22/03/2020
Covid-19 là một đại dịch, có diễn biến vô cùng phức
tạp và chưa biết rồi sẽ như thế nào. Đó là một đại họa và là điều chẳng ai muốn.
Mấy ngày nay báo chí liên tục đưa tin về việc “Việt
kiều đổ bộ về nước trốn dịch” rồi rộ lên clip một phụ nữ từ châu Âu về tránh dịch
to tiếng, làm loạn ở sân bay Nội Bài. Tiếp theo là bài thơ “Em đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa?” của cô giáo Lê Thị
Thúy được truyền thông trong nước đăng tải, mạng xã hội tung hứng.
Trước khi có đôi lời về bài thơ tôi cũng xin nói
luôn quan điểm của mình.
– Với những vụ việc khác không biết nhưng trong vụ
Covid-19 nhà nước Việt Nam đã nỗ lực hết mình và đã có những thành công bước đầu
rất đáng khích lệ. Đại dịch có thể còn kéo dài với những diễn biến khó lường, kết
quả cuối cùng ra sao khó đoán nhưng những gì nhà nước đã làm được xứng đáng được
ghi nhận.
– Tôi không đồng tình với cách hành xử thiếu suy
nghĩ và không văn hóa của người phụ nữ trong clip.
Quay lại bài thơ “Em đã làm gì cho Tổ quốc hay
chưa?” của cô giáo Lê Thị Thúy. Bài thơ đọc khá mùi mẫn, bắt được trend và được
nhiều người tung hứng ca ngợi. Cảm xúc của tác giả có thể là chân thành, cũng
có thể trong một phút ngẫu hứng thiếu thận trọng hay vì mục đích câu likes, tôi
không biết nên không phát biểu. Tuy nhiên tôi thấy cần nói lại về một vài ngộ
nhận trong bài:
1. Ngộ
nhận thứ nhất – ngộ nhận chung: Cùng với “định hướng”
của truyền thông trong nước, bài thơ đã làm dấy lên cái không khí kì thị, tạo
ra cái cách nghĩ rất không đúng về Việt kiều, coi họ là cái đám người vô ơn bội
nghĩa. Lúc bình thường thì chê đất nước, cha mẹ nghèo, bỏ đi đến những “chân trời
hoa lệ” đến lúc có chuyện mới quay về, cha mẹ đã giang tay ra đón lại còn lên
giọng đòi hỏi này nọ. Cách nghĩ, cách hiểu này có thể thấy qua khá nhiều bình
luận, comments trên mạng xã hội.
Cảm xúc chủ đạo này của bài thơ rất không hay và
quan trọng hơn là không đúng! Hành xử không phù hợp của người phụ nữ, hay thậm
chí một nhóm người nào đó không thể là đại diện cho toàn bộ Việt kiều, những
người Việt đang sống xa tổ quốc. Về hình thức, tuy tác giả bài thơ chỉ dùng đại
từ “Em” nhưng với ngôn từ của thơ ca, với bối cảnh đại dịch đang hoành hành, ngữ
nghĩa của đại từ không còn bó hẹp về một con người cụ thể mà đã thành biểu
trưng cho Việt kiều nói chung.
2. Ngộ
nhận thứ 2: Sang châu Âu nghiễm nhiên sẽ có cuộc sống sang giàu. “Châu Âu bao la cuộc sống sang giàu hiện đại” không có nghĩa là người
Việt sang đấy cũng sẽ được như vậy. Người Việt bên trời Âu cũng đủ loại, cũng
có một số thành công, khá giả nhưng số người phải bươn trải, lam lũ, cảnh đời
“chị Dậu” cũng không thiếu. Sống đất khách quê người, tự thân vận động, không
ai giúp đỡ, không ai bảo vệ thì để có được một cuộc sống sang giàu chắc cũng
không phải dễ dàng. Tỉ lệ thành công không lớn. Nhiều người tán gia bại sản, nợ
chất chồng, kiếm được đồng tiền phải đổ mồ hôi, đôi khi phải trả giá bằng cả
máu. Có khá nhiều bài viết về những cảnh đời trớ trêu của người Việt ở nước
ngoài.
So sánh sẽ là khập khiễng, ở đâu cũng có người giàu,
kẻ nghèo nhưng nhiều người sống ở nước ngoài về thăm nhà đều có nhận xét chung
là Việt Nam giờ có rất nhiều người giàu, mang tiếng đi tây mà không bằng một phần
người ở nhà.
3. Ngộ
nhận thứ 3: Người Việt cứ ra nước ngoài là sẽ “Em tự hào, em được học rộng hiểu
cao”. Không tính du học sinh (sau một vài năm học đa phần
quay về nước) một tỉ lệ rất lớn người Việt ở nước ngoài sống bằng nghề tiểu
thương, làm việc chân tay, cửu vạn, osin… lấy đâu ra mà học rộng, hiểu cao?
