Trong khi cả nước đang bối rối trước tai họa rình rập
của coronavirus thì có một tai họa còn khủng khiếp hơn nhiều, một cái chết được
báo trước đang xảy ra, tuy âm thầm nhưng lừng lững tiến tới ở đồng bằng sông Cửu
Long (ĐBSCL).
Khô hạn khốc liệt đang diễn ra ở ĐBSCL. Nguồn
UNESCAP
Nếu được hỏi nguy cơ lớn nhất cho sự tồn vong của
ĐBSCL là gì, tôi sẽ không ngần ngại trả lời: nước, nước, nước, và nước.
Vấn đề nước đầu
tiên ở ĐBSCL là ô nhiễm nguồn nước mặt – cái giá phải trả
cho việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu quá mức để duy trì lúa vụ 3 và tăng sản
lượng nông nghiệp. Thêm vào đó, ô nhiễm từ hoạt động nuôi trồng và chế biến thủy
sản làm tình trạng ô nhiễm càng trở nên nghiêm trọng. Trước đây ở đồng bằng hầu
như trẻ em nào cũng biết bơi, bây giờ đến nhảy xuống sông tắm còn không dám vì
sợ ô nhiễm.
Vấn
đề nước thứ hai ở ĐBSCL là việc khai thác nước ngầm quá mức, một mặt là
do nước mặt quá ô nhiễm nên không sử dụng được, mặt khác vì tình trạng quản lý
yếu kém nguồn tài nguyên “cha chung không ai khóc” này. Khai thác nước ngầm quá
mức, cùng với áp lực của các công trình xây dựng và hạ tầng, khiến nền đất bị sụt
lún nghiêm trọng, có nơi lên tới 2-3 cm mỗi năm. Nếu tình trạng này tiếp diễn,
chỉ trong 20-30 năm nữa, những nơi này sẽ tụt xuống dưới mực nước biển (xem ảnh
dự báo ở dưới).
Độ cao so với mặt nước biển của ĐBSCL theo các kịch bản khác
nhau (khai thác nước ngầm, khai thác cát, bổ sung
phù sa và nước biển dâng).
Vấn đề nước
thứ ba là sự suy giảm về cả khối lượng và chất lượng nước do mạng lưới chằng chịt hàng trăm đập thủy điện ở thượng nguồn gây ra.
Thiếu nước ở ĐBSCL – điều chúng ta đang chứng kiến mấy tuần qua – đã ngày càng
trở nên nghiêm trọng trong mùa khô. Mặc dù trong mùa mưa, các đập của Trung Quốc
chỉ chiếm khoảng 7% lượng nước trong toàn bộ hệ thống nhưng vào mùa khô, tỷ lệ
này có thể lên tới 40-50%, khiến cho lượng nước ở hạ nguồn bị phụ thuộc rất lớn
vào việc vận hành các đập của Trung Quốc. Bên cạnh đó, một lượng lớn phù sa và
cát bị kìm giữ bởi các đập thượng nguồn – ước lượng hiện nay đã lên tới 50% –
cũng làm ĐBSCL mất đi nguyên liệu để bồi đắp cho đồng bằng. Điều này cùng với nạn
khai thác cát bừa bãi và vô độ trong nhiều năm khiến tình trạng mất đất và sạt
lở ven biển trở nên hết sức trầm trọng.
Vấn đề nước
thứ tư là mực nước biển dâng và nhập mặn do biến đổi khí hậu. Hiện nay, mỗi năm nước biển dâng trung bình khoảng 3 – 4 mm. Như
vậy, mặc dù không phủ nhận tầm quan trọng của hiện tượng này, song cần nhớ là mức
sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức và do các công trình xây dựng và hạ tầng
gây ra có thể còn cao hơn tới 10 lần. Hơn nữa, việc nhập mặn tuy bất lợi cho
lúa nhưng lại có lợi cho tôm, cá và các hoạt động nuôi trồng thủy sản khác vốn
đem lại lợi ích kinh tế cao hơn nhiều lần so với canh tác lúa 3 vụ, trong khi
không gây biến đổi và tác hại môi trường.
ĐBSCL – nơi cư ngụ của hơn 20 triệu người
Việt Nam – đang chết dần chết mòn. Nguyên nhân chính
không phải vì biến đổi khí hậu hay do các con đập thượng nguồn, mà vì sự hội tụ
và tích tụ của nhiều bất cập chính sách và tập quán nông nghiệp trong suốt qua
ba thập kỷ gần đây. Nếu không đảo ngược tình trạng này, viễn cảnh tan rã của
ĐBSCL chỉ còn là vấn đề thời gian.
Bạn đã bao giờ thử hình dung khi ấy đất nước Việt
Nam sẽ như thế nào và con cháu chúng ta sẽ sống còn thế nào không?
Ảnh 1: Khô hạn khốc liệt đang diễn ra ở ĐBSCL (nguồn
UNESCAP)
Ảnh 2: Độ cao so với mặt nước biển của ĐBSCL theo các kịch bản khác nhau (khai thác nước ngầm, khai thác cát, bổ sung phù sa và nước biển dâng). Nguồn https://iopscience.iop.org/art…/10.1088/2515-7620/ab5e21/pdf
Ảnh 2: Độ cao so với mặt nước biển của ĐBSCL theo các kịch bản khác nhau (khai thác nước ngầm, khai thác cát, bổ sung phù sa và nước biển dâng). Nguồn https://iopscience.iop.org/art…/10.1088/2515-7620/ab5e21/pdf
No comments:
Post a Comment