Kaushik Basu - Project Syndicate
Mai
Vũ Phạm dịch
04/01/2020
MUMBAI – Tôi viết bài này không phải trên cương vị của
một kinh tế gia chuyên nghiệp, cũng không phải là một nhà hoạch định chính
sách, mà là công dân của một hành tinh nhỏ bé đang quay cuồng trong một vũ trụ
rộng lớn mà chúng ta dường như chưa thể hiểu được hết.
Khi những hy vọng khôn ngoan chấm dứt
Trong một thập kỷ của yếu kém và gian trá
Làn sóng của giận dữ và sợ hãi
Lan truyền khắp nơi
Làm u ám trái đất.
Từ 80 năm trước, vào ngày 1 tháng 9
năm 1939, nhà thơ W.H. Auden đã viết những dòng chữ đó trong một bài thơ.
Vào lúc này, chúng ta cũng đang nhìn thấy một điều tương tự.
Khi thập niên hiện tại sắp kết thúc, nhiều phần của
thế giới đang bị nhấn chìm trong xung đột, các nền dân chủ ổn định đột nhiên bị
phá vỡ, và xã hội ngày càng bị chia rẽ bởi chủng tộc, tôn giáo, và hệ tư
tưởng chính trị. Và khi trái đất ấm lên, hàng triệu người buộc phải di chuyển để
tìm kiếm sự sống còn và cơ hội. Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa phân
biệt chủng tộc hẹp hòi đang ngăn cản họ làm điều đó.
Tôi không đủ ngu ngốc để chắc chắn rằng, tất cả điều
này rồi sẽ qua. Mặc dù lịch sử cho thấy thế giới có thể được phục hồi sau thảm
họa chính trị và môi trường, nhưng lần này chúng ta có thể không thể phục hồi để
tiếp tục phát triển. Giống như nhà thơ Auden viết vào năm 1939, chúng ta phải
chấp nhận rằng mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều so với hiện tại.
Chúng ta không được từ bỏ hy vọng. Đây không
chỉ là thời khắc nguy hiểm, mà còn đầy bất ổn. Thế giới chúng ta đang ở ngã tư,
khi mà một ngã rẽ có thể tạo ra toàn bộ sự khác biệt. Do đó, sự khởi đầu của một
thập kỷ mới là dịp để chúng ta xem xét và suy ngẫm. Tại sao các nền dân chủ
lâu đời đang gây ra phẫn nộ, giận dữ, và cơn điên chính trị vốn có thể phá
hủy nền tảng của thể chế dân chủ? Tại sao các chính sách kinh tế quen thuộc
đang thất bại, tạo tiền đề cho tranh chấp thương mại, thất nghiệp gia tăng,
chính sách tiền tệ sa sút và bất bình đẳng tăng cao?
Những thời khắc như vậy đã từng xảy ra trong suốt lịch
sử. Các chuyển đổi của những thời khắc này thường diễn ra chậm rãi và không thể
nhận ra, nhưng thông thường chúng đạt đến đỉnh điểm khi các sai phạm rõ rệt xuất
hiện. Chính trong những thời khắc này, chúng ta cần phải suy ngẫm lại quy luật
của khoa học xã hội, cách hành xử, và sự cân bằng trong các lựa chọn của chúng
ta. Là con người, chúng ta phải từ bỏ sự tự mãn và suy xét lại tình cảnh khó
khăn của chính mình.
Chính xác 10 năm trước khi nhà thơ Auden viết bài
thơ này, thì nhà thống kê kiêm kinh tế gia Harold Hotelling đã công bố một nghiên cứu,
mà sau này có ảnh hưởng vô cùng quan trọng giúp hiểu hơn về nền dân chủ bầu cử.
Báo cáo của Harold Hotelling cho thấy, các chính đảng hoạt động ngày càng giống
nhau hơn, cuối cùng tạo ra viễn cảnh có ít sự khác biệt giữa cánh “hữu” và cánh
“tả”. Học thuyết này ngụ ý rằng theo thời gian, tất cả các chính trị gia sẽ chỉ
tập trung phục vụ cử tri trung vị. Kết quả có thể bị chỉ trích là nhàm chán,
không mạo hiểm.
Công trình nghiên cứu của Hotelling cũng đã thiết lập
ra mô hình về kinh tế chính trị trong thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Những tiến bộ
đột phá của toàn cầu hóa và công nghệ đã tạo nên những thay đổi. Tuy nhiên, hiện
tại, các sai phạm đã xuất hiện. Nghĩa là đã đến lúc phải suy xét lại mô hình
dân chủ bầu cử. Các chính đảng đương thời, phản ánh và củng cố một thế giới được
định nghĩa bởi giận dữ và ganh ghét, đang thay đổi theo xu hướng cực đoan.
Một hệ quả rõ rệt của toàn cầu hóa và công nghệ là
các chính sách và quyết định được đề ra ở một đất nước lại có ảnh hưởng sâu sắc
đến các nước khác. Ai trở thành tổng thống Mỹ có thể rất quan trọng đối với người
Mexico. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bơm tiền vào thị trường tài chính, thì cả
thế giới cảm nhận được điều đó. Sự điều chỉnh tỷ giá hối đoái của Trung Quốc
cũng có thể ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người ở các châu lục khác. Nếu
dân chủ là có tiếng nói trong các cuộc bầu cử, thì toàn cầu hóa và chia rẽ
chính trị, khiến dân chủ không thể tránh khỏi sự suy yếu.
Trong hoàn cảnh hiện tại, người ta xem quá trình dân
chủ như là một công cụ để bảo vệ lợi ích nhỏ nhen của riêng họ.
Điều trớ trêu là các cử tri ở nhiều quốc gia hiện đang bầu cho các chính trị
gia, không chỉ chống lại toàn cầu hóa, mà còn chống lại thể chế dân chủ.
Đã đến lúc lập ra một kế hoạch mới. Các nhà hoạch định
chính sách, nhà khoa học, và kinh tế gia đang bận rộn với công việc của họ.
Nhưng tất cả các công dân của hành tinh xanh này có nhiệm vụ giúp ngăn chặn một
thập kỷ còn đen tối hơn trước. Để có thể làm được điều đó, chúng ta cần bỏ qua
lợi ích cá nhân. Chúng ta cần một khuôn mẫu đạo đức, bao gồm sự đồng
cảm với những người khác chúng ta và cho các thế hệ tương lai. Chúng ta cần
một tâm trí thông suốt và lòng can đảm để suy nghĩ cho chính mình. Như nhà thơ
Auden đã khuyên, chúng ta không được bỏ cuộc trước sự dối trá của chính quyền.
Chúng ta phải cất lên tiếng nói để vạch trần sự dối trá.
_____
Tác
giả: Kaushik Basu hiện là giáo sư Kinh tế tại Đại học
Cornell và học giả cao cấp tại viện Brookings. Ông cũng là cựu kinh tế trưởng Ngân
hàng Thế giới và chuyên gia cố vấn kinh tế cho chính phủ Ấn Độ.
Nguồn :
Dec 27, 2019
No comments:
Post a Comment