Wednesday, 8 January 2020

TRUNG ĐÔNG : BỘ THAM MƯU LIÊN QUÂN QUỐC TẾ DI TẢN VỀ KUWAIT (RFI)




NỘI DUNG :
Tú Anh – RFI / ĐIỂM BÁO
.
Thanh Phương - RFI

====================================
Tú Anh – RFI / ĐIỂM BÁO
Đăng ngày: 08/01/2020 - 15:32

Căng thẳng với Teheran buộc Lực lượng Mỹ ở Trung Đông phải tái phối trí đề phòng tình hình vượt tầm kiểm soát. Vụ viên tướng cột trụ của Iran bị Mỹ hạ sát chắc chắn sẽ đưa đến một số hậu quả địa-chính trị khó tránh được. Báo chí Pháp rất bi quan cho tương lai khu vực.

Rút quân hay không rút ?

Les Echos chỉ trích thái độ « mù mờ » của Mỹ làm Liên quân Quốc tế chống Daech ở Irak hoang mang. Trái lại, Le Figaro cho là bộ tư lệnh liên quân bỏ thủ đô Irak để tái phối trí tại Koweit.

Theo nhật báo thiên hữu, sự kiện sứ quán Mỹ ở Bagdad bị hàng ngàn dân quân Shia thân Iran tấn công ngày 31/12/2019 là nguyên nhân làm cho Mỹ tính chuyện di tản. Tiếp theo là vụ oanh kích giết tướng Qassem Soleimani, chiến lược gia của Iran và Abu Mahdi al Mohandes, thủ lĩnh dân quân Irak khiến Washington khẩn cấp rút bỏ Irak kéo về hậu cứ ở Koweit.

Trong khi Washington cố gắng biện minh bức thư « báo tin rút quân » của tướng William H.Seely, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Irak, gửi tướng Irak Abdul Amir, phụ tá hành quân hỗn hợp, là « dự thảo » thì từ ba hôm trước, chiến dịch di tản đã được thực hiện mỗi đêm. Ban ngày sinh hoạt trong khu vực xanh, nơi đặt Tổng hành dinh, vẫn bình thường.

Một nguồn tin ngoại giao Châu Âu xác nhận là quyết định tái phối trí liên quan đến quân đội Mỹ và các nước khác trong liên minh. Môi trường an ninh tại Bagdad xuống cấp và các nhóm võ trang Irak liên tục đe dọa. Lãnh đạo phe Shia Irak, Moqtada al Sadr, một thời gian ủng hộ phong trào phản kháng chống chế độ tham nhũng, nay quay sang chống Mỹ, kích hoạt mạng lưới dân quân « Mahdi » và đe dọa Mỹ coi chừng gặp một Việt Nam thứ hai.

Nhiều nhóm bán quân sự, đã được gia nhập vào lực lượng an ninh Irak, bị nghi ngờ là đóng vai trò nòng cốt đàn áp phong trào chống tham nhũng và sự can thiệp của Iran. Từ tháng 10 đến nay, xảy ra hàng trăm vụ bắt cóc, ám sát mà không rõ thủ phạm. Trong những tháng gần đây, khu vực xanh an toàn ở thủ đô Irak bị pháo kích hàng chục rốc-kết.

Câu hỏi đặt ra là trong số 5.200 quân Mỹ, bao nhiêu người sẽ tiếp tục ở lại thủ đô Irak ?

Deach sẽ hồi sinh ?

Nếu Mỹ bị phân tâm, phân lực, tương lai Trung Đông ra sao ? Phe Hồi giáo Shia tại Irak và tàn quân Daech khai thác như thế nào ? La Croix mời hai chuyên gia phân tích.

Tuy suy yếu, nhóm đầu não bị tiêu diệt, nhưng Daech có cơ may hồi sinh. Theo chuyên gia người Kurdistan Adel Bakawan, không phải chỉ có Mỹ phân tâm, mà không một ai ở Irak chiến đấu chống Daech. Đặc biệt là người Kurdistan vì họ thất vọng, bị phản bội. Người Kurdistan ở Irak đòi hỏi phải có một thỏa thuận chính trị trước đã. Họ không muốn đổ xương máu bảo vệ lãnh thổ để rồi sau đó trao cho phe Shia kiểm soát.

Nhà phân tích Elie Tenenbaum, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Ngoại giao Pháp, cũng bi quan : Mỹ có thể rút đi bất cứ lúc nào vì những chính trị gia Shia từ chối ký một hiệp định quốc phòng hỗ tương Mỹ-Irak. Hoa Kỳ rút quân là dấu hiệu phe thân Iran nắm toàn quyền. Lúc đó, Daech, thuộc hệ phái Sunni, sẽ khai thác mâu thuẫn giữa hai hệ phái, lôi kéo một bộ phận dân Irak ủng hộ và sẽ hồi sinh.

