Sunday, 15 March 2020

DÂN CHỦ, ĐỘC TÀI & DỊCH BỆNH (Anh Vũ Ngô)





Có phải nền dân chủ chống khủng hoảng kém hơn độc tài? Câu trả lời ngắn gọn là không hề!

Trong bài này, chúng ta sẽ tập trung so sánh cách phòng dịch của 4 nước Tây Âu là Anh, Pháp, Đức, Ý với 3 nước Đông Á là Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Các nước khác có thể được đề cập để ví dụ và mở rộng vấn đề. Còn việc chống dịch của Mỹ là cả một câu chuyện dài nên xin được gác lại.

Đại dịch Corona Virus về bản chất là một khủng hoảng trên diện rộng, cũng là một thách thức đối với mô hình quản trị của từng quốc gia. Có ý kiến cho rằng các nhà nước Châu Âu đã chậm trễ và chủ quan trong việc phòng dịch và xa hơn nữa là thể chế dân chủ xử lý khủng hoảng kém hơn nhà nước độc tài. Tuy nhiên, khi phân tích nhiều mặt của vấn đề thì điều này chưa phải chính xác. Một lí do quan trọng chính là điều kiện tự nhiên của từng quốc gia.

Đặc tính của Corona Virus là lây lan tốt hơn trong môi trường ôn đới. Chúng ta dễ dàng nhận ra việc này qua sự so sánh tình hình dịch bệnh ở các nước ở dải nhiệt độ khác nhau. Ấn Độ chỉ mới có 84 ca nhiễm dù vệ sinh ở nhiều nơi rất kém, Philippines là 98 và Indonesia là 96. Tốc độ lây lan của COVID-19 ở các nước nhiệt đới rõ ràng là thấp hơn, công tác chống dịch ở các nước ôn đới vì thế đang khó khăn hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng nằm trong dải nhiệt ôn đới tương tự Anh, Pháp, Đức, Ý. Điều gì đã tạo nên sự khác biệt về điều kiện chống dịch giữa các quốc gia này?

Câu trả lời chính là địa lý. Lãnh thổ trải rộng với nhiều đồng bằng của Châu Âu đã đặt nền tảng cho những liên kết xuyên quốc gia trong suốt lịch sử. Cho đến hôm nay ở Tây Âu gần như không còn tồn tại đường biên giới vật lý. Việc tự do di chuyển xuyên nhiều quốc gia của những người nhiễm bệnh là một trở ngại rất lớn để theo dấu và cách ly tất cả những người có tiếp xúc gần.

Đây là điểm khác biệt căn bản giữa các nước Châu Âu với Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi hai cường quốc của Đông Bắc Á có khí hậu ôn đới tương đương, thì tính cô lập của vị trí địa lý với ít hoặc không có quốc gia chung đường biên giới đã giúp hai nước này phần nào tự cách ly và kiểm soát tốt hơn dịch bệnh. Nếu không tính 696 ca nhiễm bệnh trên tàu Diamond Princess [1], thì Nhật Bản chỉ có 754 ca bệnh đến ngày 14/3, thấp hơn Anh, Đức, Pháp và Ý. Hàn Quốc sau thời gian hỗn loạn vì giáo phái Tân Thiên Địa cũng đã bước đầu ổn định được tình hình. Đài Loan với địa lý hải đảo cũng cô lập rất tốt dịch bệnh với chỉ 53 ca lây nhiễm.

Như vậy trong khi có cùng thể chế dân chủ, thì các quốc gia có nhiều liên kết trên đất liền là Pháp, Đức, Ý sẽ khó kiểm soát tình hình dịch bệnh hơn là các quốc gia hải đảo như Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong cùng khối Châu Âu, Anh cũng sở hữu vị trí hải đảo và so với Pháp, Đức, Ý thì số ca nhiễm vẫn đang thấp hơn.

Trung Quốc cũng có khí hậu ôn đới. Nền độc tài Trung Quốc đã xử lý khủng hoảng như thế nào?

