Tuesday, 3 March 2020

KHẨU TRANG LỘT TRẦN THÂN PHẬN THẢM THƯƠNG (Trân Văn)




04/03/2020

Khẩu trang vốn là vật được dùng để che chắn mũi, miệng, ngăn ngừa những yếu tố ngoại lai xâm nhập gây nguy hại cho cơ thể. Tuy nhiên tại Việt Nam, từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp do COVID–19 gây ra, bùng phát đe dọa cộng đồng, một số scandal liên quan đến khẩu trang lại lột trần thân phận con người dưới chế độ xã hội chủ nghĩa…

                                                 ***

Ông N.H.T – giáo viên tiếng Anh của trường THCS Nguyễn Huân tọa lạc tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau - vừa phải “cúi đầu nhận tội” vì “vi phạm chủ trương, chính sách về khẩu trang”: “Bán khẩu trang không đúng giá qui định”! Theo tường thuật của báo chí Việt Nam thì ngày 2 tháng 2, ông T. đưa con từ Đầm Dơi đến thành phố Cà Mau học. Trên đường về, ông được một người bán hàng rong mời mua khẩu trang. Bởi khẩu trang là mặt hàng càng ngày càng khan hiếm, ông T bỏ ra 260.000 mua hai hộp khẩu trang...
Đến trường, khi nghe học trò than rằng không thể tìm được khẩu trang, ông T. quyết định chia lại một ít khẩu trang đã mua cho những đứa trẻ cần chúng với giá 3.000 đồng/cái. Con gái ông T cũng chia lại cho hai người hai cái khẩu trang mà cha cô đã mua với giá 4.000 đồng/cái.

Thế rồi chính quyền huyện Đầm Dơi ra lệnh cho Phòng Giáo dục – Đào tạo (GDĐT) phối hợp với Quản lý thị trường (QLTT)… điều tra việc ông T… “bán khẩu trang không đúng giá qui định”. Sau khi QLTT huyện lập biên bản, Phòng GDDT huyện Đầm Dơi đã ra lệnh cho trường PTCS Nguyễn Huân thành lập Hội đồng Kỷ luật để kiểm điểm ông T!

Đem 130.000 (giá một hộp khẩu trang mà ông T đã mua) chia cho 50 (số lượng khẩu trang/hộp) thì giá mỗi khẩu trang là 2.600 đồng. Chia lại cho học sinh với giá 3.000 đồng/cái, ông T. lời… 400 đồng/cái. Tuy Việt Nam chưa thu hồi giấy bạc mệnh giá 200 đồng nhưng đó là của hiếm vì không ai dùng. Nếu lấy đúng giá vốn (2.600 đồng/cái), ông T. sẽ không có tiền thối và có lẽ chẳng đứa học trò nào được ông chia lại khẩu trang, mặn mà với hai tờ giấy bạc loại 200 đồng mà ông ráng tìm để đưa lại cho chúng.

Tương tự, tại Việt Nam, cho dù giấy bạc mệnh giá 500 đồng vẫn còn giá trị sử dụng nhưng lạm phát cũng khiến loại giấy bạc này thành của hiếm. Đó cũng là lý do khi chia lại hai khẩu trang cho người khác, con gái ông T tính với giá 4.000 đồng/cái. Theo… điều tra của “các cơ quan chức năng liên ngành” (Phòng GDĐT và QLTT) tại huyện Đầm Dơi thì cha con ông T đã “thu lợi bất chính” số tiền là… 8.000 đồng từ hành vi… “bán khẩu trang không đúng giá qui định”.

Cần phải lưu ý, khoảng cách từ Đầm Dơi đến Cà Mau khoảng 60 cây số, cả đi lẫn về khoảng 120 cây số. Giá xăng tại Cà Mau là 19.220 đồng/lít. Tính cho tới khi bị điều tra, lập biên bản vì “bán khẩu trang không đúng giá qui định”, khoản lợi… “bất chính” mà cha con ông T. đã… “hưởng” vẫn còn thiếu 1.610 đồng mới đủ để mua… nửa lít xăng!

***
Tháng trước, từng có một scandal khác cũng liên quan đến quan hệ giữa giáo viên, học sinh và… khẩu trang. Ngày 6 tháng 2, bà L.T.P – Thủ thư trường Tiểu học và THCS Phà Đánh tọa lạc tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, đưa lên facebook những tấm ảnh chụp học sinh trường Phà Đánh phải dùng giấy để che mũi, miệng thay cho khẩu trang! Những tấm ảnh không chỉ gây xúc động vì phơi bày sự thiếu thốn của trẻ con miền núi mà còn làm thiên hạ ái ngại về nỗ lực, khả năng phòng ngừa COVID – 19 tại Việt Nam.

Sau đó ông Nguyễn Quế Trường, Hiệu trưởng trường Phá Đánh, tiết lộ thêm, rất ít học sinh của trường Phà Đánh có khẩu trang y tế, hoặc khẩu trang vải để phòng ngừa lây nhiễm COVID-19. Trường Phá Đánh từng cử người đi tìm mua khẩu trang cho học sinh nhưng các cửa hàng ở xã và trung tâm huyện không có, thành ra đa số học sinh đành phải dùng giấy che mũi miệng thay khẩu trang...