Theo Le Monde, tình hình trong thời gian tới sẽ rất gian nan cho liên minh quốc tế và Israel. Cho dù tướng Qassem Solaimani đã chết nhưng từ 2007, Iran đã huấn luyện, trang bị, tổ chức cho nhiều nhóm võ trang mà Hezbollah chỉ là một. Được bố trí ở Syria, các toán này nhận được nhiều loại vũ khí nặng. Vụ tấn công gây thiệt hại nặng cho hai trung tâm dầu hỏa của Ả Rập Xê Út hồi tháng 9/2019, theo Washington, là do những nhóm võ trang Shia Irak thực hiện. Từ mùa hè 2019, Israel liên tục oanh kích các cơ sở của dân quân Shia tại Syria để ngăn chặn Iran chuyển giao vũ khí nặng cho các nhóm này.

Toàn khối Ả Rập sẽ được dân chủ

Libération chú ý đến tương lai của toàn khối Ả Rập. Nhà phân tích chính trị Azmi Bishasa người Palestine, tin rằng phong trào phản kháng hiện nay ở Liban và Irak sẽ lan rộng như Mùa Xuân Ả Rập 2011 và toàn khu vực sẽ được dân chủ hóa, không trừ một nước nào.

Tìm cách leo thang xung khắc với Mỹ, Iran muốn chuyển hướng công luận Irak, từ chống can thiệp của phe Shia vào Irak thành cuộc chiến chống Mỹ. Thật ra, phong trào công dân Irak bắt nguồn từ lòng khao khát tự do, không muốn Irak bị Mỹ, Iran thống trị. Họ cũng dứt khoát muốn dẹp bỏ giới lãnh đạo chính trị thuộc hai hệ phái Hồi Giáo chia chác quyền lực, bất chấp dân chúng thất nghiệp, tương lai bế tắc.

Phong trào phản kháng đã bám sâu trong xã hội, từ Irak, Iran cho đến Liban, Ai Cập. Tẩy chay chế độ giáo quyền (Iran) hay chế độ dựa trên tôn giáo chính trị (Liban) là mẫu số chung của phong trào dân sự nổi dậy. Vấn đề của các chế độ kiểu này là bất lực, bất tài, giỏi chia chác phú quý hơn là phục vụ dân chúng.

Theo Azmi Bishasa, chắc chắn là phong trào dân chủ sẽ lan rộng và chiến thắng tại thế giới Hồi Giáo. Một khi mọi người đồng ý với nhau về nhu cầu dân chủ hóa thì lúc đó sẽ cùng nhau chọn người đứng đầu. Nói cách khác, tiến trình dân chủ hóa sẽ theo hai bước : quyết định đất nước phải được điều hành như thế nào trước khi chọn người lãnh đạo.

*
Hồng Kông là luồng sinh khí cho phong trào dân chủ tại Đài Loan

Mô hình « nhất quốc lưỡng trị » của Bắc Kinh bị dân Đài Loan tẩy chay. Tổng thống Thái Anh Văn lên điểm tín nhiệm.

Ngày 11/01/2020, đảng Dân Tiến sẽ thắng. Đó là dự báo của giới phân tích. Françoise Mengin, chuyên gia Pháp chia sẻ nhận định này. Theo nhà phân tích Pháp, những sự kiện đang diễn ra tại Hồng Kông từ 7 tháng nay làm cho người dân Đài Loan ngán ngẩm mô hình « một quốc gia hai chế độ » của Bắc Kinh mà chủ tịch Tập Cận Bình cố gắng « khuyến mãi » với Đài Loan.

Bắc Kinh khai thác được mối chia rẽ giữa Quốc Dân đảng - chủ trương Hoa lục với Đài Loan là một - và Dân Tiến đảng - xem hải đảo là một đất nước riêng biệt - để can thiệp vào nội tình Đài Loan. Tuy nhiên, chính sách can thiệp này được dự báo sẽ gây phản ứng ngược vào ngày 11/01 trong cuộc bầu cử tổng thống và Nghị Viện Đài Loan. Bắc Kinh bị thất bại từ Hồng Kông : Phong trào dân chủ tại đặc khu càng ủng hộ chế độ dân chủ Đài Loan thì cử tri Đài Loan càng hăng hái bác bỏ công thức thống nhất với Hoa lục.

*
TOI-700d : một địa cầu mới vừa được NASA phát hiện.

Theo NASA, thái dương hệ « một mặt trời, ba hành tinh » nằm cách Trái đất chúng ta 100 năm ánh sáng.
Rất có thể, trên hành tinh thứ ba TOI-700d có nước. Nhưng khác với Trái đất, hành tinh này, vì khá gần mặt trời, nên bị sức hút của định tinh « khóa lại » không tự quay chung quanh mình như quả địa cầu của chúng ta. Hậu quả, là phân nửa TOI-700d bị khô cằn, phân nửa còn lại là băng giá.
Tuy gọi là « gần » Trái đất nhưng cũng « đủ xa » (100 năm ánh sáng) để người địa cầu có thể hy vọng phát hiện được bầu khí quyển của TOI-700d.