Có thể nói Trung Quốc đã thất bại hoàn toàn trong việc đối phó với dịch bệnh. Sự thất bại của chính quyền Trung Quốc không những làm ảnh hưởng người dân nước họ mà còn gây liên luỵ cho hàng tỷ con người trên toàn cầu. Đừng bao giờ quên rằng dịch bệnh đã bắt nguồn từ sự thiếu minh bạch của một chính thể độc tài. Tất cả chính thể độc tài đều tìm cách bưng bít thông tin cho đến khi không còn kiểm soát khủng hoảng được nữa.

Trung Quốc gần đây công bố ngày 17 tháng 11 đã phát hiện bệnh nhân đầu tiên của dịch bệnh lần này. Tuy nhiên, những người lên tiếng cảnh báo sớm cho cộng đồng như nhóm bác sĩ Lý Văn Lượng đều bị bắt giam. Mãi đến giữa tháng 1, 2020 Trung Quốc mới phát đi thông tin một dịch bệnh đang lan rộng tại Hồ Bắc và Vũ Hán bị cách ly không lâu sau đó. Sự thiếu minh bạch của Trung Quốc đã làm dịch bệnh lan rộng mất kiểm soát, người Trung Quốc mang mầm bệnh đi khắp toàn cầu và nhân loại mất đi 2 tháng quý giá.

Để so sánh, ngày 19 tháng 5 năm 2018 các bác sĩ Ấn Độ đã phát hiện sự bùng phát của virus nguy hiểm Nipah vốn có tỷ lệ gây tử vong hơn 40% tại vùng Kerala. Khi được thông báo, Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Ấn Độ cùng chính quyền trung ương lẫn địa phương đã lập tức vào cuộc. Kết quả chỉ sau 10 ngày họ đã kiểm soát được tình hình. Sự minh bạch của Ấn Độ đã cứu nguy kịp thời cho người dân nước họ, trong 19 người nhiễm thì đã có đến 17 người tử vong. Đánh giá về việc này, giáo sư Daniel R. Lucey của đại học Georgetown đã nói rằng “Mọi việc đã có thể tồi tệ hơn rất nhiều” [1].

Khi có khủng hoảng, người ta có xu hướng so sánh phản ứng của các quốc gia mà quên mất rằng sự chuẩn bị trước khủng hoảng đóng vai trò then chốt. Để có được sự chuẩn bị này thì cần một thời gian dài tích luỹ nguồn lực phát triển trong đó thể chế tự do hơn hẳn thể chế tập quyền nhờ kích thích được tiềm lực của nhiều tầng lớp xã hội. Không những thế, ngay cả khi bị buộc phải áp dụng những biện pháp cứng rắn tương đương thì xã hội dân chủ cũng tỏ ra bền vững hơn nhiều xã hội của một nhà nước độc tài.

Đều là phong toả cách ly, đều là quá tải y tế nhưng tình hình của Vũ Hán và Lombardy là khác hẳn nhau. Liên tục xuất hiện những đoạn video clip quay lại cảnh người dân Ý cùng ra đứng ở ban công hát với nhau, động viên nhau trong mùa dịch. Cũng không có một lực lượng chính quyền nào ép buộc dân chúng đi cách ly hay ở yên một chỗ, thậm chí dùng vật nặng chặn cửa ra vào như tại Vũ Hán [2][3]. Sở dĩ một xã hội dân chủ làm được điều đó vì người dân có lòng tin vào những người được bầu lên từ lá phiếu của họ, điều không xuất hiện ở thể chế độc tài.

Mở rộng vấn đề. Ngay cả khi cùng áp dụng thể chế dân chủ thì sự can thiệp quá nhiều của chính phủ vào một lĩnh vực cũng là không tốt vì sẽ kiềm hãm thị trường tự do.

