Sunday, 1 March 2020

SÔNG CẠN (S.T.T.D Tưởng Năng Tiến)




S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.

Trần Tế Xương

***

Năm 1979, nhà văn Nguyên Ngọc được bè bạn ở Cambodia mời xuống thuyền đi dạo chơi và thưởng thức một bữa cháo cá no cành hông luôn. Ra về, ông nói chắc như bắp: “Cá Biển Hồ, cứ vục tay xuống nước, túm lên ngay được một con, to tướng, béo ngậy.”

·         Bộ thiệt vậy sao?

·         Vâng, quả là có đúng như thế thật!

Chả thế mà cái hồ nước ngọt mênh mông này đã từng nuôi sống mấy triệu ngư dân, và là nguồn cung cấp chất đạm chính cho hai phần ba người dân ở Cambodia. Sở dĩ được vậy là nhờ vào dòng Mê Kông, chứ không phải là gì khác.

Bản đồ sông Mekong với hệ thống đập dày đặc trên thượng nguồn

Bắt đầu từ Tây Tạng nó chảy qua Trung Hoa, Miến, Lào, Thái rồi khi vào đến Xứ Chùa Tháp thì “đụng” Tonlé Sap. Vào mùa nước lớn, áp lực của Mê Kông khiến cho con sông nhỏ bé hơn phải chảy ngược dòng làm tăng thể tích lẫn diện tích Biển Hồ. Tonlé Sap Lake biến thành nơi sinh sống lý tưởng của rất nhiều loài cá nên “cứ vục tay xuống nước, túm lên ngay được một con, to tướng, béo ngậy” không phải là chuyện nói khi vui miệng.

Cách đây cũng chưa lâu lắm, vào hôm 1 tháng 5 năm 2005, một ngư dân ở Bắc Thái còn bắt được một con catfish nặng tới 292 ký ở sông Mê Kông. Tuy thế, dường như, cũng chả mấy ai coi đây là chuyện lạ lùng hay đáng để ngạc nhiên. Có ngạc nhiên chăng là tất cả những điều vừa kể đều nay đã trở thành huyền thoại.

Bây giờ thì mấy con giant catfish (và đủ loại cá “khủng” khác nữa) chỉ còn thấy ở … trên bờ. Chúng được người dân địa phương đúc hình bằng xi măng, rồi đặt dọc theo bờ sông  để (coi chơi) làm kỷ niệm – những kỷ niệm buồn!

Trái : Giant catfish. Phải : Siamese tigerfish, cùng hàng chục loại cá khổng lồ khác nữa được đặt dọc theo bờ sông, trên đường RimKong Alley, Nong Khai, Thailand . Ảnh (tnt) 2/2020

Bữa nay mà Nguyên Ngọc thò tay xuống Biển Hồ thì chỉ còn … bốc được nước thôi vì hằng trăm cái đập lớn/nhỏ xây trên dòng Mê Kong đã chận đường sinh sản của vô số chủng loại di ngư, và khiến chúng đang dần tuyệt chủng.

Năm 2014, lần đầu tiên vào Biển Hồ, tôi đã thấy đồng bào mình nuôi cá thay vì đi lưới. Cùng lúc, những lúc rảnh rỗi, họ cũng bắt ốc (mỗi ký bán được 4000 riels – cỡ một Mỹ Kim) để kiếm thêm thu nhập. Tết rồi, tôi trở lại nhưng không thấy ai chống ghe loanh quanh giữa những bè lục bình để tìm ốc nữa. Hỏi thăm thì nhận được câu trả lời ráo hoảnh: “Còn đâu nữa mà bắt!” 

Tôi hay ra vô Biển Hồ nhưng ít khi ở “chơi” lâu lắm. Bia rượu rất hiếm, đã đành; điện cũng khỏi có luôn. Kiều Bào ở ngoài này dùng bình ắc quy là chủ yếu, và chưa ai từng nghe nói tới cái desktop hay labtop bao giờ. Còn tui mà thiếu internet thì chắc chết (chết chắc) nên mắt trước mắt sau là thế nào cũng lật đật giang ghe ra Pursat, rồi đón xe đò chạy về lại Phnom Penh tức khắc.

Sông Mekong cạn ở Lào

Vừa tới nơi đã nhận được hung tin (“Hành khách trên du thuyền cập cảng Campuchia nhiễm Covid-19”) nên tôi bay luôn qua Vientiane cho nó đỡ phiền hà. Lên đến thượng nguồn mới hay là tình trạng “sức khoẻ” của sông Mẹ (Mènam Khong, gọi theo tiếng Lào) cũng không được khả quan gì cho lắm! 

Khi còn ở Thái Lan, có bữa, đang ngồi lơ tơ mơ hút thuốc lá vặt trên ban công của một cái khách sạn ở Nông Khai thì tôi chợt thấy một con cò trắng giữa sông. Nó đang đứng trên dề lục bình chăng? Không, có thấy bình/bát gì đâu. Hoá ra đoạn sông trước mặt có chỗ cạn gần trơ đáy nên chú cò mới đứng được tỉnh queo trên cát như vậy đó.