Câu chuyện vừa kể khiến Sở GDĐT tỉnh Nghệ An nổi giận. Lãnh đạo sở này đã… nhắc nhở Phòng GDĐT huyện Kỳ Sơn. Cũng vì vậy, Phòng GDĐT huyện Kỳ Sơn đã triệu tập một hội đồng để xem xét – lựa chọn hình thức kỷ luật bà L.T.P và ông Trường. Cả hai bị phê bình trên phạm vi toàn huyện vì dù “có sao, nói vậy” nhưng “làm ảnh hưởng đến uy tín của địa phương và ngành, trái ngược với những gì huyện Kỳ Sơn cũng như ngành giáo dục đặc biệt quan tâm và chỉ đạo” (1).

Bị công chúng chỉ trích, Sở GDĐT tỉnh Nghệ An – nơi từng “nhắc nhở” Phòng GDĐT huyện Kỳ Sơn phải có biện pháp đối với cô L.T.P và ông Trường – vội vàng phân bua rằng, việc Phòng GDĐT huyện Kỳ Sơn gửi thông báo kỷ luật cả hai đến các trường trong toàn huyện là sai. Tổ chức kiểm điểm để “phê bình” khác với phát hành thông báo kỷ luật nên Phòng GDĐT huyện Kỳ Sơn phải thu hồi thông báo vừa kể (2).

Tương tự, sau khi công chúng thi nhau nêu thắc mắc, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Cà Mau nhấn mạnh: Đã yêu cầu Phòng GDĐT huyện Đầm Dơi nhắc nhở thầy T. rút kinh nghiệm để tránh bị hiểu lẩm là giáo viên đầu cơ khẩu trang, kiếm lợi trong thời gian có dịch, chứ không kiểm điểm hay kỷ luật. Song Chủ tịch huyện Đầm Dơi không đồng tình, ông Chủ tịch huyện – người chỉ đạo… điều tra và xem xét kỷ luật ông T - vẫn khăng khăng: Việc nhỏ nhưng không ai cho phép bán khẩu trang (3)!

Giống như lãnh đạo Phòng GDĐT huyện Kỳ Sơn, lãnh đạo trường Phà Đánh, đứng giữa các làn đạn, lãnh đạo Phòng GDĐT huyện Đầm Dơi, lãnh đạo trường Nguyễn Huân chọn đi… hai hàng, không thừa nhận việc tổ chức kiểm điểm, xem xét kỷ luật ông T. là sai. Tuy nhiên vì ông T. “thành thật và cam kết không tái phạm” nên chỉ yêu cầu ông “rút kinh nghiệm”. Việc kiểm điểm ông T. được cho là cần thiết vì cần xử lý để làm gương do chính phủ đã cấm bán khẩu trang quá giá quy định đã là thầy giáo phải chấp hành nghiêm những quy định pháp luật (4).

                                           ***
Ông N.H.T – người có 20 năm làm giáo viên – cũng như cô L.T.P và ông Nguyễn Quế Trường ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, không dám kêu oan! Ông chỉ tâm sự là ông không ngủ được vì buồn. Sau khi báo chí loan tin, có người chửi, có người thương. Ai thương thì cảm ơn và ông không oán trách ai cả vì mình sai – không biết qui định, không biết giá qui định đối với khẩu trang, chia lại cho học sinh theo đề nghị của chúng - thì mình chịu thôi!

Khẩu trang khan hiếm, cả phụ huynh lẫn trường học không thể tìm được khẩu trang đúng quy cách, lũ trẻ phải tự phòng vệ bằng cách dùng giấy che mũi miệng thay khẩu trang là sự thật nhưng tường trình thì… “phản cảm”. Dẫu cũng xác định khẩu trang là hàng hóa đặc biệt cần kiểm soát về giá nhưng Nam Hàn cấp phát miễn phí khẩu trang cho trẻ con và những người thu nhập thấp (5) còn Việt Nam thì không. Thậm chí chia lại cho những người có nhu cầu như ông N.H.T chia lại cho học trò của ông cũng có thể chuốc vạ!

Ngay cả những viên chức hữu trách ở vị trí thừa hành như lãnh đạo các Phòng Giáo dục ở huyện Kỳ Sơn, trường Phà Đánh, huyện Đàm Dơi, trường Nguyễn Huân cũng không biết đường đâu mà lần giữa đúng và sai. Phẩm giá của những đứa trẻ, của những người giữ vai trò chuyển – trao tri thức ở Kỳ Sơn (Nghệ An), ở Đầm Dơi (Cà Mau),… rõ ràng là rẻ nhưng so với nhận thức – cách hành xử của cấp trên, phẩm giá của những viên chức thừa hành cũng chẳng cao hơn là bao!

Nếu “phản cảm” chỉ đơn thuần là gây khó chịu, làm tổn thương cảm xúc của người khác, xét ở khía cạnh… “phản cảm”, chuyện những đứa trẻ phải dùng giấy che mũi miệng thay khẩu trang, hay xin thầy chia lại khẩu trang, hoặc chuyện những giáo viên phải cúi đầu nhận tội, chuyện những viên chức trong ngành giáo dục bị phê bình vì để những người chuyển – trao tri thức chia sẻ những chuyện “mắt thấy, tai nghe”,… có lẽ mức độ “phản cảm” thua xa những tuyên bố kiểu như: Với tất cả sự khiêm tốn của người cách mạng, có thể nói rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay (6)… Ai, nơi nào sẽ tổ chức kiểm điểm, nhắc nhở, phê bình?

-----------------
Chú thích











No comments:

Post a Comment

View My Stats