So sánh hệ thống y tế của 4 nước dân chủ Châu Âu là Anh, Ý, Pháp, Đức sẽ cho ta một bài học thú vị. Trong khi Anh và Ý chỉ có lần lượt 2,8 và 3,4 giường bệnh trên 1000 người, thì con số này ở Pháp và Đức là 6,5 và 8,3 [4], có nghĩa là Pháp và Đức có chiều sâu hệ thống y tế hơn hẳn Anh và Ý. Nếu xảy ra bùng dịch với quy mô tương đương thì chắc chắn Anh và Ý sẽ quá tải y tế trước Pháp và Đức.

Sở dĩ có sự khác biệt này là vì Pháp và Đức chủ trương chia sẻ lĩnh vực y tế cho thị trường tự do, còn Anh và Ý thì muốn can thiệp sâu hơn vào Y tế thông qua các tổ chức của chính phủ. Ở Anh tổ chức này là National Health Service (NHS) còn Ý có Servizio Sanitario Nazionale (SSN), 79% chi tiêu cho lĩnh vực y tế ở Anh đến từ chính phủ, con số này ở Ý là 74%. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Đức được đánh giá là một ví dụ về việc các công ty bảo hiểm và bệnh viện công và tư không chỉ có thể cùng tồn tại, mà còn bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau để thực hiện tốt hơn lời hứa về chăm sóc sức khỏe toàn dân. Pháp áp dụng mô hình tương tự sớm hơn người Đức và từng được WHO đánh giá là quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khoẻ tốt nhất thế giới. [5][6][7][8][9]

Như vậy, trong cùng khí hậu ôn đới, thì các nhà nước dân chủ chống dịch tốt hơn nhà nước độc tài. Khó khăn hiện tại của các nước Châu Âu có phần không nhỏ đến từ điều kiện khí hậu và địa lý tự nhiên. Không những thế, đối với các nước Châu Âu thì bản thân tập quyền nhiều hơn hay phân quyền nhiều hơn trong cùng một lĩnh vực cũng tạo ra sự khác biệt lớn. Tập quyền toàn trị như Trung Quốc thì khi xuất hiện khủng hoảng còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ra thảm hoạ nhân đạo như tại Vũ Hán hay Thiên An Môn trước đây. Một nhà nước tập quyền khác là Liên Xô cũng đã gây nên một thảm hoạ tương tự bằng việc bưng bít thông tin. Trong sự kiện Chernobyl, mãi đến khi Thuỵ Điển phát hiện ra nồng độ cao bất thường của chất phóng xạ trong khu vực thì Liên Xô mới công bố tai nạn hạt nhân và di tản dân chúng, hàng ngàn dân thường đã chết vì nhiễm phóng xạ.

Ở trường hợp Việt Nam, mặc dù đã có những cố gắng trong công tác phòng dịch thì Việt Nam cũng đã bộc lộ nhiều yếu điểm và sơ hở. Việc cho phép hàng trăm ngàn lượt người Trung Quốc nhập cảnh cũng như để lọt cả một ổ dịch trên chuyến bay VN0054 là một ví dụ. Lịch sử di chuyển của bệnh nhân số 21 cho thấy rõ ràng ông ta hoàn toàn đã có thể trực tiếp và gián tiếp lây nhiễm cho hàng trăm người trước khi bị phát hiện. Nói một cách công bằng thì việc để lọt những cá nhân có khả năng gây lây nhiễm diện rộng cho cộng đồng là không thể tránh khỏi và chắc chắn sẽ diễn ra không ít thì nhiều, không sớm thì muộn.

