói chung trên thế giới thì ngành nào cũng thiệt hại lớn, chỉ có hiệu thuốc và siêu thị thì mới được hoạt động ,càng phát triển giàu có thì càng thiệt hại, vì phải trả lương thất nghiệp và tiền cho người ăn xã hội và tiền trẻ em."

-----------------

Tin liên quan
·        

·        

·        

·        




No comments:

Post a Comment

View My Stats