Bên Lào cũng không khác. Trụ sở Ủy Ban Sông Mê Kông  (Mekong River Commission – MRC) của nước này nằm sát cạnh bờ. Mấy năm trước, mỗi khi đi ngang qua toà nhà này – vào mùa nước lớn – tôi vẫn nghĩ vui rằng: Nếu đứng từ đây mà quăng cần câu máy, dám bắt được cá lắm nha, gẩn xịt thôi mà. Bữa nay thì đất bồi đã xa ra cả cây số rồi, chiều ngang con sông (cũng là ranh giới thiên nhiên của Thái và Lào) đã thu hẹp lại chỉ còn khoảng còn đôi ba trăm mét là cùng. Giữa trưa, đứng bên bờ này nghe rõ tiếng gà gáy (xao xác) bên kia nước láng giềng mà không khỏi có thoáng chút cảm hoài.

Trái : MK nhìn từ Nông Khai, Bác Thái.  Phải : MK nhìn tjuwf Viêng Chân, Lào.  Ảnh : tnt 2/2020 

Thảo nào mà tổ chức Save the Mekong cảnh báo: “Chúng ta có lẽ là thế hệ cuối cùng có thể chèo thuyền trên dòng sông này, hoặc thậm chí là có thể tưởng nhớ về sự hùng vỹ và rộng lớn một thời của nó.”

Thượng điền tích thủy hạ điền khan! Lào, Thái mà còn khô hạn đến như vậy thì VN – tất nhiên – phải thê thảm hơn nhiều:


Nhà nước VN “đối phó với nguy cơ xoá sổ” này bằng cách nào?

Bằng … nghị quyết, quyết định và chỉ thị! 

N.Q 20/NQ-CP, ban hành ngày 17 tháng 11 năm 2017: “Đưa ra những chiến lược có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững ĐBSCL.” 

Châu thổ sông Cửu Long khô kiệt nước

Qua năm 2018, VTC NEWS (đọc được vào hôm 20 tháng 6) ái ngại cho hay: “1,7 triệu người đã rời khỏi đồng bằng Sông Cửu Long.” Thế là Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ký thêm cái Quyết Định 417/QĐ-TTg để ban hành chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.” 

Đến năm 2020, sau khi nghe báo cáo nhiều hồ chứa, hồ thủy điện, thủy lợi xuống mức tích trữ chỉ đạt được 20-40 phần trăm (so với mức dự tính) thì T.T Nguyễn Xuân Phúc ra “chỉ thị hỏa tốc về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.” 

 Nhà Nước quyền biến và linh động (tới) cỡ đó thì kể như là hết biết luôn rồi!

Chả những thế, sau N.Q 2017 và QĐ 2018, cả thế giới đều bàng hoàng khi biết: “Việt Nam trở thành đối tác với Lào trong dự án thủy điện Luang Prabang.” Bỉnh bút Phú Lộc của Tạp Chí Luật Khoa hốt hoảng đặt câu hỏi: “Đầu tư thuỷ điện ở Lào, Việt Nam chung tay huỷ hoại sông Mekong?”

Câu hỏi này được hồi đáp tức thì:

·         T.S Lê Anh Tuấn, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Về Biến Đổi Khí Hậu: “Các quan chức Việt Nam đồng lõa với quyết định hợp tác xây dựng dự án thủy điện Luang Prabang phải chịu trách nhiệm lịch sử và chính trị với nhân dân Việt Nam.”

·         B.S Ngô Thế Vinh, tác giả Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng: “Từ nay Việt Nam sẽ chẳng thể còn một tiếng nói chính nghĩa và thuyết phục nào đối với cộng đồng 70 triệu cư dân sống trong lưu vực sông Mekong và trước cả thế giới.”

·         Giám Đốc Chương Trình Đông Nam Á, Trung Tâm Nghiên Cứu Stimson, Brian Eyler: “Việc một công ty Việt Nam tìm cách xây dựng đập Luang Prabang trên dòng chính sông Me Kong ở Lào, theo tôi, Việt Nam đang phạm sai lầm lớn… làm điều đó chẳng khác nào Việt Nam tự bắn vào chân mình.”

Nói thế thì e rằng tác giả Brian Eyler đã vô tình đồng hoá đám cái lãnh đạo CSVN hiện nay với cả đất nước và dân tộc này rồi. Chúng tôi chả có lý do gì để “tự bắn vào chân mình” hết. Còn bọn họ thì có thể rót luôn súng đại bác vào di sản của tổ tiên, chứ có đứa nào quan tâm hay đếm xỉa gì đến vài ba (trăm) con đập ở thượng nguồn.

Tưởng Năng Tiến

By : UyenVu







No comments:

Post a Comment

View My Stats