--------------------------------
.
Thanh Phương - RFI
Đăng ngày: 08/01/2020 - 13:30

Trong khi tổng thống Donald Trump nói rõ là Hoa Kỳ không hề có ý định rút quân khỏi Irak, một số nước đồng minh phương Tây của Mỹ đã thông báo triệt thoái một phần lực lượng, gây lo ngại là căng thẳng hiện nay giữa Teheran và Washington sẽ gây tác hại cho cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Liên quân quốc tế chống Daech chủ yếu bao gồm lực lượng Mỹ với 5.200 quân, còn lại là lực lượng Canada (500 quân), Anh (400 quân), Pháp (200 quân), Đức (120 quân).

Ngày 07/01/20120, tổng thống Trump và các bộ trưởng Mỹ đã cố cải chính thông tin về quyết định của Washington rút quân khỏi Irak như nội dung một bức thư được lan truyền trên mạng xã hội hôm 06/01. Đó là bức thư mà chính quyền Trump gởi nhầm cho chính phủ Bagdad thông báo các bước chuẩn bị cho việc triệt thoái quân Mỹ khỏi Irak. Bức thư có nhắc đến nghị quyết của Quốc Hội Irak yêu cầu chính phủ Bagdad « trục xuất » các lực lượng nước ngoài khỏi Irak sau vụ sát hại tướng Iran Soleimani.

Để giải tỏa cảm tưởng là « mạnh ai nấy chạy », chủ nhân Nhà Trắng hôm 07/01 tuyên bố rút quân Mỹ khỏi Irak « sẽ là điều tệ hại nhất đối với Irak, do mối đe dọa của nước láng giềng Iran ». Ông Trump nói thêm : « Đến một thời điểm nào đó, chúng tôi sẽ rời đi, nhưng thời điểm đó chưa đến ». Gần như cùng lúc với tổng thống Trump, bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper nhấn mạnh trong một cuộc họp báo là chính sách của Mỹ không thay đổi : « Chúng tôi sẽ không rời khỏi Irak ».

Nhưng trong khi đó, liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt. Sau khi Quốc Hội Irak thông qua nghị quyết yêu cầu chính phủ « chấm dứt sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài », nhiều quốc gia đã xét lại sự tham gia của họ ở Irak.

Trước mắt, Pháp cho biết sẽ ở lại Irak, nhưng Canada và Đức hôm 07/01 đã thông báo tái bố trí một phần lực lượng của họ sang Jordani và Koweit.

Riêng về nước Đức, ủy viên của Quốc Hội đặc trách các lực lượng vũ trang Hans-Peter Bartels tuyên bố trên tờ Les Echos : « Chúng tôi rất muốn trợ giúp chính phủ Irak, nhưng chúng tôi không thể chấp nhận những rủi ro quá lớn cho lực lượng của chúng tôi chừng nào mà tình hình chưa được làm sáng tỏ ».

Khối NATO cũng đã quyết định tạm thời rút một phần nhân viên khỏi Irak, vì nhận thấy tình hình an ninh ở nước này ngày càng xấu đi, với nguy cơ xảy ra ngày càng nhiều vụ tấn công khủng bố do Iran điều khiển từ xa nhắm vào các mục tiêu của Mỹ ở Irak, và các công dân phương Tây sẽ bị vạ lây.

Những hành động nói trên là một vố đau mới đối với liên minh quốc tế chống Daech ở Irak, vào lúc mà các chuyên gia liên tục cảnh báo về nguy cơ phe thánh chiến Hồi Giáo trỗi dậy trở lại. Cho dù lãnh thổ « califat » của họ trên đất Irak - Syria đã bị xóa sổ, nhưng Daech vẫn còn rất nhiều chiến binh hoạt động bí mật.

Trên thực tế, theo Les Echos, lực lượng Mỹ kể từ nay quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ các vị trí của họ và gần như đã bỏ rơi cuộc chiến chống Daech. Pháp, một thành viên rất tích cực của liên quân quốc tế, còn duy trì 200 quân ở Bagdad, nhưng lực lượng này hiện chỉ lo việc huấn luyện binh lính Irak.

Ngay cả Hoa Kỳ cũng đã có sẵn kế hoạch triệt thoái khỏi Irak, vô tình bị tiết lộ qua bức thư gởi nhầm cho chính phủ Bagdad hôm 06/01. Một quan chức quân sự cao cấp của Mỹ đã trình bày chi tiết kế hoạch này cho hãng tin AFP : Các máy bay vận tải sẽ chở các thiết bị quân sự, còn binh lính sẽ rút bằng đường bộ về phía nam và sang nước Koweit láng giềng. Theo lời quan chức này, cuộc triệt thoái sẽ kéo dài nhiều tuần, nhưng nếu tình hình trở nên cấp thiết, có thể được hoàn tất trong nhiều ngày.

Nếu quân Mỹ rút đi, lực lượng của các nước khác trong liên quân chống Daech chắc chắn không thể trụ lại được. Ủy viên Quốc hội Đức Hans-Peter Bartels đã cảnh báo : « Nếu lực lượng quốc tế rút đi, Irak sẽ một mình đối đầu với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ». Trong trường hợp đó, không loại trừ khả năng là tình hình sẽ trở lại giống như năm 2014, khi phe thánh chiến Hồi Giáo chiếm đến một phần ba lãnh thổ Irak và nhiều vùng đất ở Syria.





No comments:

Post a Comment

View My Stats