4. Ngộ
nhận thứ 4: Có phải vì được sang châu Âu sang giàu hiện đại mà “Chê đất nước
mình nghèo dân trí thấp, em ơi?” hay “Nói về Việt Nam, em thẹn thùng e ngại”. Người phụ nữ trong clip có những phát ngôn, hành xử phản cảm nhưng
nguyên nhân nằm ở chỗ khác – văn hóa thấp, chợ búa. Người Việt ở nước ngoài là
một xã hội Việt Nam thu nhỏ, có đủ hết mọi tầng lớp. Trí thức có học cũng có
nhưng chợ búa cũng nhiều, lưu manh đĩ điếm cũng không thiếu. Những hành động vô
văn hóa ở trong nước xảy ra như cơm bữa thì trong cộng đồng người Việt sống ở
nước ngoài những hiện tượng này tại sao lại không có? Xem clip, tôi nghĩ cách
hành xử người phụ nữ nguyên nhân là bởi trình độ văn hóa chứ không phải vì sang
“thế giới văn minh” rồi hợm mình chê đất nước. Càng không đúng khi khái quát
hóa lên cho tập hợp người Việt sống ở nước ngoài.
5. Ngộ
nhận thứ 5: Có phải người Việt ra đi vì “Chê đất nước mình nghèo…”? Số phận, hoàn cảnh mỗi người một khác, chuyện ra đi sang đất nước người
cũng rất khác nhau. Đúng là vì hoàn cảnh nghèo khó mà một số rất đông đã phải
vay nợ, bỏ nhà bỏ cửa, xa lìa người thân để ra nước ngoài với hi vọng về một
tương lai tốt đẹp hơn. Với rất nhiều người, cái tương lai đang chờ đón là mờ mịt,
đầy bất an nhưng vì muốn thoát khỏi đói nghèo mà họ chấp nhận đánh bạc với đời.
39 người chết trong xe đông lạnh, những vụ chết cháy trong các xưởng may ở Nga,
những cô gái trẻ làm vợ cho những ông già Đài Loan hay những cô gái bán thân
nơi xứ người… là những ví dụ buồn minh chứng.
Nhiều người ra đi vì đói nghèo nhưng chắc chắn với hầu
hết mọi người quê hương đất nước là nỗi nhớ, là chỗ dựa tinh thần của họ. Cũng
là cùng bất đắc dĩ chứ chắc chắng không có chuyện vì chê đất nước nghèo!
6. Ngộ
nhận thứ 6: “Em đã làm được gì cho Tổ quốc hay chưa?” được lấy làm tiêu đề rồi
lặp lại 2 lần trong bài thơ. Câu này và cả bài
thơ đã đưa ra cái thông điệp: Việt kiều đã làm được gì cho đất nước mà có quyền
đòi hỏi? Có rất nhiều phát biểu tạo nên cảm nghĩ là chỉ những người ở nhà mới
đóng góp cho Tổ quốc còn Việt kiều thì không. Tổ quốc là của chung, chẳng phụ
thuộc anh sống ở đâu, trong nước hay ngoài nước. Người sống trong nước đóng góp
kiểu trong nước, đóng thuế cho nhà nước. Người sống ở nước ngoài cũng đóng góp
theo cách của họ. Họ vất vả làm ăn, com cóp gửi tiền về giúp đỡ gia đình, đầu
tư về nước… Dòng ngoại hối
(1) mỗi năm vẫn đổ về mười mấy tỉ usd chẳng là đóng góp cho đất nước đó sao?
Cũng là mồ hôi nước mắt cả đấy, thưa cô giáo!
Câu hỏi “Em đã làm được gì cho Tổ quốc hay chưa?” có
lẽ là câu hỏi rất hay nếu mỗi người con đất Việt tự đặt cho mình chứ không phải
dùng nó để tạo nên những hình ảnh không đúng về người Việt sống ở nước ngoài.
Và ai là người có tư cách, có quyền thay mặt Tổ quốc để hỏi người khác? Cô giáo
với tư cách gì để đặt câu hỏi đó?
Tôi đã nói xong về những ngộ nhận trong bài thơ của
cô giáo Lê Thị Thúy. Bây giờ xin có đôi lời về việc “Việt kiều đổ bộ về nước
trốn dịch”.
Một mặt, như đã nói ở trên, Việt Nam đã có những
thành công nhất định, tuy mới chỉ là tạm thời. Đó là điều đáng mừng. Mặt khác,
tâm lí con người khi gặp hoạn nạn thường có tâm lí chạy nạn, nhất là chạy về
nhà, sướng khổ có nhau. Nếu có chuyện Việt Kiều lũ lượt kéo nhau về thì cũng là
bình thường, cũng là đồng bào ruột thịt của mình, đừng vội vã có tâm lí hay
cách nghĩ phân biệt không đúng.
Cũng cần làm rõ 2 vấn đề:
–
Những người nhập cảnh Việt Nam những ngày qua đa phần có phải là Việt kiều hay
không?
