Minh Anh - RFI
/ TẠP CHÍ ĐẶC BIỆT
Đăng ngày: 11/01/2020 - 10:02
Cử
tri Đài Loan bầu tổng thống trước áp lực ngày càng lớn từ Trung Quốc ; Phải
chăng tổng thống Mỹ triệt hạ tướng Qassem Soleimani của Iran là để đánh bóng lại
uy tín quân sự của Mỹ trong khu vực ; Tại Pháp, cuộc thương lượng giữa chính phủ
và các nghiệp đoàn về dự luật cải cách hưu bổng vẫn bế tắc. Trên đây là những
chủ đề thời sự nóng bỏng nhất trong tuần này.
Ngày 11/01/2020, Đài Loan tổ chức bầu cử tổng thống
và Quốc Hội mới. Đài Loan cũng là mảnh đất dân chủ sau cùng của thế giới tiếng
Hoa mà Trung Quốc luôn khẳng định là một phần của lãnh thổ. Theo ghi nhận của
thông tín viên đài RFI, Adrien Simorre, tại Đài Bắc, trong một phóng sự dài, áp
lực của Trung Quốc buộc người dân Đài Loan đứng trước hai lựa chọn lớn: Tự do
hay Kinh tế.
Thái Anh Văn vì tự do, độc lập
Cũng giống như Hồng Kông, giới trẻ Đài Loan trưởng
thành trong một nền dân chủ mà cha ông họ đã giành được trong những phong trào
đấu tranh từ nhiều thập niên qua và không chấp nhận sự can dự của chính quyền Bắc
Kinh. Phong trào biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông từ nhiều tháng qua khiến
người dân Đài Loan lo sợ và không tin vào lời đề nghị của Trung Quốc sẽ cho thiết
lập quy chế « Một quốc gia, hai thể chế » một khi Đài Loan hợp
nhất với « đất mẹ » Hoa lục.
Cô Wen Chu thổ lộ: « Từ bao lâu nay, Đài
Loan đấu tranh cho dân chủ, tự do ngôn luận, giống như Hồng Kông hiện nay. Cho
nên, tôi nghĩ là nếu chúng tôi bầu chọn không đúng ứng viên trong cuộc bầu cử
ngày 11 tháng Giêng này, và nếu ứng viên thân Bắc Kinh đắc cử, Đài Loan rồi
cũng sẽ giống như Hồng Kông ».
Phong trào Hoa Hướng Dương của sinh viên chiếm đóng
Nghị Viện trong vòng hai tuần bùng nổ ngày 18/03/2014, vẫn còn in đậm trong tâm
trí những người ủng hộ độc lập. Họ phản đối « thỏa thuận tự do mậu dịch
Trung Quốc - Đài Loan », bị cáo buộc là tạo thuận lợi cho Trung Quốc mở
rộng ảnh hưởng.
Chen Wei-ting, từng tham gia phong trào Hoa Hướng
Dương, nhớ lại: « Chúng tôi nghĩ là thỏa thuận này ảnh hưởng đến vấn đề
chủ quyền lãnh thổ. Bởi vì, đó cũng chính là những gì đã xảy ra cho Hồng Kông hồi
năm 2004. Đặc khu này đã có cùng một kiểu thỏa thuận với Bắc Kinh. Vì vậy,
chúng tôi cho rằng đây chính là một bước để tiến đến hợp nhất Đài Loan với
Trung Quốc ».
Hàn Quốc Du vì lợi ích kinh tế
Nhưng cái giá phải trả cho việc đòi độc lập không phải
là nhỏ. Lập trường cứng rắn của nữ tổng thống mãn nhiệm Thái Anh Văn, thuộc đảng
Dân Tiến, khiến cho quan hệ giữa Đài Bắc và Bắc Kinh ngày càng trở nên căng thẳng
và có những tác động tiêu cực với nền kinh tế của hòn đảo tự trị. Trung Quốc thời
Tập Cận Bình không còn những lời lẽ « nhẫn nại » nữa mà ngày
càng trở nên cứng rắn, không ngần ngại dọa dùng vũ lực để tái chiếm Đài Loan.
Đây cũng chính là điểm để cho phe đối lập, Quốc Dân
Đảng, chỉ trích bà Thái Anh Văn. Những người ủng hộ Quốc Dân Đảng quan niệm rằng
lợi ích kinh tế là trên hết. Tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực dịch vụ như du lịch,
khách sạn, hay thương mại bị sụt giảm, việc làm bị mất do Trung Quốc hạn chế
công dân đến hòn đảo tự trị này du lịch.
Theo lập luận của những người ủng hộ ứng viên Quốc
Dân Đảng, họ hy vọng rằng một khi đắc cử, ông Hàn Quốc Du sẽ cải thiện được mối
quan hệ với Bắc Kinh. Đòi độc lập, tự do ngôn luận là « điều ngu xuẩn ».
