Lê Hồng Hiệp
07/01/2020
Vào ngày 4 tháng 1 năm 2020, trong kỳ họp lần thứ 42
của Ủy ban Liên Chính phủ Việt – Lào, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) đã
ký năm hợp đồng mua từ tập đoàn Phongsubthavy và tập đoàn Chealun Sekong của
Lào 1,5 tỷ kWh điện mỗi năm trong hai năm, bắt đầu từ năm 2021. Thỏa thuận này,
trong khi minh họa cho tầm nhìn của chính phủ Lào về việc biến đất nước này
thành “bình ắc quy của Đông Nam Á”, cũng đồng thời cho thấy những thách thức về
an ninh năng lượng cũng như thế lưỡng nan của Việt Nam trong việc đối phó với kế
hoạch xây dựng hàng loạt các đập thủy điện trên sông Mê Kông của Lào.
Đập thủy điện trên sông Mekong
Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu điện
ngày càng nghiêm trọng trong những năm tới, ước tính sẽ lên mức 3,7 tỷ kWh vào
năm 2021 và gần 10 tỷ kWh vào năm 2022. Ngoài nguyên nhân nhu cầu tăng do tăng
trưởng kinh tế, một số yếu tố khác cũng đã góp phần dẫn tới sự thiếu hụt này.
Thứ
nhất, trong số 60 nhà máy điện lớn đang được xây dựng,
35 dự án với tổng công suất 39.000 MW đang phải đối mặt với tình trạng chậm tiến
độ từ một đến năm năm. Việc Quốc hội Việt Nam hồi năm 2016 thông qua việc dừng
kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân cũng dẫn đến những thay đổi bất ngờ
trong quy hoạch phát triển nguồn điện của cả nước.
Thứ
hai, các dự án mới đang gặp khó khăn vì chính phủ không
còn cấp bảo lãnh tín dụng cho các nhà máy điện. Do đó, các nhà phát triển điện
lớn của Việt Nam như EVN, PetroVietnam và Vinacomin hiện phải dựa vào các khoản
vay thương mại tốn kém hơn để tài trợ cho các dự án của mình. Do đó, thu xếp
tài chính cho các dự án mới mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành.
Thứ
ba, do chất lượng không khí suy giảm ở Hà Nội và Thành
phố Hồ Chí Minh cũng như việc chính phủ nhấn mạnh hơn vào năng lượng tái tạo đã
khiến Việt Nam tìm cách giảm phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than tuy rẻ
nhưng gây ô nhiễm, hiện chiếm khoảng 41% tổng sản lượng điện của Việt Nam. Các
nguồn năng lượng sạch hơn, như các nhà máy điện khí hay các trang trại điện mặt
trời và điện gió, hiện được ưu tiên trở thành các nguồn điện thay thế.
Tuy nhiên, các nhà máy điện khí rất tốn kém và Việt
Nam chưa có các kho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để phục vụ cho các nhà máy
như vậy. Trong khi đó, mặc dù các trang trại điện gió và điện mặt trời xây dựng
nhanh hơn nhưng công suất của chúng khá hạn chế. Dù Việt Nam hiện là nước đi đầu
về năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á, tổng công suất của 82 trang trại điện mặt
trời đang hoạt động tới cuối tháng 6 năm 2019 chỉ là 4.464MW, chiếm 8,28% tổng
sản lượng điện của cả nước. Việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo mới
trong tương lai sẽ phải đối mặt với thách thức do mức giá mua điện mà chính phủ
phê duyệt thấp hơn cũng như việc Việt Nam chậm nâng cấp hệ thống truyền tải điện
nhằm hấp thụ lượng điện bổ sung từ các dự án này.
Để giải quyết tình trạng thiếu điện trong ngắn hạn
và trung hạn, Việt Nam sẽ phải tăng nhập khẩu điện từ các nước láng giềng, đặc
biệt là Lào. Tuy nhiên, lựa chọn này đặt ra cho Việt Nam một vấn đề nan giải
trong cách đối phó với các kế hoạch của Lào nhằm xây dựng thêm các đập thủy điện
trên sông Mê Kông và các phụ lưu. Do lo ngại về tác động môi trường đối với đồng
bằng sông Cửu Long, Việt Nam từ lâu đã phản đối kế hoạch của Lào nhằm xây dựng
ít nhất 9 đập thủy điện lớn dọc theo con sông này. Mặc dù hai nước có mối quan
hệ thân thiết, cho đến nay Việt Nam vẫn không thể thuyết phục được Lào xem xét
lại kế hoạch của mình.
Sự kiên định của Lào, nay cộng với tình trạng thiếu
điện ngày càng tăng của Việt Nam, dường như đã khiến Hà Nội dần cân nhắc một
cách tiếp cận mới. Ví dụ, vào tháng 6 năm 2019, PV Power, một công ty con của
PetroVietnam, đã tổ chức một cuộc hội thảo để thảo luận việc tham gia vào dự án
đập thủy điện Luang Prabang trên sông Mê Kông. PV Power được cho là đang nắm giữ
38% cổ phần của dự án. Một số chuyên gia cho rằng do Việt Nam không thể ngăn cản
Lào xây dựng các con đập, sẽ là một điều khôn ngoan nếu Việt Nam tham gia vào
các dự án này để kiểm soát việc thiết kế và vận hành các con đập nhằm giảm thiểu
tác động môi trường lên đồng bằng sông Cửu Long. Cách tiếp cận này mang tính thực
dụng và có lẽ là giải pháp tốt nhất đối với Việt Nam vào lúc này, nhưng nó cũng
không hoàn hảo. Việt Nam không thể tham gia vào tất cả các dự án và việc tham
gia vào bất kỳ dự án nào trong số đó cũng sẽ làm suy yếu lập luận của Việt Nam
khi phản đối các dự án tương tự ở Lào và các nước khác.
Về lâu dài, Việt Nam cần tự giải quyết các vấn đề của
mình để đảm bảo một nguồn cung điện bền vững, giá cả phải chăng và thân thiện
hơn với môi trường để phục vụ sự phát triển của đất nước. Ngay cả khi Việt Nam
tham gia vào một số dự án xây dựng đập thủy điện ở Lào, chúng ta vẫn cần
tiếp tục phản đối việc xây dựng các con đập mới trên sông Mê Kông. Trong trường
hợp Lào quyết định tiến hành xây dựng các đập mới, chúng ta cần phải yêu cầu
Lào lựa chọn các thiết kế đập và công nghệ thủy điện phù hợp để giảm thiểu tác
động môi trường. Xét cho cùng, đồng bằng sông Cửu Long rất quan trọng đối với
an ninh lương thực của không chỉ Việt Nam mà còn của cả khu vực.
---------------------
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng
trên ISEAS
Commentary.
No comments:
Post a Comment