Việt kiều là khái niệm tương đối mờ nhưng phải hiểu
là những người định cư lâu dài và ổn định, có quốc tịch nước ngoài hay giấy
phép định cư lâu dài. Tôi có khá nhiều người quen thuộc diện này, sống ở các nước
các khác nhau nhưng chưa thấy ai “đổ bộ về Việt Nam trốn dịch”. Tôi nghĩ, số Việt
kiều về trốn dịch nếu có thì cũng chỉ là một tỉ lệ rất nhỏ. Đơn giản vì họ đều
có bảo hiểm y tế và thành công bước đầu của Việt Nam chưa đủ thay đổi niềm tin
về sự ưu việt của y tế Việt Nam so với các nước tiền tiến châu Âu, khi mà trong
nhiều năm đã bộc lộ rất nhiều bất cập. Những người nhập cảnh Việt Nam trong những ngày qua chắc
đa phần là du học sinh, người xuất khẩu lao động, người sang làm ăn tạm thời
chưa có giấy tờ cư trú ổn định,… Họ là người Việt Nam thì khi gặp khó
khăn họ trở về nhà là chuyện bình thường và nhà nước có tránh nhiệm đón họ.
–
Không biết những ngày qua có bao nhiêu người Việt quay về, nhiều chắc cũng vài
nghìn. Cứ cho toàn bộ họ là Việt kiều thì trên tổng số 4-5
triệu Việt kiều cũng chỉ là một tỉ lệ vô cùng nhỏ. Cách truyền thông tạo nên cảm
nghĩ về việc Việt kiều đổ xô kéo nhau về nước trốn dịch vừa bậy bạ, vừa không đúng.
Nhìn ảnh những người bộ đội, công an nhường lán trại
để làm khu cách li, sống trong rừng rất vất vả tôi cũng thấy thương và trân quí
sự hi sinh của họ. Tôi cũng hiểu nước mình còn nghèo, nhà nước và người dân đã
phải gồng mình lên để chống đỡ đại dịch. Thiếu thốn rất nhiều, khó khăn còn lắm.
Nhưng tự dưng tôi lại có cảm nghĩ, giá mà nhiều vị công bộc của dân cùng tham
gia đóng góp, thay vì sống trong rừng, ngủ bờ ngủ bụi những người lính có thể sống
tạm trong các khu biệt phủ rộng lớn của họ (nghe nói có nhiều vô kể) thì sẽ tốt
biết bao.
_____
Ghi
chú:
1. Theo Forbes Việt Nam, ngày 17-12-2019, lượng kiều hối về Việt Nam
năm 2019 là 16,7 tỉ usd.
------------------
2 Comments
Tôi không phải là "Việt kiều" mà là người
nước ngoài gốc Việt. Nhiều người giải thích tùy tiện ý nghĩa của từ "Việt
kiều". Phải hiểu rằng
"Việt kiều" là công dân Việt nam sống ở nước ngoài. Từ
"Việt kiều" thường được dùng một cách nhập nhèm, mang mục đích chính
trị của giới cầm quyền cộng sản Việt nam.
*
Tôi đã nhiều lần muốn viết về vấn đề này vì thấy một
số FB hay báo chí kêu gọi người Việt kiều ở đâu hãy ở đó đừng về nước để tránh
dịch , rồi thì người ta chửi "việt kiều"là luôn chê đất nước nọ kia ,
bây giờ có dịch thấy y tế VN tốt lại mò về …… Tôi khẳng định chẳng có một Việt kiều nào về nước để
tránh dịch ,hay hy vọng sự chữa trị ở VN tốt hơn cả. "Việt kiều''
mà các ông, bà gọi đó là những người VN đi xuất khẩu lao động. Trong thời dịch
bệnh này các cơ sản xuất đóng cửa một phần , hoặc toàn phần thì những người lao
động không có việc hoặc ít việc, nếu họ ở lại nước sở tại thu nhập ít hoặc
không có mà các chi phí ăn ở lại cao thì trở lại quê hương sống và chờ dịch qua
là phương án an toàn nhất. Hơn nữa nếu ốm đau ở nước ngoài phải trả viện phí
cao nếu không có bảo hiểm y tế . Muốn có bảo hiểm y tế thì hoặc là anh phải
đóng bảo hiểm hàng tháng khi đi làm, hoặc nhà nước sẽ giúp nếu như anh là công
dân của họ. Những người đi xuất khẩu lao động có thể họ không có bảo hiểm y tế,
nên họ trở về trong lúc dịch cũng là đúng thôi. Hãy mở vòng tay ra đón họ về,đừng
chỉ trích hay miệt thị, nhờ có họ đi xuất khẩu lao động mà bộ mặt của nông thôn
ngày nay được thay đổi. Chính họ làm thay đổi bộ mặt nông thôn ngày nay chứ
không phải Đảng , hay chinh phủ .
No comments:
Post a Comment