Cô Pei Xing cho rằng trách nhiệm này thuộc về chính phủ bà Thái Anh Văn hiện
nay.
« Tôi có thể mất kiểu tự do nào mới được?
Hãy nhìn những người Trung Quốc kia kìa, họ vẫn có thể tự do đi ra nước ngoài để
tham quan, ăn uống, lái xe đi chơi… Nếu như tôi chẳng làm tổn hại ai, thì tôi sẽ
mất những quyền tự do nào? Tôi có thấy gì đâu. Chừng nào cuộc sống của tôi được
cải thiện thì tôi nghĩ rằng đây mới là một tin tốt lành! »
Cuộc bầu cử chưa diễn ra nhưng cuộc chiến thông tin
giữa Trung Quốc và Đài Loan đã trở nên dữ dội. Một phóng sự khác của RFI, do
thông tín viên Stephane Lagarde thực hiện, cho thấy giới chức Đài Loan hiện
quan ngại tác động của một cuộc chiến gây ảnh hưởng thông qua các mạng xã hội đối
với kết quả cuộc bầu cử ngày thứ Bảy 11/01.
Nhiều tổ chức phi chính phủ đã được huy động để chống
« fake news » (tin giả). Các trang mạng xã hội như Facebook,
Twitter giám sát chặt chẽ cuộc chiến tin giả cũng như những tuyên bố giả mạo từ
các ứng viên … Trong khi chờ đợi kết quả bầu cử, một chiến thắng vang dội của
bà Thái Anh Văn có lẽ sẽ là một câu trả lời thích đáng của người dân Đài Loan
dành cho những hành động dọa dẫm từ Bắc Kinh.
Mỹ hạ tướng Iran để phục hồi uy tín quân sự?
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran vẫn tiếp tục là tâm điểm
bàn luận tại Pháp. Hoa Kỳ ngày 03/01/2020 đã dùng drone để triệt hạ tướng
Qassem Soleimani trên lãnh thổ Irak. Chính quyền Teheran, ngay sau tang lễ của
tướng Soleimani, đã cho nã 22 tên lửa hành trình nhắm vào hai căn cứ quân sự của
Irak có lính Mỹ đồn trú.
Nếu như thế giới tạm thời thở phào nhẹ nhõm sau khi
cả Mỹ và Iran đều tỏ thái độ hòa hoãn, thì những lời giải thích từ Nhà Trắng biện
minh cho việc triệt hạ tướng Qassem Soleimani tại Irak – chiến lược gia đáng gờm
của Iran – là nhằm bảo vệ các lợi ích của Mỹ tại Trung Đông dường như vẫn chưa
thỏa mãn được sự hiếu kỳ của công luận.
Câu hỏi « Vì sao tổng thống Trump quyết định
lao vào cuộc “phiêu lưu” quân sự này tại Irak ? » vẫn được nhiều báo
đài tìm cách giải đáp. Trên đài phát thanh France Culture, chuyên gia Alexandra
de Hoop Scheffer, nhà chính trị học, chuyên gia về Hoa Kỳ và các mối quan hệ
xuyên Đại Tây Dương và các thách thức về địa chính trị, thuộc Think Tank German
Marshall Fund of the United States tại Paris, đưa ra một cách lý giải khá thú vị
:
« Theo như cách tổng thống Trump trình bày,
đó chẳng qua là cách hồi phục uy tín quân sự của Mỹ trước Iran, khôi phục sức mạnh
răn đe của Mỹ trong khu vực. Ở đây, cũng nên nhắc lại sự việc trong bối cảnh
Iran đã nhiều lần tấn công các drone của Mỹ, các cơ sở khai thác và chế biến dầu
hỏa của Ả Rập Xê Út cũng như là các vụ tấn công các tầu chở dầu trong vùng eo
biển Ormuz. Mỗi lần như thế, người ta lại thấy tổng thống Mỹ tỏ ra cực kỳ thận
trọng và không ngừng nhắc lại ʺTôi không muốn chiến tranh với Iranʺ.
Một số cố vấn thân cận nhất của ông Trump cho rằng tổng
thống Trump đã tạo cho Iran, cũng như các đồng minh chiến lược của Mỹ trong khu
vực, cảm giác rằng ông không muốn chiến tranh và do vậy ông đã cho thấy là quá
yếu ớt.
