Bài phát biểu của thủ tướng Đức Angela Merkel và bài báo của Yuval Noah Harari trên Financial Times xuất
hiện thật đúng lúc như những sự lãnh đạo cần thiết cho nhiều người trong thời
điểm khó khăn này.
Không phô trương, không trịch thượng, bà đầm thép của
nước Đức không ngần ngại nói với “những người sống cùng” về khó khăn “lớn nhất
từ sau thế chiến thứ hai” mà nước Đức đang gặp phải. Bài phát biểu của bà súc
tích, trần trụi, nhưng cũng đầy đủ thông tin và đặc biệt là không thiếu vắng sự
tôn trọng. Bà không giấu diếm những nỗi đau mất mát mà người Đức phải chuẩn bị
tâm thế đối diện, nhưng cũng không quên trấn an người dân về nỗ lực của chính
phủ mà bà lãnh đạo, và không bao giờ mở miệng ra để khoác lác về tài dự đoán
tiên tri hay tính ưu việt của chế độ như người đồng cấp ở Mỹ.
Và Merkel không quên nói về nền dân chủ. Nền dân chủ
là thứ khiến bà dành phần nhiều thời gian để kêu gọi sự giúp đỡ của người dân.
Sự giúp đỡ đơn giản nhất nhưng hiệu quả nhất mà Merkel kêu gọi chính là chịu đựng
những bất tiện mà thời đại khó khăn đang mang đến cho từng nhà, từng người. Để
vượt qua, chính phủ là không đủ, quyết sách là không đủ, mà cần có sự đoàn kết
và hy sinh của người dân. Cao trào của bài phát biểu là khi bà dành phần nhiều
thời gian để cảm ơn các y, bác sĩ, các nhà khoa học, và đặc biệt là những nhân
viên thu ngân trong siêu thị và những người bốc dỡ hàng hoá. Mình không khỏi
liên tưởng đến những gương mặt tương tự ở Việt Nam. Trong những lúc khó khăn
như thế này, bất kỳ ai vẫn sẵn sàng làm đúng bổn phận và công việc của mình đều
xứng đáng có được lời cảm ơn chân thành và sự ghi nhận vì nỗ lực chung.
Cũng bằng một văn phong chân thành như vậy, một
trong những bộ óc thú vị nhất của thế kỷ 21 là Yuval Noah Harari đưa ra mô tả
chân thật về xã hội loài người lúc này và những tiên đoán trong tương lai. Đoạn
văn dưới đây mình xin trích dịch như một mô tả không thể đúng hơn về thời đại
mà chúng ta đang chứng kiến:
“Khi phải lựa chọn giữa những viễn cảnh khác nhau, bên cạnh việc xem xét
xem nó sẽ giúp chúng ta vượt qua hiểm nguy trước mắt thế nào, chúng ta cần phải
tự hỏi bản thân liệu cái thế giới mà chúng ta sẽ thừa hưởng sau khi cơn bão đi
qua sẽ ra sao. Phải, cơn bão rồi cũng sẽ tan, loài người sẽ tiếp tục tồn tại,
đa số chúng ta sẽ sống sót – nhưng chắc chắn chúng ta sẽ nhận lại một thế giới
hoàn toàn khác.
Rất nhiều những biện pháp khẩn cấp rồi sẽ biến thành một phần của cuộc sống.
Đó là bản chất của những biện pháp khẩn cấp. Các biện pháp ấy đang đẩy nhanh tiến
trình của lịch sử. Những quyết định vốn dĩ trong thời đại bình thường cần mất đến
hàng nhiều năm để thảo luận, đang được thông qua chỉ trong vài giờ đồng hồ. Những
công nghệ nguy hiểm và chưa đầy đủ đang được đưa vào sử dụng, đơn giản vì mối nguy
hại đến từ việc không làm gì cả nó lớn hơn rất nhiều. Nhiều quốc gia đang trở
thành những con chuột bạch cho các thí nghiệm xã hội quy mô lớn. Điều gì sẽ xảy
ra khi tất cả mọi người đều phải làm việc ở nhà hoặc giao tiếp từ xa? Điều gì sẽ
xảy ra khi trường lớp và đại học được dạy hoàn toàn trên mạng? Trong những thời
khắc bình thường, chính phủ, doanh nghiệp, và các nhà giáo dục sẽ không bao giờ
đồng ý những thử nghiệm này. Nhưng đây không còn là thời khắc bình thường
nữa”.
Những người đứng ngoài cuộc như chúng ta có thể sẽ
không bao giờ hiểu được sự bất tiện và khó khăn mà các nạn nhân của dịch bệnh
hay bị tác động trực tiếp của các biện pháp khẩn cấp phải gánh chịu. Không phải,
đó không phải là những người bị cho là đòi xin sự hầu hạ (mà thật ra cũng chưa
chắc đó là toàn bộ sự thật), mà có thể là các sinh viên đang phải rời bỏ kí túc
xá trong đêm để nơi họ ở được biến thành trại cách ly, hay những bạn trẻ bỡ ngỡ
trong khu vực quân sự, hay các gia đình đang bị cách ly vì sự vô ý thức của một
ai đó. Nhưng biết làm sao được. Nếu họ hiểu được cái khó của những quyết định
như vậy, và những đêm thức trắng của các thành viên chính phủ chống dịch, của y
bác sĩ, của nhân viên CDC, của sinh viên y dược ra trận sớm, của chiến sĩ nơi
cách ly, của thành viên tổ bay đến vùng dịch… tin chắc rằng họ sẽ chấp nhận và
chung tay. Rõ ràng trong thời khắc này, cái mà các xã hội cần là một sự lãnh đạo
như Yuval Noah Harari đã nói.
Sự lãnh đạo đó không thể hiện bằng những ngôn từ đao
to, búa lớn, những lời xúc phạm, nhục mạ, ném đá tập thể, càng không đến từ những
cạnh khoé trẻ con, thơ văn trịch thượng, bịa lời nhạc vô duyên, sử dụng hình ảnh
giả mạo không đáng có… vì vốn dĩ nó có thể giúp ta hả giận và hoá giải được những
bức xúc đến từ các mâu thuẫn khác, nhưng nó không giải quyết được vấn đề. Trái
lại, nó càng làm đổ vỡ hơn cái xã hội mà ta sẽ nhận lại sau khi cơn bão đi qua,
và đặc biệt là ngay lặp tức làm xối mòn niềm tin, thứ ta cần để cùng vượt qua nạn
dịch này. Hãy thử hỏi, phó thủ tướng Đam và thứ trưởng y tế Long, những phát
ngôn viên chống dịch, có cần đến những thứ ở trên “giúp họ” không khi họ xây dựng
niềm tin chính bằng sự chân thành, có thể trần trụi, nhưng đầy đủ thông tin? Đó
chẳng phải mới chính là sự lãnh đạo mà chúng ta cần hay sao?
No comments:
Post a Comment