Rất may mắn là người Việt có một hàng rào phòng thủ thứ hai để bảo vệ mình là khí hậu tự nhiên. Châu Âu không có điều kiện ấy, kịch bản “sống chung với dịch” từ đó cũng thực tế hơn. Nhiều nhà khoa học phương Tây đã cảnh báo Corona Virus chủng mới hoàn toàn có khả năng trở thành một dịch bệnh theo mùa như dịch cúm, có nghĩa là không bao giờ chấm dứt và chỉ có thể bị kiềm chế mà thôi [10]. Người ta đã vội vàng chỉ trích nền dân chủ Tây Âu mà quên đi sự thật rằng Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan mới là những nước đối phó tốt nhất với khủng khoảng lần này. Họ đều là những nước Châu Á nhưng biết học hỏi mô hình quản trị dân chủ Tây phương, biến đổi để phù hợp với đặc điểm riêng của quốc gia mình, dung hoà triết học phương Đông và phương Tây.

Điều quan trọng cuối cùng là một thể chế dân chủ luôn sẵn sàng thay đổi để thích nghi với thời cuộc. Các nhà triết học phương Tây cho rằng sự tự do lớn nhất chính là tự do về lựa chọn. Công tác chống dịch của phương Tây rất cần sự tự giác của người dân là vì vậy. Các thể chế chính trị và kinh tế suy cho cùng là sự chọn lựa của xã hội, người Châu Âu đã chọn thể chế tự do và họ sẽ đối mặt với khủng hoảng bằng thể chế tự do. Khủng hoảng lần này người phương Tây đã không tránh được sai lầm, nhưng đó là một bài học cho các nước dân chủ và chắc chắn họ sẽ còn nghiên cứu để hoàn thiện mô hình xã hội của mình đến rất lâu nữa.

Còn Việt Nam? Trước khi có thể bàn đến chuyện chúng ta sẽ học được điều gì hay chỉ trích nỗ lực sống chung với dịch của phương Tây, thì phải thành thật nói với nhau rằng cách phòng dịch hiện tại không cho phép nền kinh tế mỏng manh trụ được thêm bao lâu nữa.

Anh Vũ Ngô
—–----------------





6. 2018 Oasi Report – Cergas







----------------------------------

XEM LẠI

Tại sao Ý lại trở thành ổ dịch với Tỷ lệ tử vong cao bất thường?
Tính đến ngày 10/3, Ý đã phải đặt toàn bộ đất nước vào tình trạng phong toả cách ly. Số người nhiễm tại đây đã là 9172 trong đó có 463 người chết, tỷ lệ tử vong là 5%. Tại sao một quốc gia Châu Âu với trình độ và cơ sở hạ tầng y tế tương đối tốt hơn nhiều nước khác lại có tỉ lệ tử vong cao như thế? Nên nhớ rằng tỉ lệ tử vong trong lúc dịch bệnh đang diễn ra tại nhiều quốc gia khác trên thế giới là rất thấp, điển...

---------------
HI VỌNG VÀ SỢ HÃI
Chưa bao giờ người ta có thể cảm nhận rõ xã hội Việt Nam mong manh đến như vậy. Chỉ sau một đêm, Hà Nội đã náo loạn.
Rất nhiều người trút giận lên cô bệnh nhân thứ 17 ấy, lại có người không miệt thị nhưng đòi hỏi một chế tài pháp luật, một bản án để răn đe những kẻ vô ý thức với cộng đồng. Thế nhưng nếu khép tội cô ấy để xử phạt thì dựa trên khung luật nào, dân sự hay hình sự? Chuyện cô ấy về từ Châu Âu đâu chỉ mình cô ấy biết, gia đình và những người bạn th...

---------------------

Một số điểm đáng chú ý trong báo cáo của WHO sau khi thị sát tình hình COVID-19 tại Trung Quốc.
Phái đoàn chung của WHO bao gồm 25 chuyên gia từ Trung Quốc, Đức, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Nga, Singapore và Nigeria đã thị sát tại Trung Quốc trong 9 ngày, từ 16 đến 24 tháng 2. Đây là một số điểm đáng chú ý trong báo cáo của họ [1]:
- COVID-19 là một dịch bệnh mới, không có miễn dịch tồn tại từ trước trên con người. Dựa trên các đặc điểm dịch tễ học được quan sát cho đến nay ở Trung...





No comments:

Post a Comment

View My Stats