Tôi diễn giải như thế bởi vì hành động đưa ra là quá
mạnh. Quả thật, đây là một giải pháp quá triệt để mà ông Pompeo, ngoại trưởng Mỹ,
và ông Mark Esper, bộ trưởng Quốc Phòng, đã trình bày với tổng thống tại tư
dinh của ông ở Florida trong khoảng thời gian Noel. Và nguyên thủ Mỹ đã chọn
phiên bản triệt để nhất bởi vì đây có lẽ là một hình thức khôi phục sau một chuỗi
ʺkhông phản ứngʺ của Mỹ ».
Pháp: Vì sao thương lượng cải tổ hưu bổng vẫn
bế tắc ?
Cuộc đình công của ngành chuyên chở công cộng tại
Pháp vẫn tiếp tục và bước sang ngày thứ 36. Thứ Năm, ngày 09/01/2020, hơn 200
cuộc biểu tình diễn ra trên khắp cả nước đòi chính phủ rút lại toàn bộ dự án cải
tổ. Vì sao các cuộc thương lượng giữa chính phủ và giới công đoàn vẫn rơi vào bế
tắc, bất chấp các nhượng bộ từ chính phủ của thủ tướng Edouard Philippe?
Theo nhận định của kênh phát thanh France Culture,
những tác nhân khác nhau của cuộc xung đột này, bất kể là giới chức chính trị
hay công đoàn, đều hành động vì những lợi ích và những luận điểm khó thể tương
thích giữa các tác nhân đó.
France Culture đơn cử trường hợp công đoàn CGT, hiện
là tổ chức công đoàn phản đối dự luật cải cách mạnh mẽ nhất. Lãnh đạo nghiệp
đoàn, Philippe Martinez, khăng khăng không muốn cải tổ. Thái độ dứt khoát này của
CGT còn vì lập trường chính trị. Theo truyền thống, nghiệp đoàn này có xu hướng
rất tả, mang hơi hướm cộng sản, xem chính phủ hiện nay như là sự hóa thân của
phe chủ trương mở rộng tự do, một kẻ thù lớn mà CGT muốn hạ gục bằng bất cứ giá
nào.
Thái độ cứng rắn của CGT còn vì một mối bận tâm khác
: Chỉ trong vòng hai năm, CGT mất đến gần 23.000 thành viên, và không còn là
nghiệp đoàn hàng đầu tại Pháp nữa. Những thành viên còn lại là những người cứng
rắn và có tư tưởng cực đoan hơn. Do vậy, Philippe Martinez, nếu muốn bảo vệ
tính chính đáng của mình, đành phải có những tuyên bố ngày càng không nhân nhượng.
Tương tự, bất đồng quan điểm trong nội bộ công đoàn
cấp tiến CFDT cũng gây khó khăn cho lãnh đạo Laurent Berger trong các cuộc
thương lượng. Vốn dĩ trung thành với chủ trương ủng hộ cải cách có từ thời ông
Edmond Maire từ cuối những năm 1970, nhưng lãnh đạo CFDT gặp phải sự kháng cự mạnh
mẽ của các công đoàn cơ sở có đường lối cứng rắn. Điều này buộc ông Laurent
Berger cũng phải tỏ ra không nhân nhượng với chính phủ trong một số điểm.
Về phần chính phủ, France Culture ghi nhận có những
bất đồng quan điểm giữa tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Edouard
Philippe.
Nguyên thủ Pháp muốn nhanh chóng thoát khỏi một
trong những cuộc xung đột xã hội dài nhất trong lịch sử nền Đệ Ngũ Cộng Hòa.
Nhưng cải cách vẫn phải được thực hiện để chứng tỏ rằng ông vẫn tiến bước, thể
hiện hình ảnh một vị tổng thống canh tân. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong
triển vọng tái tranh cử tổng thống 2022.
Ngược lại, thủ tướng lập luận rằng ông trung thành với
đường lối của ông Alain Juppé, đô trưởng Bordeaux, được đưa ra trong chương
trình tranh cử sơ bộ tại đảng Những Người Cộng Hòa năm 2016. Hơn nữa, hình ảnh
để lại sau nhiệm kỳ thủ tướng chiếm một vị thế quan trọng cho tương lai: Đó là
một thủ tướng kiên quyết, có trách nhiệm, không khoan nhượng trước một cánh tả
nào được cho là khoan hòa bởi cử tri cánh hữu và trung hữu. Một hình ảnh mà ông
có thể sẽ phải cần đến trong tương lai, trong cuộc bầu cử tổng thống 2022 hay
2027 chẳng hạn.
Không biết kiểu tranh đua giữa các tác nhân chính trị
và nghiệp đoàn đến hồi nào mới kết thúc, nhưng có một điều chắc chắn là người sử
dụng phương tiện công cộng vẫn sẽ tiếp tục khốn khổ đua giành « chỗ đứng »
trên các chuyến tầu hay xe buýt mỗi ngày để đến công sở.
No comments:
Post a Comment